1

Tăng huyết áp thứ phát: Nguyên nhân và phương pháp điều trị

Khi tăng huyết áp xảy ra do một bệnh lý khác thì được gọi là tăng huyết áp thứ phát. Bệnh thận mạn (suy thận mạn) là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây tăng huyết áp thứ phát. Để điều trị tăng huyết áp thứ phát, trước tiên cần điều trị nguyên nhân gốc rễ.
Tăng huyết áp thứ phát: Nguyên nhân và phương pháp điều trị Tăng huyết áp thứ phát: Nguyên nhân và phương pháp điều trị

Tăng huyết áp, hay cao huyết áp, là khi áp lực máu tác động lên thành mạch máu quá cao. Nếu không được điều trị, tăng huyết áp có thể dẫn đến nhiều biến chứng, gồm có đột quỵ, bệnh tim mạch và bệnh thận.

Tăng huyết áp được chia thành hai loại là tăng huyết áp nguyên phát và tăng huyết áp thứ phát. Tăng huyết áp nguyên phát, còn được gọi là tăng huyết áp vô căn, là kết quả của các yếu tố như chế độ ăn uống, di truyền và tuổi cao.

Tăng huyết áp thứ phát là tăng huyết áp do một vấn đề sức khỏe khác gây ra. Một trong những nguyên nhân chính gây tăng huyết áp thứ phát là tổn thương mô thận. Khi bị tổn thương, thận sẽ không thể đào thải lượng nước dư thừa trong cơ thể. Điều này dẫn đến tăng thể tích máu và tăng huyết áp.

Tăng huyết áp thứ phát có thể điều trị được, thậm chí có thể chữa khỏi, nếu nguyên nhân gốc rễ được xác định và điều trị. Nhưng nếu không được điều trị, tăng huyết áp có thể dẫn đến các biến chứng như phình động mạch và tổn thương nội tạng.

Tăng huyết áp thứ phát và tăng huyết áp nguyên phát

Tăng huyết áp nguyên phát và tăng huyết áp thứ phát đều gây có điểm chung là huyết áp cao hơn bình thường. Cả hai loại tăng huyết áp đều có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, gồm có đột quỵ và phình động mạch. Tuy nhiên, tăng huyết áp nguyên phát và tăng huyết áp thứ phát là do những nguyên nhân khác nhau gây ra và cách điều trị cũng khác nhau.

Tăng huyết áp nguyên phát

Tăng huyết áp nguyên phát còn được gọi là tăng huyết áp vô căn, có nghĩa là không có nguyên nhân rõ ràng nhưng có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh, gồm có:

  • Thừa cân, béo phì
  • Chế độ ăn nhiều muối
  • Tiền sử gia đình bị tăng huyết áp
  • Tuổi cao
  • Uống quá nhiều rượu
  • Lối sống ít vận động
  • Thường xuyên bị căng thẳng

Tăng huyết áp thứ phát

Tăng huyết áp thứ phát là tăng huyết áp có nguyên nhân. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng được xác định được nguyên nhân, có nghĩa là không phải lúc nào tình trạng tăng huyết áp cũng được điều trị đúng cách.

Tăng huyết áp thứ phát ít phổ biến hơn tăng huyết áp nguyên phát nhưng một số nhóm đối tượng nhất định có tỷ lệ mắc tăng huyết áp thứ phát cao hơn so với các nhóm khác, chẳng hạn như người dưới 18 tuổi. Trên thực tế, 70 – 85% số trường hợp tăng huyết áp ở trẻ dưới 12 tuổi là tăng huyết áp thứ phát. Tăng huyết áp thứ phát chỉ chiếm 17% tổng số ca tăng huyết áp ở người trên 65 tuổi. Tăng huyết áp nguyên phát phổ biến hơn nhiều ở độ tuổi này.

Nguyên nhân gây tăng huyết áp thứ phát

Nguyên nhân phổ biến nhất gây tăng huyết áp thứ phát là bệnh nhu mô thận, tình trạng hình thành sẹo trong thận hoặc tổn thương mô thận. Đây không phải một bệnh lý đơn lẻ mà là một nhóm gồm nhiều bệnh khác nhau, gồm có bệnh thận đái tháo đường và bệnh thận đa nang.

