1

Tăng huyết áp ẩn giấu: Cách nhận biết và điều trị

Tăng huyết áp ẩn giấu là khi huyết áp đo tại bệnh viện ở mức bình thường nhưng lại ở mức cao khi đo tại nhà. Theo dõi huyết áp tại nhà sẽ giúp phát hiện tình trạng này.
Tăng huyết áp ẩn giấu: Cách nhận biết và điều trị Tăng huyết áp ẩn giấu: Cách nhận biết và điều trị

Theo định nghĩa của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), tăng huyết áp là khi huyết áp từ 130/80 mmHg trở lên.

Nhiều người khi đi khám thì chỉ số huyết áp hoàn toàn bình thường nhưng khi đo tại nhà thì huyết áp lại ở mức cao. Tình trạng này được gọi là tăng huyết áp ẩn giấu (masked hypertension).

Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu xem lý do nào gây nên điều này, làm sao để phát hiện tăng huyết áp ẩn giấu và cách điều trị.

Tăng huyết áp ẩn giấu là gì?

Tăng huyết áp ẩn giấu là tình trạng huyết áp bình thường khi đo tại bệnh viện hoặc phòng khám nhưng lại ở mức cao khi đo ở nhà hoặc những nơi khác ngoài bệnh viện.

Điều này khác với tăng huyết áp thông thường – cho dù đo ở đâu thì huyết áp cũng ở mức cao.

Một tình trạng trái ngược với tăng huyết áp ẩn giấu là tăng huyết áp áo choàng trắng (white coat hypertension) – huyết áp tăng cao khi đo tại bệnh viện hoặc phòng khám nhưng lại bình thường khi đo ở nhà.

Triệu chứng của tăng huyết áp ẩn giấu

Một số người bị tăng huyết áp ẩn giấu gặp các triệu chứng như chóng mặt, đỏ mặt và đốm đỏ trong mắt nhưng đa số những người bị tình trạng này không có bất kỳ triệu chứng nào. Mặc dù không có triệu chứng nhưng tăng huyết áp ẩn giấu vẫn có thể gây tổn hại các cơ quan nội tạng như thận và tim. Nếu có dấu hiệu tổn thương các cơ quan này mà chỉ số huyết áp đo tại bệnh viện lại bình thường, rất có thể người bệnh bị tăng huyết áp ẩn giấu, nhất là khi có các yếu tố nguy cơ như tiền sử gia đình bị tăng huyết áp hoặc hút thuốc lá.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân chính xác gây ra chứng tăng huyết áp ẩn giấu vẫn chưa được xác định rõ.

Nhưng nghiên cứu cho thấy tình trạng này phổ biến hơn ở những người hút thuốc và uống quá nhiều rượu. Tăng huyết áp ẩn giấu cũng phổ biến hơn ở nam giới và những người mắc bệnh đái tháo đường.

Bác sĩ có thể sẽ nghi ngờ tăng huyết áp ẩn giấu khi người bệnh có các yếu tố nguy cơ như tiền sử gia đình (cả cha và mẹ) bị tăng huyết áp, tiền sử cá nhân từng bị tăng huyết áp hoặc có nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch.

Phương pháp chẩn đoán tăng huyết áp ẩn giấu

Các loại máy đo huyết áp hiện nay đa phần đều chính xác, cho phép mọi người dễ dàng theo dõi huyết áp tại nhà và biết được mình có bị tăng huyết áp hay không mà không cần đến các cơ sở y tế.

Hãy ghi lại kết quả của các lần đo huyết áp và mang theo khi đi khám. Điều này có thể giúp bác sĩ chẩn đoán tăng huyết áp. Ngoài chỉ số huyết áp, bác sĩ sẽ thực hiện thêm một số bước kiểm tra để xem tim và thận có bị tổn hại hay không và từ đó xác nhận tình trạng tăng huyết áp:

  • Xét nghiệm cholesterol và các xét nghiệm máu khác
  • Điện tâm đồ (ECG)
  • Siêu âm tim hoặc thận
  • Sử dụng máy theo dõi huyết áp tại nhà trong 24 giờ (Holter huyết áp)

Tăng huyết áp ẩn giấu có ảnh hưởng hoặc bị ảnh hưởng bởi bệnh tiểu đường không?

Một số nghiên cứu cho thấy những người mắc bệnh tiểu đường có tỷ lệ bị tăng huyết áp ẩn giấu cao hơn so với những người không mắc bệnh tiểu đường. Ngoài ra, tăng huyết áp thường có liên quan đến bệnh tiểu đường và hai bệnh lý này có nhiều yếu tố nguy cơ giống nhau.

Bệnh tiểu đường có thể gây sẹo thận, dẫn đến tình trạng tích muối và nước, điều này sẽ làm tăng huyết áp. Bệnh tiểu đường còn có thể làm hỏng các mạch máu nhỏ theo thời gian, khiến thành mạch cứng lại và không thể vận chuyển máu một cách hiệu quả, điều này sẽ góp phần gây ra tình trạng tăng huyết áp.

Điều trị tăng huyết áp ẩn giấu

Thay đổi lối sống và dùng thuốc có thể giúp kiểm soát tình trạng tăng huyết áp.

Một số thay đổi lối sống mà người bị tăng huyết áp nên thực hiện gồm có:

  • Ăn uống cân bằng, lành mạnh (hạn chế muối và đường tinh luyện, ăn nhiều trái cây và rau củ)
  • Tăng cường hoạt động thể chất
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh và giảm cân nếu thừa cân
  • Giảm căng thẳng
  • Bỏ thuốc lá
  • Hạn chế rượu bia

Ngoài thay đổi lối sống, người bệnh có thể phải dùng thuốc, ví dụ như:

  • Thuốc chẹn beta để giảm sự co bóp của tim
  • Thuốc lợi tiểu để loại bỏ lượng natri và nước dư thừa ra khỏi cơ thể
  • Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE) hoặc thuốc ức chế thụ thể angiotensin II (ARB) để làm giãn mạch máu

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tăng huyết áp ở trẻ em: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
Tăng huyết áp ở trẻ em: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Không chỉ có người lớn mà trẻ em cũng có thể bị tăng huyết áp. Trên thực tế, tỷ lệ mắc tăng huyết áp ở trẻ em và thanh thiếu niên đang ngày một tăng. Tăng huyết áp ở trẻ em có thể là do nhiều nguyên nhân gây nên, từ di truyền cho đến các vấn đề về sức khỏe và dùng một số loại thuốc nhất định.

Điều trị tăng huyết áp bằng cách nào?
Điều trị tăng huyết áp bằng cách nào?

Khi đo huyết áp, nếu kết quả dưới 120/80mmHg thì huyết áp ở mức bình thường còn nếu cao hơn mức này thì được coi là tăng huyết áp, hay còn được gọi là cao huyết áp và cần đến các phương pháp điều trị.

Tăng huyết áp mạn tính điều trị bằng cách nào?
Tăng huyết áp mạn tính điều trị bằng cách nào?

Huyết áp là áp lực máu tác động lên thành trong của động mạch. Huyết áp có thể thay đổi trong suốt cả ngày và thay đổi theo các giai đoạn trong cuộc đời. Khi huyết áp cao hơn nhiều so với mức bình thường thì được gọi là tăng huyết áp hay cao huyết áp.

Tăng huyết áp thứ phát: Nguyên nhân và phương pháp điều trị
Tăng huyết áp thứ phát: Nguyên nhân và phương pháp điều trị

Khi tăng huyết áp xảy ra do một bệnh lý khác thì được gọi là tăng huyết áp thứ phát. Bệnh thận mạn (suy thận mạn) là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây tăng huyết áp thứ phát. Để điều trị tăng huyết áp thứ phát, trước tiên cần điều trị nguyên nhân gốc rễ.

Tăng huyết áp do mức renin thấp điều trị bằng cách nào?
Tăng huyết áp do mức renin thấp điều trị bằng cách nào?

Tăng huyết áp do mức renin thấp là tình trạng huyết áp tăng cao do nồng độ một loại enzyme tên là renin trong máu ở mức thấp hơn bình thường.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây