Hiểu về tăng huyết áp thai kỳ và tiền sản giật

Tăng huyết áp thai kỳ là tình trạng tăng huyết áp xảy ra sau tuần 20 của thai kỳ. Tiền sản giật là tình trạng huyết áp tăng cao đi kèm protein niệu (có protein trong nước tiểu), gây ra các triệu chứng như phù nề và đau đầu.
Hiểu về tăng huyết áp thai kỳ và tiền sản giật Hiểu về tăng huyết áp thai kỳ và tiền sản giật

Nhiều người nhầm lẫn giữa tăng huyết áp thai kỳ và tiền sản giật. Mặc dù cả hai đều là tình trạng huyết áp tăng cao trong thai kỳ nhưng có một số điểm khác biệt.

Tăng huyết áp thai kỳ là tình trạng tăng huyết áp xảy ra sau 20 tuần mang thai mà không đi kèm protein niệu (có protein trong nước tiểu).

Tiền sản giật là tình trạng huyết áp tăng cao sau 20 tuần mang thai và kèm theo protein niệu. Tình trạng này gây ra các triệu chứng như phù nề, mờ mắt và đau đầu.

Dưới đây là những điểm giống và khác nhau giữa tăng huyết áp thai kỳ và tiền sản giật, cùng với cách điều trị.

Tăng huyết áp thai kỳ là gì?

Tăng huyết áp thai kỳ là tình trạng tăng huyết áp xảy ra sau 20 tuần mang thai. Tăng huyết áp là khi huyết áp tâm thu trên 140 mmHg và huyết áp tâm trương trên 90 mmHg.

Tiền sản giật là gì?

Tiền sản giật là tình trạng huyết áp tăng cao sau tuần thứ 20 của thai kỳ, kèm theo đó là sự hiện diện của protein trong nước tiểu, gây ra các triệu chứng như phù nề, mờ mắt, khó thở và đau đầu. Tiền sản giật có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng cho cả mẹ và thai nhi.

Điểm giống nhau giữa tăng huyết áp thai kỳ và tiền sản giật

Cả tăng huyết áp thai kỳ và tiền sản giật đều là tình trạng huyết áp tăng cao sau 20 tuần mang thai. Tăng huyết áp thai kỳ và tiền sản giật còn có chung một số yếu tố nguy cơ, gồm có béo phì và tiền sử tiền sản giật.

Sự khác nhau giữa tăng huyết áp thai kỳ và tiền sản giật

Tăng huyết áp thai kỳ thường không có triệu chứng. Bệnh thường được phát hiện khi đo huyết áp.

Mặt khác, tiền sản giật có triệu chứng. Các triệu chứng thường gặp là đau đầu dai dẳng và sưng phù ở tay và chân.

Ngoài ra, người bị tiền sản giật còn bị tình trạng protein niệu, trong khi tăng huyết áp thai kỳ thì không.

Tăng huyết áp thai kỳ có thể dẫn đến các biến chứng như sinh con nhẹ cân và sinh non. Các biến chứng của tiền sản giật thường nghiêm trọng hơn.

Triệu chứng của tăng huyết áp thai kỳ và tiền sản giật

Tăng huyết áp thai kỳ hiếm khi biểu hiện triệu chứng rõ ràng. Tình trạng này thường được phát hiện khi đo huyết áp.

Các triệu chứng tiền sản giật ở mỗi người là khác nhau. Một số triệu chứng thường gặp gồm có:

  • Sưng phù ở tay, chân hoặc mặt
  • Đau đầu kéo dài dai dẳng
  • Thay đổi về thị lực, chẳng hạn như nhìn mờ hoặc có điểm đen trong tầm nhìn
  • Buồn nôn
  • Chóng mặt
  • Nôn mửa
  • Đau ở vùng bụng trên
  • Khó thở

Phương pháp chẩn đoán tăng huyết áp thai kỳ và tiền sản giật

Thai phụ sẽ được đo huyết áp khi khám thai định kỳ. Nếu hai lần đo tại hai thời điểm riêng biệt đều cho kết quả cao và điều này xảy ra sau tuần thứ 20 thì thai phụ được chẩn đoán là tăng huyết áp thai kỳ.

Theo định nghĩa của Hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG), tăng huyết áp trong thai kỳ là khi huyết áp tâm thu trên 140 mmHg và huyết áp tâm trương trên 80 mmHg. Nếu huyết áp tâm thu là 160 mmHg và huyết áp tâm trương là 110 mmHg thì được coi là tăng huyết áp thai kỳ nghiêm trọng. (1)

Nếu chỉ số huyết áp liên tục ở mức cao, thai phụ sẽ phải làm xét nghiệm protein nước tiểu để xem có bị tiền sản giật hay không.

Nếu huyết áp ở mức cao, nước tiểu có protein và xuất hiện các triệu chứng tiền sản giật điển hình như phù nề thì thai phụ sẽ được chẩn đoán tiền sản giật.

Các yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp thai kỳ và tiền sản giật

Tăng huyết áp thai kỳ và tiền sản giật có thể xảy ra ở bất kỳ ai nhưng một số người có nguy cơ gặp phải những tình trạng này cao hơn.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ tăng huyết áp thai kỳ gồm có:

  • Bị tiền tăng huyết áp trước khi mang thai
  • Bệnh thận
  • Bệnh tiểu đường
  • Bệnh tự miễn
  • Tiền sử tiền sản giật ở những lần mang thai trước
  • Tiền sử mắc hội chứng hellp
  • Mang song thai
  • Trên 35 tuổi
  • Béo phì
  • Mang thai lần đầu

Tiền sản giật cũng có nhiều yếu tố nguy cơ giống với tăng huyết áp thai kỳ. Ngoài các yếu tố trên, các yếu tố khác cũng có thể làm tăng nguy cơ tiền sản giật gồm có:

  • Bị tăng huyết áp trước khi mang thai
  • Tiền sử mắc hội chứng tăng đông máu, điều này làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông
  • Mang thai bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm

Điều trị tăng huyết áp thai kỳ và tiền sản giật

Tăng huyết áp thai kỳ thường được điều trị khi chỉ số huyết áp ở mức cao nghiêm trọng (trên 160/110 mmHg). Khi điều này xảy ra, bác sĩ sẽ kê thuốc hạ huyết áp.

Ngoài ra, ACOG khuyến nghị những thai phụ bị tăng huyết áp thai kỳ nên sinh con trước tuần 37 của thai kỳ. (2)

Những thai phụ bị tiền sản giật cũng nên sinh con trước tuần thứ 37. Các phương pháp điều trị tiền sản giật gồm có thuốc hạ huyết áp và magie sulfat (magnesium sulfate) để giảm nguy cơ co giật.

Tiên lượng của thai phụ bị tăng huyết áp thai kỳ và tiền sản giật

Điều trị và theo dõi chặt chẽ sẽ giúp làm giảm nguy cơ gặp phải các biến chứng nghiêm trọng do tăng huyết áp thai kỳ và tiền sản giật.

Tăng huyết áp thai kỳ thường tự hết ngay sau khi sinh, mặc dù có thể làm tăng nguy cơ tăng huyết áp sau này.

Tiền sản giật thường sẽ khỏi trong vòng 6 tuần sau khi sinh nhưng đôi khi, các triệu chứng tiền sản giật nghiêm trọng hơn xuất hiện trong giai đoạn sau sinh.

Câu hỏi về tăng huyết áp thai kỳ và tiền sản giật

Tăng huyết áp thai kỳ có trở thành tiền sản giật không?

Tăng huyết áp thai kỳ có thể trở thành tiền sản giật. Khoảng một nửa số người bị tăng huyết áp thai kỳ bị tiền sản giật. (3)

Có trường hợp nào không có protein trong nước tiểu mà vẫn được chẩn đoán mắc tiền sản giật không?

Một người có thể được chẩn đoán mắc tiền sản giật ngay cả khi không có protein trong nước tiểu nếu bị tăng huyết áp và có các dấu hiệu, triệu chứng khác của tiền sản giật, chẳng hạn như:

  • Số lượng tiểu cầu thấp
  • Chức năng thận kém
  • Đau đầu không đáp ứng với thuốc
  • Thay đổi thị lực

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Biện pháp tránh thai an toàn cho người bị tăng huyết áp
Biện pháp tránh thai an toàn cho người bị tăng huyết áp

Nếu bạn bị tăng huyết áp hoặc có các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch khác thì nên tránh sử dụng các biện pháp tránh thai nội tiết kết hợp và tiêm thuốc tránh thai. Có nhiều biện pháp tránh thai khác an toàn hơn cho người bị tăng huyết áp.

Hiểu về bệnh võng mạc do tăng huyết áp
Hiểu về bệnh võng mạc do tăng huyết áp

Bệnh võng mạc do tăng huyết áp xảy ra khi huyết áp cao làm hỏng các mạch máu của võng mạc. Bệnh lý này gây ra những thay đổi về thị lực, sưng mắt và cần phải điều trị.

Tìm hiểu về chế độ ăn DASH – chế độ ăn giúp phòng và điều trị tăng huyết áp
Tìm hiểu về chế độ ăn DASH – chế độ ăn giúp phòng và điều trị tăng huyết áp

Chế độ ăn DASH là một chế độ ăn được thiết kế nhằm ngăn ngừa hoặc điều trị tăng huyết áp và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Chế độ ăn này tập trung vào các nhóm thực phẩm tốt cho sức khỏe tim mạch như trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt và thịt nạc.

17 cách hiệu quả để giảm huyết áp
17 cách hiệu quả để giảm huyết áp

Cao huyết áp hay tăng huyết áp được gọi là kẻ giết người thầm lặng vì lý do là thường không bộc lộ triệu chứng rõ rệt nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ bệnh tim và đột quỵ. Đây là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới.

Các triệu chứng thường gặp của bệnh tăng huyết áp
Các triệu chứng thường gặp của bệnh tăng huyết áp

Tăng huyết áp là bệnh chỉ bộc lộ rất ít hoặc không có triệu chứng. Do vậy mà đa số mọi người đều không hề biết mình bị bệnh trong suốt nhiều năm trời.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây