Các triệu chứng của bệnh tăng huyết áp

Tăng huyết áp thường xảy ra âm thầm trong suốt nhiều năm mà không hề biểu hiện triệu chứng. Nhưng theo thời gian, huyết áp cao sẽ dần phá hỏng động mạch, đặc biệt là động mạch ở thận và mắt, và ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể. Tăng huyết áp làm tăng nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim và các vấn đề về tim mạch khác.
Cách duy nhất để phát hiện bệnh tăng huyết áp là đo huyết áp.
Triệu chứng của bệnh tăng huyết áp
Tăng huyết áp đa phần không có triệu chứng rõ ràng, nhưng cơn tăng huyết áp thì có. Cơn tăng huyết áp là khi huyết áp tâm thu (chỉ số đầu tiên) đột ngột tăng lên mức 180 mmHg trở lên hoặc huyết áp tâm trương (chỉ số thứ hai) tăng lên mức 120 mmHg trở lên.
Cơn tăng huyết áp là trường hợp cần cấp cứu y tế. Các triệu chứng thường xảy ra trong cơn tăng huyết áp là:
- Đột ngột đau đầu dữ dội
- Hụt hơi, khó thở
- Tê
- Mệt, không có sức lực
- Lo lắng, bồn chồn
- Thay đổi thị lực đột ngột
- Đau lưng, đau bụng hoặc đau ngực đột ngột
- Chảy máu mũi
- Nói chuyện khó khăn
Nếu tự đo huyết áp tại nhà và kết quả cao đến mức này, hãy đợi vài phút rồi đo lại.
Nếu lần đo thứ hai vẫn cho thấy huyết áp tâm thu là 180 mmHg trở lên hoặc huyết áp tâm trương 120 mmHg trở lên thì hãy gọi cấp cứu hoặc đến bệnh viện ngay, không được chờ huyết áp hạ.
Nếu không được điều trị kịp thời, cơn tăng huyết áp có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như:
- Phù phổi (tích tụ dịch trong phổi)
- Phù não hoặc xuất huyết não
- Rách động mạch chủ (động mạch chính của cơ thể)
- Đột quỵ
- Co giật (xảy ra ở phụ nữ mang thai bị tiền sản giật)
Cơn tăng huyết áp thường là do uống thuốc huyết áp không đều hoặc tăng huyết áp thứ phát (tăng huyết áp do bệnh lý khác gây nên).
Nguyên nhân gây tăng huyết áp
Tăng huyết áp thường là tình trạng mạn tính. Các yếu tố làm tăng nguy cơ bị tăng huyết áp gồm có:
- Hút thuốc lá
- Có tiền sử gia đình bị tăng huyết áp
- Ăn nhiều muối
- Uống nhiều rượu bia
- Tiêu thụ nhiều caffeine
- Lối sống ít vận động
- Mắc một số bệnh lý, chẳng hạn như béo phì hoặc tiểu đường
- Dùng một số loại thuốc nhất định
Có hai loại tăng huyết áp chính là tăng huyết áp nguyên phát và tăng huyết áp thứ phát.
Tăng huyết áp nguyên phát (hay còn gọi là tăng huyết áp vô căn) là tình trạng tăng huyết áp không do nguyên nhân cụ thể nào gây ra mà xảy ra từ từ theo thời gian. Nhiều trường hợp tăng huyết áp nguyên phát là do yếu tố di truyền.
Tăng huyết áp thứ phát là tăng huyết áp do một vấn đề sức khỏe khác gây ra, ví dụ như:
- Bệnh thận
- Cường giáp
- Cường aldosterol
- Béo phì
- Hội chứng Cushing
- Ngưng thở khi ngủ
Tăng huyết áp khi mang thai
Tăng huyết áp có thể xảy ra trong thời gian mang thai. Các yếu tố nguy cơ gồm có:
- Béo phì
- Tăng huyết áp mạn tính
- Bệnh tiểu đường
- Bệnh thận
- Bệnh lupus
- Mang thai nhờ các phương pháp hỗ trợ sinh sản như thụ tinh trong ống nghiệm
- Mang thai khi đã ngoài 35 tuổi
- Mang đa thai
- Mang thai lần đầu
Tăng huyết áp trong thời kỳ mang thai có thể gây sinh non hoặc nhau bong non (nhau thai tách khỏi thành tử cung quá sớm) và dẫn đến việc phải sinh mổ.
Trong hầu hết các trường hợp, huyết áp trở lại mức bình thường sau khi sinh.
Tăng huyết áp trong thai kỳ có thể gây ra tiền sản giật. Tiền sản giật nghiêm trọng sẽ gây tổn hại các cơ quan, bao gồm cả não và có thể dẫn đến sản giật - các cơn co giật đe dọa đến tính mạng.
Các dấu hiệu và triệu chứng của tiền sản giật gồm có:
- Huyết áp cao
- Nồng độ protein cao trong nước tiểu
- Đau đầu dữ dội
- Thay đổi thị lực
- Đau bụng
- Sưng phù tay và chân
Biến chứng của bệnh tăng huyết áp
Theo thời gian, tình trạng tăng huyết áp không được kiểm soát có thể dẫn đến bệnh tim mạch và làm tăng nguy cơ gặp các biến chứng liên quan như:
- Nhồi máu cơ tim
- Đột quỵ
- Suy tim
>>> Tìm hiểu về tác động của bệnh tăng huyết áp đến cơ thể
Phương pháp điều trị tăng huyết áp
Các phương pháp điều trị tăng huyết áp gồm có:
- Tăng hoạt động thể chất
- Điều chỉnh chế độ ăn uống
- Giảm cân nếu thừa cân
- Kiểm soát căng thẳng
- Dùng thuốc
Bác sĩ sẽ xác định phác đồ điều trị dựa trên mức huyết áp và nguyên nhân gây tăng huyết áp.
Ăn uống lành mạnh là một cách hiệu quả để kiểm soát tăng huyết áp, đặc biệt là khi huyết áp mới chỉ hơi cao hơn bình thường. Những người bị tăng huyết áp nên ăn ít natri (muối) và ăn nhiều kali.
Khi nào cần đi khám?
Nếu nhận thấy các triệu chứng của tăng huyết áp, tốt nhất hãy gọi cấp cứu hoặc đến bệnh viện ngay, nhất là khi chỉ số huyết áp tâm thu ở mức 180 mmHg trở lên hoặc huyết áp tâm trương 120 mmHg trở lên.
Nếu đã thử điều chỉnh chế độ ăn và lối sống mà huyết áp vẫn cao thì bạn nên đi khám để được bác sĩ kê thuốc. Một loại thuốc điều trị tăng huyết áp phải mất tới 2 tuần mới cho hiệu quả tối đa.
Nếu đã dùng thuốc mà tình trạng vẫn không cải thiện hoặc cải thiện không đáng kể thì có thể là do loại thuốc bạn đang dùng chưa phù hợp và cần đổi loại thuốc khác. Hoặc cũng có thể bạn đang mắc một bệnh lý tiềm ẩn gây tăng huyết áp. Trước tiên cần phải điều trị bệnh lý đó để đưa huyết áp về mức bình thường.
Tăng huyết áp có chữa khỏi được không?
Không có cách nào có thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh tăng huyết áp. Một khi mắc bệnh, bạn sẽ phải duy trì điều trị suốt đời.
Dùng thuốc đều đặn kết hợp lối sống lành mạnh sẽ giúp giữ huyết áp ổn định trong phạm vi khỏe mạnh và phòng ngừa biến chứng như suy thận, nhồi máu cơ tim hay đột quỵ.

Huyết áp cao có thể làm hỏng động mạch và các cơ quan khắp cơ thể, bao gồm cả thận. Mặt khác, khi chức năng lọc máu của thận bị suy giảm, nước dư thừa, chất thải và chất độc sẽ tích tụ trong cơ thể và điều này có dẫn đến tăng huyết áp.

Tăng huyết áp là một vấn đề phổ biến, thường không có triệu chứng nhưng có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng nếu như không được điều trị, gồm có bệnh tim mạch, bệnh thận, đột quỵ và bệnh động mạch ngoại biên.

Không chỉ có người lớn mà trẻ em cũng có thể bị tăng huyết áp. Trên thực tế, tỷ lệ mắc tăng huyết áp ở trẻ em và thanh thiếu niên đang ngày một tăng. Tăng huyết áp ở trẻ em có thể là do nhiều nguyên nhân gây nên, từ di truyền cho đến các vấn đề về sức khỏe và dùng một số loại thuốc nhất định.
Cao huyết áp và suy thận mạn đều là những bệnh lý phổ biến. Hai bệnh lý này có thể xảy ra đồng thời và có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Cao huyết áp có thể dẫn đến suy thận mạn và ngược lại.

Tăng huyết áp không được coi là một loại bệnh tim mạch nhưng có thể dẫn đến bệnh tim mạch.