Triệu chứng của bệnh tăng huyết áp ở phụ nữ

Huyết áp là áp lực mà dòng máu đẩy lên thành động mạch. Tăng huyết áp là khi áp lực máu liên tục cao hơn mức bình thường. Tình trạng này sẽ dần dần làm hỏng mạch máu, tim, não và các cơ quan khác trong cơ thể.
Tăng huyết áp có thể xảy ra ở cả nam và nữ. Trên thực tế, tỷ lệ mắc tăng huyết áp ở nam giới và phụ nữ là ngang nhau.
Giới tính không ảnh hưởng nhiều đến nguy cơ bị tăng huyết áp nhưng ở phụ nữ, nguy cơ mắc bệnh sẽ tăng lên khi bước vào thời kỳ mãn kinh.
Triệu chứng của bệnh tăng huyết áp ở phụ nữ
Tăng huyết áp không phải lúc nào cũng có triệu chứng. Trên thực tế, hầu hết những người bị tăng huyết áp đều không có triệu chứng trong suốt một thời gian dài.
Thông thường, chỉ đến khi tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng thì các triệu chứng mới xuất hiện. Tuy nhiên, nhiều người bị tăng huyết áp nghiêm trọng vẫn không có bất kỳ triệu chứng rõ ràng nào.
Khi có, các triệu chứng thường là đỏ bừng mặt, đốm đỏ trong mắt hoặc chóng mặt.
Những triệu chứng này chỉ xảy ra khi huyết áp cao làm vỡ các mạch máu. Cách duy nhất để phát hiện sớm bệnh tăng huyết áp là đo huyết áp thường xuyên.
Biến chứng của bệnh tăng huyết áp
Do không có triệu chứng nên rất nhiều người không biết mình bị tăng huyết áp. Huyết áp cao không được kiểm soát sẽ làm hỏng mạch máu và nhiều cơ quan trong cơ thể. Điều này dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, như:
- Đột quỵ
- Suy thận
- Nhồi máu cơ tim
- Sa sút trí tuệ
- Vấn đề về thị lực
Hiểu về tiền sản giật
Ở phụ nữ đang mang thai, tăng huyết áp gây nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi trong bụng. Tình trạng tăng huyết áp từ trước khi mang thai hoặc trước tuần thứ 20 của thai kỳ được gọi là tăng huyết áp mạn tính. Tăng huyết áp xảy ra sau tuần 20 được gọi là tăng huyết áp thai kỳ. Nếu tăng huyết áp đi kèm protein niệu thì được gọi là tiền sản giật.
Có khoảng 5% phụ nữ mang thai bị tiền sản giật. Đây một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở cả người mẹ và trẻ sơ sinh.
Tiền sản giật đa phần xảy ra sau tuần thứ 20 của thai kỳ nhưng cũng có thể xảy ra sớm hơn hoặc xảy ra sau khi sinh. Các triệu chứng của tiền sản giật gồm có:
- Huyết áp cao
- Đau đầu dữ dội
- Chóng mặt
- Đau bụng, đặc biệt là ở phần bụng phía trên bên phải
- Tăng cân đột ngột
- Phù tay chân và mặt
- Thay đổi thị lực, ví dụ như nhìn mờ hoặc nhạy cảm với ánh sáng.
- Thay đổi phản xạ hoặc trạng thái tinh thần
Tiền sản giật là một vấn đề có thể kiểm soát được. Tình trạng này thường khỏi trong vòng 2 tháng sau khi sinh.
Thai phụ sẽ có nguy cơ bị tiền sản giật cao hơn nếu:
- có thai ở tuổi thiếu niên
- trên 40 tuổi
- mang đa thai
- béo phì
- có tiền sử tăng huyết áp hoặc các vấn đề về thận
Khi nào cần đi khám?
Cách duy nhất để biết bản thân có bị tăng huyết áp hay không là đo huyết áp. Bạn có thể tự đo tại nhà, tại bệnh viện, phòng khám hoặc tại các hiệu thuốc.
Huyết áp bình thường là dưới 120/80 mmHg. Nếu huyết áp thường xuyên cao hơn mức này, hãy đi khám để xem có phải bị tăng huyết áp hay không.
Nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào kể trên, hãy đến bệnh viện khám ngay lập tức. Các triệu chứng đó rất có thể là dấu hiệu cho thấy tình trạng tăng huyết áp đã trở nên nghiêm trọng hoặc dẫn đến biến chứng.
Phòng ngừa tăng huyết áp
Các biện pháp giúp giảm nguy cơ tăng huyết áp ở cả nam và nữ gồm có:
- Duy trì chế độ ăn có lượng calo vừa phải, ít muối và ít chất béo bão hòa.
- Tập thể dục 5 ngày một tuần, mỗi ngày khoảng 30 đến 45 phút.
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh
- Không hút thuốc
- Uống rượu bia vừa phải
- Kiểm soát căng thẳng
- Ngủ đủ giấc
- Khám sức khỏe định kỳ
- Điều trị các bệnh lý có thể gây tăng huyết áp như bệnh thận và đái tháo đường
Tóm tắt bài viết
Nam giới và phụ nữ có nguy cơ bị tăng huyết áp ngang nhau. Dù xảy ra ở nam giới hay nữ giới, tăng huyết áp đa phần không có triệu chứng và do đó được gọi là một bệnh lý thầm lặng. Nhưng điều đó không có nghĩa là tình trạng này không nghiêm trọng. Nếu không được điều trị, tăng huyết áp sẽ làm hỏng các mạch máu cũng như nhiều cơ quan trong cơ thể và dẫn đến các biến chứng như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, sa sút trí tuệ, suy thận…. Đo huyết áp thường xuyên là cách duy nhất để phát hiện sớm bệnh tăng huyết áp. Điều trị sớm sẽ giúp giảm đáng kể nguy cơ phát sinh biến chứng.

Huyết áp cao có thể làm hỏng động mạch và các cơ quan khắp cơ thể, bao gồm cả thận. Mặt khác, khi chức năng lọc máu của thận bị suy giảm, nước dư thừa, chất thải và chất độc sẽ tích tụ trong cơ thể và điều này có dẫn đến tăng huyết áp.

Tăng huyết áp là một vấn đề phổ biến, thường không có triệu chứng nhưng có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng nếu như không được điều trị, gồm có bệnh tim mạch, bệnh thận, đột quỵ và bệnh động mạch ngoại biên.

Không chỉ có người lớn mà trẻ em cũng có thể bị tăng huyết áp. Trên thực tế, tỷ lệ mắc tăng huyết áp ở trẻ em và thanh thiếu niên đang ngày một tăng. Tăng huyết áp ở trẻ em có thể là do nhiều nguyên nhân gây nên, từ di truyền cho đến các vấn đề về sức khỏe và dùng một số loại thuốc nhất định.
Cao huyết áp và suy thận mạn đều là những bệnh lý phổ biến. Hai bệnh lý này có thể xảy ra đồng thời và có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Cao huyết áp có thể dẫn đến suy thận mạn và ngược lại.

Tăng huyết áp không được coi là một loại bệnh tim mạch nhưng có thể dẫn đến bệnh tim mạch.