14 loại thực phẩm chức năng tốt cho người bị tăng huyết áp

Hơn 30% dân số thế giới bị tăng huyết áp. Tăng huyết áp là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây bệnh tim mạch và tử vong sớm. Mặc dù đây là một bệnh mạn tính không thể chữa khỏi nhưng có nhiều cách để kiểm soát huyết áp và giảm nguy cơ biến chứng, gồm có dùng thuốc, ăn uống lành mạnh, bỏ thuốc lá, giảm rượu bia, tập thể dục đều đặn và giảm mỡ thừa trong cơ thể. Ngoài ra, uống bổ sung một số chất nhất định cũng có thể giúp duy trì huyết áp trong phạm vi khỏe mạnh.
1. Magie
Magie là một khoáng chất cần thiết cho nhiều chức năng của cơ thể, gồm có điều hòa huyết áp.
Các nghiên cứu cho thấy rằng bổ sung magie có thể giúp tăng sự sản xuất oxit nitric - một phân tử truyền tín hiệu giúp làm giãn mạch máu, nhờ đó làm giảm huyết áp.
Một tổng quan tài liệu về 11 nghiên cứu ngẫu nhiên cho thấy uống 365 – 450mg magie mỗi ngày trong trung bình 3,6 tháng có thể làm giảm đáng kể huyết áp ở những người mắc bệnh mạn tính.
Một tổng quan tài liệu khác về 10 nghiên cứu được thực hiện trên hơn 200.000 người cho thấy rằng bổ sung magie có thể phòng ngừa tăng huyết áp. Mỗi 100mg magie trong chế độ ăn uống hàng ngày có thể làm giảm 5% nguy cơ tăng huyết áp.
2. Vitamin D
Nghiên cứu cho thấy những người bị tăng huyết áp thường có nồng độ vitamin D trong máu thấp hơn so với những người không bị tăng huyết áp.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nồng độ vitamin D trong máu cao có thể giúp ngăn ngừa tăng huyết áp.
Một tổng quan tài liệu thu thập dữ liệu từ 300.000 người cho thấy những người có nồng độ vitamin D trong máu cao nhất có nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp thấp hơn tới 30% so với những người có nồng độ vitamin D trong máu thấp nhất.
Vì vậy, những người bị tăng huyết áp nên làm xét nghiệm kiểm tra nồng độ vitamin D trong máu và bổ sung nếu bị thiếu.
3. Vitamin B
Một số loại vitamin B có thể giúp giảm huyết áp.
Ví dụ, vitamin B2 (riboflavin) đã được chứng minh là có tác dụng làm giảm huyết áp ở người lớn mang đột biến gen MTHFR, một đột biến gen làm tăng nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp.
Vitamin B9 (axit folic/folate) cũng có thể làm giảm huyết áp ở những người mắc bệnh tim mạch. Ngoài ra, bổ sung nhiều folate khi còn trẻ có thể phòng ngừa tăng huyết áp sau này.
Các nghiên cứu trên động vật cho thấy rằng uống bổ sung vitamin B6 cũng có tác dụng làm giảm huyết áp nhưng cần có thêm nghiên cứu trên người để kiểm chứng điều này.
4. Kali
Kali là một khoáng chất giúp điều hòa huyết áp. Các nghiên cứu cho thấy rằng bổ sung kali từ thực phẩm tự nhiên hoặc thực phẩm chức năng giúp cải thiện tình trạng tăng huyết áp.
Kali làm giảm huyết áp bằng cách thúc đẩy sự bài tiết natri qua nước tiểu và làm giãn các mạch máu.
Theo một tổng quan tài liệu về 23 nghiên cứu, việc uống bổ sung kali giúp làm giảm huyết áp đáng kể.
Nhìn chung, uống bổ sung kali là một cách an toàn và hiệu quả để kiểm soát tăng huyết áp. Điều này đặc biệt có lợi cho những người có chế độ ăn nhiều natri.
5. Coenzyme Q10 (CoQ10)
Coenzyme Q10 (CoQ10) là một phân tử giống như vitamin được cơ thể tạo ra và có trong một số loại thực phẩm.
Coenzyme Q10 có thể giúp giảm huyết áp.
Một tổng quan tài liệu về 17 nghiên cứu cho thấy uống CoQ10 làm giảm đáng kể huyết áp tâm thu (chỉ số đầu tiên trong kết quả đo huyết áp).
Tuy nhiên, kết quả từ các nghiên cứu khác lại không đồng nhất. Do đó, cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa để kiểm chứng tác dụng hạ huyết áp của CoQ10.
6. L-arginine
L-arginine là một loại axit amin có thể làm giảm huyết áp khi bổ sung thông qua thực phẩm chức năng.
Một tổng quan tài liệu gồm 7 phân tích tổng hợp thu thập dữ liệu từ 4.676 người đã cho thấy rằng các uống bổ sung L-arginine giúp làm giảm đáng kể huyết áp ở những người bị huyết áp cao và giảm huyết áp tâm trương ở phụ nữ mang thai bị tăng huyết áp.
Tổng quan tài liệu này còn phát hiện ra rằng uống L-arginine giúp cải thiện đáng kể chức năng mạch máu và sự lưu thông máu.
7. Vitamin C
Vitamin C là một hợp chất hóa học tan trong nước mà cơ thể cần cho nhiều quá trình quan trọng. Mặc dù các kết quả nghiên cứu còn chưa đồng nhất nhưng nghiên cứu gần đây cho thấy rằng uống vitamin C có thể giúp hạ huyết áp.
Theo một tổng quan tài liệu về 8 nghiên cứu được thực hiện trên những người bị tăng huyết áp, uống 300 – 1.000mg vitamin C mỗi ngày giúp làm giảm huyết áp một cách đáng kể.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những người có nồng độ vitamin C trong máu thấp có nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp cao hơn so với những người có nồng độ vitamin C bình thường.
8. Chiết xuất củ dền
Viên uống chiết xuất củ dền là một loại thực phẩm chức năng được nhiều vận động viên sử dụng để tăng cường hiệu suất tập luyện. Củ dền chứa nhiều hợp chất thực vật có tác dụng cải thiện lưu thông máu và tăng lượng oxy đến các cơ.
Viên uống chứa chiết xuất củ dền đã được chứng minh là có tác dụng làm giảm huyết áp ở cả những người mắc và không mắc bệnh tăng huyết áp.
Một tổng quan tài liệu về 11 nghiên cứu cho thấy nước ép củ dền cũng có tác dụng làm giảm huyết áp ở những người mắc và không mắc bệnh tăng huyết áp.
9. Chiết xuất tỏi
Tỏi có nhiều lợi ích cho sức khỏe, gồm có giảm huyết áp và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Trong một tổng quan tài liệu về 12 nghiên cứu, viên uống chứa chiết xuất tỏi giúp làm giảm trung bình 8,3 mmHg huyết áp tâm thu và 5,5 mmHg huyết áp tâm trương.
Theo các nhà nghiên cứu, điều này có thể giúp giảm tới 40% nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim và bệnh động mạch vành.
10. Dầu cá
Dầu cá có nhiều lợi ích cho sức khỏe tim mạch, gồm có giảm mỡ máu, giảm viêm và kiểm soát huyết áp. Các nghiên cứu cho thấy uống dầu cá liều cao có lợi cho những người bị tăng huyết á.
Theo một tổng quan tài liệu, bổ sung hai loại axit béo omega-3 là EPA và DHA, chẳng hạn như từ dầu cá, giúp giảm 4,51 mmHg huyết áp tâm thu và 3,05 mmHg huyết áp tâm trương ở những người bị tăng huyết áp không dùng thuốc.
Ngoài ra, nghiên cứu còn chỉ ra rằng nồng độ axit béo omega-3 trong máu cao có thể phòng ngừa bệnh tăng huyết áp.
11. Probiotic
Probiotic là những vi khuẩn có lợi. Dùng các chế phẩm bổ sung probiotic mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, trong đó có giảm huyết áp.
Trong một tổng quan tài liệu về 9 nghiên cứu, bổ sung probiotic giúp làm giảm đáng kể huyết áp.
Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng hiệu quả hạ huyết áp sẽ cao hơn nếu bổ sung nhiều loại lợi khuẩn cùng lúc, dùng probiotic trong 8 tuần trở lên và bổ sung trên 10 tỷ CFU (đơn vị hình thành khuẩn lạc) mỗi ngày.
Một tổng quan nghiên cứu khác cho thấy uống probiotic làm giảm đáng kể huyết áp ở những người có huyết áp cao.
12. Melatonin
Melatonin là một loại hormone do cơ thể tạo ra và cũng có thể được bổ sung từ thực phẩm chức năng. Mặc dù viên uống melatonin thường được dùng để cải thiện giấc ngủ nhưng ngoài ra cũng có nhiều tác dụng khác.
Ví dụ, các nghiên cứu cho thấy rằng viên uống melatonin có thể làm giảm huyết áp ở những người bị tăng huyết áp.
Trong một tổng quan tài liệu về 5 nghiên cứu, những người uống melatonin đã giảm đáng kể huyết áp so với nhóm đối chứng.
Một nghiên cứu khác cho thấy rằng mức melatonin thấp có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp ở phụ nữ.
13. Chiết xuất trà xanh
Trà xanh có nhiều lợi ích cho sức khỏe, gồm có kiểm soát huyết áp.
Một tổng quan tài liệu về 24 nghiên cứu cho thấy dùng thực phẩm chức năng chứa chiết xuất trà xanh hoặc uống trà xanh trong 3 – 16 tuần có thể làm giảm đáng kể huyết áp ở những người bị tăng huyết áp và cả những người có huyết áp bình thường.
14. Chiết xuất gừng
Nghiên cứu cho thấy dùng viên uống chiết xuất gừng liều cao có thể giúp cải thiện tình trạng tăng huyết áp.
Một tổng quan tài liệu gồm 6 nghiên cứu cho thấy khi dùng ở liều 3g trở lên mỗi ngày trong 8 tuần, viên uống chiết xuất gừng có thể làm giảm đáng kể huyết áp ở những người từ 50 tuổi trở xuống.
Trong một nghiên cứu kéo dài 12 tuần trên 37 người mắc hội chứng chuyển hóa (một nhóm các tình trạng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch), việc dùng 2g bột gừng mỗi ngày giúp làm giảm đáng kể huyết áp, triglyceride và lượng đường trong máu khi đói.
Lưu ý khi dùng thực phẩm chức năng
Mặc dù một số loại thực phẩm chức năng có thể giúp làm giảm huyết áp nhưng điều đó không có nghĩa là tất cả các loại thực phẩm chức năng đều an toàn.
Một điều quan trọng cần lưu ý là nhiều loại thực phẩm chức năng có thể tương tác với thuốc, bao gồm cả thuốc điều trị tăng huyết áp.
Thêm nữa, việc dùng liều quá thấp sẽ không có hiệu quả giảm huyết áp trong khi liều quá cao có thể dẫn đến những tác dụng phụ nghiêm trọng.
Vì vậy, hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thực phẩm chức năng nào. Bác sĩ sẽ giúp xác định liều dùng an toàn và hiệu quả.
Một điều quan trọng nữa là phải chọn những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Dùng thực phẩm chức năng chất lượng kém không những không có tác dụng mà còn gây hại cho sức khỏe.

