Tăng huyết áp khi mang thai: Nguyên nhân, biến chứng và cách điều trị

Tăng huyết áp hay cao huyết áp là khi huyết áp từ 140/90 mmHg trở lên. Tình trạng tăng huyết áp bắt đầu xảy ra trong thời gian mang thai được gọi là tăng huyết áp thai kỳ. Đây là một vấn đề đáng lo ngại ở phụ nữ mang thai.
Nếu không được kiểm soát, tăng huyết áp có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng cho cả mẹ và thai nhi.
Nguyên nhân gây tăng huyết áp khi mang thai
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng tăng huyết áp khi mang thai:
- Thừa cân hoặc béo phì
- Ít vận động
- Hút thuốc
- Uống rượu
- Mang thai lần đầu
- Tiền sử gia đình bị tăng huyết áp khi mang thai
- Mang đa thai
- Trên 35 tuổi
- Sử dụng biện pháp hỗ trợ sinh sản, ví dụ như thụ tinh trong ống nghiệm (IVF)
- Bị tiểu đường hoặc một số bệnh tự miễn
Các yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp khi mang thai
Có một số yếu tố làm tăng nguy cơ tăng huyết áp trong thời kỳ mang thai.
Thói quen sống
Lối sống không lành mạnh có thể làm tăng nguy cơ tăng huyết áp khi mang thai. Thừa cân, béo phì và lối sống ít vận động à những yếu tố nguy cơ chính gây tăng huyết áp.
Đặc điểm thai kỳ
Những phụ nữ mang thai lần đầu có nguy cơ bị tăng huyết áp cao hơn. Nguy cơ sẽ giảm vào những lần mang thai sau.
Mang đa thai (có hai hoặc nhiều thai cùng lớn lên trong tử cung của mẹ) cũng làm tăng nguy cơ tăng huyết áp thai kỳ. Lý do là vì cơ thể người mẹ phải làm việc nhiều hơn để nuôi dưỡng nhiều thai nhi cùng lúc.
Theo Hiệp hội Y học Sinh sản Hoa Kỳ (the American Society for Reproductive Medicine), việc sử dụng các phương pháp hỗ trợ sinh sản như thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) trong quá trình thụ thai có thể làm tăng nguy cơ tăng huyết áp khi mang thai.
Tuổi tác khi mang thai
Tuổi tác cũng là một yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp khi mang thai. Những phụ nữ mang thai sau tuổi 35 có nguy cơ bị tăng huyết áp thai kỳ cao hơn.
Những phụ nữ bị tăng huyết áp từ trước khi mang thai có nguy cơ gặp các biến chứng liên quan trong thai kỳ cao hơn so với những người có huyết áp bình thường.
Các loại tăng huyết áp xảy ra trong thai kỳ
Tăng huyết áp khi mang thai được chia thành ba loại.
Tăng huyết áp mạn tính
Nhiều phụ nữ bị tăng huyết áp từ trước khi mang thai. Tình trạng này được gọi là tăng huyết áp mạn tính và thường phải điều trị bằng thuốc hạ huyết áp.
Tăng huyết áp xảy ra trong 20 tuần đầu của thai kỳ cũng được coi là tăng huyết áp mạn tính.
Tăng huyết áp thai kỳ
Tăng huyết áp thai kỳ xảy ra sau tuần thứ 20 của thai kỳ. Tình trạng này thường chỉ là tạm thời và huyết áp sẽ trở về bình thường sau khi sinh. Tuy nhiên, nếu xảy ra trước tuần thứ 30 thì tăng huyết áp thai kỳ có thể tiến triển thành tiền sản giật.
Tăng huyết áp mạn tính kèm theo tiền sản giật
Những phụ nữ bị tăng huyết áp mạn tính trước khi mang thai có nguy cơ bị tiền sản giật khi mang thai. Tiền sản giật là tình trạng huyết áp tăng cao và kèm theo protein trong nước tiểu (protein niệu).
Theo dõi huyết áp khi mang thai
Huyết áp được biểu thị qua hai chỉ số: huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương.
Huyết áp tâm thu (chỉ số ở trên) là áp lực máu tác động lên thành động mạch khi tim co bóp. Huyết áp tâm trương (chỉ số ở dưới) là áp lực máu trong động mạch khi tim nghỉ ngơi giữa các lần co bóp.
Huyết áp khi mang thai bao nhiêu là bình thường?
Để xác định mức huyết áp bình thường trong thời kỳ mang thai, bác sĩ sẽ đo huyết áp của thai phụ vào lần khám thai đầu tiên. Sau đó, huyết áp sẽ được đo lại vào những lần khám thai tiếp theo.
Huyết áp dưới 120/80 mmHg được xem là bình thường.
Huyết áp khi mang thai bao nhiêu là cao?
Huyết áp khi mang thai trên 130/90 mmHg hoặc huyết áp tâm thu tăng 15 mmHg so với mức trước khi mang thai là dấu hiệu đáng lo ngại.
Tăng huyết áp trong thời kỳ mang thai được định nghĩa là huyết áp tâm thu từ 140 mmHg trở lên và huyết áp tâm trương từ 90 mmHg trở lên.
Vào đầu thai kỳ, thường là từ tuần thứ 5 đến giữa tam cá nguyệt thứ hai, huyết áp của thai phụ có thể sẽ giảm. Điều này là do hormone thai kỳ làm cho mạch máu giãn ra.
Huyết áp khi mang thai bao nhiêu là thấp?
Không có định nghĩa thế nào là huyết áp quá thấp. Tuy nhiên, các triệu chứng có thể xảy ra khi huyết áp thấp gồm có:
- Đau đầu
- Chóng mặt
- Buồn nôn
- Cảm thấy choáng váng như sắp ngất
- Da lạnh, đổ mồ hôi
Những thay đổi về huyết áp trong thai kỳ
Khi sang những tháng cuối của thai kỳ, huyết áp của thai phụ sẽ có sự thay đổi hoặc trở lại mức trước khi mang thai. Có một số nguyên nhân dẫn đến điều này.
Khi mang thai, lượng máu trong cơ thể sẽ tăng lên. Lượng máu của phụ nữ tăng tới 45% trong thời gian mang thai. Điều này có nghĩa là tim sẽ phải bơm nhiều máu hơn đi khắp cơ thể. Tâm thất trái (buồng dưới bên trái của tim) sẽ trở nên dày và lớn hơn. Sự thay đổi tạm thời này giúp tim bơm được nhiều máu hơn.
Thận sẽ giải phóng nhiều vasopressin hơn, đây là một loại hormone làm tăng khả năng giữ nước.
Đa phần, huyết áp sẽ giảm về mức bình thường sau khi sinh con. Nếu huyết áp vẫn cao sau khi sinh, bác sĩ sẽ kê thuốc để đưa huyết áp trở lại bình thường.
Cách theo dõi huyết áp khi mang thai
Có nhiều cách để theo dõi huyết áp giữa các lần khám thai.
Bạn có thể mua máy đo huyết áp và tự đo tại nhà, đo tại hiệu thuốc hoặc cơ sở y tế. Máy đo huyết áp tại nhà thường được đeo ở cổ tay hoặc bắp tay. Để kiểm tra độ chính xác của máy, hãy mang máy theo khi đi khám và so sánh với kết quả đo được tại bệnh viện.
Để có kết quả đo huyết áp chính xác nhất, hãy đo vào cùng một thời điểm mỗi ngày. Đo huyết áp khi ngồi thẳng trên ghế, không bắt chéo chân. Nên đo ở cùng một cánh tay mỗi lần.
Hãy đi khám nếu huyết áp liên tục ở mức cao hoặc có các triệu chứng của tăng huyết áp.
Biến chứng của tăng huyết áp khi mang thai
Tăng huyết áp khi mang thai có thể dẫn đến biến chứng.
Tiền sản giật
Tiền sản giật là tình trạng huyết áp cao và kèm theo protein niệu. Tình trạng này có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến các cơ quan, bao gồm cả não và thận. Một biến chứng của tiền sản giật là sản giật, tình trạng thai phụ xuất hiện các cơn co giật. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng này có thể gây tử vong.
Các triệu chứng của tiền sản giật gồm có:
- Sưng phù bất thường ở tay và mặt
- Đau đầu dai dẳng
- Có đốm đen trước mắt hoặc những thay đổi về thị lực khác
- Đau bụng trên
- Buồn nôn hoặc nôn mửa ở giai đoạn sau của thai kỳ
- Khó thở
Vì tiền sản giật có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi nên hãy đi khám ngay khi có bất kỳ triệu chứng nào kể trên.
Khám thai đầy đủ và đi khám ngay khi nhận thấy bất kỳ sự thay đổi bất thường nào sẽ giúp phát hiện sớm và điều trị kịp thời tiền sản giật.
Hội chứng HELLP
HELLP là viết tắt của “hemolysis, elevated liver enzymes và low platelet”, có nghĩa là hội chứng thiếu máu tán huyết, tăng men gan và giảm tiểu cầu. Đây là một tình trạng nghiêm trọng và có thể đe dọa đến tính mạng. Hội chứng HELLP có thể là biến chứng của tiền sản giật.
Các triệu chứng của hội chứng HELLP gồm có:
- Buồn nôn
- Nôn mửa
- Đau đầu
- Đau bụng trên
Hội chứng HELLP có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến các hệ thống và cơ quan quan trọng trong cơ thể. Một trong những mục tiêu điều trị là làm giảm huyết áp. Một số trường hợp cần phải mổ lấy thai chủ động.
Tăng huyết áp trong thai kỳ còn ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Điều này có thể dẫn đến cân nặng khi sinh thấp. Theo Hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG), các biến chứng khác gồm có:
- Nhau bong non, tình trạng mà nhau thai tách sớm khỏi tử cung
- Sinh non (sinh trước tuần 38 của thai kỳ)
- Sinh mổ
Phòng ngừa tăng huyết áp khi mang thai
Có thể giảm thiểu nhiều yếu tố nguy cơ chính gây tăng huyết áp khi mang thai như thừa cân, béo phì bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống và tập thể dục.
Tăng cân trong thời gian mang thai là điều hết sức bình thường nhưng không nên tăng quá nhiều. Thai phụ nên trao đổi với bác sĩ về mức tăng cân hợp lý và cách duy trì cân nặng khỏe mạnh trong thai kỳ.
Chế độ ăn uống khi mang thai phụ thuộc vào nhiều yếu tố, ví dụ như tình trạng sức khỏe, chiều cao và cân nặng. Thai phụ có thể gặp chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn chế độ ăn uống phù hợp.
Không hút thuốc và uống rượu khi mang thai. Cả hai đều làm tăng huyết áp và gây ra các vấn đề khác trong thai kỳ.
Mang thai gây ra sự thay đổi về nội tiết tố cũng như về tâm sinh lý. Điều này có thể gây căng thẳng và khiến cho tình trạng tăng huyết áp khó kiểm soát hơn. Mẹ bầu có thể thử các biện pháp thư giãn và giảm căng thẳng như tập yoga hay thiền.
Thuốc điều trị tăng huyết áp khi mang thai
Một số loại thuốc điều trị tăng huyết áp không phù hợp dùng trong thời kỳ mang thai, ví dụ như:
- Thuốc ức chế men chuyển (ACE)
- Thuốc ức chế renin
- Thuốc ức chế thụ thể angiotensin (ARB)
Những loại thuốc này có thể đi qua nhau thai vào cơ thể thai nhi và ảnh hưởng tiêu cực đến thai nhi.
Methyldopa và labetalol là hai loại thuốc điều trị tăng huyết áp an toàn cho phụ nữ mang thai.
Kết luận
Nếu không được điều trị, tình trạng tăng huyết áp trong thai kỳ có thể đe dọa đến tính mạng của cả mẹ và bé.
Các biến chứng do tăng huyết áp là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ mang thai. Do đó, thai phụ cần đi khám ngay nếu kết quả đo huyết áp thường xuyên ở mức cao hoặc xuất hiện các triệu chứng bất thường.
Nhìn chung, phát hiện sớm, theo dõi huyết áp cẩn thận và thực hiện các thay đổi lối sống cần thiết có thể giúp giảm thiểu nguy cơ biến chứng do tăng huyết áp.