Hơn một nửa số người mắc bệnh nhu mô thận và hơn hai phần ba số người mắc bệnh thận mạn giai đoạn 4 và 5 bị tăng huyết áp. Bệnh thận càng nghiêm trọng thì tỷ lệ bị tăng huyết áp càng cao.

Bệnh thận có thể gây tăng huyết áp và ngược lại, huyết áp cao sẽ làm tăng tốc độ suy giảm chức năng thận.

Các nguyên nhân khác cũng có thể gây tăng huyết áp thứ phát gồm có:

  • Rối loạn nội tiết tố: Hệ nội tiết điều hòa nồng độ các hormone trong cơ thể. Vấn đề ở hệ thống này có thể khiến huyết áp tăng cao hơn bình thường. Các vấn đề về nội tiết có thể gây tăng huyết áp là cường aldosteron nguyên phát và hội chứng Cushing.
  • Vấn đề về mạch máu ở thận: Các mạch máu vận chuyển máu giữa tim và thận có thể bị thu hẹp do mảng xơ vữa, khối u hoặc các nguyên nhân khác. Điều này gây cản trở sự lưu thông máu và làm tăng huyết áp. Khi mạch máu bị thu hẹp, tim sẽ phải co bóp mạnh hơn để bơm máu đến các bộ phận trong cơ thể.
  • Hẹp động mạch bẩm sinh: Ở nhiều người, động mạch bị hẹp từ khi sinh ra nhưng không được phát hiện cho đến khi chẩn đoán tăng huyết áp. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây tăng huyết áp thứ phát ở người trẻ tuổi và trẻ em.
  • Khối u: U tuyến thượng thận (nằm ở phía trên thận) có thể gây tăng huyết áp. Khối u này ảnh hưởng đến hoạt động của hệ nội tiết và còn làm giảm sự lưu thông máu.
  • Các nguyên nhân khác: Tăng huyết áp thứ phát còn có thể do rất nhiều nguyên nhân khác gây ra, gồm chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, mang thai, sử dụng một số loại thuốc, ma túy, béo phì và uống nhiều rượu.

Triệu chứng của tăng huyết áp thứ phát

Giống như tăng huyết áp nguyên phát, tăng huyết áp thứ phát đa phần cũng không có triệu chứng rõ ràng. Do đó, nhiều người bị tăng huyết áp suốt một thời gian dài mà không hề hay biết. Tình trạng chỉ được phát hiện khi đo huyết áp.

Tuy nhiên, có một số dấu hiệu cho thấy tình trạng tăng huyết áp là do một vấn đề sức khỏe khác gây nên:

  • Huyết áp vẫn cao dù đã dùng thuốc điều trị
  • Huyết áp tăng cao trở lại sau một thời gian dùng thuốc
  • Bị tăng huyết áp dù không có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào như tiền sử gia đình
  • Tăng huyết áp xảy ra trước tuổi dậy thì
  • Xuất hiện của các biến chứng tăng huyết áp, chẳng hạn như tổn thương thận cấp tính, đau đầu hoặc buồn nôn

Điều trị tăng huyết áp thứ phát

Trong nhiều trường hợp, tăng huyết áp thứ phát không đáp ứng với thuốc hạ huyết áp. Chừng nào nguyên nhân gốc rễ chưa được giải quyết thì huyết áp sẽ vẫn ở mức cao và thậm chí còn có thể dẫn đến biến chứng.

Tuy nhiên, khi xác định được nguyên nhân gốc rễ thì đa số các trường hợp tăng huyết áp thứ phát đều được điều trị thành công. Phương pháp điều trị tăng huyết áp thứ phát sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân. Một số phương pháp điều trị gồm có:

  • Thuốc: Có nhiều nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp khác nhau. Những trường hợp tăng huyết áp do bệnh thận thường phải dùng thuốc lợi tiểu để giúp thận đào thải lượng nước và natri dư thừa ra khỏi cơ thể. Điều này làm giảm thể tích máu lưu thông qua mạch máu và nhờ đó làm giảm huyết áp.
  • Phẫu thuật: Nếu tăng huyết áp là do khối u thì sẽ phải phẫu thuật cắt bỏ khối u.
  • Thay đổi lối sống: Một số thay đổi về hành vi lối sống có thể giúp kiểm soát tăng huyết áp khi kết hợp với các phương pháp điều trị khác. Những thay đổi lối sống được khuyến nghị cho người bị tăng huyết áp gồm có ăn ít muối, tập thể dục thường xuyên, uống rượu vừa phải, giảm căng thẳng, bỏ thuốc lá và duy trì cân nặng khỏe mạnh.

Tóm tắt bài viết

Tăng huyết áp thứ phát là tình trạng tăng huyết áp do một vấn đề sức khỏe khác gây ra. Các nguyên nhân phổ biến gồm có bệnh thận, khối u và rối loạn nội tiết tố.

Phương pháp điều trị tăng huyết áp thứ phát sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân. Do đó, để điều trị tăng huyết áp thứ phát, điều đầu tiên là phải xác định nguyên nhân gốc rễ. Nếu không giải quyết nguyên nhân gốc rễ thì sẽ không thể kiểm soát huyết áp một cách hiệu quả, kể cả khi dùng thuốc điều trị tăng huyết áp.

Mặt khác, một khi xác định được nguyên nhân gốc rễ thì đa số các trường hợp tăng huyết áp thứ phát đều được điều trị thành công. Thậm chí, sau khi nguyên nhân gốc rễ được giải quyết, có thể huyết áp sẽ tự trở về bình thường mà không cần dùng đến thuốc trị tăng huyết áp.

Phát hiện sớm tăng huyết áp là điều rất quan trọng vì huyết áp cao kéo dài có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Khám sức khỏe định kỳ và đo huyết áp thường xuyên là cách tốt nhất để phát hiện sớm vấn đề này.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tăng huyết áp sau sinh: Nguyên nhân và cách điều trị
Tăng huyết áp sau sinh: Nguyên nhân và cách điều trị

Tăng huyết áp sau sinh có thể xảy ra ở cả người không có tiền sử tăng huyết áp. Tình trạng này thường không có triệu chứng nhưng có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị.

Tăng huyết áp ở trẻ em: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
Tăng huyết áp ở trẻ em: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Không chỉ có người lớn mà trẻ em cũng có thể bị tăng huyết áp. Trên thực tế, tỷ lệ mắc tăng huyết áp ở trẻ em và thanh thiếu niên đang ngày một tăng. Tăng huyết áp ở trẻ em có thể là do nhiều nguyên nhân gây nên, từ di truyền cho đến các vấn đề về sức khỏe và dùng một số loại thuốc nhất định.

Nguyên nhân nào gây tăng huyết áp sau phẫu thuật?
Nguyên nhân nào gây tăng huyết áp sau phẫu thuật?

Mọi ca phẫu thuật đều tiềm ẩn rủi ro nhất định, ngay cả khi đó chỉ là ca phẫu thuật thông thường. Một trong những rủi ro là thay đổi huyết áp. Có nhiều nguyên nhân khiến huyết áp tăng cao sau phẫu thuật. Nguy cơ gặp phải tình trạng này phụ thuộc vào loại phẫu thuật, phương pháp vô cảm và thuốc được sử dụng, và người bệnh có vấn đề về huyết áp trước đó hay không.

Tăng huyết áp ẩn giấu: Cách nhận biết và điều trị
Tăng huyết áp ẩn giấu: Cách nhận biết và điều trị

Tăng huyết áp ẩn giấu là khi huyết áp đo tại bệnh viện ở mức bình thường nhưng lại ở mức cao khi đo tại nhà. Theo dõi huyết áp tại nhà sẽ giúp phát hiện tình trạng này.

Nguyên nhân gây bệnh tăng huyết áp ở người trẻ tuổi
Nguyên nhân gây bệnh tăng huyết áp ở người trẻ tuổi

Mặc dù người trên 65 tuổi có nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp cao hơn nhưng căn bệnh này có thể xảy ra ở độ tuổi trẻ hơn, thậm chí ở độ tuổi 20.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây