1

Tăng huyết áp do mức renin thấp điều trị bằng cách nào?

Tăng huyết áp do mức renin thấp là tình trạng huyết áp tăng cao do nồng độ một loại enzyme tên là renin trong máu ở mức thấp hơn bình thường.
Tăng huyết áp do mức renin thấp điều trị bằng cách nào? Tăng huyết áp do mức renin thấp điều trị bằng cách nào?

Renin phối hợp với các phân tử khác trong cơ thể để giữ cân bằng chất điện giải. Nồng độ renin thấp có thể là do cơ thể có quá nhiều natri hoặc do tăng huyết áp nhạy cảm với muối.

Theo một nghiên cứu vào năm 2018, tăng huyết áp do mức renin thấp có thể xảy ra ở khoảng 30% số người bị tăng huyết áp.

Chẩn đoán tăng huyết áp do mức renin thấp rất quan trọng trong việc xác định phương pháp điều trị tăng huyết áp. Tuy nhiên, bác sĩ thương sẽ còn kiểm tra các yếu tố khác.

Tăng huyết áp và hệ thống renin - angiotensin - aldosterone

Để hiểu về tăng huyết áp do mức renin thấp, trước tiên bạn cần hiểu về hệ thống renin - angiotensin - aldosterone (RAAS).

  1. Renin là một loại enzyme được tạo ra ở thận. Loại enzyme này bắt đầu toàn bộ quá trình.
  2. Angiotensinogen là một loại protein do gan tạo ra. Angiotensinogen bị phân hủy bởi renin và tạo thành angiotensin I.
  3. Một loại enzyme khác chuyển đổi angiotensin I thành angiotensin II, một loại hormone (protein) thu hẹp mạch máu và làm tăng huyết áp.
  4. Angiotensin II khiến tuyến thượng thận giải phóng aldosterone, một loại hormone khác. Aldosterone giúp kiểm soát lượng muối trong máu.

RAAS có vai trò kiểm soát thể tích máu, nồng độ natri và kali, nhờ đó điều hòa huyết áp.

Tại sao mức renin thấp gây tăng huyết áp?

Khi RAAS hoạt động bình thường, mức renin cao sẽ làm tăng huyết áp. Nhưng ở những người bị tăng huyết áp do mức renin thấp, huyết áp tăng cao ngay cả khi nồng độ renin ở mức thấp hoặc bình thường. Cơ thể không có đủ renin để kích hoạt các quá trình kiểm soát huyết áp.

Tăng huyết áp do mức renin thấp được chia thành nhiều loại và mỗi loại là do nguyên nhân khác nhau gây ra. Nghiên cứu vào năm 2018 cho thấy nguyên nhân gây tăng huyết áp do mức renin thấp có thể là do:

  • Hội chứng di truyền
  • Đột biến gen mắc phải
  • Các yếu tố môi trường

Để xác định nguyên nhân chính xác gây tăng huyết áp do mức renin thấp, bác sĩ sẽ phải kiểm tra mức aldosterone. Nồng độ aldosterone trong máu có thể thu hẹp phạm vi nguyên nhân gây tăng huyết áp do mức renin thấp.

Mức aldosterone cao

Nếu nồng độ renin ở mức thấp nhưng aldosterone lại ở mức cao thì có thể bạn bị cường aldosterone nguyên phát, hay còn gọi là tăng aldosterone nguyên phát hoặc hội chứng Conn.

Cường aldosteron nguyên phát là nguyên nhân phổ biến nhất gây tăng huyết áp do mức renin thấp. Một nghiên cứu vào năm 2018 chỉ ra rằng tình trạng này xảy ra ở khoảng 6% số người bị tăng huyết áp. Nghiên cứu này còn cho thấy cường aldosterone nguyên phát có thể di truyền. Cường aldosterone nguyên phát có tính gia đình có thể là do một đột biến gen di truyền gây ra.

Trong một số trường hợp, khối u nhỏ lành tính (không phải ung thư) ở tuyến thượng thận là nguyên nhân gây cường aldosterone.

Mức aldosterone bình thường

Nếu nồng độ renin ở mức thấp trong khi nồng độ aldosterone ở mức bình thường thì khả năng cao nguyên nhân là tăng huyết áp nguyên phát do mức renin thấp. Tăng huyết áp nguyên phát hay vô căn có nghĩa là tăng huyết áp không phải do một vấn đề sức khỏe khác gây ra.

Tăng huyết áp nguyên phát do mức renin thấp cũng có thể được chẩn đoán trong trường hợp nồng độ aldosterone thấp hoặc cao và đã loại trừ hết các nguyên nhân khác.

Theo một nghiên cứu vào năm 2012, nồng độ renin thấp phổ biến hơn ở cộng đồng người da đen và người cao tuổi.

Mức aldosterone thấp

Nghiên cứu cho thấy nồng độ renin và aldosterone đều ở mức thấp có thể là do nguyên nhân mắc phải hoặc di truyền. Các nguyên nhân mắc phải gồm có:

  • Hội chứng Cushing, do nồng độ steroid tăng cao
  • Các bệnh cấp tính
  • Ăn nhiều muối
  • Bệnh thận do đái tháo đường
  • Sử dụng một số loại thuốc nhất định, chẳng hạn như thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
  • Sử dụng nhiều cam thảo đen

Các nguyên nhân di truyền gồm có:

  • Hội chứng Liddle: Một rối loạn di truyền hiếm gặp gây tăng huyết áp do chức năng thận kém.
  • Đột biến kích hoạt thụ thể mineralocorticoid: Đây là một rối loạn di truyền có thể ảnh hưởng đến khả năng điều hòa chất điện giải của cơ thể. Điều này dẫn đến tình trạng không thể kiểm soát huyết áp.
  • Hội chứng dư thừa mineralocorticoid rõ ràng. Đây là một căn bệnh hiếm gặp. Một nghiên cứu vào năm 2018 cho thấy hội chứng dư thừa mineralocorticoid rõ ràng chủ yếu liên quan đến tăng huyết áp do mức renin thấp ở trẻ em.
  • Tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh. Đây là một rối loạn di truyền hiếm gặp ảnh hưởng đến chức năng của tuyến thượng thận.
  • Kháng glucocorticoid (hội chứng Chrousos). Kháng glucocorticoid là một bệnh di truyền hiếm gặp gây ra tình trạng kém nhạy với glucocorticoid. Điều này có thể dẫn đến tăng huyết áp.
  • Hội chứng Gordon. Hội chứng Gordon là một rối loạn di truyền hiếm gặp có thể gây tăng huyết áp và nồng độ kali trong máu cao.

Vì một số nguyên nhân di truyền gây tăng huyết áp do mức renin thấp có nhiều triệu chứng khác nhau nên các nguyên nhân này không phải lúc nào cũng dẫn đến tăng huyết áp.

Ví dụ, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh là một nhóm các rối loạn được chia thành hai dạng là dạng cơ bản và dạng không cơ bản. Theo Bệnh viện Nhi Philadelphia, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh dạng cơ bản thường có biểu hiện là huyết áp thấp. Một nghiên cứu từ năm 2018 cho thấy khoảng hai phần ba số người mắc tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh sẽ bị tăng huyết áp do mức renin thấp với mức aldosterone thấp.

Triệu chứng của tăng huyết áp do mức renin thấp

Các triệu chứng của tăng huyết áp do mức renin thấp phụ thuộc vào nguyên nhân gốc rễ gây ra tình trạng này. Tuy nhiên, người bệnh có thể không gặp phải triệu chứng và không biết mình mắc bệnh cho đến khi làm xét nghiệm máu.

Viện Tim, Phổi và Máu Quốc gia Hoa Kỳ (NHLBI) lưu ý rằng bản thân bệnh tăng huyết áp cũng không gây ra triệu chứng cho đến khi xảy ra các biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như bệnh tim mạch.

Ngoài tăng huyết áp, chứng cường aldosteron nguyên phát thường đi kèm tình trạng yếu cơ và hạ kali máu (nồng độ kali trong máu thấp). Điều này có thể gây khát nước, chuột rút và mệt mỏi.

Theo một nghiên cứu vào năm 2012, những người bị tăng huyết áp do mức renin thấp do cường aldosteron nguyên phát có nguy cơ mắc các vấn đề về tim mạch cao hơn. Những vấn đề này gồm có:

  • Bệnh tim mạch
  • Đột quỵ
  • Nhồi máu cơ tim
  • Rung nhĩ

Tăng huyết áp do renin thấp được chẩn đoán bằng cách nào?

Trước khi chẩn đoán tăng huyết áp do mức renin thấp, bác sĩ sẽ hỏi người bệnh về các triệu chứng gặp phải, cũng như tiền sử tăng huyết áp của cá nhân và gia đình. Bác sĩ cũng sẽ hỏi về các bệnh di truyền trong gia đình.

Chẩn đoán tăng huyết áp do mức renin thấp đòi hỏi phải xét nghiệm máu hoặc xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra:

  • nồng độ renin (nồng độ renin bình thường dao động từ 1,9 đến 3,7 ng/ml/giờ)
  • nồng độ aldosterone, để xác định loại tăng huyết áp do mức renin thấp
  • nồng độ kali, để kiểm tra tình trạng hạ kali máu
  • nồng độ cortisol, để kiểm tra khả năng sản xuất steroid của tuyến thượng thận

Người bệnh sẽ còn phải làm xét nghiệm chức năng thận.

Trong một số trường hợp, bác sĩ phải dựa vào phản ứng với thuốc mới xác định được nguyên nhân chính xác gây tăng huyết áp do mức renin thấp.

Có một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến nồng độ renin trong máu. Bác sĩ sẽ xem xét những yếu tố này khi đánh giá kết quả xét nghiệm. Một nghiên cứu vào năm 2018 cho biết những yếu tố này gồm có:

  • sử dụng một số loại thuốc nhất định
  • ăn nhiều muối
  • đang ở giai đoạn đầu của chu kỳ kinh nguyệt (giai đoạn nang trứng)

Bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm di truyền nếu gia đình người bệnh có một số bệnh lý có liên quan đến tăng huyết áp.

Điều trị tăng huyết áp do mức renin thấp

Tăng huyết áp do mức renin thấp có thể được điều trị bằng cách kết hợp dùng thuốc và thay đổi lối sống. Một số loại tăng huyết áp do mức renin thấp cần phải điều trị bằng phẫu thuật. Mục tiêu chung của việc điều trị là cải thiện hệ thống renin – angiotensin - aldosterone đồng thời làm giảm huyết áp.

Thuốc

Loại thuốc cần dùng để điều trị tăng huyết áp do mức renin thấp phụ thuộc vào loại bệnh cụ thể. Theo NHLBI, các loại thuốc để điều trị tình trạng này gồm có:

  • Thuốc lợi tiểu như spironolactone hoặc eplerenone, có thể được sử dụng để điều trị nồng độ aldosterone cao
  • Thuốc ức chế thụ thể angiotensin II (ARB) hoặc thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE) để ngăn tình trạng hẹp mạch máu
  • Thuốc chẹn kênh canxi để thúc đẩy sự giãn nở mạch máu

Phẫu thuật

Trong những trường hợp cường aldosteron do u tuyến thượng thận, bác sĩ có thể đề nghị cắt bỏ tuyến thượng thận.

Kết quả sau phẫu thuật ở mỗi ca bệnh là khác nhau. Tuy nhiên, Hiệp hội Nội tiết (the Society for Endocrinology) ước tính rằng phẫu thuật có thể giúp giảm huyết áp ở hơn 70% số người bị cường aldosteron nguyên phát. Một số người còn ít phải dùng thuốc trị tăng huyết áp hơn sau phẫu thuật.

Thay đổi lối sống

Giảm lượng natri trong chế độ ăn uống có thể giúp khắc phục phần nào tình trạng natri trong máu cao ở những người bị tăng huyết áp do mức renin thấp. Giảm tiêu thụ natri cũng là điều cần thiết đối với những người bị tăng huyết áp nhạy cảm với muối. Người bệnh có thể cân nhắc thực hiện chế độ ăn DASH (chế độ ăn để chống tình trạng tăng huyết áp).

Các nghiên cứu cho thấy chế độ ăn DASH giúp kiểm soát tăng huyết áp. Một nghiên cứu từ năm 2019 còn chỉ ra rằng chế độ ăn DASH có thể tác động đến RAAS và làm giảm huyết áp.

Chế độ ăn DASH tập trung vào các loại thực phẩm chứa ít natri như:

  • Trái cây
  • Rau
  • Ngũ cốc nguyên hạt
  • Các loại hạt
  • Các loại quả hạch
  • Các loại đậu

Chế độ ăn DASH cũng cho phép ăn thịt gia cầm, cá và các sản phẩm từ sữa ít béo. Lượng natri tiêu thụ hàng ngày chỉ nên ở mức 1.500 đến 2.300mg.

Ngoài chế độ ăn DASH, người bệnh nên thực hiện thêm các thay đổi lối sống khác để kiểm soát huyết áp, gồm có:

  • Kiểm soát căng thẳng
  • Bỏ thuốc lá
  • Tập thể dục thường xuyên
  • Duy trì cân nặng hợp lý
  • Hạn chế uống rượu bia
  • Ngủ đủ 7 đến 9 tiếng mỗi ngày

Tóm tắt bài viết

Tăng huyết áp do mức renin thấp là một loại tăng huyết áp khá phổ biến liên quan đến hệ thống renin – angiotensin - aldosterone. Mặc dù cũng có những trường hợp tăng huyết áp do mức renin thấp là do di truyền nhưng hầu hết là mắc phải và nguy cơ tăng theo tuổi tác.

Người bệnh có thể không biết mình bị tăng huyết áp do mức renin thấp cho đến khi làm xét nghiệm máu. Giống như các loại tăng huyết áp khác, tăng huyết áp do mức renin thấp thường không gây ra bất kỳ triệu chứng rõ ràng nào cho đến khi phát sinh biến chứng.

Thay đổi chế độ ăn uống và lối sống có thể giúp kiểm soát tình trạng tăng huyết áp do mức renin thấp. Tuy nhiên, tùy thuộc vào nguyên nhân gốc rễ mà người bệnh sẽ phải dùng một số loại thuốc nhất định. Một số trường hợp phải điều trị bằng phẫu thuật.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tăng huyết áp do hẹp động mạch thận điều trị bằng cách nào?
Tăng huyết áp do hẹp động mạch thận điều trị bằng cách nào?

Tăng huyết áp do hẹp động mạch thận là loại tăng huyết áp thứ phát phổ biến nhất. Tình trạng này do bệnh thận gây ra. Các phương pháp điều trị tăng huyết áp do hẹp động mạch thận gồm có thay đổi lối sống, dùng thuốc và phẫu thuật.

Tăng huyết áp ẩn giấu: Cách nhận biết và điều trị
Tăng huyết áp ẩn giấu: Cách nhận biết và điều trị

Tăng huyết áp ẩn giấu là khi huyết áp đo tại bệnh viện ở mức bình thường nhưng lại ở mức cao khi đo tại nhà. Theo dõi huyết áp tại nhà sẽ giúp phát hiện tình trạng này.

Tăng huyết áp khi mang thai: Nguyên nhân, biến chứng và cách điều trị
Tăng huyết áp khi mang thai: Nguyên nhân, biến chứng và cách điều trị

Nếu tăng huyết áp không được điều trị trong thời kỳ mang thai, cả mẹ và thai nhi đều có thể gặp phải các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn. Nhìn chung, theo dõi huyết áp và thực hiện một số thay đổi về lối sống có thể làm giảm nguy cơ gặp phải biến chứng do tăng huyết áp.

Tăng huyết áp sau sinh: Nguyên nhân và cách điều trị
Tăng huyết áp sau sinh: Nguyên nhân và cách điều trị

Tăng huyết áp sau sinh có thể xảy ra ở cả người không có tiền sử tăng huyết áp. Tình trạng này thường không có triệu chứng nhưng có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị.

Điều trị tăng huyết áp bằng thuốc lợi tiểu
Điều trị tăng huyết áp bằng thuốc lợi tiểu

Thuốc lợi tiểu là một trong những nhóm thuốc chính để điều trị tăng huyết áp. Các loại thuốc này có tác dụng loại bỏ nước và chất điện giải dư thừa ra khỏi cơ thể, nhờ đó làm giảm huyết áp.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây