1

Tăng huyết áp dẫn đến những bệnh tim mạch nào?

Tăng huyết áp là một trong những yếu tố nguy cơ chính gây bệnh tim mạch, gồm có cơ tim phì đại và bệnh mạch vành.
Tăng huyết áp dẫn đến những bệnh tim mạch nào? Tăng huyết áp dẫn đến những bệnh tim mạch nào?

Huyết áp là áp lực máu tác động lên thành mạch. Khi huyết áp ở mức cao, tim sẽ phải làm việc nhiều hơn và theo thời gian, điều này gây ra nhiều vấn đề về tim, gồm có suy tim, cơ tim phì đại, bệnh động mạch vành...

Bệnh tim mạch do tăng huyết áp có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng. Trên thực tế, đây là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở những người bị tăng huyết áp.

Các bệnh tim mạch do tăng huyết áp

Nhìn chung, các vấn đề về tim mạch do tăng huyết áp xảy ra chủ yếu ở động mạch và cơ tim. Hai bệnh tim mạch do tăng huyết áp phổ biến nhất là bệnh động mạch vành và cơ tim phì đại.

Bệnh động mạch vành

Động mạch vành mang máu giàu oxy đến cơ tim. Tăng huyết áp khiến các mạch máu này hẹp lại và làm giảm lưu lượng máu đến tim. Tình trạng này được gọi là bệnh động mạch vành hay bệnh tim mạch vành.

Bệnh động mạch vành khiến tim không thể thực hiện chức năng bơm máu một cách bình thường và lượng máu đến các cơ quan còn lại trong cơ thể sẽ giảm. Bệnh động mạch vành còn làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim do cục máu đông mắc kẹt trong mạch máu bị thu hẹp và cắt đứt dòng máu chảy đến tim.

Cơ tim phì đại

Huyết áp cao khiến tim phải làm việc nhiều hơn bình thường để bơm máu. Giống như các cơ khác trong cơ thể, cơ tim cũng sẽ dày lên sau một thời gian phải hoạt động nhiều.

Điều này làm thay đổi chức năng của tim. Những thay đổi này thường xảy ra ở tâm thất trái – buồng bơm máu chính của tim. Tình trạng này được gọi là phì đại thất trái.

Bệnh mạch vành có thể gây phì đại thất trái và ngược lại. Khi bị bệnh mạch vành, tim phải làm việc nhiều hơn. Khi tình trạng phì đại thất trái trở nên nghiêm trọng, cơ tim sẽ phát triển dày lên, chèn ép lên mạch máu xunh quanh và cản trở dòng máu chảy ra từ tim. Điều này có thể dẫn đến các triệu chứng của bệnh động mạch vành.

Biến chứng của bệnh tim mạch do tăng huyết áp

Cả bệnh mạch vành và phì đại thất trái đều có thể dẫn đến:

  • Suy tim: tim không thể bơm đủ máu đến các bộ phận còn lại của cơ thể
  • Rối loạn nhịp tim: tim đập bất thường
  • Bệnh tim thiếu máu cục bộ: tim không nhận đủ oxy
  • Nhồi máu cơ tim: sự lưu thông máu đến tim bị gián đoạn và tế bào cơ tim chết do thiếu oxy
  • Ngừng tim đột ngột: tim đột nhiên ngừng hoạt động, dẫn đến ngừng thở và mất ý thức
  • Đột quỵ: sự lưu thông máu đến máu bị gián đoạn và tế bào não bị chết
  • Đột tử: tử vong đột ngột

Ai có nguy cơ mắc bệnh tim mạch do tăng huyết áp?

Yếu tố chính làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch do tăng huyết áp là tăng huyết áp. Nguy cơ sẽ càng cao nếu bạn:

  • thừa cân
  • ít vận động
  • hút thuốc
  • ăn nhiều chất béo và cholesterol

Bạn cũng sẽ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn nếu có người thân trong gia đình mắc bệnh. Nam giới có nguy cơ bị bệnh tim mạch cao hơn so với phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Nguy cơ của nam giới và phụ nữ sau mãn kinh là như nhau. Nguy cơ mắc bệnh tim mạch sẽ tăng lên khi có tuổi, bất kể giới tính.

Triệu chứng của bệnh tim mạch do tăng huyết áp

Bệnh tim mạch do tăng huyết áp có nhiều triệu chứng khác nhau, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng và sự tiến triển của bệnh. Thời gian đầu, bệnh có thể không biểu hiện triệu chứng. Nếu có, các triệu chứng thường là:

  • Đau tức ngực
  • Hụt hơi
  • Mệt mỏi
  • Đau ở cổ, lưng, cánh tay hoặc vai
  • Ho dai dẳng
  • Chán ăn
  • Sưng cẳng chân hoặc mắt cá chân

Hãy gọi cấp cứu hoặc đến bệnh viện ngay lập tức khi tim đột nhiên đập nhanh hoặc không đều, bạn bị ngất xỉu hoặc bị đau ngực dữ dội.

Bạn nên khám sức khỏe định kỳ và nếu có thể, hãy đo huyết áp tại nhà thường xuyên để phát hiện sớm bệnh tăng huyết áp. Khi bị tăng huyết áp, hãy để ý đến các thay đổi bất thường trên cơ thể. Đó có thẻ là triệu chứng của bệnh tim mạch.

Phương pháp chẩn đoán bệnh tim mạch do tăng huyết áp

Trước tiên, bác sĩ sẽ khai thác bệnh sử, khám lâm sàng và yêu cầu xét nghiệm máu để đánh giá chức năng thận, nồng độ natri, kali và thành phần máu.

Các công cụ khác để xác định nguyên nhân gây ra các triệu chứng gồm có:

  • Điện tâm đồ: theo dõi và ghi lại hoạt động điện của tim. Máy đo điện tâm đồ có các miếng điện cực được đặt ở ngực, chân và tay của người bệnh. Kết quả sẽ hiển thị trên màn hình và qua đó bác sĩ có thể phát hiện vấn đề bất thường.
  • Siêu âm tim: sử dụng sóng âm để tạo hình ảnh chi tiết về tim.
  • Chụp mạch vành: đánh giá sự lưu thông máu qua động mạch vành. Một ống thông được đưa vào động mạch ở bẹn hoặc cánh tay của người bệnh và sau đó luồn đến tim. Thuốc cản quang được bơm vào ống thông và sẽ làm cho động mạch vành hiện rõ trên ảnh chụp.
  • Nghiệm pháp gắng sức (stress test) tiêu chuẩn: đánh giá hoạt động của tim khi vận động. Người bệnh sẽ phải đạp xe tại chỗ hoặc đi bộ trên máy chạy trong khi kỹ thuật viên đánh giá sự thay đổi về hoạt động của tim.
  • Nghiệm pháp gắng sức hạt nhân: kiểm tra sự lưu thông máu đến tim. Phương pháp này được thực hiện cả khi người bệnh vận động và khi nghỉ ngơi.

Điều trị bệnh tim mạch do tăng huyết áp

Việc điều trị bệnh tim mạch do tăng huyết áp phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh, độ tuổi và bệnh sử.

Dùng thuốc

Có nhiều loại thuốc điều trị bệnh tim mạch. Mục tiêu chính là ngăn ngừa cục máu đông, cải thiện lưu thông máu và giảm cholesterol.

Các nhóm thuốc điều trị bệnh tim mạch chính gồm có:

  • Thuốc lợi tiểu giúp hạ huyết áp
  • Thuốc nitrat để điều trị đau ngực
  • Statin để giảm cholesterol
  • Thuốc chẹn kênh canxi và thuốc ức chế men chuyển (ACE) để giảm huyết áp
  • Aspirin để ngăn ngừa cục máu đông

Điều quan trọng là phải dùng thuốc đúng cách.

Phẫu thuật và thiết bị hỗ trợ

Những trường hợp nghiêm trọng có thể cần phẫu thuật để tăng lưu lượng máu đến tim. Những người bị rối loạn nhịp tim có thể cần phải cấy máy tạo nhịp tim.

Máy tạo nhịp tim là một thiết bị nhỏ chạy bằng pin được cấy ở vùng ngực. Máy truyền xung điện làm cho cơ tim co bóp. Cấy máy tạo nhịp tim là một giải pháp rất hữu ích cho những trường hợp mà cơ tim có hoạt động điện quá chậm hoặc không có.

Đối với những ca rối loạn nhịp tim nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề nghị cấy máy khử rung tim.

