1

Biện pháp tránh thai an toàn cho người bị tăng huyết áp

Nếu bạn bị tăng huyết áp hoặc có các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch khác thì nên tránh sử dụng các biện pháp tránh thai nội tiết kết hợp và tiêm thuốc tránh thai. Có nhiều biện pháp tránh thai khác an toàn hơn cho người bị tăng huyết áp.
Biện pháp tránh thai an toàn cho người bị tăng huyết áp Biện pháp tránh thai an toàn cho người bị tăng huyết áp

Tăng huyết áp làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, gồm có nhồi máu cơ tim và đột quỵ.

Các biện pháp tránh thai nội tiết kết hợp có chứa cả estrogen và progestin – những hormone này có thể làm tăng huyết áp và tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Thuốc tiêm tránh thai (Depo-Provera) có thể làm tăng cholesterol trong máu và điều này cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Nếu bạn có huyết áp, mức cholesterol bình thường và sức khỏe tổng thể tốt thì sự tăng nhẹ huyết áp hay cholesterol trong máu sẽ không gây hại. Nhưng nếu bạn bị tăng huyết áp, cholesterol trong máu cao hoặc các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch khác thì không nên sử dụng các biện pháp tránh thai nội tiết kết hợp và tiêm thuốc tránh thai. Thay vào đó nên chọn những biện pháp tránh thai an toàn hơn.

Những biện pháp tránh thai an toàn cho người bị tăng huyết áp

Những biện pháp tránh thai chỉ chứa progestin dường như không ảnh hưởng nhiều đến huyết áp và mức cholesterol nhưng vẫn có một số rủi ro nhất định. Tốt hơn hết, bạn nên trao đổi với bác sĩ về biện pháp tránh thai thích hợp.

Dụng cụ tử cung (IUD)

Dụng cụ tử cung (intrauterine device - IUD) là một dụng cụ nhỏ hình chữ T được đưa vào tử cung và giữ nguyên trong thời gian dài để tránh mang thai ngoài ý muốn.

Có hai loại dụng cụ tử cung chính:

  • Dụng cụ tử cung nội tiết: Loại dụng cụ tử cung này giải phóng hormone progestin, giúp ngăn rụng trứng và làm cho chất nhầy ở cổ tử cung đặc lại. Một số sản phẩm dụng cụ tử cung được sử dụng phổ biến hiện nay là Mirena, Kyleena, Liletta và Skyla.
  • Dụng cụ tử cung bằng đồng: Loại dụng cụ tử cung này không chứa hormone mà được làm bằng đồng. Đồng làm thay đổi niêm mạc tử cung và chất nhầy cổ tử cung, khiến tinh trùng không đến được trứng. Một loại dụng cụ tử cung bằng đồng được sử dụng phổ biến là Paragard.

Cả hai loại dụng cụ tử cung đều có hiệu quả ngừa thai hơn 99%.

Dụng cụ tử cung được tháo hoặc thay mới sau mỗi 3 – 12 năm tùy thuộc vào từng loại. Bạn có thể tháo dụng cụ tử cung bất cứ khi nào muốn mang thai.

Dụng cụ tử cung không có tác dụng ngăn ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI).

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), dụng cụ tử cung nội tiết an toàn cho những người bị tăng huyết áp vì chỉ chứa progestin.

Tuy nhiên, nếu bạn bị tăng huyết áp và đang có ý định sử dụng dụng cụ tử cung nội tiết thì trước tiên vẫn nên trao đổi với bác sĩ để đảm bảo an toàn.

Vì dụng cụ tử cung bằng đồng hoàn toàn không chứa hormone nên không ảnh hưởng gì đến huyết áp.

Que cấy tránh thai

Que cấy tránh thai là một dụng cụ có dạng que nhỏ được cấy dưới da ở cánh tay.

Que cấy tránh thai giải phóng progestin, có tác dụng ngăn rụng trứng và làm đặc chất nhầy cổ tử cung, từ đó làm giảm khả năng mang thai.

Đây là một biện pháp tránh thai có tác dụng kéo dài, có thể đảo ngược và có hiệu quả hơn 99%. Que cấy tránh thai cần được tháo hoặc thay mới sau mỗi 5 năm.

Que cấy tránh thai cũng không có tác dụng ngăn ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Theo CDC, que cấy tránh thai an toàn cho những người bị tăng huyết áp vì chỉ chứa progestin.

Tuy nhiên, nếu bạn bị tăng huyết áp thì nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi cấy que tránh thai.

Thuốc tránh thai chỉ chứa progestin

Một số loại thuốc tránh thai chỉ chứa duy nhất một loại hormone là progestin. Loại thuốc tránh thai này còn được gọi là minipill.

Thuốc tránh thai chỉ chứa progestin không làm tăng huyết áp nên an toàn cho những người bị tăng huyết áp hoặc có các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch khác.

Nếu dùng đúng, hiệu quả tránh thai của thuốc tránh thai đường uống là 93%.

Thuốc tránh thai đường uống không có tác dụng ngăn ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Các phương pháp rào cản

Các biện pháp tránh thai dạng rào cản ngăn không cho tinh trùng đi vào tử cung. Vì các biện pháp này không chứa hormone nên không ảnh hưởng đến huyết áp.

Ví dụ về các biện pháp tránh thai dạng rào cản gồm có:

  • Bao cao su: Hiệu quả tránh thai 87% nếu sử dụng đúng cách.
  • Bao cao su nữ (bao cao su bên trong): Hiệu quả tránh thai 79% nếu sử dụng đúng cách.
  • Màng ngăn âm đạo chứa chất diệt tinh trùng: Hiệu quả tránh thai 87% nếu sử dụng đúng cách
  • Mũ cổ tử cung chứa chất diệt tinh trùng: Hiệu quả tránh thai 71 – 87% nếu sử dụng đúng cách
  • Miếng bọt biển tránh thai: Hiệu quả tránh thai 78 – 86% nếu sử dụng đúng cách.

Bao cao su thông thường và bao cao su bên trong đều giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Màng ngăn âm đạo, mũ cổ tử cung và miếng bọt biển tránh thai không có tác dụng ngăn ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Triệt sản

Nếu bạn muốn ngừa thai vĩnh viễn thì có thể cân nhắc các phương pháp triệt sản.Các biện pháp này có thể được thực hiện cho nam giới hoặc phụ nữ.

Có ba phương pháp triệt sản chính:

  • Thắt/cắt ống dẫn trứng: Đây là lựa chọn dành cho phụ nữ. Bác sĩ sẽ tiến hành đóng hoặc cắt một phần ống dẫn trứng, ống nối buồng trứng với tử cung.
  • Cắt toàn bộ ống dẫn trứng: Đây cũng là một phương pháp triệt sản dành cho phụ nữ. Trong thủ thuật này, bác sĩ sẽ cắt bỏ hoàn toàn cả hai ống dẫn trứng.
  • Thắt ống dẫn tinh: Đây là phương pháp triệt sản dành cho nam giới. Bác sĩ sẽ đóng hoặc cắt ống dẫn tinh, ống dẫn tinh trùng từ tinh hoàn.

Cả ba phương pháp triệt sản này đều có hiệu quả ngừa thai trên 99%. Tuy nhiên, cả ba đều không có tác dụng ngăn ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Tăng huyết áp sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra biến chứng khi phẫu thuật, gồm có cả phẫu thuật triệt sản. Bác sĩ sẽ nói rõ về những rủi ro trước khi phẫu thuật.

Các biện pháp tránh thai khác

Ngoài ra còn nhiều biện pháp tránh thai khác cũng không ảnh hưởng đến huyết áp:

  • Phương pháp nhận biết thời điểm thụ thai: Theo dõi thời gian rụng trứng và tránh quan hệ tình dục hoặc sử dụng biện pháp tránh thai khác vào những ngày dễ thụ thai.
  • Xuất tinh ngoài âm đạo: rút dương vật ra khỏi âm đạo trước khi xuất tinh.
  • Quan hệ tình dục không xâm nhập: Không đưa dương vật vào âm đạo.
  • Không quan hệ tình dục.

Phương pháp nhận biết thời điểm thụ thai có hiệu quả ngừa thai khoảng 77 – 98%, tùy thuộc vào phương pháp cụ thể mà bạn sử dụng để theo dõi thời gian rụng trứng.

Phương pháp xuất tinh ngoài âm đạo có hiệu quả ngừa thai khoảng 78%.

Quan hệ tình dục không xâm nhập và không quan hệ tình dục đều có hiệu quả ngừa thai 100%.

Không quan hệ tình dục còn giúp phòng ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Những biện pháp tránh thai có thể làm tăng huyết áp

Các biện pháp tránh thai nội tiết kết hợp có thể làm tăng huyết áp nên không an toàn cho những người bị bệnh tăng huyết áp hoặc có các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch khác.

Các biện pháp tránh thai nội tiết kết hợp có chứa cả progestin và estrogen, ví dụ như:

  • Một số loại thuốc tránh thai đường uống
  • Miếng dán tránh thai (Xulane, Twirla)
  • Vòng tránh thai (NuvaRing, Annovera)

Thuốc tiêm tránh thai (Depo-Provera) chỉ chứa hormone progestin và dường như không ảnh hưởng đến huyết áp. Tuy nhiên, thuốc tiêm tránh thai có thể làm tăng cholesterol trong máu và điều này làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Nếu bạn bị tăng huyết áp hoặc có các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch khác thì nên hỏi bác sĩ xem liệu có thể dùng biện pháp tránh thai nội tiết kết hợp hay tiêm thuốc tránh thai hay không.

Tùy thuộc vào mức huyết áp, cholesterol và các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch khác mà có thể bạn sẽ phải tránh các biện pháp tránh thai này và chọn một biện pháp tránh thai khác.

Một số câu hỏi thường gặp

Biện pháp tránh thai ảnh hưởng đến huyết áp như thế nào?

Các chuyên gia vẫn chưa lý giải được chính xác tại sao các biện pháp tránh thai nội tiết kết hợp lại ảnh hưởng đến huyết áp.

Có khả năng estrogen trong các biện pháp tránh thai này kích thích sự sản xuất angiotensinogen trong gan. Angiotensinogen là một loại protein đóng vai trò quan trọng trong hệ thống renin-angiotensin (RAS), một hệ thống điều hòa sự cân bằng chất lỏng và huyết áp.

Các biện pháp tránh thai nội tiết kết hợp còn có thể ảnh hưởng đến huyết áp theo những cách khác.

Cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa để hiểu rõ về tác động của các biện pháp tránh thai nội tiết kết hợp đến huyết áp.

Có cần ngừng dùng biện pháp tránh thai khi bị tăng huyết áp không?

Nếu bạn đang sử dụng biện pháp tránh thai và bị tăng huyết áp thì hãy hỏi bác sĩ xem liệu có thể tiếp tục sử dụng biện pháp tránh thai đó hay không.

Nếu bạn đang sử dụng biện pháp tránh thai nội tiết kết hợp hoặc tiêm thuốc tránh thai thì nên đổi sang một biện pháp tránh thai khác bởi những biện pháp tránh thai này có thể khiến cho tình trạng tăng huyết áp trở nên nghiêm trọng hơn.

Có rất nhiều biện pháp tránh thai an toàn cho người bị tăng huyết áp, chẳng hạn như biện pháp tránh thai chỉ chứa progestin, biện pháp tránh thai không chứa nội tiết tố, biện pháp tránh thai dạng rào cản và các thủ thuật triệt sản.

Nếu đang dùng thuốc điều trị tăng huyết áp thì có thể dùng biện pháp tránh thai không?

Có nhiều biện pháp tránh thai an toàn cho những người đang dùng thuốc điều trị tăng huyết áp.

Tùy thuộc vào mức huyết áp và các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch mà có thể bạn sẽ phải tránh sử dụng các biện pháp tránh thai nội tiết kết hợp và tiêm thuốc tránh thai trong thời gian dùng thuốc trị tăng huyết áp.

Hãy cho bác sĩ biết nếu bạn muốn tránh thai. Bác sĩ sẽ tư vấn các biện pháp tránh thai an toàn.

Tăng huyết áp có làm tăng nguy cơ gặp biến chứng khi mang thai không?

