Tăng huyết áp ở trẻ em: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Vì tăng huyết áp thường không có triệu chứng rõ ràng nên cha mẹ cần cho trẻ đi khám sức khỏe định kỳ và đo huyết áp cho trẻ thường xuyên để phát hiện sớm vấn đề.
Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu về nguyên nhân, các biến chứng, phương pháp điều trị và phòng ngừa tăng huyết áp ở trẻ em.
Định nghĩa tăng huyết áp ở trẻ em
Định nghĩa lâm sàng về tăng huyết áp ở trẻ em thay đổi theo độ tuổi, chiều cao và giới tính của trẻ. Một tiêu chuẩn chẩn đoán tăng huyết áp ở trẻ em là trẻ có huyết áp lớn hơn hoặc bằng huyết áp của 95% trẻ cùng độ tuổi, chiều cao và giới tính (bách phân vị thứ 95). Ngoài ra, huyết áp đo được ở ba lần đo riêng biệt đều phải ở mức cao.
Định nghĩa tăng huyết áp ở trẻ từ 13 tuổi trở lên cũng giống như ở người lớn (huyết áp từ 130/80 mmHg trở lên).
Chỉ số thứ nhất trong kết quả đo huyết áp là huyết áp tâm thu, là áp lực bên trong động mạch khi tim co bóp. Chỉ số thứ hai là huyết áp tâm trương, là áp lực bên trong động mạch khi tim nghỉ giữa các lần co bóp.
Nguyên nhân gây tăng huyết áp ở trẻ em
Giống như ở người lớn, tăng huyết áp ở trẻ em cũng được chia làm hai loại là tăng huyết áp nguyên phát và tăng huyết áp thứ phát.
Tăng huyết áp ở người lớn đa phần là tăng huyết áp nguyên phát trong khi ở trẻ em, tăng huyết áp thứ phát lại phổ biến hơn. Tuy nhiên, số trường hợp tăng huyết áp nguyên phát ở trẻ em đang có sự gia tăng. Nguyên nhân thường là do các yếu tố lối sống hoặc di truyền.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ tăng huyết áp nguyên phát ở trẻ em gồm có:
- Độ tuổi lớn hơn
- Thừa cân hoặc béo phì
- Tiền sử gia đình bị tăng huyết áp hoặc bệnh tim mạch
- Người mẹ hút thuốc trong thời gian mang thai
- Là nam giới
Nếu kết quả đo huyết áp của trẻ cao hơn bình thường, bác sĩ sẽ tiến hành các bước xác định nguyên nhân gây tăng huyết áp, gồm có điện tâm đồ (EKG) và siêu âm tim. Trẻ cũng có thể sẽ phải làm xét nghiệm nước tiểu hoặc xét nghiệm máu để kiểm tra chức năng thận.
Tăng huyết áp thứ phát phổ biến ở trẻ em hơn so với người lớn. Tăng huyết áp thứ phát là tình trạng tăng huyết áp do một vấn đề sức khỏe hoặc thuốc gây ra.
Một số vấn đề sức khỏe có thể gây tăng huyết áp gồm có:
- Các vấn đề về tim mạch như hẹp eo động mạch chủ
- Hội chứng Cushing
- Cường giáp
- Bệnh tuyến thượng thận
- Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn
- Suy thận mạn
- Bệnh thận đa nang
Một số loại thuốc có thể gây tăng huyết áp gồm có:
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
- Thuốc giảm cân
- Thuốc tránh thai đường uống
- Steroid
- Thuốc kích thích hệ thần kinh trung ương
- Thuốc chống trầm cảm
- Thuốc trị nghẹt mũi
- Thuốc điều trị cảm lạnh
- Thuốc điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD)
Biến chứng của tăng huyết áp ở trẻ em
Tăng huyết áp không được điều trị có thể dẫn đến nhiều biến chứng khi trẻ lớn lên. Theo CDC, bất kỳ bệnh tim mạch nào xảy ra khi còn nhỏ đều có thể kéo dài đến tuổi trưởng thành.
Các biến chứng của tăng huyết áp gồm có:
- Bệnh tim mạch
- Nhồi máu cơ tim hoặc suy tim
- Đột quỵ
- Bệnh động mạch ngoại biên
- Bệnh thận
Dấu hiệu của tăng huyết áp ở trẻ em
Tăng huyết áp không phải lúc nào cũng có triệu chứng. Trên thực tế, tăng huyết áp rất hiếm khi biểu hiện triệu chứng. Chính vì vậy nên tăng huyết áp được gọi là “kẻ giết người thầm lặng”.
Tuy nhiên, khi huyết áp tăng lên mức quá cao (cơn tăng huyết áp), các triệu chứng sẽ xuất hiện. Một số triệu chứng thường gặp gồm có:
- Đau đầu
- Co giật
- Thay đổi thị lực, ví dụ như nhìn mờ
- Buồn nôn hoặc nôn mửa
- Đau hoặc tức ngực
- Tim đập nhanh
Cơn tăng huyết áp là một tình trạng vô cùng nguy hiểm. Nếu thấy trẻ có những triệu chứng kể trên, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức.
Phương pháp điều trị tăng huyết áp ở trẻ em
Mục tiêu điều trị tăng huyết áp ở trẻ em là đưa huyết áp của trẻ xuống dưới bách phân vị thứ 90 theo độ tuổi, chiều cao và giới tính. Đối với thanh thiếu niên, mục tiêu điều trị là đưa huyết áp xuống dưới 130/80 mmHg.
Để điều trị tăng huyết áp nguyên phát, trẻ có thể sẽ phải thay đổi lối sống trong vòng 3 đến 6 tháng, chẳng hạn như:
- Giảm cân nếu thừa cân
- Tập thể dục thường xuyên
- Ăn uống lành mạnh
- Giảm lượng natri trong chế độ ăn
Nếu đã thay đổi lối sống mà huyết áp vẫn cao, bác sĩ sẽ kê thuốc hạ huyết áp. Các nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp chính gồm có:
- Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE)
- Thuốc ức chế thụ thể angiotensin II (ARB)
- Thuốc chẹn kênh canxi
- Thuốc lợi tiểu thiazid
Những loại thuốc này đều an toàn cho trẻ em.
Việc điều trị tăng huyết áp thứ phát phụ thuộc vào nguyên nhân gây tăng huyết áp. Điều trị nguyên nhân gốc rễ sẽ giúp đưa huyết áp trở lại mức khỏe mạnh.
Phòng ngừa tăng huyết áp ở trẻ em
Không có cách nào có thể phòng ngừa bệnh tăng huyết áp một cách tuyệt đối vì nhiều yếu tố nguy cơ gây bệnh nằm ngoài tầm kiểm soát, ví dụ như di truyền. Nếu trẻ có các yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp, cha mẹ nên trao đổi với bác sĩ về việc theo dõi huyết áp của trẻ để phát hiện vấn đề từ sớm.
Tuy rằng không thể ngăn ngừa tuyệt đối nhưng có thể giảm nguy cơ tăng huyết áp bằng cách thay đổi lối sống như:
- Ăn uống lành mạnh. Cho trẻ ăn nhiều trái cây và rau củ tươi, hạn chế đường và chất béo. Một điều cần thiết đề phòng ngừa tăng huyết áp là ăn ít muối nhưng trước hết cha mẹ nên trao đổi với bác sĩ về lượng muối phù hợp với trẻ. Điều này thay đổi theo độ tuổi và cân nặng của trẻ.
- Tăng cường vận động. Khuyến khích trẻ tập thể dục đều đặn và vận động nhiều hơn hàng ngày. Mức độ vận động phụ thuộc vào độ tuổi. Nhìn chung, trẻ từ 6 đến 17 tuổi nên hoạt động thể chất ít nhất một giờ mỗi ngày.
- Duy trì cân nặng hợp lý. Cha mẹ có thể trao đổi với bác sĩ về mức cân nặng nên duy trì. Điều này phụ thuộc vào độ tuổi, chiều cao và giới tính của trẻ.
Câu hỏi về tăng huyết áp ở trẻ em
Bao lâu nên đo huyết áp cho trẻ một lần?
Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyến nghị nên bắt đầu đo huyết áp cho trẻ từ 3 tuổi và đo ít nhất một lần mỗi năm. Trẻ sẽ được đo huyết áp khi đi khám sức khỏe định kỳ nhưng cha mẹ cũng có thể mua máy đo huyết áp để tự đo tại nhà.
Những trẻ mắc một số bệnh lý nhất định, dùng một số loại thuốc hoặc có các yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp khác cần được đo huyết áp thường xuyên hơn. Bác sĩ sẽ trao đổi cụ thể về điều này với cha mẹ.
Nếu đo huyết áp cho trẻ tại nhà, điều quan trọng là phải sử dụng vòng bít có kích thước phù hợp. Vòng bít không vừa sẽ cho kết quả không chính xác.
Bệnh tăng huyết áp có di truyền không?
Tăng huyết áp là một bệnh có thể di truyền. Những trường hợp tăng huyết áp có yếu tố di truyền được gọi là tăng huyết áp có tính chất gia đình. Ngoài ra, theo CDC, sở dĩ những người có tiền sử gia đình tăng huyết áp có nguy cơ tăng huyết áp cao hơn là do có chung những thói quen sống làm tăng nguy cơ, chẳng hạn như ăn uống không lành mạnh, ít vận động hay ngủ không đủ giấc.
Tại sao trẻ bị tăng huyết áp cần xét nghiệm chức năng thận?
Tăng huyết áp ảnh hưởng đến thận. Ngoài ra, huyết áp cao là triệu chứng phổ biến ở trẻ em mắc bệnh thận mạn.
Theo thời gian, huyết áp cao sẽ làm suy giảm chức năng thận, khiến cho nước và chất thải tích tụ trong cơ thể. Điều này sẽ khiến cho huyết áp càng tăng cao và kết quả là thận ngày càng suy yếu.
Vì lý do này nên những trẻ bị tăng huyết áp cần làm xét nghiệm máu và nước tiểu để theo dõi chức năng thận.

Tăng huyết áp ẩn giấu là khi huyết áp đo tại bệnh viện ở mức bình thường nhưng lại ở mức cao khi đo tại nhà. Theo dõi huyết áp tại nhà sẽ giúp phát hiện tình trạng này.

Khi tăng huyết áp xảy ra do một bệnh lý khác thì được gọi là tăng huyết áp thứ phát. Bệnh thận mạn (suy thận mạn) là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây tăng huyết áp thứ phát. Để điều trị tăng huyết áp thứ phát, trước tiên cần điều trị nguyên nhân gốc rễ.

Tăng huyết áp có thể là do nhiều yếu tố gây nên, chẳng hạn như tuổi tác, di truyền, bệnh tật, lối sống… Trong đó có những yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát nhưng cũng có những yếu tố có thể thay đổi.

Tăng huyết áp là bệnh chỉ bộc lộ rất ít hoặc không có triệu chứng. Do vậy mà đa số mọi người đều không hề biết mình bị bệnh trong suốt nhiều năm trời.

Khi đo huyết áp, nếu kết quả dưới 120/80mmHg thì huyết áp ở mức bình thường còn nếu cao hơn mức này thì được coi là tăng huyết áp, hay còn được gọi là cao huyết áp và cần đến các phương pháp điều trị.