1

Các biến chứng của bệnh tăng huyết áp

Tăng huyết áp là một vấn đề phổ biến, thường không có triệu chứng nhưng có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng nếu như không được điều trị, gồm có bệnh tim mạch, bệnh thận, đột quỵ và bệnh động mạch ngoại biên.
bien chung tang huyet ap Các biến chứng của bệnh tăng huyết áp

Tăng huyết áp là tình trạng máu chảy qua động mạch với áp lực quá lớn. Huyết áp từ 130/80 mmHg trở lên được xác định là tăng huyết áp.

Áp lực máu quá lớn sẽ dần dần làm suy yếu thành động mạch và có thể khiến động mạch bị vỡ.

Tình trạng áp lực máu lớn hoặc tắc nghẽn động mạch có thể dẫn đến nhiều biến chứng, bao gồm biến chứng xảy ra ở các cơ quan quan trọng như tim, não và thận.

Vấn đề về tim

Tăng huyết áp có thể dẫn đến nhiều biến chứng về tim, gồm có:

  • Đau thắt ngực và bệnh tim: Đau thắt ngực là một loại đau ngực và có thể là dấu hiệu chỉ ra bệnh tim. Tăng huyết áp có thể làm thay đổi cấu trúc và chức năng của tim. Bị đau thắt ngực hoặc mắc một bệnh tim sẽ làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tim khác.
  • Nhồi máu cơ tim: tình trạng này xảy ra khi các động mạch cấp máu cho tim bị tắc nghẽn, khiến cho cơ tim không nhận được máu. Tăng huyết áp có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim do áp lực cao làm cho động mạch bị tổn thương và tắc nghẽn.
  • Suy tim: Theo thời gian, huyết áp cao khiến tim phải làm việc nhiều hơn và điều này dần dần làm cho cơ tim dày lên. Lúc này, tim không còn khả năng bơm máu hiệu quả đến các bộ phận còn lại của cơ thể.

Tăng nguy cơ đột quỵ

Tăng huyết áp có thể ảnh hưởng đến não và làm tăng nguy cơ đột quỵ.

Cơn đột quỵ xảy ra khi các mạch máu cấp máu cho não bị tắc nghẽn hoặc vỡ, làm gián đoạn dòng máu mang oxy đến các tế bào não. Khi bị thiếu oxy, tế bào não sẽ chết.

Mặc dù tăng huyết áp không phải là yếu tố nguy cơ duy nhất gây đột quỵ nhưng đó là yếu tố nguy cơ hàng đầu. Các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ khác còn có:

  • Cholesterol trong máu cao
  • Hút thuốc
  • Lối sống ít vận động
  • Mắc bệnh tiểu đường

Nhiều yếu tố nguy cơ gây đột quỵ có thể kiểm soát được bằng các thay đổi lối sống, ví dụ như không hút thuốc và tăng cường hoạt động thể chất. Tuy nhiên cũng có những yếu tố nguy cơ không thể kiểm soát như di truyền.

Đột quỵ làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ và tăng huyết áp cũng là một yếu tố nguy cơ gây ra tình trạng này.

Làm gì khi có dấu hiệu đột quỵ?

Gọi cấp cứu ngay nếu bản thân hoặc một ai đó có bất kỳ dấu hiệu nào sau đây:

  • Đột ngột đau đầu dữ dội
  • Tê hoặc yếu cơ ở một bên cơ thể, chẳng hạn như nửa mặt hoặc một cánh tay
  • Lú lẫn
  • Vấn đề về thị lực như mắt mờ
  • Mất thăng bằng và khả năng phối hợp động tác
  • Nói khó

Hội chứng chuyển hóa

Hội chứng chuyển hóa là một nhóm các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch, đột quỵ và tiểu đường, gồm có:

  • Tăng huyết áp
  • Đường huyết cao
  • Nồng độ triglyceride trong máu cao
  • Nồng độ HDL cholesterol (cholesterol tốt) trong máu thấp
  • Vòng eo lớn

Bệnh thận

Nếu không được kiểm soát, tăng huyết áp có thể dẫn đến các vấn đề về thận. Trên thực tế, tăng huyết áp đứng thứ hai trong số những nguyên nhân chính gây suy thận, chỉ xếp sau bệnh tiểu đường.

Tăng huyết áp gây áp lực lên các động mạch bên trong thận và khiến cho các mạch máu này bị hỏng.

Tăng huyết áp làm giảm khả năng lọc máu của thận và khi thận lọc máu kém, các chất độc và chất thải sẽ tích tụ trong cơ thể thay vì được đào thải ra ngoài theo nước tiểu.

Tăng huyết áp đi kèm bệnh thận sẽ gây ra càng nhiều vấn đề hơn nữa: huyết áp cao làm tích tụ dịch trong động mạch ở thận và điều này khiến cho huyết áp càng tăng cao. Cuối cùng, tình trạng này có thể dẫn đến suy thận.

Bệnh động mạch ngoại biên

Tăng huyết áp không được phát hiện và điều trị có thể dẫn đến xơ vữa động mạch - tình trạng tích tụ cholesterol và một số chất khác trong động mạch. Xơ vữa động mạch làm tăng nguy cơ mắc bệnh động mạch ngoại biên.

Bệnh động mạch ngoại biên là một tình trạng nghiêm trọng xảy ra ở các động mạch ở các chi mà đa phần là chi dưới. Ở người bị bệnh động mạch ngoại biên, tim không thể bơm máu qua các động mạch chạy đến chân do động mạch bị tắc nghẽn bởi mảng xơ vữa.

Tăng huyết áp không phải yếu tố nguy cơ duy nhất gây bệnh động mạch ngoại biên. Ngoài ra còn có các yếu tố nguy cơ khác, chẳng hạn như hút thuốc và bệnh tiểu đường. Bệnh động mạch ngoại biên phổ biến nhất ở người trên 60 tuổi.

Các triệu chứng thường gặp của bệnh động mạch ngoại biên gồm có:

  • Đau khi đi bộ
  • Tê hoặc yếu cơ ở chân
  • Rụng lông chân
  • Vết loét lâu lành ở bàn chân
  • Móng chân mọc chậm
  • Da chân đổi màu, ví dụ như nhợt nhạt hoặc tím tái

Vấn đề về mắt

Nếu không được kiểm soát, tăng huyết áp còn có thể gây ra các vấn đề về mắt. Cuối cùng, các vấn đề về mắt do tăng huyết áp có thể dẫn đến mất thị lực.

Ba vấn đề về mắt thường gặp ở người bị tăng huyết áp là:

  • Hắc võng mạc trung tâm thanh dịch: tích tụ dịch bên dưới võng mạc, khiến cho hình ảnh bị méo mó hoặc giảm thị lực.
  • Bệnh thần kinh thị giác: xảy ra khi dây thần kinh thị giác bị hỏng vĩnh viễn do lưu lượng máu trong mắt giảm. Dây thần kinh thị giác bị hỏng có thể dẫn đến mất thị lực, tình trạng này có thể là vĩnh viễn.
  • Bệnh võng mạc: huyết áp cao làm hỏng các mạch máu cung cấp máu cho võng mạc – lớp mô ở phía sau mắt, dẫn đến tổn thương võng mạc và mờ mắt. Trong trường hợp nghiêm trọng, điều này có thể dẫn đến mất thị lực.

Rối loạn chức năng tình dục

Giống như mọi cơ quan khác trên cơ thể, các cơ quan sinh dục cũng cần được cung cấp đủ máu để hoạt động bình thường. Tăng huyết áp làm giảm lưu lượng máu đến vùng chậu, dẫn đến giảm ham muốn tình dục.

Nam giới bị tăng huyết áp còn có nguy cơ bị rối loạn cương dương. Phụ nữ bị tăng huyết áp có thể bị khô âm đạo và mệt mỏi.

Nếu bạn thường xuyên gặp các triệu chứng rối loạn chức năng tình dục thì hãy đi khám bởi rất có thể bạn bị tăng huyết áp.

Thuốc điều trị tăng huyết áp cũng có thể ảnh hưởng đến chức năng tình dục. Nghiên cứu cho thấy một số loại thuốc hạ huyết áp có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng rối loạn chức năng tình dục. Đó là lý do tại sao bạn nên đi khám để được bác sĩ kê thuốc trị tăng huyết áp phù hợp, không nên tự mua thuốc.

Nếu có dấu hiệu rối loạn chức năng tình dục khi dùng thuốc điều trị tăng huyết áp, hãy báo cho bác sĩ.

Sau bao lâu thì tăng huyết áp gây biến chứng?

Tăng huyết áp được gọi là "kẻ giết người thầm lặng" vì đa phần không có triệu chứng cho đến khi xảy ra biến chứng. Trên thực tế, khoảng một nửa số người bị tăng huyết áp không biết mình mắc bệnh.

Tăng huyết áp xảy ra từ từ và có thể phải sau vài năm thì các biến chứng mới phát sinh. Thời gian phát sinh biến chứng ở mỗi ca bệnh là khác nhau.

Phát hiện sớm và thực hiện các biện pháp kiểm soát huyết áp sẽ giúp giảm đáng kể nguy cơ biến chứng.

Phòng ngừa biến chứng do tăng huyết áp

Hầu hết các biến chứng của bệnh tăng huyết áp đều có thể phòng ngừa được bằng cách kiểm soát huyết áp.

Trước tiên, đo huyết áp thường xuyên là rất cần thiết bởi tăng huyết áp đa phần không có triệu chứng, chỉ có đo huyết áp thì mới phát hiện được tăng huyết áp. Mức huyết áp bình thường là dưới 120/80 mmHg. Nếu huyết áp thường xuyên trên mức này thì bạn nên đi khám. Khi bị tăng huyết áp, dùng thuốc đều đặn hàng ngày sẽ giúp giữ huyết áp ổn định và giảm nguy cơ biến chứng.

Bên cạnh dùng thuốc, bạn cũng nên thay đổi lối sống, ví dụ như:

  • Giảm lượng muối trong chế độ ăn
  • Bỏ thuốc lá
  • Hạn chế rượu bia
  • Kiểm soát căng thẳng
  • Tập thể dục hàng ngày
  • Kiểm soát cân nặng

Tóm tắt bài viết

Tăng huyết áp thường không có triệu chứng nhưng nếu không được kiểm soát thì sẽ dẫn đến nhiều vấn đề nguy hiểm. Huyết áp cao gây tổn hại nhiều cơ quan trong cơ thể như tim, thận, não, mắt… Để có thể phát hiện sớm tăng huyết áp, hãy đo huyết áp thường xuyên và khi bị tăng huyết áp, hãy dùng thuốc đều đặn kết hợp lối sống lành mạnh để kiểm soát huyết áp, nhờ đó giảm nguy cơ biến chứng.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Triệu chứng của bệnh tăng huyết áp ở phụ nữ
Triệu chứng của bệnh tăng huyết áp ở phụ nữ

Tăng huyết áp không phải lúc nào cũng có triệu chứng nhưng khi có, các triệu chứng thường là đỏ bừng mặt, chóng mặt, đau đầu và đốm đỏ trong mắt.

Các triệu chứng của bệnh tăng huyết áp
Các triệu chứng của bệnh tăng huyết áp

Tăng huyết áp, hay cao huyết áp, thường không có triệu chứng trừ khi huyết áp ở mức quá cao. Chỉ có đo huyết áp thì mới có thể phát hiện được căn bệnh này.

Tăng huyết áp có phải bệnh tim mạch không?
Tăng huyết áp có phải bệnh tim mạch không?

Tăng huyết áp không được coi là một loại bệnh tim mạch nhưng có thể dẫn đến bệnh tim mạch.

Nguyên nhân gây bệnh tăng huyết áp ở người trẻ tuổi
Nguyên nhân gây bệnh tăng huyết áp ở người trẻ tuổi

Mặc dù người trên 65 tuổi có nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp cao hơn nhưng căn bệnh này có thể xảy ra ở độ tuổi trẻ hơn, thậm chí ở độ tuổi 20.

Các bệnh lý liên quan đến tăng huyết áp
Các bệnh lý liên quan đến tăng huyết áp

Tăng huyết áp có liên quan đến nhiều bệnh lý khác, bao gồm bệnh tim, thận và tuyến giáp. Tuy nhiên cũng có nhiều cách để giảm nguy cơ mắc những bệnh lý này khi bị tăng huyết áp.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây