Tăng huyết áp mạn tính điều trị bằng cách nào?

Huyết áp có thể tăng cao tạm thời do căng thẳng, tức giận, tập thể dục, uống rượu, hút thuốc hoặc các yếu tố khác như mang thai. Nết tình trạng huyết áp cao kéo dài thì được gọi là tăng huyết áp mạn tính.
Không có cách chữa trị khỏi hoàn toàn bệnh tăng huyết áp mạn tính nhưng dùng thuốc và kết hợp điều chỉnh lối sống có thể giúp kiểm soát huyết áp và ngăn ngừa biến chứng.
Tăng huyết áp mạn tính là gì?
Huyết áp được đo bằng đơn vị milimét thủy ngân (mmHg) và được thể hiện qua hai chỉ số: huyết áp tâm thu (chỉ số ở trên) và huyết áp tâm trương (chỉ số ở dưới).
Huyết áp tâm thu là áp lực của máu trong động mạch khi tim co bóp và bơm máu đi khắp cơ thể. Huyết áp tâm trương là áp lực của máu tác động lên thành động mạch khi tim nghỉ giữa các lần co bóp.
Tăng huyết áp là khi huyết áp tâm thu từ 130 mmHg trở lên hoặc huyết áp tâm trương từ 80 mmHg trở lên.
Tăng huyết áp mạn tính còn được gọi là tăng huyết áp nguyên phát hay tăng huyết áp vô căn. Theo Liên đoàn Tim mạch Thế giới (World Heart Federation), 90% số trường hợp tăng huyết áp là tăng huyết áp mạn tính. Đa số các trường hợp tăng huyết áp mạn tính đều không xác định được nguyên nhân nhưng các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ tăng huyết áp là:
- Tuổi tác cao
- Bệnh tiểu đường
- Uống nhiều rượu bia
- Tiền sử gia đình tăng huyết áp
- Tiêu thụ nhiều natri
- Béo phì
- Lối sống ít vận động
- Sử dụng thuốc lá
Tăng huyết áp thứ phát ít phổ biến hơn nhiều so với tăng huyết áp nguyên phát. Tăng huyết áp thứ phát là tăng huyết áp do một bệnh lý gây ra, chẳng hạn như bệnh thận hoặc bệnh tuyến giáp. Tăng huyết áp thứ phát không được coi là tăng huyết áp mạn tính vì huyết áp sẽ trở lại bình thường khi nguyên nhân gốc rễ được điều trị.
Tăng huyết áp mạn tính và tăng huyết áp thai kỳ
Tăng huyết áp là một vấn đề phổ biến ở phụ nữ mang thai. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừ Dịch bệnh (CDC), cứ 12 – 17 phụ nữ mang thai thì có 1 người bị tăng huyết áp. Tuy nhiên, cần phân biệt tăng huyết áp mạn tính và tăng huyết áp thai kỳ.
Tăng huyết áp mạn tính có nghĩa là bị tăng huyết áp từ trước khi mang thai hoặc trước tuần 20 của thai kỳ, tình trạng kéo dài trong suốt thai kỳ và sau khi sinh.
Tăng huyết áp thai kỳ là tình trạng tăng huyết áp bắt đầu xảy ra sau tuần 20 của thai kỳ. nhưng không kèm theo protein trong nước tiểu hoặc các vấn đề về tim hoặc thận khác.
Một vấn đề rất nguy hiểm có thể xảy ra trong thời gian mang thai là tiền sản giật. Đây là tình trạng huyết áp tăng cao kèm theo protein trong nước tiểu, xảy ra sau tuần thứ 20 của thai kỳ.
Tăng huyết áp mạn tính ở phụ nữ mang thai là một vấn đề rất phổ biến và là một chủ đề được nghiên cứu tích cực.
Một nghiên cứu vào năm 2017 cho thấy rằng những phụ nữ bị tăng huyết áp thai kỳ hoặc tiền sản giật có nguy cơ bị tăng huyết áp mạn tính cao hơn, mặc dù có thể giảm đáng kể nguy cơ này bằng cách duy trì cân nặng ở mức hợp lý và thực hiện lối sống tốt cho tim mạch.
Theo một nghiên cứu vào năm 2022, việc điều trị tăng huyết áp mạn tính ở phụ nữ mang thai và giảm huyết áp xuống dưới 140/90 mmHg sẽ mang lại kết cục thai kỳ tốt hơn, ngay cả ở những người bị tăng huyết áp mạn tính nhẹ.
Các cách hạ huyết áp
Kết hợp dùng thuốc và thực hiện lối sống tốt cho tim mạch sẽ giúp làm giảm và giữ huyết áp ổn định.
Điều chỉnh chế độ ăn
Thừa cân và béo phì có thể gây tăng huyết áp trong khi giảm cân và duy trì cân nặng ở mức hợp lý giúp kiểm soát huyết áp. Một cách hiệu quả để giảm cân và kiểm soát cân nặng là điều chỉnh chế độ ăn uống.
Ngoài ra, chế độ ăn uống cũng có ảnh hưởng trực tiếp đến huyết áp. Ví dụ, chế độ ăn nhiều natri và chất béo xấu có thể gây tăng huyết áp.
Một số chế độ ăn được khuyến nghị để kiểm soát tăng huyết áp là chế độ ăn DASH (Dietary Approaches to Stop Hypertension) và chế độ ăn kiểu Địa Trung Hải. Các chế độ ăn này đều có nhiều trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt và protein nạc. Chế độ ăn DASH còn có thêm một yêu cầu nữa đó là giảm lượng natri.
Một nghiên cứu vào năm 2020 cho thấy chế độ ăn DASH là một biện pháp đặc biệt hiệu quả để kiểm soát huyết áp.
Tập thể dục
Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyến nghị tập thể dục cường độ vừa phải 150 phút mỗi tuần để có sức khỏe tim mạch tốt hơn. Tốt nhất nên tập thể dục hầu hết các ngày trong tuần và mỗi ngày tập ít nhất 30 đến 40 phút.
Các bài tập cardio như đi bộ, chạy bộ không chỉ hỗ trợ kiểm soát cân nặng mà còn giúp tăng cường sức khỏe tim mạch và kiểm soát huyết áp.
Các biện pháp khác
Ngoài điều chỉnh chế độ ăn uống và tập thể dục còn rất nhiều thay đổi lối sống khác cũng giúp duy trì huyết áp khỏe mạnh và cải thiện sức khỏe tổng thể:
- Ngủ đủ 7 đến 8 tiếng mỗi ngày và giải quyết tình trạng rối loạn giấc ngủ, chẳng hạn như chứng ngưng thở khi ngủ.
- Hạn chế uống rượu bia
- Giảm căng thẳng
- Bỏ thuốc lá
Điều trị tăng huyết áp mạn tính
Ngoài việc duy trì lối sống tốt cho tim mạch, biện pháp chính để kiểm soát tăng huyết áp mạn tính là dùng thuốc hạ huyết áp. Các nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp phổ biến là:
- Thuốc lợi tiểu: Những loại thuốc này làm giảm lượng nước trong cơ thể, nhờ đó làm giảm áp lực lên động mạch nhưng cũng đồng thờ làm giảm lượng kali, điều này có thể gây ra các vấn đề về cơ. Những người bị tiểu đường có thể bị tăng đột biến lượng đường trong máu sau khi dùng thuốc lợi tiểu.
- Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE): có tác dụng làm giãn động mạch để máu chảy qua dễ dàng hơn và nhờ đó làm giảm huyết áp. Nhìn chung, thuốc ức chế ACE an toàn với hầu hết mọi người nhưng phụ nữ đang mang thai hoặc đang có kế hoạch mang thai nên trao đổi với bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào trong nhóm này.
- Thuốc ức chế thụ thể angiotensin II (ARB): có tác dụng giữ cho mạch máu mở rộng (thông qua cơ chế khác với thuốc ức chế ACE). ARB cũng không phù hợp với phụ nữ mang thai.
- Thuốc chẹn kênh canxi: làm giảm lực co bóp của tim, từ đó làm giảm áp lực dòng máu chảy qua động mạch.
Một nghiên cứu vào năm 2019 chỉ ra rằng thuốc hạ huyết áp hay thuốc điều trị tăng huyết áp an toàn và hiệu quả đối với hầu hết mọi người và có thể giúp giảm nguy cơ biến chứng tim mạch, chẳng hạn như nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
Tóm tắt bài viết
Tăng huyết áp mạn tính là một bệnh lý phổ biến, có thể xảy ra ở bất kỳ ai, bất kỳ độ tuổi nào. Mặc dù tăng huyết áp mạn tính không có cách chữa trị khỏi hoàn toàn nhưng có thể kiểm soát được bằng cách duy trì lối sống tốt cho tim mạch, gồm có chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên, đồng thời kết hợp dùng thuốc đều đặn hàng ngày. Những biện pháp này sẽ giúp ngăn ngừa biến chứng do tăng huyết áp, bao gồm cả nhồi máu cơ tim và đột quỵ.

Tăng huyết áp do hẹp động mạch thận là loại tăng huyết áp thứ phát phổ biến nhất. Tình trạng này do bệnh thận gây ra. Các phương pháp điều trị tăng huyết áp do hẹp động mạch thận gồm có thay đổi lối sống, dùng thuốc và phẫu thuật.

Tăng huyết áp ẩn giấu là khi huyết áp đo tại bệnh viện ở mức bình thường nhưng lại ở mức cao khi đo tại nhà. Theo dõi huyết áp tại nhà sẽ giúp phát hiện tình trạng này.

Nếu tăng huyết áp không được điều trị trong thời kỳ mang thai, cả mẹ và thai nhi đều có thể gặp phải các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn. Nhìn chung, theo dõi huyết áp và thực hiện một số thay đổi về lối sống có thể làm giảm nguy cơ gặp phải biến chứng do tăng huyết áp.

Tăng huyết áp sau sinh có thể xảy ra ở cả người không có tiền sử tăng huyết áp. Tình trạng này thường không có triệu chứng nhưng có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị.

Thuốc lợi tiểu là một trong những nhóm thuốc chính để điều trị tăng huyết áp. Các loại thuốc này có tác dụng loại bỏ nước và chất điện giải dư thừa ra khỏi cơ thể, nhờ đó làm giảm huyết áp.