Hiểu về bệnh võng mạc do tăng huyết áp

Bệnh võng mạc do tăng huyết áp là gì?
Võng mạc là lớp mô mỏng nằm ở phía sau mắt, có chức năng chuyển đổi ánh sáng thành tín hiệu thần kinh. Tín hiệu thần kinh này sẽ được truyền đến não để xử lý và giúp chúng ta nhận biết hình ảnh.
Huyết áp cao sẽ khiến cho thành mạch máu của võng mạc dày lên. Điều này làm cho các mạch máu hẹp lại và cản trở dòng máu đến võng mạc. Đôi khi, võng mạc còn bị sưng.
Theo thời gian, huyết áp cao sẽ làm hỏng các mạch máu của võng mạc, giảm chức năng của võng mạc và gây áp lực lên dây thần kinh thị giác, dẫn đến các vấn đề về thị lực. Tình trạng này được gọi là bệnh võng mạc do tăng huyết áp (hypertensive retinopathy).
Nguyên nhân gây tăng huyết áp
Các nguyên nhân và yếu tố nguy cơ chính gây tăng huyết áp gồm có:
- Tuổi cao
- Lối sống ít vận động
- Thừa cân, béo phì
- Ăn quá nhiều muối
- Uống nhiều rượu bia
- Hút thuốc
- Thường xuyên chịu căng thẳng
- Một số bệnh lý, ví dụ như tiểu đường
Tăng huyết áp cũng có thể là do di truyền.
Tăng huyết áp được gọi là “kẻ giết người thầm lặng” vì thường không có triệu chứng.
Tại sao tăng huyết áp gây bệnh võng mạc?
Tăng huyết áp là khi áp lực máu tác động lên thành động mạch ở mức quá cao. Đây là một vấn đề mạn tính.
Khi dòng máu chảy qua động mạch với áp lực quá lớn, thành động mạch sẽ dần bị giãn ra, yếu đi và cuối cùng bị hỏng. Điều này dẫn đến nhiều vấn đề.
Khi tình trạng huyết áp cao kéo dài mà không được kiểm soát, các mạch máu của võng mạc cũng sẽ bị ảnh hưởng và dẫn đến bệnh võng mạc do tăng huyết áp.
Triệu chứng của bệnh võng mạc do tăng huyết áp
Trong nhiều trường hợp, bệnh võng mạc do tăng huyết áp không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào cho đến khi tình trạng bệnh tiến triển nặng. Các dấu hiệu và triệu chứng thường gặp gồm có:
- Giảm thị lực
- Sưng mắt
- Vỡ mạch máu
- Song thị (nhìn một vật thành hai), kèm theo đau đầu
Nếu bạn bị tăng huyết áp và đột nhiên nhận thấy những thay đổi về thị lực, hãy đi khám ngay.
Các cấp độ của bệnh võng mạc do tăng huyết áp
Theo hệ thống phân loại Keith-Wagener-Barker, mức độ nghiêm trọng của bệnh võng mạc được chia thành 4 cấp độ:
- Cấp độ 1: động mạch của võng mạc mới chỉ bị thu hẹp nhẹ.
- Cấp độ 2: tương tự cấp độ 1 nhưng động mạch võng mạc đã bị thu hẹp nhiều hơn.
- Cấp độ 3: có các dấu hiệu giống như cấp độ 2 nhưng ngoài ra còn có phù võng mạc, phình động mạch, xuất hiện các đốm trắng đục trên võng mạc và xuất huyết (chảy máu) võng mạc.
- Cấp độ 4: có các dấu hiệu nghiêm trọng của cấp độ 3 và kèm theo phù gai thị (rìa đĩa thị sưng lên và mờ đi) và phù hoàng điểm. Những người bị bệnh võng mạc cấp độ 4 có nguy cơ đột quỵ cao hơn và có thể mắc bệnh thận hoặc bệnh tim.
Bệnh võng mạc cấp độ thấp có thể không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên, khi bệnh tiến triển sang cấp độ 4, dây thần kinh thị giác bắt đầu sưng lên và gây ra các vấn đề nghiêm trọng về thị lực. Cấp độ của bệnh võng mạc tỷ lệ thuận với mức độ nghiêm trọng của tình trạng tăng huyết áp.
Các yếu tố nguy cơ gây bệnh võng mạc do tăng huyết áp
Các tình trạng sau đây sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh võng mạc do tăng huyết áp:
- Huyết áp không được kiểm soát và liên tục ở mức cao
- Bệnh tim mạch
- Xơ vữa động mạch
- Bệnh tiểu đường
- Hút thuốc
- Cholesterol trong máu cao
- Thừa cân
- Chế độ ăn uống không lành mạnh có nhiều chất béo, protein, chất béo chuyển hóa, thực phẩm có đường và natri
- Uống nhiều rượu bia
Phụ nữ có nguy cơ bị hỏng mạch máu do tăng huyết áp cao hơn nam giới.
Biến chứng của bệnh võng mạc do tăng huyết áp
Những người mắc bệnh võng mạc do tăng huyết áp có nguy cơ gặp phải các biến chứng như:
- Thiếu máu thị thần kinh: xảy ra khi huyết áp cao làm giảm lưu lượng máu trong mắt và làm hỏng dây thần kinh thị giác. Dây thần kinh thị giác có chức năng truyền hình ảnh mà chúng ta nhìn thấy đến não.
- Tắc động mạch võng mạc: xảy ra khi các động mạch đưa máu đến võng mạc bị tắc nghẽn bởi cục máu đông. Điều này khiến cho võng mạc không được cung cấp đủ máu và oxy, dẫn đến mất thị lực.
- Tắc tĩnh mạch võng mạc: tình trạng mà các tĩnh mạch dẫn máu ra khỏi võng mạc bị cục máu đông làm tắc nghẽn.
- Thiếu máu cục bộ lớp sợi thần kinh: các sợi thần kinh bị hỏng do không được cung cấp đủ máu, gây xuất hiện các đốm trắng đục trên võng mạc.
- Tăng huyết áp ác tính: tình trạng huyết áp tăng cao đột ngột, ảnh hưởng đến thị lực và gây mất thị lực. Tình trạng này có thể đe dọa đến tính mạng.
Những người mắc bệnh võng mạc do tăng huyết áp còn có nguy cơ bị đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim cao hơn. Một nghiên cứu vào năm 2013 trên 2.907 người trong độ tuổi từ 50 đến 73 cho thấy những người mắc bệnh võng mạc do tăng huyết áp có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn so với những người không bị bệnh này. Nguy cơ đột quỵ vẫn tăng cao ngay cả khi huyết áp được kiểm soát.
Một nghiên cứu vào năm 2008 trên 5.500 người trong độ tuổi từ 25 đến 74 đã chỉ ra nguy cơ đột quỵ hoặc bệnh tim mạch tăng cao ở những người bị bệnh võng mạc do tăng huyết áp.
Phương pháp chẩn đoán bệnh võng mạc do tăng huyết áp
Soi đáy mắt
Bác sĩ sử dụng một thiết bị gọi là đèn soi đáy mắt để kiểm tra võng mạc.
Thiết bị này chiếu đèn qua đồng tử, giúp bác sĩ kiểm tra phía sau mắt xem có dấu hiệu mạch máu bị hẹp hoặc rò rỉ hay không. Soi đáy mắt hoàn toàn không gây đau đớn và toàn bộ quá trình chỉ mất chưa đầy 10 phút.
Chụp mạch huỳnh quang
Bác sĩ cũng có thể sẽ tiến hành chụp mạch huỳnh quang để kiểm tra sự lưu thông máu đến võng mạc. Trong quy trình này, bác sĩ sẽ nhỏ một loại thuốc nhỏ mắt đặc biệt vào mắt của người bệnh để làm giãn đồng tử và sau đó chụp ảnh. Sau đó, người bệnh được tiêm fluorescein vào tĩnh mạch, thường là tĩnh mạch ở bên trong khuỷu tay và bác sĩ tiếp tục chụp ảnh khi fluorescein di chuyển vào mạch máu trong mắt.
Phương pháp điều trị bệnh võng mạc do tăng huyết áp
Để điều trị bệnh võng mạc do tăng huyết áp, trước tiên cần phải điều trị tăng huyết áp bằng cách kết hợp dùng thuốc và thay đổi lối sống.
Thay đổi lối sống
Một trong những điều cần thay đổi đầu tiên là chế độ ăn uống. Chế độ ăn nhiều trái cây và rau củ có thể giúp làm giảm huyết áp. Ngoài ra cần giảm lượng muối, hạn chế caffeine và đồ uống có cồn.
Tập thể dục thường xuyên cũng là điều cần thiết để duy trì huyết áp khỏe mạnh.
Nếu bạn hút thuốc, hãy cố gắng cai thuốc càng sớm càng tốt. Nếu bạn bị thừa cân, giảm cân sẽ giúp giảm huyết áp.
Điều trị bằng thuốc
Nếu thay đổi lối sống không đủ để kiểm soát tăng huyết áp, bạn sẽ phải điều trị bằng thuốc, chẳng hạn như thuốc lợi tiểu, thuốc chẹn beta hay thuốc ức chế men chuyển (ACE).
Mặc dù có thể kiểm soát bệnh võng mạc do tăng huyết áp bằng cách kiểm soát huyết áp nhưng nếu tình trạng nghiêm trọng, võng mạc có thể bị tổn thương không thể hồi phục và gây ra các vấn đề về thị lực vĩnh viễn.
Tiên lượng của người bị bệnh võng mạc do tăng huyết áp
Cấp độ bệnh võng mạc do tăng huyết áp càng cao thì tiên lượng càng kém. Người bị bệnh võng mạc do tăng huyết áp cấp độ 3 và 4 có nguy cơ cao bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy tim sung huyết và thậm chí tử vong.
Những người bị tăng huyết áp không được kiểm soát và bệnh võng mạc do tăng huyết áp cấp độ 4 (giai đoạn ác tính) thường có tiên lượng sống thấp.
Động mạch ở võng mạc một khi bị hỏng thì sẽ không thể phục hồi được. Ngay cả khi được điều trị, những người mắc bệnh võng mạc do tăng huyết áp vẫn có nguy cơ cao bị tắc động mạch và tĩnh mạch võng mạc, cũng như các vấn đề khác ở võng mạc.
Khi bị tăng huyết áp hoặc bệnh võng mạc do tăng huyết áp, bạn sẽ cần tái khám định kỳ để bác sĩ theo dõi sự tiến triển của bệnh.
Phòng ngừa bệnh võng mạc do tăng huyết áp
Tốt hơn hết nên thực hiện tất cả những gì có thể để tránh bị tăng huyết áp. Khi đã bị tăng huyết áp, bạn có thể thực hiện các biện pháp sau đây để giảm nguy cơ bị bệnh võng mạc và các biến chứng khác:
- Uống thuốc trị tăng huyết áp đều đặn
- Tập thể dục thường xuyên
- Ăn uống lành mạnh
- Không hút thuốc
- Hạn chế chất kích thích
- Giảm căng thẳng
- Đo huyết áp thường xuyên
- Khám sức khỏe định kỳ

Tăng huyết áp thai kỳ là tình trạng tăng huyết áp xảy ra sau tuần 20 của thai kỳ. Tiền sản giật là tình trạng huyết áp tăng cao đi kèm protein niệu (có protein trong nước tiểu), gây ra các triệu chứng như phù nề và đau đầu.

Tăng huyết áp, hay còn gọi là tăng huyết áp, là tình trạng huyết áp trên 130/80 mmHg. Tăng huyết áp làm tăng nguy cơ xảy ra các tình trạng nguy hiểm như nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Tăng huyết áp được gọi là “kẻ giết người thầm lặng” vì thường không gây ra bất kỳ triệu chứng nào cho đến khi trở nên nghiêm trọng. Chảy máu mũi thường không phải là triệu chứng của tăng huyết áp. Tuy nhiên, các nghiên cứu đang tìm hiểu xem liệu tăng huyết áp có làm tăng nguy cơ chảy máu mũi hay không.

Mặc dù người trên 65 tuổi có nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp cao hơn nhưng căn bệnh này có thể xảy ra ở độ tuổi trẻ hơn, thậm chí ở độ tuổi 20.

Tăng huyết áp có liên quan đến nhiều bệnh lý khác, bao gồm bệnh tim, thận và tuyến giáp. Tuy nhiên cũng có nhiều cách để giảm nguy cơ mắc những bệnh lý này khi bị tăng huyết áp.

Tăng huyết áp là một trong những yếu tố nguy cơ chính gây bệnh tim mạch, gồm có cơ tim phì đại và bệnh mạch vành.