Tăng huyết áp ẩn giấu là khi huyết áp đo tại bệnh viện ở mức bình thường nhưng lại ở mức cao khi đo tại nhà. Theo dõi huyết áp tại nhà sẽ giúp phát hiện tình trạng này.

Khi tăng huyết áp xảy ra do một bệnh lý khác thì được gọi là tăng huyết áp thứ phát. Bệnh thận mạn (suy thận mạn) là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây tăng huyết áp thứ phát. Để điều trị tăng huyết áp thứ phát, trước tiên cần điều trị nguyên nhân gốc rễ.

Tăng huyết áp có thể là do nhiều yếu tố gây nên, chẳng hạn như tuổi tác, di truyền, bệnh tật, lối sống… Trong đó có những yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát nhưng cũng có những yếu tố có thể thay đổi.

Khi đo huyết áp, nếu kết quả dưới 120/80mmHg thì huyết áp ở mức bình thường còn nếu cao hơn mức này thì được coi là tăng huyết áp, hay còn được gọi là cao huyết áp và cần đến các phương pháp điều trị.

Mọi ca phẫu thuật đều tiềm ẩn rủi ro nhất định, ngay cả khi đó chỉ là ca phẫu thuật thông thường. Một trong những rủi ro là thay đổi huyết áp. Có nhiều nguyên nhân khiến huyết áp tăng cao sau phẫu thuật. Nguy cơ gặp phải tình trạng này phụ thuộc vào loại phẫu thuật, phương pháp vô cảm và thuốc được sử dụng, và người bệnh có vấn đề về huyết áp trước đó hay không.