Tăng huyết áp khi mang thai sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của thai nhi. Cụ thể, tăng huyết áp làm tăng nguy cơ:

  • thai nhi phát triển kém
  • cân nặng khi sinh thấp
  • sinh non

Tăng huyết áp còn ảnh hưởng tiêu cực đến người mẹ và làm tăng nguy cơ:

  • tiền sản giật
  • sản giật
  • đột quỵ

Kết hợp dùng thuốc và thay đổi lối sống để giảm và duy trì huyết áp ổn định trong thai kỳ sẽ giúp ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm này.

Nếu bạn đang mang thai và kết quả đo huyết áp tại nhà thường xuyên cao hơn bình thường thì nên đi khám để được bác sĩ kê loại thuốc điều trị phù hợp.

Tóm tắt bài viết

Một số biện pháp tránh thai có thể làm tăng huyết áp hoặc cholesterol trong máu và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Hai ví dụ điển hình là biện pháp tránh thai nội tiết kết hợp và tiêm thuốc tránh thai.

Nếu bạn có huyết áp, mức cholesterol bình thường và sức khỏe tổng thể tốt thì vẫn có thể dùng các biện pháp tránh thai này. Nhưng nếu bạn bị tăng huyết áp, cholesterol cao hoặc các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch khác thì nên chọn các biện pháp tránh thai khác. Một số các biện pháp tránh thai an toàn cho người bị tăng huyết áp là biện pháp tránh thai chỉ chứa progestin, biện pháp tránh thai không chứa nội tiết và các phương pháp rào cản.

Ngoài lựa chọn biện pháp tránh thai phù hợp, bạn còn phải thay đổi lối sống và dùng thuốc để kiểm soát huyết áp.

Kiểm soát tăng huyết áp sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và các biến chứng khác. Nếu bị tăng huyết áp, hãy cố gắng kiểm soát tốt tình trạng trước khi mang thai.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Hiểu về tăng huyết áp thai kỳ và tiền sản giật
Hiểu về tăng huyết áp thai kỳ và tiền sản giật

Tăng huyết áp thai kỳ là tình trạng tăng huyết áp xảy ra sau tuần 20 của thai kỳ. Tiền sản giật là tình trạng huyết áp tăng cao đi kèm protein niệu (có protein trong nước tiểu), gây ra các triệu chứng như phù nề và đau đầu.

Nguyên nhân gây bệnh tăng huyết áp ở người trẻ tuổi
Nguyên nhân gây bệnh tăng huyết áp ở người trẻ tuổi

Mặc dù người trên 65 tuổi có nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp cao hơn nhưng căn bệnh này có thể xảy ra ở độ tuổi trẻ hơn, thậm chí ở độ tuổi 20.

Các phương pháp điều trị tăng huyết áp (cao huyết áp)
Các phương pháp điều trị tăng huyết áp (cao huyết áp)

Tăng huyết áp làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Có nhiều phương pháp điều trị có thể giúp kiểm soát huyết áp, gồm có thay đổi lối sống và dùng thuốc. Phác đồ điều trị tăng huyết áp thường gồm có sự kết hợp giữa dùng thuốc và thay đổi lối sống. Mục tiêu là đưa huyết áp về mức khỏe mạnh.

Tại sao tăng huyết áp được gọi là “kẻ giết người thầm lặng”?
Tại sao tăng huyết áp được gọi là “kẻ giết người thầm lặng”?

Tăng huyết áp, hay cao huyết áp, là một vấn đề vô cùng phổ biến nhưng đa phần không có bất cứ dấu hiệu hay triệu chứng rõ ràng nào, nhất là ở giai đoạn đầu. Vì thế nên nhiều người không biết mình bị tăng huyết áp. Mặc dù không có triệu chứng nhưng nếu không được điều trị, tăng huyết áp có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa đến tính mạng. Vì lý do này nên tăng huyết áp được gọi là “kẻ giết người thầm lặng”.

Tăng huyết áp thứ phát: Nguyên nhân và phương pháp điều trị
Tăng huyết áp thứ phát: Nguyên nhân và phương pháp điều trị

Khi tăng huyết áp xảy ra do một bệnh lý khác thì được gọi là tăng huyết áp thứ phát. Bệnh thận mạn (suy thận mạn) là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây tăng huyết áp thứ phát. Để điều trị tăng huyết áp thứ phát, trước tiên cần điều trị nguyên nhân gốc rễ.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây