Các loại và giai đoạn tăng huyết áp

Tăng huyết áp là tình trạng huyết áp cao hơn bình thường.
Theo Hướng dẫn năm 2023 của Hiệp hội Tăng huyết áp Châu Âu (European Society of Hypertension), tăng huyết áp là khi huyết áp từ 140/80 mmHg trở lên. Hướng dẫn năm 2017 của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ/Hội Tim mạch học Hoa Kỳ (American College of Cardiology/American Heart Association) lại định nghĩa tăng huyết áp là huyết áp từ 130/80 mmHg trở lên.
Tăng huyết áp được phân chia thành nhiều loại và gồm có 4 giai đoạn.
Ý nghĩa của hai chỉ số trong kết quả đo huyết áp
Kết quả đo huyết áp gồm có hai chỉ số. Chỉ số đầu tiên là huyết áp tâm thu, là áp lực trong động mạch khi tim co bóp đẩy máu ra ngoài. Con số thứ hai là huyết áp tâm trương, là áp lực trong động mạch khi cơ tim giãn ra giữa các lần co bóp và máu chảy ngược trở lại tim.
Các giai đoạn tăng huyết áp
Theo hướng dẫn mới nhất về bệnh tăng huyết áp, huyết áp được chia thành các mức như sau:
- Huyết áp bình thường: huyết áp tâm thu dưới 120 mmHg và huyết áp tâm trương dưới 80 mmHg
- Tiền tăng huyết áp: huyết áp tâm thu từ 120 đến 129 mmHg và huyết áp tâm trương dưới 80 mmHg
- Tăng huyết áp độ 1: huyết áp tâm thu từ 130 đến 139 mmHg hoặc huyết áp tâm trương từ 80 đến 89 mmHg
- Tăng huyết áp độ 2: huyết áp tâm thu từ 140 mmHg trở lên hoặc huyết áp tâm trương từ 90 mmHg trở lên
- Cơn tăng huyết áp: huyết áp tâm thu trên 180 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương trên 120 mmHg (những trường hợp này cần phải cấp cứu)
Theo hệ thống phân chia cấp độ mới, nhiều người trước đây thuộc nhóm “tiền tăng huyết áp” nay chuyển sang nhóm “tăng huyết áp”.
Những người mắc bệnh tim mạch hoặc có các yếu tố nguy cơ khác, chẳng hạn như bệnh tiểu đường hoặc có tiền sử gia đình bị tăng huyết áp, cần bắt đầu điều trị ngay khi ở giai đoạn tiền tăng huyết áp.
Tăng huyết áp nguyên phát và tăng huyết áp thứ phát
Tăng huyết áp nguyên phát
Tăng huyết áp nguyên phát còn được gọi là tăng huyết áp vô căn. Phần lớn các ca tăng huyết áp ở người lớn là tăng huyết áp nguyên phát.
Mặc dù đã có rất nhiều nghiên cứu về bệnh tăng huyết áp nhưng nguyên nhân chính xác gây tăng huyết áp nguyên phát vẫn chưa được xác định. Các giả thuyết cho rằng loại tăng huyết áp này là do sự kết hợp của nhiều yếu tố khác nhau như di truyền, chế độ ăn uống, lối sống và tuổi tác.
Các yếu tố lối sống có thể góp phần gây tăng huyết áp gồm có:
- Hút thuốc
- Uống quá nhiều rượu bia
- Căng thẳng
- Thừa cân hoặc béo phì
- Ăn nhiều muối
- Ít vận động
Điều chỉnh chế độ ăn uống và lối sống có thể giúp giảm nguy cơ tăng huyết áp, kiểm soát huyết áp khi đã bị tăng huyết áp và ngăn ngừa các biến chứng.
Tăng huyết áp nguyên phát không thể chữa khỏi hoàn toàn.
Tăng huyết áp thứ phát
Tăng huyết áp thứ phát có nghĩa là tăng huyết áp xác định được nguyên nhân. Loại tăng huyết áp này có thể chữa khỏi. Tăng huyết áp thứ phát chỉ chiếm 5 - 10% tổng số ca tăng huyết áp. Loại tăng huyết áp này phổ biến hơn ở người trẻ tuổi. Ước tính có khoảng 30% người từ 18 đến 40 tuổi bị tăng huyết áp thứ phát.
Các nguyên nhân phổ biến gây tăng huyết áp thứ phát gồm có:
- Hẹp động mạch thận
- Bệnh tuyến thượng thận
- Chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn
- Rối loạn nội tiết tố
- Bệnh tuyến giáp
- Hẹp động mạch chủ
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc, chẳng hạn như:
- Thuốc tránh thai
- Thuốc giảm cân
- Thuốc kích thích
- Thuốc chống trầm cảm
Các loại tăng huyết áp
Ngoài cách phân loại theo nguyên nhân, bệnh tăng huyết áp còn được phân loại dựa trên đáp ứng điều trị, mức độ nghiêm trọng và chỉ số nào tăng cao trong kết quả đo huyết áp, huyết áp tâm thu, tâm trương hay cả hai.
Tăng huyết áp kháng trị
Tăng huyết áp kháng trị là tình trạng tăng huyết áp khó kiểm soát và đòi hỏi phải dùng nhiều loại thuốc cùng lúc.
Tăng huyết áp được coi là kháng trị khi huyết áp vẫn cao dù đã dùng ba loại thuốc điều trị tăng huyết áp khác nhau, trong đó có thuốc lợi tiểu.
Nhiều trường hợp tăng huyết áp kháng trị là tăng huyết áp thứ phát và lý do khiến tình trạng tăng huyết áp không được kiểm soát dù đã dùng nhiều loại thuốc là do chưa tìm được nguyên nhân gốc rễ.
Trong hầu hết các trường hợp, chỉ cần xác định và giải quyết nguyên nhân khiến huyết áp tăng cao là có thể điều trị được tình trạng tăng huyết áp kháng trị.
Tăng huyết áp ác tính
Tăng huyết áp ác tính (malignant hypertension) là tình trạng tăng huyết áp gây tổn thương các cơ quan. Loại tăng huyết áp này cần được điều trị khẩn cấp và có thể đe dọa đến tính mạng vì tình trạng huyết áp cao có thể làm hỏng các cơ quan quan trọng hoặc dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như lóc tách động mạch chủ hay xuất huyết não.
Tỷ lệ mắc tăng huyết áp ác tính thấp - khoảng 1 đến 2 trường hợp trên 100.000 người nhưng đây là loại tăng huyết áp nghiêm trọng nhất. Trong những trường hợp tăng huyết áp ác tính, huyết áp tâm thu thường trên 180 mmHg hoặc huyết áp tâm trương trên 120 - 130 mmHg, đi kèm tổn thương nhiều cơ quan.
Tăng huyết áp tâm thu đơn độc
Tăng huyết áp tâm thu đơn độc là khi huyết áp tâm thu trên 140 mmHg và huyết áp tâm trương dưới 90 mmHg.
Đây là loại tăng huyết áp phổ biến nhất ở người lớn tuổi. Ước tính có 15% người từ 60 tuổi trở lên bị tăng huyết áp tâm thu đơn độc.
Nguyên nhân gây tăng huyết áp tâm thu đơn độc được cho là do động mạch bị cứng lại khi có tuổi.
Người trẻ tuổi cũng có thể bị tăng huyết áp tâm thu đơn độc. Một số nghiên cứu cho thấy 2% đến 8% người trẻ tuổi bị loại tăng huyết áp này. Theo một nghiên cứu vào năm 200 tại Vương quốc Anh, tăng huyết áp tâm thu đơn độc là loại tăng huyết áp phổ biến nhất ở những người từ 17 đến 27 tuổi.
Một nghiên cứu lớn được công bố vào năm 2015 với thời gian theo dõi trung bình là 31 năm đã phát hiện ra rằng những người từ 18 đến 49 tuổi bị tăng huyết áp tâm thu đơn độc có nguy cơ đột quỵ và nhồi máu cơ tim cao hơn so với những người có huyết áp bình thường.
Tăng huyết áp cấp cứu là gì?
Tăng huyết áp cấp cứu (hypertensive emergency), còn gọi là tăng huyết áp ác tính, là khi huyết áp đột nhiên tăng trên 180/120 mmHg và gây ra các triệu chứng như:
- Đau ngực
- Đau đầu
- Hụt hơi
- Chóng mặt
- Thay đổi thị lực
Tuy nhiên, nhiều trường hợp tăng huyết áp cấp cứu không có triệu chứng rõ ràng dù huyết áp ở mức rất cao. Bác sĩ đưa ra chẩn đoán tăng huyết áp cấp cứu khi huyết áp trên 180/120 mmHg và người bệnh có các dấu hiệu tổn thương cơ quan. Ví dụ, nếu xét nghiệm máu cho thấy tổn thương thận cấp tính do giảm lưu lượng máu đến thận và huyết áp trên 180/120 mmHg thì rất có thể người bệnh bị tăng huyết áp cấp cứu, kể cả khi không có bất kỳ triệu chứng nào.
Chỉ có 1% đến 3% người bị tăng huyết áp có nguy cơ gặp phải tình trạng tăng huyết áp cấp cứu. Người bệnh cần uống thuốc điều trị tăng huyết áp đều đặn và tránh các loại thuốc kích thích hệ thần kinh, vì đây là những nguyên nhân chính gây tăng huyết áp cấp cứu.
Tăng huyết áp khẩn cấp
Tăng huyết áp khẩn cấp (hypertensive urgency) là khi huyết áp trên 180/120 mmHg nhưng không có triệu chứng.
Tình trạng tăng huyết áp khẩn cấp thường được điều trị bằng cách điều chỉnh thuốc. Tăng huyết áp khẩn cấp cần được điều trị nhanh chóng để ngăn tình trạng này tiến triển thành tăng huyết áp cấp cứu.
Mặc dù chỉ có chưa đầy 1% số người bị tăng huyết áp khẩn cấp cần phải nhập viện và đa phần đều không gặp phải biến chứng nguy hiểm nhưng đây vẫn là một tình trạng nghiêm trọng cần được điều trị kịp thời.
Tăng huyết áp áo choàng trắng
Tăng huyết áp áo choàng trắng, hay còn gọi là hội chứng áo choàng trắng (white coat syndrome), là tình trạng huyết áp tăng cao khi ở môi trường y tế nhưng khi đo tại nhà lại bình thường.
Trước đây, tình trạng này được cho là vô hại nhưng các nghiên cứu gần đây cho thấy tăng huyết áp áo choàng trắng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Rất nhiều người bị tăng huyết áp áo choàng trắng sau đó đã bị bệnh tăng huyết áp.
Để chẩn đoán tăng huyết áp, huyết áp sẽ được đo tại nhiều thời điểm, cả khi ở nhà và ở bệnh viện. Không thể chỉ dựa vào kết quả của một lần đo để chẩn đoán tăng huyết áp. Nếu đo huyết áp tại nhà và kết quả thường xuyên ở mức cao, hãy đi khám để được bác sĩ kiểm tra.
Tóm tắt bài viết
Tăng huyết áp được gọi là “kẻ giết người thầm lặng” vì thường không có triệu chứng rõ ràng.
Hầu hết các trường hợp tăng huyết áp đều không xác định được nguyên nhân. Tình trạng này có thể là do di truyền, do chế độ ăn uống hoặc lối sống. Ngoài ra, huyết áp thường tăng cao khi có tuổi.
Nếu bạn có các yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp, chẳng hạn như bệnh tim mạch hoặc tiểu đường thì nên đo huyết áp thường xuyên và thực hiện các biện pháp phòng ngừa.
Điều chỉnh lối sống vừa giúp giảm nguy cơ tăng huyết áp vừa giúp kiểm soát huyết áp khi bị tăng huyết áp, giảm nhu cầu dùng thuốc và giảm nguy cơ phát sinh biến chứng, gồm có nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Trong trường hợp huyết áp vẫn cao dù đã điều chỉnh lối sống thì có rất nhiều loại thuốc có thể giúp hạ và giữ ổn định huyết áp.

Tăng huyết áp là bệnh chỉ bộc lộ rất ít hoặc không có triệu chứng. Do vậy mà đa số mọi người đều không hề biết mình bị bệnh trong suốt nhiều năm trời.

Khi đo huyết áp, nếu kết quả dưới 120/80mmHg thì huyết áp ở mức bình thường còn nếu cao hơn mức này thì được coi là tăng huyết áp, hay còn được gọi là cao huyết áp và cần đến các phương pháp điều trị.

Tăng huyết áp không được coi là một loại bệnh tim mạch nhưng có thể dẫn đến bệnh tim mạch.

Nhiều người sợ đi máy bay do sợ độ cao, sợ không gian hẹp hoặc lo sợ xảy ra tai nạn. Đối với những người mắc các bệnh mạn tính như bệnh tim mạch hoặc tăng huyết áp, mỗi chuyến bay lại đi kèm những nỗi lo khác.