Torsemide: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ

Thông tin cơ bản về torsemide
- Torsemide có cả phiên bản biệt dược và thuốc gốc. Biệt dược là Demadex.
- Torsemide có hai dạng bào chế là dạng viên nén để dùng qua đường uống và dạng lỏng để tiêm tĩnh mạch. Dạng tiêm tĩnh mạch chỉ được sử dụng tại cơ sở y tế.
- Torsemide được dùng để điều trị tăng huyết áp. Thuốc này còn được dùng để điều trị phù nề (tích nước) do suy tim, bệnh gan và bệnh thận.
Cảnh báo quan trọng
- Nguy cơ tụt huyết áp: Torsemide có thể gây hạ huyết áp tư thế đứng. Đây là tình trạng huyết áp giảm thấp gây chóng mặt hoặc choáng váng khi đứng dậy từ tư thế ngồi hoặc nằm. Tình trạng này phổ biến hơn trong thời gian đầu sử dụng torsemide. Để tránh hạ huyết áp tư thế đứng, hãy đứng dậy từ từ.
- Nguy cơ xảy ra vấn đề về tai: Torsemide có thể gây ù tai và mất thính lực. Tình trạng này thường tự hết sau khi ngừng dùng thuốc.
- Nguy cơ mất nước và mất điện giải: Cần chú ý đến các triệu chứng mất nước và mất điện giải trong thời gian dùng torsemide, gồm có:
- Khô miệng
- Khát nước
- Kiệt sức
- Đau cơ hoặc mệt mỏi
- Buồn nôn
- Nôn mửa
- Cảnh báo về việc ngừng thuốc đột ngột: Không được tự ý ngừng dùng torsemide mà không trao đổi trước với bác sĩ. Việc ngừng thuốc đột ngột có thể khiến huyết áp tăng vọt. Điều này có thể làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.
Torsemide là thuốc gì?
Torsemide là một loại thuốc kê đơn được dùng để điều trị tăng huyết áp và ngoài ra còn được dùng để điều trị phù nề (tích nước) do các bệnh lý như bệnh tim mạch, bệnh gan và bệnh thận.
Torsemide có hai dạng bào chế là dạng viên nén và dạng tiêm tĩnh mạch. Dạng tiêm tĩnh mạch chỉ được sử dụng tại các cơ sở y tế.
Torsemide được bán dưới tên thương mại (biệt dược) là Demadex và cũng có cả phiên bản thuốc gốc. Thuốc gốc thường có giá thấp hơn biệt dược nhưng đôi khi không đa dạng về hàm lượng và dạng bào chế như biệt dược.
Torsemide có thể được dùng kết hợp với các thuốc khác.
Nhóm thuốc và cơ chế tác dụng
Torsemide thuộc nhóm thuốc lợi tiểu. Nhóm thuốc là tập hợp các loại thuốc có công dụng và cơ chế tác dụng giống nhau.
Torsemide làm cho thận bài tiết nhiều nước và chất điện giải hơn, bao gồm cả natri clorua (sodium chloride). Điều này giúp loại bỏ lượng nước dư thừa trong cơ thể, nhờ đó làm giảm phù nề và hạ huyết áp.
Tác dụng phụ của torsemide
Torsemide không gây buồn ngủ nhưng có thể gây ra các tác dụng phụ khác.
Tác dụng phụ phổ biến
Các tác dụng phụ thường gặp của torsemide gồm có:
- Đi tiểu nhiều
- Đau đầu
- Ho
- Đau họng
- Mất thính lực
- Ù tai
- Đau bụng
- Táo bón
- Tiêu chảy
- Mệt mỏi, kiệt sức
- Khát nước quá mức
Nếu những tác dụng phụ này chỉ ở mức độ nhẹ thì thường sẽ tự hết trong vòng vài ngày đến vài tuần. Nhưng nếu các tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc kéo dài thì bạn cần báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ.
Tác dụng phụ nghiêm trọng
Báo ngay cho bác sĩ nếu bạn gặp tác dụng phụ nghiêm trọng trong thời gian dùng torsemide. Gọi cấp cứu hoặc đến ngay cơ sở y tế nếu các triệu chứng có vẻ nguy hiểm. Một số tác dụng phụ nghiêm trọng của torsemide và các triệu chứng gồm có:
- Mất nước. Các triệu chứng gồm có:
- Buồn ngủ
- Lú lẫn
- Yếu cơ
- Tim đập nhanh
- Sụt cân nhanh chóng, không rõ nguyên nhân
- Đau ngực
- Khó thở hoặc khó nuốt
- Nổi mụn nước hoặc bong tróc da
- Nổi mề đay, phát ban trên da hoặc ngứa
- Nôn ra máu
Tương tác thuốc
Torsemide có thể tương tác với một số loại thuốc khác, vitamin, thực phẩm chức năng và thảo dược. Tương tác thuốc có thể làm thay đổi tác dụng của thuốc trong cơ thể, dẫn đến giảm hiệu quả của thuốc hoặc làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng bất lợi.
Bạn cần cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc đang dùng, bao gồm cả thuốc kê đơn lẫn thuốc không kê đơn cũng như thực phẩm chức năng và thảo dược. Điều này sẽ giúp bác sĩ kê loại thuốc phù hợp và tránh xảy ra tương tác thuốc.
Dưới đây là một số loại thuốc có thể tương tác với torsemide.
Salicylate
Dùng torsemide cùng với liều cao các loại thuốc nhóm salicylate có thể khiến cho nồng độ salicylate trong máu tăng cao đến mức nguy hiểm. Bác sĩ sẽ cho biết liệu bạn có thể dùng các loại thuốc này cùng nhau hay không. Ví dụ về các loại thuốc trong nhóm salicylate gồm có aspirin.
Cholestyramine
Cholestyramine có thể làm giảm sự hấp thụ torsemide trong cơ thể. Nếu phải dùng cholestyramine thì nên uống thuốc này trước khi uống torsemide 4 tiếng hoặc sau khi uống torsemide 1 tiếng.
Probenecid
Probenecid có thể làm giảm hiệu quả của torsemide.
Lithium
Dùng torsemide trong khi dùng lithium sẽ làm tăng nguy cơ ngộ độc lithium.
Các cảnh báo khác
Nguy cơ dị ứng
Torsemide có thể gây ra phản ứng dị ứng nghiêm trọng. Các triệu chứng gồm có:
- Khó thở
- Sưng cổ họng hoặc lưỡi
- Nổi mề đay
Nếu có những triệu chứng này, hãy gọi cấp cứu hoặc đến ngay bệnh viện gần nhất. Không được tiếp tục dùng thuốc khi đã bị dị ứng. Tiếp tục dùng thuốc có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Tương tác với đồ uống có cồn
Uống rượu bia sẽ làm tăng nguy cơ tụt huyết áp và chóng mặt do torsemide. Bạn nên hỏi bác sĩ xem có thể uống rượu bia khi dùng loại thuốc này hay không.
Cảnh báo đối với những người có một số vấn đề sức khỏe nhất định
Đối với người bị bệnh gan: Torsemide có thể gây mất cân bằng nước và chất điện giải và có thể gây ra bệnh não - gan. Nếu bạn có vấn đề về gan, hãy cho bác sĩ biết để bác sĩ kê loại thuốc phù hợp.
Đối với những người bị bệnh não - gan: Những người mắc bệnh não - gan không nên dùng torsemide. Loại thuốc này có thể khiến cho tình trạng bệnh não - gan trở nên nghiêm trọng hơn.
Đối với người bị bệnh gout: Torsemide có thể gây ra cơn gout cấp ở người mắc bệnh gout. Nếu bạn bị bệnh gout, hãy cho bác sĩ biết để bác sĩ kê loại thuốc phù hợp.
Đối với người bị bệnh tim mạch: Torsemide có thể làm giảm nồng độ kali trong máu. Điều này có thể làm tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim. Nguy cơ sẽ cao hơn nếu bạn còn đang dùng digoxin hoặc corticoid hoặc bị xơ gan. Có thể bạn sẽ phải làm xét nghiệm kali máu định kỳ trong thời gian dùng torsemide.
Đối với người bị tiểu đường: Torsemide có thể làm tăng lượng đường trong máu và làm giảm khả năng kiểm soát bệnh tiểu đường.
Cảnh báo đối với các nhóm đối tượng khác
Đối với phụ nữ mang thai: Cục kiểm soát Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã đưa ra một hệ thống phân loại thuốc dựa trên mức độ nguy hiểm khi dùng trong thai kỳ. Theo đó, torsemide được xếp vào nhóm B, có nghĩa là các nghiên cứu trên động vật không cho thấy rủi ro đối với bào thai khi mẹ dùng thuốc nhưng chưa có đủ nghiên cứu trên người để kết luận tính an toàn khi sử dụng trong thai kỳ.
Hãy cho bác sĩ biết nếu bạn đang mang thai hoặc có ý định mang thai. Chỉ nên sử dụng torsemide trong thời kỳ mang thai nếu lợi ích lớn hơn rủi ro.
Đối với phụ nữ đang cho con bú: Chưa rõ torsemide có đi vào sữa mẹ hay không. Nếu có, thuốc có thể gây ra tác dụng phụ ở trẻ sơ sinh bú mẹ.
Hãy cho bác sĩ biết nếu bạn đang cho con bú để bác sĩ kê loại thuốc phù hợp.
Đối với người cao tuổi: Khi có tuổi, cơ thể sẽ xử lý thuốc chậm hơn. Nếu dùng liều bình thường, nồng độ torsemide trong máu có thể sẽ quá cao và điều này làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ. Do đó, đối với người cao tuổi, bác sĩ thường kê liều thấp hơn hoặc điều chỉnh tần suất dùng thuốc.
Đối với trẻ em: Torsemide chưa được nghiên cứu ở trẻ em. Không nên dùng thuốc này cho người dưới 18 tuổi.
Dạng bào chế và hàm lượng
Thuốc gốc: torsemide
- Dạng bào chế: viên nén
- Hàm lượng: 5mg, 10mg, 20mg và 100mg
Biệt dược: Demadex
- Dạng bào chế: viên nén
- Hàm lượng: 5mg, 10mg, 20mg và 100mg
Liều dùng
Liều dùng, dạng thuốc và tần suất dùng thuốc sẽ phụ thuộc vào:
- Tuổi tác
- Mục đích sử dụng thuốc
- Mức độ nghiêm trọng của tình trạng cần điều trị
- Các bệnh lý khác đang mắc
- Phản ứng sau khi dùng liều đầu tiên
Bác sĩ sẽ kê liều dùng phù hợp nhất cho người bệnh.
Liều dùng để giảm phù nề (tích nước)
Liều dùng cho người lớn (từ 18 – 64 tuổi)
- Phù nề do suy tim sung huyết:
- Liều khởi đầu thông thường: 10mg hoặc 20mg uống một lần mỗi ngày.
- Tăng liều: Bác sĩ có thể tăng gấp đôi liều dùng cho đến khi tình trạng tích nước được kiểm soát.
- Liều tối đa: 200mg mỗi ngày.
- Phù nề do suy thận:
- Liều khởi đầu thông thường: 20mg uống một lần mỗi ngày.
- Tăng liều: Bác sĩ có thể tăng gấp đôi liều dùng cho đến khi tình trạng tích nước được kiểm soát.
- Liều tối đa: 200mg mỗi ngày.
- Phù nề do bệnh gan:
- Liều khởi đầu thông thường: 5mg hoặc 10mg uống một lần mỗi ngày. Bạn có thể cần dùng torsemide cùng với thuốc đối kháng aldosterone hoặc thuốc lợi tiểu giữ kali.
- Tăng liều: Bác sĩ có thể tăng gấp đôi liều dùng cho đến khi tình trạng tích nước được kiểm soát.
- Liều tối đa: 40mg mỗi ngày.
Liều dùng cho trẻ em (0 – 17 tuổi)
Torsemide chưa được nghiên cứu ở trẻ em. Không dùng thuốc này cho ngườ dưới 18 tuổi.
Liều dùng cho người cao tuổi (65 tuổi trở lên)
Hiện chưa có khuyến nghị cụ thể về liều dùng cho người cao tuổi. Người lớn tuổi có thể xử lý thuốc chậm hơn. Liều dùng thông thường cho người lớn có thể khiến nồng độ torsemide cao hơn bình thường trong cơ thể. Nếu bạn là người cao tuổi, bạn có thể cần liều dùng thấp hơn hoặc lịch dùng thuốc khác.
Liều dùng cho bệnh tăng huyết áp (cao huyết áp)
Liều dùng cho người lớn (tuổi từ 18 – 64)
- Liều dùng khởi đầu thông thường: 5mg uống một lần mỗi ngày.
- Tăng liều: Nếu cần, bác sĩ có thể tăng liều lên 10mg sau 4 – 6 tuần.
Liều dùng cho trẻ em (0 – 17 tuổi)
Torsemide chưa được nghiên cứu ở trẻ em. Không nên dùng cho ngườ dưới 18 tuổi.
Liều dùng cho người cao tuổi (65 tuổi trở lên)
Không có khuyến nghị cụ thể nào về liều dùng cho người cao tuổi. Khi có tuổi, cơ thể sẽ xử lý thuốc chậm hơn. Nếu dùng liều bình thường, nồng độ torsemide trong máu có thể sẽ quá cao và điều này làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ. Do đó, đối với người cao tuổi, bác sĩ thường kê liều thấp hơn hoặc điều chỉnh tần suất dùng thuốc.
Dùng thuốc đúng cách
Torsemide có thể được sử dụng ngắn hạn hoặc dài hạn để khắc phục tình trạng tích nước. Thuốc được sử dụng lâu dài để điều trị tăng huyết áp. Bạn cần phải dùng thuốc đúng cách để tránh gặp phải những vấn đề không mong muốn.
Nếu không dùng thuốc: Nếu được kê torsemide để điều trị phù nề do tích nước và không dùng thuốc, tim sẽ phải làm việc nhiều hơn và bạn sẽ bị khó thở do tích tụ nước.
Nếu được kê torsemide để điều trị tăng huyết áp và không dùng thuốc, huyết áp sẽ ở mức cao. Điều này sẽ làm tăng nguy cơ bị đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim.
Nếu ngừng thuốc đột ngột: Không được tự ý ngừng dùng torsemide mà không báo trước cho bác sĩ. Việc ngừng thuốc đột ngột có thể khiến huyết áp tăng vọt. Điều này có thể làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ. Nếu bạn bị suy tim, bệnh gan hoặc bệnh thận, việc ngừng dùng torsemide đột ngột còn có thể gây tích nước.
Nếu dùng thuốc không đúng giờ hàng ngày: Torsemide cần được uống vào cùng một thời điểm hàng ngày. Nếu dùng thuốc không đúng giờ hàng ngày, huyết áp sẽ không được kiểm soát tốt hoặc thậm chí, tình trạng tăng huyết áp có thể trở nên nghiêm trọng hơn. Bạn sẽ có nguy cơ cao bị nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ. Nếu bạn bị suy tim, bệnh gan hoặc bệnh thận, việc dùng thuốc không đều có thể gây tích nước và phù nề.
Phải làm gì nếu quên uống thuốc? Nếu quên uống thuốc, hãy uống ngay khi nhớ ra. Nhưng nếu chỉ còn vài giờ nữa là đến giờ uống liều tiếp theo, hãy bỏ qua liều đã quên và uống liều tiếp theo như bình thường. Không uống gộp hai liều cùng một lúc để bù lại liều đã quên. Điều này có thể gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm.
Nếu dùng thuốc quá liều: Dùng torsemide quá liều có thể gây mất nước và mất cân bằng điện giải. Điều này có thể gây nguy hiểm. Các triệu chứng của tình trạng này gồm có:
- Mệt mỏi, kiệt sức
- Rối loạn nhịp tim
Nếu lỡ uống torsemide quá liều, hãy báo cho bác sĩ. Nếu gặp các triệu chứng nghiêm trọng, hãy gọi cấp cứu hoặc đến bệnh viện gần nhất ngay lập tức.
Làm sao để biết thuốc có hiệu quả hay không? Nếu dùng torsemide để điều trị phù nề và nhận thấy tình trạng sưng phù có cải thiện thì chứng tỏ thuốc có hiệu quả. Nếu dùng torsemide để điều trị tăng huyết áp và huyết áp giảm thì có nghĩa là thuốc có hiệu quả.
Lưu ý quan trọng khi dùng thuốc
Lưu ý chung
- Có thể uống torsemide trước hoặc sau khi ăn.
- Uống torsemide vào cùng một thời điểm mỗi ngày.
- Có thể bẻ hoặc nghiền viên thuốc.
Bảo quản
- Bảo quản torsemide ở nhiệt độ phòng từ 15°C (59°F) đến 30°C (86°F).
- Không được để thuốc trong ngăn đông tủ lạnh.
- Tránh xa ánh sáng.
- Không để thuốc ở những nơi ẩm ướt như phòng tắm.
Mang thuốc khi đi xa
- Vì torsemide cần được sử dụng hàng ngày nên phải luôn mang theo thuốc mỗi khi đi xa.
- Khi đi máy bay, luôn để thuốc trong hành lý xách tay. Không được để thuốc trong hành lý ký gửi.
- Tia X trong máy soi chiếu hành lý sẽ không ảnh hưởng đến thuốc nên không cần lo lắng.
- Để thuốc trong hộp đựng gốc còn nguyên nhãn, có thể kèm theo đơn thuốc của bác sĩ để đề phòng trường hợp nhân viên an ninh tại sân bay yêu cầu kiểm tra.
- Không để thuốc ngoài trời khi thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh.
Theo dõi huyết áp
Nếu có thể, bạn nên mua máy đo huyết áp và tự đo tại nhà thường xuyên. Ghi lại ngày, giờ đo và kết quả mỗi lần đo vào một cuốn sổ và mang theo khi đi khám.
Theo dõi lâm sàng
Trong thời gian sử dụng torsemide, bạn có thể sẽ phải làm xét nghiệm máu định kỳ để kiểm tra chức năng gan và nồng độ một số chất điện giải trong cơ thể.
Chế độ ăn uống
Trong thời gian điều trị bằng torsemide, có thể bạn sẽ phải điều chỉnh chế độ ăn theo khuyến nghị của bác sĩ, chẳng hạn như chế độ ăn ít muối hoặc nhiều kali. Một số loại thực phẩm giàu kali gồm có chuối, khoai tây, cải bó xôi, cam và quả bơ. Bác sĩ sẽ cho biết lượng natri và kali bạn nên tiêu thụ mỗi ngày.

Spironolactone là thuốc kê đơn thuộc nhóm thuốc lợi tiểu, được dùng để điều trị một số bệnh lý, chẳng hạn như tăng huyết áp. Spironolactone có dạng viên nén và dạng hỗn dịch.

Nadolol là loại thuốc được dùng để điều trị tăng huyết áp (huyết áp cao) và đau thắt ngực.

Minoxidil là một loại thuốc đường uống được dùng để điều trị tăng huyết áp.

Lisinopril được dùng để điều trị tăng huyết áp và suy tim. Loại thuốc này còn được dùng để tăng cơ hội sống sót cho người bị nhồi máu cơ tim.