Một phương pháp điều trị hẹp tắc động mạch vành là phẫu thuật bắc cầu động mạch vành. Phương pháp này chỉ được thực hiện cho những ca bệnh mạch vành nghiêm trọng. Nếu tình trạng đặc biệt nghiêm trọng, người bệnh sẽ phải ghép tim hoặc các thiết bị hỗ trợ tim khác.

Tiên lượng về lâu dài

Tiên lượng của người mắc bệnh tim mạch do tăng huyết áp phụ thuộc vào bệnh lý cụ thể và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Duy trì lối sống lành mạnh và tuân thủ phác đồ điều trị có thể giúp ngăn chặn hoặc giảm tốc độ tiến triển của bệnh.

Phòng ngừa bệnh tim mạch do tăng huyết áp

Kiểm soát huyết áp là cách hiệu quả nhất để phòng ngừa biến chứng tim mạch do tăng huyết áp. Bên cạnh đó, duy trì mức cholesterol khỏe mạnh cũng rất quan trọng. Duy trì cân nặng khỏe mạnh, lối sống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, ngủ đủ giấc và chế độ ăn tốt cho tim mạch giúp kiểm soát cả huyết áp và mức cholesterol. Tùy vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng mà có thể bạn sẽ phải dùng thuốc để hạ huyết áp và cholesterol.

Một số câu hỏi về bệnh tim mạch do tăng huyết áp

Bệnh tim mạch do tăng huyết áp nghiêm trọng đến mức nào?

Bệnh tim mạch do tăng huyết áp là tình trạng nghiêm trọng cần phải điều trị. Bệnh tim mạch do tăng huyết áp làm tăng nguy cơ tử vong và nguy cơ mắc các bệnh tim mạch khác như suy tim, rung nhĩ và đột quỵ, cũng như bệnh thận mạn tính.

Tổn thương tim do tăng huyết áp có phục hồi được không?

Trong một nghiên cứu vào năm 2016, một người bị tổn thương tim do tăng huyết áp đã khỏi bệnh sau 6 tháng điều trị. Tuy nhiên, không phải lúc nào tổn thương tim do tăng huyết áp cũng phục hồi được. Tuân thủ phác đồ điều trị phù hợp có thể giúp kiểm soát các triệu chứng và ngăn ngừa bệnh tiến triển.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bị tăng huyết áp cần lưu ý những gì khi đi máy bay?
Bị tăng huyết áp cần lưu ý những gì khi đi máy bay?

Nhiều người sợ đi máy bay do sợ độ cao, sợ không gian hẹp hoặc lo sợ xảy ra tai nạn. Đối với những người mắc các bệnh mạn tính như bệnh tim mạch hoặc tăng huyết áp, mỗi chuyến bay lại đi kèm những nỗi lo khác.

Nguyên nhân gây bệnh tăng huyết áp ở người trẻ tuổi
Nguyên nhân gây bệnh tăng huyết áp ở người trẻ tuổi

Mặc dù người trên 65 tuổi có nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp cao hơn nhưng căn bệnh này có thể xảy ra ở độ tuổi trẻ hơn, thậm chí ở độ tuổi 20.

Những thực phẩm tốt cho người bị tăng huyết áp
Những thực phẩm tốt cho người bị tăng huyết áp

Thực hiện chế độ ăn uống tốt cho tim mạch có thể giúp làm giảm huyết áp. Một số chất dinh dưỡng như kali và magie đặc biệt có lợi cho người bị tăng huyết áp.

Các bệnh lý liên quan đến tăng huyết áp
Các bệnh lý liên quan đến tăng huyết áp

Tăng huyết áp có liên quan đến nhiều bệnh lý khác, bao gồm bệnh tim, thận và tuyến giáp. Tuy nhiên cũng có nhiều cách để giảm nguy cơ mắc những bệnh lý này khi bị tăng huyết áp.

Hiểu về bệnh võng mạc do tăng huyết áp
Hiểu về bệnh võng mạc do tăng huyết áp

Bệnh võng mạc do tăng huyết áp xảy ra khi huyết áp cao làm hỏng các mạch máu của võng mạc. Bệnh lý này gây ra những thay đổi về thị lực, sưng mắt và cần phải điều trị.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây