Các bệnh lý liên quan đến tăng huyết áp

Tăng huyết áp được định nghĩa là chỉ số huyết áp tâm thu từ 130 mmHg trở lên và huyết áp tâm trương từ 80 mmHg trở lên.
Tăng huyết áp là khi dòng máu tạo ra áp lực lớn hơn bình thường lên thành động mạch. Tình trạng này sẽ gây tổn hại đến nhiều cơ quan trong cơ thể, gồm có tim, thận và não.
Tăng huyết áp thường không có triệu chứng nhưng có thể dẫn đến nhiều biến chứng. Đôi khi, các biến chứng xảy ra khi người bệnh còn chưa biết mình bị tăng huyết áp. Ngoài ra, khi tăng huyết áp là do một bệnh lý khác gây nên và bệnh lý đó không được kiểm soát, tình trạng tăng huyết áp sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Dưới đây là một số bệnh lý phổ biến có liên quan đến tăng huyết áp.
Tăng huyết áp và bệnh tim
Tăng huyết áp thường liên quan đến các vấn đề về tim, gồm có nhồi máu cơ tim, suy tim và đau thắt ngực.
Huyết áp cao sẽ làm suy yếu động mạch, từ đó làm giảm lượng máu và oxy chảy về tim.
Theo thời gian, các động mạch trong tim có thể bị tắc nghẽn và dẫn đến nhồi máu cơ tim. Suy tim là khi tim không còn khả năng bơm máu một cách hiệu quả.
Đau thắt ngực là tình trạng xảy ra khi tim không nhận được đủ máu.
Tăng huyết áp và béo phì
Những người bị béo phì có nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp cao hơn so với người có cân nặng khỏe mạnh. Trên thực tế, theo một bài báo nghiên cứu vào năm 2020, ước tính 65% đến 78% số trường hợp tăng huyết áp nguyên phát có liên quan đến béo phì.
Tình trạng tăng huyết áp ở người béo phì xảy ra do nhiều nguyên nhân mà đa số đều xuất phát từ lượng mỡ thừa lớn trong cơ thể, gồm có tình trạng kháng insulin và thay đổi nồng độ hormone.
Tăng huyết áp và bệnh thận
Bệnh thận là một biến chứng phổ biến của tăng huyết áp, xảy ra do huyết áp cao làm hỏng các mạch máu ở thận. Điều này làm giảm khả năng lọc máu của thận, dẫn đến ứ đọng chất thải và chất độc hại trong cơ thể.
Ngoài ra, chức năng thận suy giảm còn gây tích nước và điều này sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng tăng huyết áp.
Tăng huyết áp là một trong những nguyên nhân chính gây suy thận ở người lớn. Nguy cơ mắc bệnh thận sẽ càng cao nếu bị cả tăng huyết áp và đái tháo đường.
Tăng huyết áp và hội chứng chuyển hóa
Tăng huyết áp còn liên quan đến hội chứng chuyển hóa, một nhóm các vấn đề làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Các vấn đề trong hội chứng chuyển hóa đều có thể phòng ngừa được.
Một người được chẩn đoán mắc hội chứng chuyển hóa khi có ít nhất 3 trong số các vấn đề sau đây:
- Tăng huyết áp
- Lượng đường (glucose) trong máu cao
- HDL cholesterol thấp
- Triglyceride cao
- Béo phì
Hội chứng chuyển hóa bắt nguồn từ tình trạng kháng insulin.
Hội chứng chuyển hóa có thể khiến cơ thể trở nên nhạy cảm hơn với muối trong chế độ ăn, làm trầm trọng thêm tình trạng tăng huyết áp hoặc tăng nguy cơ mắc các vấn đề về huyết áp.
Tăng huyết áp và chứng ngưng thở khi ngủ
Chứng ngưng thở khi ngủ (tên đầy đủ là ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn) là tình trạng hơi thở gián đoạn nhiều lần trong khi ngủ do đường thở bị thu hẹp. Ngưng thở khi ngủ không chỉ khiến người bệnh thường xuyên thức giấc vào ban đêm và mệt mỏi vào ban ngày mà còn dẫn đến thiếu oxy.
Nếu không được điều trị, chứng ngưng thở khi ngủ sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp. Theo các nhà nghiên cứu, tình trạng hô hấp gián đoạn và thiếu ngủ do ngưng thở khi ngủ sẽ làm tăng huyết áp.
Người bị chứng ngưng thở khi ngủ còn có nguy cơ mắc các bệnh lý khác như tiểu đường, nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
Tăng huyết áp và bệnh tuyến giáp
Một số bệnh tuyến giáp cũng có liên quan đến tăng huyết áp, bao gồm cả cường giáp (tuyến giáp hoạt động quá mức) và suy giáp (tuyến giáp hoạt động kém). Hormone tuyến giáp có tác động đến hầu hết mọi hệ thống trong cơ thể, bao gồm cả hệ tim mạch.
Mặc dù các nghiên cứu vẫn đang tìm hiểu về mối liên hệ chính xác nhưng một đánh giá lâm sàng vào năm 2019 đã cho thấy bệnh tuyến giáp có thể gây ra một số thay đổi dẫn đến tăng huyết áp.
Thứ nhất, sự mất cân bằng hormone tuyến giáp có thể làm thay đổi mức lipid và mạch máu, từ đó ảnh hưởng đến huyết áp. Ngoài ra, một số đột biến di truyền nhất định có thể ảnh hưởng đến bệnh tuyến giáp và cũng dẫn đến tăng huyết áp.
Trong một số trường hợp, triệu chứng đầu tiên của bệnh tuyến giáp là huyết áp tăng cao. Ở những người mắc bệnh tuyến giáp, việc khôi phục sự cân bằng hormone tuyến giáp có thể giúp kiểm soát tăng huyết áp.
Ngăn ngừa tăng huyết áp và các bệnh lý liên quan
Thay đổi lối sống có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp và các biến chứng liên quan:
- Bỏ thuốc lá
- Kiểm soát căng thẳng
- Tập thể dục ít nhất 150 phút mỗi tuần
- Giảm lượng muối trong chế độ ăn uống
- Thực hiện chế độ ăn uống tốt cho tim mạch
- Kiểm soát cân nặng
Khi bị tăng huyết áp, sử dụng thuốc phù hợp và đều đặn sẽ giúp kiểm soát huyết áp và giảm nguy cơ biến chứng. Các loại thuốc điều trị tăng huyết áp chính là thuốc ức chế men chuyển (ACE), thuốc ức chế thụ thể angiotensin II (ARB), thuốc chẹn kênh canxi và thuốc lợi tiểu.
Tương tự, khi mắc các bệnh làm tăng nguy cơ tăng huyết áp, điều trị bệnh lý đó sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ.
Tóm tắt bài viết
Tăng huyết áp là tình trạng dòng máu tạo ra áp lực quá lớn lên thành mạch máu khi lưu thông khắp cơ thể. Điều này có thể dẫn đến bệnh tim mạch, bệnh thận và các biến chứng khác. Mặt khác cũng có nhiều bệnh lý có thể làm tăng nguy cơ tăng huyết áp, chẳng hạn như béo phì, bệnh tuyến giáp và chứng ngưng thở khi ngủ.
Bản thân bệnh tăng huyết áp thường không có triệu chứng nhưng các biến chứng và bệnh lý có liên quan thì có. Đó là lý do tại sao nên khám sức khỏe định kỳ và đo huyết áp thường xuyên. Điều này sẽ giúp phát hiện tăng huyết áp từ sớm và ngăn ngừa được các biến chứng.

Tăng huyết áp là bệnh chỉ bộc lộ rất ít hoặc không có triệu chứng. Do vậy mà đa số mọi người đều không hề biết mình bị bệnh trong suốt nhiều năm trời.

Tăng huyết áp không được coi là một loại bệnh tim mạch nhưng có thể dẫn đến bệnh tim mạch.

Mặc dù người trên 65 tuổi có nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp cao hơn nhưng căn bệnh này có thể xảy ra ở độ tuổi trẻ hơn, thậm chí ở độ tuổi 20.

Mặc dù không phải nguyên nhân trực tiếp nhưng dị ứng có thể góp phần gây tăng huyết áp (cao huyết áp). Nghiên cứu hiện tại vẫn chưa đưa ra kết luận liệu dị ứng có thể làm tăng các yếu tố nguy cơ gây ra bất kỳ bệnh tim mạch nào hay không. Tuy nhiên, một số loại dị ứng như bệnh hen suyễn có thể làm tăng nguy cơ tăng huyết áp.

Tăng huyết áp là một trong những yếu tố nguy cơ chính gây bệnh tim mạch, gồm có cơ tim phì đại và bệnh mạch vành.