Furosemide dạng viên nén: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ

Furosemide là một hoạt chất và cũng là một loại thuốc gốc. Furosemide được bào chế ở dạng viên nén để dùng qua đường uống.
Furosemide thuộc nhóm thuốc lợi tiểu, hay còn được gọi là thuốc lợi niệu. Nhóm thuốc là những loại thuốc có tác dụng giống nhau.
Bài viết này sẽ cung cấp thông tin về công dụng, liều dùng, tác dụng phụ, tương tác của furosemide dạng viên nén.
Lưu ý, furosemide còn có các dạng bào chế khác là dạng lỏng để tiêm và uống. Bài viết này chỉ nói về furosemide dạng viên nén. Nếu bạn muốn biết thêm về các dạng bào chế khác, hãy trao đổi với bác sĩ hoặc dược sĩ.
Furosemide dạng biệt dược
Furosemide dạng viên nén còn được bán dưới tên thương mại (biệt dược) là Lasix. Để tìm hiểu về loại thuốc này, hãy trao đổi với bác sĩ hoặc dược sĩ.
Furosemide là thuốc gốc, có nghĩa là bản sao chứa cùng một loại hoạt chất như biệt dược.
Tính an toàn và hiệu quả của thuốc gốc và biệt dược là giống nhau nhưng đa phần, thuốc gốc có giá thấp hơn biệt dược.
Tác dụng phụ
Giống như hầu hết các loại thuốc khác, furosemide cũng có thể gây tác dụng phụ, bao gồm cả tác dụng phụ nhẹ và tác dụng phụ nghiêm trọng. Dưới đây là một số tác dụng phụ phổ biến của loại thuốc này. Ngoài ra, furosemide còn có thể gây ra một số tác dụng phụ khác.
Nguy cơ gặp tác dụng phụ, loại và mức độ nghiêm trọng của tác dụng phụ phụ thuộc vào các yếu tố như:
- Tuổi tác của người bệnh
- Tình trạng sức khỏe (các bệnh lý khác đang mắc)
- Các loại thuốc khác mà người bệnh đang dùng
Bác sĩ hoặc dược sĩ sẽ cho biết rõ hơn về các tác dụng phụ của thuốc cũng như các cách giảm thiểu tác dụng phụ.
Tác dụng phụ nhẹ
Dưới đây là một số tác dụng phụ nhẹ mà furosemide có thể gây ra. Để biết thêm các tác dụng phụ nhẹ khác, hãy trao đổi với bác sĩ/dược sĩ hoặc đọc Tờ hướng dẫn sử dụng thuốc.
Các tác dụng phụ nhẹ đã được báo cáo của furosemide gồm có:
- Tiêu chảy
- Đi tiểu nhiều lần
- Táo bón
- Khô miệng
- Buồn nôn hoặc nôn mửa
- Đau đầu
- Chóng mặt
Tác dụng phụ nhẹ của nhiều loại thuốc thường tự hết trong vòng vài ngày đến vài tuần. Nhưng nếu các tác dụng phụ gây khó chịu hoặc kéo dài thì cần phải báo cho bác sĩ.
Tác dụng phụ nghiêm trọng
Furosemide có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng nhưng không phổ biến. Nếu gặp tác dụng phụ nghiêm trọng, hãy báo cho bác sĩ ngay lập tức. Nếu cảm thấy rằng tác dụng phụ có thể gây nguy hiểm đến tính mạng thì cần gọi cấp cứu hoặc đến ngay bệnh viện gần nhất.
Các tác dụng phụ nghiêm trọng đã được báo cáo của furosemide gồm có:
- Mất nước
- Mất cân bằng điện giải, chẳng hạn như hạ natri máu (nồng độ natri trong máu thấp) và hạ canxi máu (nồng độ canxi trong máu thấp)
- Viêm tụy
- Vấn đề về gan, chẳng hạn như bệnh não gan, có thể gây vàng da hoặc tăng nồng độ men gan
- Ù tai và mất thính lực*
- Hạ huyết áp tư thế đứng (huyết áp giảm đột ngột khi đứng dậy)*
- Phản ứng da nghiêm trọng*
- Phản ứng dị ứng*
* Để biết thêm thông tin về các tác dụng phụ này, vui lòng đọc phần “Chi tiết tác dụng phụ” bên dưới.
Chi tiết tác dụng phụ
Ù tai và mất thính lực
Các nghiên cứu cho thấy furosemide có thể làm tăng nguy cơ mắc một số vấn đề về thính giác. Trên thực tế, loại thuốc này có thể gây ù tai và mất thính lực.
Những tác dụng phụ này có thể là tạm thời hoặc vĩnh viễn.
Nguy cơ gặp các vấn đề về thính giác khi dùng furosemide sẽ cao hơn ở những người:
- có vấn đề nghiêm trọng về thận
- đang dùng furosemide liều cao
- dùng furosemide dạng tiêm thay vì dạng viên nén
- đang dùng các loại thuốc khác có tác dụng phụ này
Nếu gặp bất kỳ vấn đề nào về thính giác khi dùng furosemide, hãy báo ngay cho bác sĩ. Bác sĩ sẽ kiểm tra thính giác và yêu cầu làm một số xét nghiệm để xem furosemide có tích tụ trong cơ thể hay không.
Nếu cần, bác sĩ sẽ điều chỉnh liều dùng furosemide hoặc đổi sang loại thuốc khác. Người có một số vấn đề về thính giác nhất định không nên dùng furosemide.
Hạ huyết áp tư thế đứng
Furosemide có thể gây hạ huyết áp tư thế đứng - tình trạng huyết áp giảm đột ngột khi đứng dậy từ tư thế ngồi hoặc nằm. Đây là tình trạng nguy hiểm vì có thể khiến bạn chóng mặt và té ngã.
Trong những trường hợp nghiêm trọng, hạ huyết áp tư thế đứng có thể gây ngất xỉu. Tình trạng này còn có thể gây ra các vấn đề về tim và các vấn đề nghiêm trọng khác.
Người lớn tuổi có nguy cơ bị hạ huyết áp tư thế đứng cao hơn. Nguy cơ gặp phải tình trạng này cũng cao hơn nếu bạn đang dùng các loại thuốc khác có tác dụng phụ này hoặc đang bị mất nước hoặc mất cân bằng điện giải.
Trong thời gian đầu dùng furosemide, hãy cẩn thận khi thay đổi tư thế cho đến khi quen với tác dụng của thuốc. Có thể bác sĩ sẽ đề nghị làm xét nghiệm điện giải đồ và một số xét nghiệm máu khác để đánh giá hiệu quả của furosemide.
Hãy cho bác sĩ biết về bệnh sử và tất cả các loại thuốc mà bạn đang dùng. Dựa trên những thông tin này, bác sĩ sẽ đánh giá nguy cơ bị hạ huyết áp tư thế đứng khi dùng furosemide.
Nếu bạn bị hạ huyết áp tư thế đứng khi dùng furosemide, hãy báo cho bác sĩ. Bác sĩ sẽ đưa ra các biện pháp để khắc phục vấn đề và nếu cần thiết, bác sĩ sẽ kê loại thuốc khác an toàn hơn.
Phản ứng da nghiêm trọng
Furosemide có thể gây phản ứng da nghiêm trọng với các triệu chứng là:
- Nổi mụn nước
- Bong tróc da
- Da mẩn đỏ
- Nổi mề đay
- Ngứa ngáy
Trong một số trường hợp, loại thuốc này có thể gây ra một dạng phản ứng da nghiêm trọng gọi là hội chứng Stevens-Johnson.
Phản ứng da có thể xảy ra khi bị dị ứng với furosemide. Để hiểu rõ hơn về phản ứng dị ứng, vui lòng đọc phần ngay bên dưới. Những người bị dị ứng với thuốc sulfonamide có nguy cơ cao bị dị ứng với furosemide. Những người này có nguy cơ gặp phản ứng da nghiêm trọng cao hơn khi dùng loại thuốc này.
Hãy cho bác sĩ biết nếu bạn bị dị ứng với thuốc sulfonamide hoặc từng bị dị ứng với bất kỳ loại thuốc nào trước đây. Tùy vào loại thuốc bạn bị dị ứng mà bác sĩ sẽ cân nhắc xem furosemide có phù hợp với bạn hay không.
Nếu có các triệu chứng dị ứng trong khi dùng furosemide, hãy báo ngay cho bác sĩ. Bác sĩ sẽ kiểm tra nguyên nhân gây dị ứng và đưa ra cách điều trị.
Nếu gặp các triệu chứng nghiêm trọng như khó thở, hãy gọi cấp cứu hoặc đến ngay bệnh viện gần nhất.
Phản ứng dị ứng
Furosemide có thể gây dị ứng ở một số người.
Các triệu chứng của phản ứng dị ứng nhẹ gồm có:
- Da mẩn đỏ
- Ngứa ngáy
- Đỏ bừng mặt
Mặc dù hiếm nhưng furosemide cũng có thể gây phản ứng dị ứng nghiêm trọng. Các triệu chứng của phản ứng dị ứng nghiêm trọng gồm có sưng dưới da, thường là ở mí mắt, môi, tay hoặc chân, sưng lưỡi, miệng hoặc cổ họng, gây khó thở.
Hãy báo ngay cho bác sĩ nếu bạn bị dị ứng khi dùng furosemide. Nếu có các triệu chứng nghiêm trọng, hãy gọi cấp cứu hoặc đến ngay cơ sở y tế.
Cách dùng và liều dùng thuốc
Bác sĩ sẽ nói rõ về cách dùng thuốc, bao gồm liều dùng và tần suất dùng thuốc. Hãy dùng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.
Đường dùng thuốc và các mức hàm lượng
Furosemide được bào chế dưới dạng viên nén để dùng qua đường uống.
Furosemide dạng viên nén có ba mức hàm lượng là 20mg, 40mg và 80mg.
Furosemide dạng thuốc tiêm và dạng dung dịch uống có các mức hàm lượng khác.
Nếu furosemide dạng viên nén không hiệu quả, bác sĩ có thể sẽ kê một dạng furosemide khác.
Liều dùng
Bác sĩ sẽ chỉ định liều dùng thích hợp, tùy thuộc vào mục đích sử dụng thuốc. Bạn có thể uống furosemide một hoặc hai lần một ngày, tùy vào tình trạng bệnh.
Điều quan trọng là phải uống thuốc đúng liều để thuốc phát huy hiệu quả tốt và tránh gặp phải các tác dụng phụ.
Liều dùng cụ thể phụ thuộc vào các yếu tố như:
- Bệnh lý cần điều trị
- Mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh
- Tuổi tác của người bệnh
- Các vấn đề sức khỏe khác đang mắc
- Các loại thuốc khác đang dùng
Bác sĩ có thể sẽ bắt đầu kê từ liều thấp để xem cơ thể phản ứng như thế nào. Sau đó, nếu thuốc được dung nạp tốt, bác sĩ sẽ tăng liều dần dần để tăng hiệu quả.
Dùng furosemide cùng với các loại thuốc khác
Furosemide có thể được dùng một mình hoặc kết hợp với các loại thuốc khác.
Ví dụ, bác sĩ có thể kê furosemide cùng với các thuốc lợi tiểu khác, chẳng hạn như spironolactone, một loại thuốc lợi tiểu giữ kali. Thuốc lợi tiểu giữ kali có cơ chế tác dụng hơi khác so với furosemide. Nhóm thuốc lợi tiểu này loại bỏ chất lỏng và natri dư thừa ra khỏi cơ thể mà không làm mất kali.
Bác sĩ có thể sẽ giảm liều furosemide nếu cần dùng furosemide chung với các loại thuốc khác có tác dụng tương tự.
Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu dùng bất cứ loại thuốc nào trong thời gian dùng furosemide.
Một số câu hỏi về việc dùng furosemide
- Cần làm gì nếu quên uống thuốc? Nếu quên uống thuốc, hãy uống ngay khi nhớ ra. Nhưng nếu gần đến giờ uống liều tiếp theo, hãy bỏ qua liều đã quên và sau đó uống liều tiếp theo như bình thường. Không uống gộp hai liều cùng lúc để bù cho liều đã quên. Không uống furosemide vào buổi tối và ban đêm, trừ khi bác sĩ yêu cầu. Furosemide làm tăng tần suất đi tiểu nên dùng thuốc vào buổi tối sẽ gây gián đoạn giấc ngủ.
- Có cần phải dùng furosemide trong thời gian dài không? Không có quy định cụ thể về thời gian dùng furosemide. Dựa trên tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ trao đổi về kế hoạch điều trị dài hạn.
- Có thể bẻ hoặc nghiền viên nén furosemide không? Nếu bạn không thể uống cả viên thuốc thì có thể bẻ hoặc nghiền nhỏ viên thuốc. Hoặc bác sĩ cũng có thể sẽ kê furosemide dạng lỏng.
- Uống furosemide trước hay sau khi ăn? Có thể uống furosemide trước hoặc sau khi ăn đều được. Furosemide có thể gây buồn nôn và nôn mửa. Uống thuốc trong hoặc sau khi ăn có thể giúp giảm buồn nôn. Bác sĩ hoặc dược sĩ sẽ cho biết về thời điểm uống thuốc lý tưởng nhất và cách khắc phục các tác dụng phụ của thuốc.
- Mất bao lâu để furosemide phát huy tác dụng? Furosemide bắt đầu phát huy tác dụng trong vòng một giờ sau khi uống. Tuy nhiên, phải sau vài ngày đến vài tuần dùng thuốc thì tình trạng bệnh mới có sự cải thiện rõ rệt. Có thể bạn sẽ phải làm xét nghiệm máu định kỳ trong thời gian dùng furosemide để theo dõi tình trạng bệnh, hiệu quả cũng như tác dụng phụ của thuốc.
Chỉ định
Furosemide là một loại thuốc kê đơn được sử dụng để:
- Điều trị tăng huyết áp ở người lớn. Furosemide có thể dùng một mình hoặc kết hợp với các loại thuốc điều trị tăng huyết áp khác. Nói chung, furosemide thường không được dùng làm phương pháp điều trị đầu tay cho bệnh tăng huyết áp. Furosemide thường được kê sau khi người bệnh đã dùng các loại thuốc khác mà không hiệu quả.
- Giảm phù nề ở người lớn và trẻ em. Cụ thể, furosemide được sử dụng để giảm phù nề do:
- suy tim sung huyết
- bệnh thận
- xơ gan
Furosemide là một loại thuốc lợi tiểu. Loại thuốc này giúp loại bỏ lượng nước dư thừa ra khỏi cơ thể, từ đó giảm phù nề và giảm huyết áp.
Những điều cần cân nhắc trước khi dùng thuốc
Trước khi bắt đầu dùng furosemide, hãy cho bác sĩ biết về tất cả các vấn đề sức khỏe và các loại thuốc mà bạn đang dùng.
Tương tác thuốc
Việc dùng một loại thuốc cùng với loại thuốc khác, vắc-xin, thực phẩm tự nhiên hay thực phẩm chức năng có thể làm thay đổi tác dụng của thuốc trong cơ thể. Điều này được gọi là tương tác thuốc.
Trước khi dùng furosemide, bạn cần cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc (bao gồm cả thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn), vitamin, thảo dược và thực phẩm chức năng mà bạn đang dùng để bác sĩ xem furosemide có phù hợp với bạn hay không.
Tương tác với thuốc hoặc thực phẩm chức năng
Furosemide có thể tương tác với một số loại thuốc, ví dụ như:
- Thuốc chống co giật phenytoin
- Một số loại kháng sinh, chẳng hạn như neomycin, gentamicin, vancomycin, amphotericin B và tobramycin
- Thuốc điều trị ung thư cisplatin và methotrexate
- Thuốc lợi tiểu khác, chẳng hạn như axit ethacrynic
- Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE), chẳng hạn như benazepril, captopril, enalapril và lisinopril
- Thuốc ức chế thụ thể angiotensin II (ARB), chẳng hạn như candesartan, losartan và irbesartan
- Thuốc lithium (điều trị bệnh tâm thần)
- Thuốc ức chế miễn dịch cyclosporine
- Aspirin và thuốc chống viêm không steroid (NSAID), chẳng hạn như indomethacin
- Thuốc hormone tuyến giáp như levothyroxine
- Thuốc trị bệnh tim digoxin
Trên đây chưa phải danh sách đầy đủ. Furosemide còn có thể tương tác với những loại thuốc khác. Bác sĩ sẽ nói rõ hơn về tương tác thuốc khi kê thuốc.
Điều chỉnh chế độ ăn khi dùng thuốc
Furosemide không tương tác với thực phẩm nhưng có thể bạn cần phải giảm lượng muối trong chế độ ăn uống. Lý do là vì tiêu thụ quá nhiều muối sẽ gây tích nước và điều này làm giảm tác dụng của furosemide.
Thực phẩm chế biến sẵn thường có hàm lượng muối cao. Vì vậy, tốt nhất là hạn chế ăn thực phẩm chế biến sẵn một cách tối đa. Ví dụ về các loại thực phẩm chế biến sẵn là đồ hộp, thịt xông khói, thịt muối, mì ăn liền, đồ ăn vặt...
Bác sĩ sẽ cho biết cụ thể về những loại thực phẩm cần tránh khi dùng thuốc.
Cảnh báo
Furosemide có thể không phù hợp hoặc chống chỉ định với những người đang mắc một số bệnh lý nhất định hoặc có các yếu tố khác ảnh hưởng đến sức khỏe.
Furosemide chống chỉ định với những người có tiền sử dị ứng với furosemide hoặc bị vô niệu (thận không tạo ra nước tiểu).
Hãy cho bác sĩ biết về bệnh sử trước khi dùng furosemide, nhất là khi có các vấn đề sức khỏe dưới đây.
- Dị ứng với thuốc sulfonamide (sulfa). Nếu bạn bị dị ứng với thuốc sulfonamide thì khả năng cao là bạn cũng bị dị ứng với furosemide. Hãy cho bác sĩ biết nếu bạn từng bị dị ứng với bất kỳ loại thuốc nào trước đây.
- Dị ứng với furosemide. Không dùng furosemide nếu từng bị dị ứng với loại thuốc này hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc. Bác sĩ sẽ kê loại thuốc khác thay cho furosemide.
- Mất nước. Furosemide là thuốc lợi tiểu, có nghĩa là sẽ giúp loại bỏ lượng nước dư thừa ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, dùng quá nhiều furosemide có thể gây mất nước và mất cân bằng chất điện giải. Những tình trạng này có thể gây nguy hiểm. Nếu bạn đang bị mất nước hoặc mất cân bằng chất điện giải thì sẽ có nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ này cao hơn khi dùng furosemide. Bác sĩ có thể sẽ yêu cầu tái khám định kỳ trong thời gian dùng furosemide để xem bạn có gặp tác dụng phụ hay không. Bác sĩ cũng sẽ đưa ra các cách để tránh bị mất nước.
- Vấn đề về thận. Nếu bạn có vấn đề nghiêm trọng về thận, furosemide sẽ tồn tại trong cơ thể lâu hơn bình thường. Điều này làm tăng tác dụng phụ của thuốc, bao gồm cả tụt huyết áp và các tác dụng phụ nghiêm trọng khác. Ở người có vấn đề về thận, bác sĩ sẽ bắt đầu kê furosemide từ liều thấp để xem cơ thể phản ứng ra sao. Người bị bệnh thận nghiêm trọng không nên dùng furosemide.
- Vấn đề về gan. Nếu có các vấn đề nghiêm trọng về gan, chẳng hạn như xơ gan, bạn có thể sẽ phải dùng furosemide trong bệnh viện. Lý do là vì nồng độ chất điện giải thấp do furosemide có thể làm tăng nguy cơ tổn thương gan nghiêm trọng. Bác sĩ sẽ theo dõi chặt chẽ các tác dụng phụ nghiêm trọng trong thời gian bạn dùng furosemide. Nếu bạn có bất kỳ vấn đề nào về gan, hãy cho bác sĩ biết. Bác sĩ sẽ cân nhắc xem liệu furosemide có phù hợp với bạn hay không và nên dùng liều bao nhiêu để đảm bảo an toàn.
- Bệnh tiểu đường. Nếu bạn bị tiểu đường, furosemide có thể khiến cho lượng đường trong máu càng tăng cao, điều này gây khó khăn cho việc kiểm soát bệnh tiểu đường. Hãy cho bác sĩ biết nếu bạn bị tiểu đường và liệt kê tất cả các loại thuốc mà bạn đang dùng. Bạn sẽ phải theo dõi lượng đường trong máu sát sao hơn trong thời gian dùng furosemide.
- Vấn đề về tuyến giáp. Nếu bạn có vấn đề về tuyến giáp, việc dùng furosemide liều cao có thể khiến tình trạng trở nên trầm trọng hơn. Hãy cho bác sĩ biết nếu bạn mắc bệnh tuyến giáp. Tùy vào loại bệnh và mức độ nghiêm trọng mà bác sĩ sẽ cân nhắc có nên kê furosemide hay không.
- Vấn đề về bàng quang. Nếu bạn có vấn đề về bàng quang, furosemide có thể khiến tình trạng trở nên trầm trọng hơn. Ví dụ về các vấn đề này gồm có phì đại tuyến tiền liệt (gây tiểu không hết, nước tiểu ứ đọng trong bàng quang) và bí tiểu. Hãy cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ vấn đề nào về bàng quang trước khi dùng furosemide. Có thể bác sĩ sẽ kê liều thấp và bạn cần tái khám để theo dõi chức năng bàng quang trong thời gian dùng thuốc. Nếu bạn bị vô niệu thì không thể dùng furosemide.
Có được uống rượu bia khi dùng furosemide không?
Uống rượu bia trong khi dùng furosemide có thể làm tăng một số tác dụng phụ của thuốc, gồm có tụt huyết áp, chóng mặt và té ngã.
Hãy hỏi bác sĩ xem có được uống rượu bia khi dùng furosemide hay không. Nếu bạn bị xơ gan hoặc các bệnh gan nghiêm trọng khác, uống rượu bia có thể khiến tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn. (Furosemide đôi khi được sử dụng cho những người mắc bệnh gan.)
Furosemide có an toàn cho phụ nữ mang thai và cho con bú không?
Chưa rõ liệu furosemide có an toàn khi dùng trong thời kỳ mang thai hay không. Hãy cho bác sĩ biết nếu bạn đang mang thai hoặc có kế hoạch mang thai. Chỉ nên dùng loại thuốc này trong thai kỳ khi lợi ích lớn hơn rủi ro.
Không nên sử dụng furosemide khi đang cho con bú vì loại thuốc này có thể đi vào sữa mẹ và gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng cho trẻ bú mẹ.
Một số câu hỏi thường gặp về furosemide
Cơ chế tác dụng của furosemide là gì? Thời gian bán thải của thuốc là bao lâu?
Furosemide là thuốc lợi tiểu. Các loại thuốc lợi tiểu làm cho thận tạo ra nhiều nước tiểu hơn, từ đó loại bỏ lượng nước dư thừa trong cơ thể. Điều này giúp giảm phù nề và huyết áp.
Furosemide bắt đầu phát huy tác dụng trong vòng một giờ sau khi uống. Thời gian bán thải của furosemide là khoảng 2 giờ, có nghĩa là mất khoảng 2 giờ để một nửa liều thuốc đã uống bị đào thải khỏi cơ thể. Nhưng furosemide vẫn tồn tại trong cơ thể và tiếp tục có tác dụng trong khoảng 6 đến 8 giờ sau khi uống.
Ở những người mắc bệnh thận, thuốc tồn tại trong cơ thể lâu hơn. Do đó, người mắc bệnh thận thường phải dùng liều thấp hơn và tái khám thường xuyên hơn để theo dõi các tác dụng phụ của thuốc..
Furosemide có gì giống và khác với torsemide và bumetanide?
Giống như furosemide, torsemide và bumetanide cũng là thuốc lợi tiểu. Cả hai đều có cả phiên bản biệt dược và thuốc gốc. Phiên bản biệt dược của furosemide là Lasix trong khi phiên bản biệt dược của torsemide là Soaanz và của bumetanide là Bumetanide và Bumex.
Cả torsemide và bumetanide đều được bào chế ở dạng viên nén. Ngoài ra, bumetanide còn có dạng thuốc tiêm.
Cả ba loại thuốc đều thuộc nhóm thuốc thuốc lợi tiểu quai. Điều này có nghĩa là cả ba có cơ chế tác dụng giống nhau. Công dụng, tác dụng phụ, tương tác và cảnh báo cũng tương tự nhau.
Furosemide có gây sụt cân hoặc tăng kali máu không?
Furosemide giúp cơ thể đào thải lượng nước dư thừa và điều này sẽ dẫn đến giảm cân.
Nhưng nếu bạn bị sụt cân nhanh chóng khi dùng loại thuốc này, hãy báo ngay cho bác sĩ. Đó có thể là dấu hiệu mất nước, một tác dụng phụ nghiêm trọng của furosemide. Mất nước là tình trạng lượng chất lỏng trong cơ thể quá thấp. Điều này có thể dẫn đến các phản ứng nguy hiểm.
Furosemide không gây tăng kali máu (nồng độ kali trong máu cao) mà gây hạ kali máu (nồng độ kali trong máu thấp). Điều này xảy ra khi thuốc loại bỏ quá nhiều nước khỏi cơ thể.
Hạ kali máu có thể dẫn đến các vấn đề như:
- Co thắt cơ
- Chán ăn
- Buồn nôn
- Táo bón
- Mệt mỏi, thiếu năng lượng
- Vấn đề về tim, chẳng hạn như nhịp tim bất thường
- Phân hủy của mô cơ
Bạn sẽ phải làm xét nghiệm điện giải và chức năng thận trong thời gian dùng furosemide. Nếu cần, bác sĩ sẽ giảm liều dùng thuốc để tránh xảy ra tác dụng phụ.
Hãy cho bác sĩ biết nếu bạn bị sụt cân hoặc gặp tác dụng phụ nghiêm trọng khi dùng loại thuốc này. Nếu gặp các triệu chứng có vẻ nguy hiểm đến tính mạng, hãy gọi cấp cứu hoặc đến ngay bệnh viện gần nhất.
Người lớn tuổi có dễ gặp tác dụng phụ hơn khi dùng furosemide không?
Người lớn tuổi có thể mắc nhiều bệnh lý cùng lúc và phải dùng các loại thuốc khác cùng với furosemide. Điều này có thể làm tăng nguy cơ gặp tác dụng phụ của furosemide.
Ví dụ, bệnh thận có thể khiến furosemide tích tụ trong cơ thể và làm tăng tác dụng phụ. Và dùng các loại thuốc khác cùng với furosemide có thể xảy ra tương tác thuốc.
Ở những người mắc bệnh thận nghiêm trọng, bác sĩ có thể kê furosemide liều thấp hơn bình thường và người bệnh cần làm xét nghiệm chức năng thận trong thời gian dùng thuốc.
Dùng các thuốc ảnh hưởng đến thận chung với furosemide cũng sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ.
Đó là lý do tại sao cần cho bác sĩ biết về tất cả các vấn đề sức khỏe đang mắc và các loại thuốc đang dùng.
Làm sao để biết furosemide có hiệu quả hay không?
Furosemide giúp loại bỏ lượng nước dư thừa ra khỏi cơ thể. Điều này giúp hạ huyết áp và giảm sưng phù do tích nước.
Khi bắt đầu dùng furosemide, bạn sẽ đi tiểu nhiều hơn bình thường.
Nếu dùng furosemide để giảm phù nề, bạn sẽ nhận thấy tình trạng phù nề giảm đi.
Nếu dùng furosemide để điều trị tăng huyết áp thì cần đo huyết áp để đánh giá hiệu quả của thuốc. Nếu huyết áp giảm thì có nghĩa là thuốc có hiệu quả.
Lưu ý, phải sau một thời gian dùng thuốc thì tình trạng bệnh mới có sự cải thiện rõ rệt. Nếu sau một thời gian dùng thuốc mà tình trạng không cải thiện, bác sĩ sẽ tăng liều hoặc kê loại thuốc khác.
Ngừng dùng furosemide có gây ra triệu chứng cai thuốc không?
Ngừng dùng furosemide không gây ra hội chứng cai thuốc.
Tuy nhiên, không được tự ý ngừng dùng furosemide. Nếu muốn ngừng thuốc, hãy trước trao đổi với bác sĩ. Hãy cho bác sĩ biết về lý do bạn muốn ngừng thuốc. Bác sĩ sẽ hướng dẫn cách ngừng thuốc một cách an toàn và kê các loại thuốc khác để thay thế.
Cần làm gì khi dùng thuốc quá liều?
Không dùng thuốc vượt quá liều mà bác sĩ kê. Dùng thuốc quá liều có thể dẫn đến các tác dụng phụ nguy hiểm, ví dụ như:
- Mất nước
- Mất cân bằng điện giải
- Hạ kali máu
- Hạ clo máu (mất cân bằng pH do nồng độ clo trong máu thấp)
- Tụt huyết áp
- Giảm thể tích máu
Hãy báo ngay cho bác sĩ nếu lỡ uống thuốc quá liều. Nếu có các triệu chứng nghiêm trọng, hãy gọi cấp cứu hoặc đến ngay cơ sở y tế gần nhất.

Torsemide là một loại thuốc kê đơn được dùng để điều trị tăng huyết áp và ngoài ra còn được dùng để điều trị phù nề (tích nước) do các bệnh lý như bệnh tim mạch, bệnh gan và bệnh thận.

Perindopril là một loại thuốc kê đơn được dùng để điều trị tăng huyết áp. Kiểm soát tốt huyết áp khi bị tăng huyết áp giúp giảm nguy cơ xảy ra biến chứng, chẳng hạn như đột quỵ và nhồi máu cơ tim.

Nebivolol được dùng để điều trị tăng huyết áp (cao huyết áp). Thuốc có thể được dùng một mình hoặc kết hợp với các loại thuốc điều trị tăng huyết áp khác.

Spironolactone là thuốc kê đơn thuộc nhóm thuốc lợi tiểu, được dùng để điều trị một số bệnh lý, chẳng hạn như tăng huyết áp. Spironolactone có dạng viên nén và dạng hỗn dịch.

Nadolol là loại thuốc được dùng để điều trị tăng huyết áp (huyết áp cao) và đau thắt ngực.