Tăng huyết áp và suy thận mạn cùng lúc gây ra những triệu chứng nào?

Giai đoạn đầu của tăng huyết áp và suy thận mạn thường không có bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên, khi tình trạng tiến triển và trở nên nghiêm trọng, các triệu chứng sẽ xuất hiện.
Tăng huyết áp và suy thận mạn có nhiều triệu chứng khác nhau nhưng dưới đây là 10 triệu chứng phổ biến nhất.
Triệu chứng tăng huyết áp và suy thận mạn
1. Sưng phù chân, tay hoặc mặt
Khi thận bị tổn thương không thể lọc máu hiệu quả, muối và nước dư thừa sẽ tích tụ trong cơ thể và dẫn đến tình trạng phù nề. Tình trạng này thường xảy ra ở cẳng chân, bàn chân, mắt cá chân, bàn tay và mặt.
2. Chuột rút
Khi thận lọc máu kém, người bệnh còn có thể bị chuột rút do mất cân bằng nước và chất điện giải. Sự giảm lưu lượng máu cũng có thể là nguyên nhân khiến những người bị tăng huyết áp và suy thận mạn bị chuột rút.
3. Ăn không ngon miệng
Khi thận không hoạt động tốt, các hợp chất sẽ tích tụ trong cơ thể, khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi, uể oải. Vị giác cũng có thể sẽ thay đổi và làm cho người bệnh không muốn ăn uống. Tất cả những điều này có thể dẫn đến sụt cân.
4. Buồn nôn và nôn mửa
Khi thận bị tổn thương, chất thải và nước thừa sẽ tích tụ trong cơ thể, gây ra cảm giác buồn nôn và nôn mửa.
5. Đau đầu và giảm tập trung
Tăng huyết áp có nghĩa là áp lực máu tác động lên thành mạch tăng cao. Điều này có thể xảy ra ở các mạch máu khắp cơ thể, bao gồm cả các động mạch trong hộp sọ. Tình trạng này sẽ dẫn đến đau đầu.
Ngoài ra, chất độc tích tụ trong cơ thể sẽ ảnh hưởng đến chức năng não bộ và gây lú lẫn, khó tập trung.
6. Huyết áp ngày càng tăng
Tăng huyết áp và suy thận mạn có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Khi một trong hai bệnh lý tiến triển nặng, bệnh lý còn lại cũng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Khi thận hoạt động kém, cơ thể sẽ bị giữ nước và điều này khiến huyết áp tiếp tục tăng cao.
7. Thay đổi tần suất đi tiểu
Đi tiểu nhiều lần, đặc biệt là vào ban đêm là một trong những dấu hiệu ban đầu của bệnh suy thận mạn.
Tuy nhiên, khi sang các giai đoạn sau của suy thận mạn, người bệnh sẽ ít đi tiểu do thận bị giảm khả năng lọc nước thừa và chất thải từ máu.
8. Vấn đề về giấc ngủ
Suy thận mạn làm tăng nguy cơ mắc chứng ngưng thở khi ngủ và các rối loạn giấc ngủ khác (ngưng thở khi ngủ cũng có thể làm tăng nguy cơ tăng huyết áp).
Độc tố tích tụ trong máu sẽ gây khó ngủ.
9. Da khô, ngứa
Chất độc tích tụ trong cơ thể sẽ gây ngứa ngáy, mẩn đỏ. Sự mất cân bằng khoáng chất và chất dinh dưỡng trong máu có thể khiến da trở nên sạm màu.
10. Đau ngực và khó thở
Nước dư thừa trong cơ thể có thể tích tụ ở phổi. Điều này sẽ khiến người bệnh khó thở và dẫn đến đau ngực.
Ngoài ra, tăng huyết áp sẽ dần làm giảm tính đàn hồi của các động mạch. Điều này cũng có thể dẫn đến đau thắt ngực.
Điều quan trọng cần lưu ý là các dấu hiệu, triệu chứng tăng huyết áp và suy thận mạn ở mỗi người là khác nhau.
Có người không gặp phải bất kỳ triệu chứng nào trong khi có người lại gặp nhiều triệu chứng cùng lúc.
Việc điều trị sẽ tùy thuộc vào triệu chứng gặp phải.
Điều trị tăng huyết áp và suy thận mạn
Không thể chữa khỏi tăng huyết áp và suy thận mạn nhưng có thể kiểm soát cả hai tình trạng bằng cách thay đổi lối sống và dùng thuốc.
Một số thay đổi lối sống có lợi cho người bị tăng huyết áp và suy thận mạn:
- Hạn chế hoặc kiêng hoàn toàn rượu bia
- Không hút thuốc lá
- Tăng cường hoạt động thể chất
- Duy trì cân nặng vừa phải
- Thực hiện chế độ ăn uống tốt cho tim mạch với nhiều trái cây, rau củ và ngũ cốc nguyên hạt
- Cố gắng hạn chế stress
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ kê các loại thuốc sau đây:
- Thuốc chẹn beta
- Thuốc lợi tiểu
- Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE)
- Thuốc ức chế thụ thể angiotensin II (ARB)
- Thuốc chẹn kênh canxi
- Thuốc chủ vận alpha-2
- Thuốc trị tăng huyết áp có điều trị được suy thận không?
Theo các chuyên gia, thuốc điều trị tăng huyết áp có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh suy thận mạn.
Thuốc ức chế men chuyển (ACE) và thuốc ức chế thụ thể angiotensin II (ARB) được cho là có thể làm chậm tốc độ suy giảm chức năng thận bằng cách ngăn các mạch máu thu hẹp lại. Thuốc lợi tiểu có tác dụng giúp thận loại bỏ natri và nước dư thừa ra khỏi máu.
Tuy nhiên, thuốc điều trị tăng huyết áp cũng có thể gây tác động tiêu cực đến thận. Ví dụ, một nghiên cứu chỉ ra rằng sự kết hợp của ibuprofen, thuốc lợi tiểu và thuốc ức chế hệ renin-angiotensin (RAS) có thể làm tăng nguy cơ tổn thương thận cấp tính (suy thận cấp).
Một nghiên cứu vào năm 2021 cũng đã đặt ra câu hỏi về việc liệu sử dụng thuốc ức chế men chuyển trong thời gian dài có thể góp phần gây suy thận hay không.
Mặc dù vậy nhưng nếu được kê thuốc ức chế men chuyển thì người bệnh vẫn phải tiếp tục dùng đều đặn để kiểm soát tình trạng tăng huyết áp. Không nên ngừng thuốc. Tác động của nhóm thuốc này đến thận hiện còn chưa rõ ràng và vẫn cần phải nghiên cứu thêm.
Tóm tắt bài viết
tăng huyết áp và suy thận mạn gây ra nhiều triệu chứng khác nhau, ví dụ như sưng phù, chuột rút, chán ăn, buồn nôn, nhức đầu, vấn đề về giấc ngủ, da khô, ngứa, đau ngực… Hãy đi khám khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào nghi là tăng huyết áp hoặc suy thận mạn để được chẩn đoán và bắt đầu điều trị.
Mặc dù không có cách chữa khỏi tăng huyết áp và suy thận mạn nhưng điều trị đúng cách sẽ giúp giảm bớt các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống tổng thể.

Tăng huyết áp không phải lúc nào cũng có triệu chứng nhưng khi có, các triệu chứng thường là đỏ bừng mặt, chóng mặt, đau đầu và đốm đỏ trong mắt.

Tăng huyết áp, hay cao huyết áp, thường không có triệu chứng trừ khi huyết áp ở mức quá cao. Chỉ có đo huyết áp thì mới có thể phát hiện được căn bệnh này.

Không chỉ có người lớn mà trẻ em cũng có thể bị tăng huyết áp. Trên thực tế, tỷ lệ mắc tăng huyết áp ở trẻ em và thanh thiếu niên đang ngày một tăng. Tăng huyết áp ở trẻ em có thể là do nhiều nguyên nhân gây nên, từ di truyền cho đến các vấn đề về sức khỏe và dùng một số loại thuốc nhất định.

Nhiều người sợ đi máy bay do sợ độ cao, sợ không gian hẹp hoặc lo sợ xảy ra tai nạn. Đối với những người mắc các bệnh mạn tính như bệnh tim mạch hoặc tăng huyết áp, mỗi chuyến bay lại đi kèm những nỗi lo khác.

Nếu tăng huyết áp không được điều trị trong thời kỳ mang thai, cả mẹ và thai nhi đều có thể gặp phải các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn. Nhìn chung, theo dõi huyết áp và thực hiện một số thay đổi về lối sống có thể làm giảm nguy cơ gặp phải biến chứng do tăng huyết áp.