Một chế độ ăn uống lành mạnh là cách hữu hiệu để hạ huyết áp và kiểm soát huyết áp luôn ở mức ổn định.

Mặc dù người trên 65 tuổi có nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp cao hơn nhưng căn bệnh này có thể xảy ra ở độ tuổi trẻ hơn, thậm chí ở độ tuổi 20.

Tăng huyết áp, hay cao huyết áp, là một vấn đề vô cùng phổ biến nhưng đa phần không có bất cứ dấu hiệu hay triệu chứng rõ ràng nào, nhất là ở giai đoạn đầu. Vì thế nên nhiều người không biết mình bị tăng huyết áp. Mặc dù không có triệu chứng nhưng nếu không được điều trị, tăng huyết áp có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa đến tính mạng. Vì lý do này nên tăng huyết áp được gọi là “kẻ giết người thầm lặng”.

Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát bệnh tăng huyết áp bởi những gì mà chúng ta ăn hàng ngày có ảnh hưởng trực tiếp đến mức huyết áp cũng như sức khỏe tim mạch nói chung.

Tăng huyết áp gồm có 4 giai đoạn: tiền tăng huyết áp, tăng huyết áp độ 1, tăng huyết áp độ 2 và cơn tăng huyết áp. Tăng huyết áp được chia thành nhiều loại là tăng huyết áp nguyên phát, tăng huyết áp thứ phát, tăng huyết áp kháng trị, tăng huyết áp ác tính và tăng huyết áp đơn độc.