12 nguyên nhân gây tăng huyết áp (và cách phòng ngừa)

Huyết áp là áp lực mà dòng máu tạo ra trong động mạch. Tăng huyết áp là tình trạng huyết áp cao kéo dài (mạn tính). Theo thời gian, điều này sẽ làm hỏng hệ thống tim mạch ãn tính và có thể dẫn đến các biến chứng như nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ nếu như không được kiểm soát.
Ước tính có hơn 1 tỷ người trên thế giới bị tăng huyết áp và nhiều người mắc căn bệnh này mà không biết.
Vậy huyết áp bao nhiêu thì được xác định là tăng huyết áp? Theo hướng dẫn năm 2017 của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), huyết áp dưới 120/80 mmHg được xem là bình thường. Huyết áp cao hơn mức này là tiền tăng huyết áp và huyết áp trên 130/80 mmHg là tăng huyết áp.
Tăng huyết áp được chia thành hai loại là tăng huyết áp nguyên phát và tăng huyết áp thứ phát. Hầu hết các trường hợp tăng huyết áp là nguyên phát (vô căn), có nghĩa là không xác định được nguyên nhân cụ thể gây tăng huyết áp và có thể là do các yếu tố như di truyền, lão hóa, lối sống hay chế độ ăn uống.
Tăng huyết áp thứ phát chỉ chiếm khoảng 5% đến 10% tổng số trường hợp tăng huyết áp. Tăng huyết áp thứ phát là tăng huyết áp do một bệnh lý khác hoặc thuốc gây nên. Một số bệnh lý có thể gây tăng huyết áp là bệnh thận, suy giáp, ngưng thở khi ngủ, bệnh tuyến thượng thận… Thông thường, huyết áp sẽ trở về bình thường sau khi nguyên nhân gốc rễ được điều trị.
Cùng tìm hiểu về 12 nguyên nhân phổ biến nhất gây tăng huyết áp.
1. Vấn đề sức khỏe
Mặc dù hầu hết các trường hợp tăng huyết áp là nguyên phát (vô căn) nhưng tăng huyết áp cũng có thể là do một số vấn đề về sức khỏe gây nên. Điều trị các vấn đề này có thể đưa huyết áp trở về bình thường.
Các nguyên nhân chính gây tăng huyết áp thứ phát gồm có:
- Bệnh tiểu đường
- Bệnh thận mạn
- Mang thai
- Vấn đề về tim
- Bệnh tuyến giáp
- Bệnh tuyến thượng thận
- Cường aldosteron
- Ngưng thở khi ngủ
2. Thừa cân hoặc béo phì
Mặc dù béo phì cũng là một vấn đề sức khỏe nhưng do có mối liên hệ đặc biệt mật thiết với tăng huyết áp nên cần được tách ra nói riêng. Một tổng quan tài liệu vào năm 2020 ước tính rằng béo phì chiếm 65% đến 78% số trường hợp tăng huyết áp nguyên phát.
Thừa cân hoặc béo phì có thể gây tăng huyết áp và làm trầm trọng thêm tình trạng tăng huyết áp ở những người đã mắc bệnh. Lý do là bởi mỡ thừa gây ra nhiều thay đổi trong cơ thể, gồm có sự thay đổi về hormone, cấu trúc và chức năng của thận. Thừa cân, béo phì còn làm thay đổi cách cơ thể sử dụng insulin – loại hormone đưa đường từ máu vào tế bào. Điều này có thể dẫn đến tình trạng kháng insulin và tiểu đường type 2. Mắc bệnh tiểu đường type 2 cũng là một yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp.
Ở những người bị thừa cân hoặc béo phì, chỉ cần giảm 2% đến 3% khối lượng cơ thể là đã có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tăng huyết áp. Nhưng tốt nhất nên cố gắng giảm từ 5% đến 10% khối lượng cơ thể. Để giảm cân an toàn và hiệu quả, bạn nên kết hợp điều chỉnh chế độ ăn uống với tập thể dục và thay đổi lối sống.
3. Lối sống ít vận động
Lối sống ít vận động gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Hoạt động thể chất quá ít có thể làm tăng nguy cơ hoặc làm trầm trọng thêm các vấn đề về sức khỏe tâm thần như lo âu và trầm cảm. Ít vận động còn làm tăng nguy cơ thừa cân.
Tập thể dục đều đặn giúp duy trì cân nặng khỏe mạnh hoặc giảm cân nếu thừa cân. Điều này không chỉ có lợi cho huyết áp mà còn có lợi cho sức khỏe tổng thể.
Cố gắng tập cardio cường độ vừa phải ít nhất 150 phút mỗi tuần hoặc tập cường độ cao ít nhất 75 phút mỗi tuần, kết hợp với tập các bài tập tăng sức mạnh của cơ cường độ vừa đến cao ít nhất 2 lần mỗi tuần. Ngoài ra, hãy giảm thời gian ngồi và tăng cường vận động trong khoảng thời gian còn lại trong ngày.
4. Ăn nhiều muối
Natri là một thành phần trong muối ăn, còn gọi là natri clorua (sodium chloride). Muối có trong rất nhiều loại thực phẩm chế biến sẵn và được sử dụng trong nấu ăn hàng ngày. Tiêu thụ nhiều natri làm tăng huyết áp và ngược lại, giảm lượng natri trong chế độ ăn có thể giúp giảm huyết áp.
Một nghiên cứu vào năm 2019 cho thấy việc giảm lượng natri tiêu thụ ở mức độ vừa phải có thể giúp giảm huyết áp, bất kể có bị tăng huyết áp hay không.
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) khuyến cáo người từ 14 tuổi trở lên chỉ nên tiêu thụ tối đa 2.300mg natri mỗi ngày, tương đương khoảng một thìa cà phê. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra mức giới hạn thấp hơn (2.000mg/ngày) trong khi Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyến cáo không tiêu thụ quá 1.500mg natri mỗi ngày, đặc biệt là những người bị tăng huyết áp.
5. Uống nhiều rượu bia
Tiêu thụ nhiều rượu bia có hại cho sức khỏe tổng thể, bao gồm cả sức khỏe tim mạch. Điều này có thể góp phần gây ra hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng tăng huyết áp. Uống nhiều rượu bia còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và một số loại ung thư.
AHA khuyến cáo nam giới chỉ nên uống tối đa hai đơn vị cồn mỗi ngày và phụ nữ chỉ nên uống tối đa một đơn vị cồn/ngày. Một đơn vị cồn tương đương:
- 355ml bia
- 120ml rượu vang
- 45ml rượu mạnh 80 độ
- 30ml rượu mạnh 100 độ
Tuy nhiên, cho dù chỉ uống rượu bia ở mức độ vừa phải cũng vẫn gây ra những tác hại nhất định. Một nghiên cứu trên hơn 17.000 người vào năm 2019 cho thấy rằng tiêu thụ rượu bia ở mức độ vừa phải (7 đến 13 đơn vị cồn/tuần) có thể làm tăng đáng kể nguy cơ tăng huyết áp. Một nghiên cứu vào năm 2020 đã phát hiện ra rằng những người bị tiểu đường type 2 uống rượu ở mức độ vừa phải có nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp cao hơn so với những người không uống rượu.
6. Tiêu thụ nhiều caffeine
Cà phê là thức uống được rất nhiều người yêu thích. Một phần là vì cà phê giúp cho tinh thần tỉnh táo. Tác dụng này là nhờ hợp chất caffeine có trong cà phê. Theo AHA, caffeine không gây hại cho huyết áp trừ khi tiêu thụ quá nhiều. Thậm chí, nhiều nghiên cứu còn phát hiện ra rằng những người thường xuyên uống cà phê có nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như ung thư và bệnh tim mạch thấp hơn.
Theo một tổng quan nghiên cứu vào năm 2017 và một nghiên cứu vào năm 2021, uống 3 đến 4 cốc cà phê mỗi ngày an toàn với hầu hết người bị tăng huyết áp. Nhưng uống nhiều hơn có thể gây cảm giác lo lắng và hồi hộp.
FDA khuyến cáo người lớn khỏe mạnh chỉ nên tiêu thụ tối đa 400mg caffeine/ngày.
- Một cốc cà phê 240ml chứa 80 đến 100mg caffeine.
- Một cốc trà 240ml chứa từ 30 đến 50mg caffeine.
- Một lon nước tăng lực 240ml chứa từ 40 đến 250mg caffeine.
- Một lon nước ngọt 355ml chứa từ 30 đến 40mg caffeine.
Nếu bạn lo lắng về lượng caffeine tiêu thụ, tốt nhất hãy trao đổi với bác sĩ.
Huyết áp sẽ tăng lên sau khi tiêu thụ caffeine. Do đó, không nên uống đồ uống chứa caffeine trong vòng 30 phút trước khi đo huyết áp. Điều này sẽ dẫn đến kết quả đo huyết áp khôgn chính xác.
7. Hút thuốc lá
Hút thuốc đứng đầu danh sách những nguyên nhân gây tử vong có thể phòng ngừa được. Hút thuốc có thể gây ra nhiều vấn đề đe dọa đến tính mạng, gồm có nhồi máu cơ tim, đột quỵ, bệnh phổi và một số loại ung thư.
Mặc dù mối liên hệ giữa bệnh tăng huyết áp và hút thuốc vẫn chưa được làm rõ nhưng hút thuốc khiến cho huyết áp tăng cao tạm thời. Hút thuốc còn góp phần gây xơ vữa động mạch và tình trạng này làm cứng động mạch. Động mạch cứng có thể dẫn đến tăng huyết áp.
Nếu bạn hút thuốc, hãy cố gắng cai càng sớm càng tốt. Cai thuốc lá mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe và một số lợi ích bắt đầu ngay trong vòng 20 phút sau khi bỏ thuốc.
8. Một số loại thuốc
Một số loại thuốc có thể làm tăng huyết áp. Một nghiên cứu trên 27.599 người lớn vào năm 2021 cho thấy 18,5% số người bị tăng huyết áp đang dùng các loại thuốc khiến cho huyết áp tăng cao thêm.
Một số loại thuốc có thể làm tăng huyết áp gồm có:
- Steroid
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
- Thuốc trị nghẹt mũi
- Thuốc chống loạn thần
- Thuốc tránh thai đường uống
Nếu bị tăng huyết áp, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào, kể cả thuốc không kê đơn.
9. Ngủ không đủ giấc
Theo CDC, người trên 18 tuổi cần ngủ ít nhất 7 tiếng mỗi ngày để có sức khỏe tốt. Tuy nhiên, ngủ không đủ giấc là một vấn đề rất phổ biến. Thiếu ngủ có nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe, đặc biệt là khi bị tăng huyết áp.
Khi chúng ta ngủ, huyết áp sẽ giảm xuống. Điều này giúp cơ thể được nghỉ ngơi. Ngủ không đủ giấc hoặc giấc ngủ chất lượng kém đồng nghĩa với việc cơ thể không được nghỉ ngơi đủ.
Nếu đang bị khó ngủ hoặc ngủ không sâu giấc dẫn đến thiếu ngủ, bạn có thể thử những cách khắc phục sau đây:
- Đi ngủ vào cùng một thời điểm mỗi đêm và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi sáng, kể cả vào cuối tuần và ngày nghỉ.
- Tăng thời gian tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên, đặc biệt là vào đầu ngày.
- Tập thể dục nhưng không tập gần giờ đi ngủ.
- Tránh tiếp xúc với ánh sáng nhân tạo trong vòng vài giờ trước khi đi ngủ, gồm có đèn điện, máy tính, điện thoại…
- Không ăn uống trong vòng vài giờ trước khi đi ngủ, đặc biệt là rượu bia và thực phẩm có nhiều chất béo hoặc đường.
- Giữ phòng ngủ mát mẻ, tối và yên tĩnh.
10. Mang thai
Tăng huyết áp xảy ra trong thời kỳ mang thai được gọi là tăng huyết áp thai kỳ. Những thai phụ bị tình trạng này cần kiểm soát tốt huyết áp để tránh xảy ra biến chứng. Huyết áp trong thời gian mang thai từ140/90 mmHg trở lên được coi là tăng huyết áp.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ tăng huyết áp trong thai kỳ gồm có:
- Thừa cân hoặc béo phì
- Ít vận động
- Hút thuốc
- Uống rượu bia
- Mang thai lần đầu
- Có tiền sử gia đình bị tăng huyết áp thai kỳ
- Mang đa thai
- Mang thai sau 35 tuổi
- Mang thai nhờ biện pháp hỗ trợ sinh sản, chẳng hạn như thụ tinh trong ống nghiệm
- Mắc bệnh tiểu đường hoặc một số bệnh tự miễn
11. Tuổi cao
Tăng huyết áp là một vấn đề rất phổ biến ở người lớn tuổi. Càng có tuổi thì nguy cơ tăng huyết áp càng cao.
Tỷ lệ mắc bệnh tăng huyết áp ở các nhóm tuổi như sau:
- 18– 39 tuổi: 22,4%
- 40 – 59 tuổi: 54,5%
- 60 tuổi trở lên: 74,5%
Tỷ lệ mắc bệnh tăng huyết áp ở người lớn nói chung (18 tuổi trở lên) là 45,4%.
Theo Viện Lão khoa Quốc gia Hoa Kỳ (NIA), sở dĩ nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp tăng theo tuổi tác là do hệ thống mạch máu trong cơ thể trở nên suy yếu theo thời gian. Động mạch bị cứng lại và làm cho huyết áp tăng lên. Điều này xảy ra ở cả những người có lối sống lành mạnh.
Các biện pháp phòng ngừa tăng huyết áp ở người lớn tuổi cũng tương tự như người trẻ tuổi, gồm có loại bỏ các thói quen có hại như hút thuốc, uống nhiều rượu, đồng thời duy trì các thói quen có lợi cho sức khỏe tim mạch như tập thể dục và ăn uống lành mạnh. Khi mắc các bệnh lý có thể dẫn đến tăng huyết áp như đái tháo đường, người bệnh cần tuân thủ điều trị để giảm thiểu nguy cơ.
12. Di truyền
Những người có người thân trong gia đình bị tăng huyết áp có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Lý do có thể là vì những người trong cùng một gia đình có các thói quen sống tương tự nhau, ví dụ như chế độ ăn uống thiếu lành mạnh hay lối sống ít vận động.
Tuy nhiên, điều này cũng có thể là do yếu tố di truyền. Ước tính 30% đến 60% số trường hợp huyết áp bất thường có yếu tố di truyền. Một số biến dị di truyền có thể dẫn đến các hội chứng gây tăng huyết áp, ví dụ như:
- Cường aldosteron
- Hội chứng Gordon
- Hội chứng Liddle
Một số gen hoặc sự kết hợp các gen có thể trực tiếp làm tăng nguy cơ tăng huyết áp.
Phòng ngừa tăng huyết áp
Các cách kiểm soát tăng huyết áp cũng chính là những biện pháp phòng ngừa căn bệnh này:
- Tập thể dục thường xuyên
- Không hút thuốc
- Hạn chế uống rượu bia
- Duy trì cân nặng hợp lý
- Ăn uống lành mạnh, ít natri
- Kiểm soát căng thẳng
- Ngủ đủ giấc
- Điều trị các bệnh lý có thể gây tăng huyết áp
Tóm tắt bài viết
Có nhiều yếu tố có thể góp phần gây nên hoặc làm tăng nguy cơ tăng huyết áp. Một số yếu tố trong đó có thể thay đổi được, chẳng hạn như lối sống ít vận động, chế độ ăn, uống rượu bia và hút thuốc lá trong khi một số yếu tố lại nằm ngoài tầm kiểm soát, chẳng hạn như di truyền và tuổi tác. Tăng huyết áp thường không có triệu chứng nên cách duy nhất để phát hiện bệnh sớm là đo huyết áp thường xuyên, đặc biệt là khi bạn có tiền sử gia đình mắc bệnh này hoặc các yếu tố nguy cơ khác.
Điều chỉnh chế độ ăn và thói quen sống có thể làm giảm nguy cơ tăng huyết áp. Khi bị tăng huyết áp, hãy tiếp tục duy trì những thói quen sống lành mạnh này để kiểm soát huyết áp. Nếu huyết áp vẫn cao, hãy đi khám để được kê thuốc điều trị.

Không chỉ có người lớn mà trẻ em cũng có thể bị tăng huyết áp. Trên thực tế, tỷ lệ mắc tăng huyết áp ở trẻ em và thanh thiếu niên đang ngày một tăng. Tăng huyết áp ở trẻ em có thể là do nhiều nguyên nhân gây nên, từ di truyền cho đến các vấn đề về sức khỏe và dùng một số loại thuốc nhất định.

Mọi ca phẫu thuật đều tiềm ẩn rủi ro nhất định, ngay cả khi đó chỉ là ca phẫu thuật thông thường. Một trong những rủi ro là thay đổi huyết áp. Có nhiều nguyên nhân khiến huyết áp tăng cao sau phẫu thuật. Nguy cơ gặp phải tình trạng này phụ thuộc vào loại phẫu thuật, phương pháp vô cảm và thuốc được sử dụng, và người bệnh có vấn đề về huyết áp trước đó hay không.

Tăng huyết áp ẩn giấu là khi huyết áp đo tại bệnh viện ở mức bình thường nhưng lại ở mức cao khi đo tại nhà. Theo dõi huyết áp tại nhà sẽ giúp phát hiện tình trạng này.

Mặc dù người trên 65 tuổi có nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp cao hơn nhưng căn bệnh này có thể xảy ra ở độ tuổi trẻ hơn, thậm chí ở độ tuổi 20.

Khi tăng huyết áp xảy ra do một bệnh lý khác thì được gọi là tăng huyết áp thứ phát. Bệnh thận mạn (suy thận mạn) là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây tăng huyết áp thứ phát. Để điều trị tăng huyết áp thứ phát, trước tiên cần điều trị nguyên nhân gốc rễ.