1

Tại sao tăng huyết áp được gọi là “kẻ giết người thầm lặng”?

Tăng huyết áp, hay cao huyết áp, là một vấn đề vô cùng phổ biến nhưng đa phần không có bất cứ dấu hiệu hay triệu chứng rõ ràng nào, nhất là ở giai đoạn đầu. Vì thế nên nhiều người không biết mình bị tăng huyết áp. Mặc dù không có triệu chứng nhưng nếu không được điều trị, tăng huyết áp có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa đến tính mạng. Vì lý do này nên tăng huyết áp được gọi là “kẻ giết người thầm lặng”.
Tại sao tăng huyết áp được gọi là “kẻ giết người thầm lặng”? Tại sao tăng huyết áp được gọi là “kẻ giết người thầm lặng”?

Tăng huyết áp là một yếu tố nguy cơ chính gây bệnh tim mạch, một trong những nguyên nhân tử vong hàng đầu. Trên thực tế, có rất nhiều trường hợp tăng huyết áp không được phát hiện và điều trị.

Tại sao tăng huyết áp được gọi là “kẻ giết người thầm lặng”?

Hầu hết người bị tăng huyết áp không biết mình mắc căn bệnh này vì tăng huyết áp thường không biểu hiện triệu chứng trong suốt một thời gian dài.

Tuy nhiên, tăng huyết áp là một trong những yếu tố nguy cơ chính gây ra nhiều bệnh mạn tính, gồm có nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Đây là hai trong số những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới.

Vì bệnh tăng huyết áp có thể diễn ra âm thầm trong suốt nhiều năm mà người bệnh không hề hay biết nên tình trạng này được gọi là “kẻ giết người thầm lặng”.

Tăng huyết áp là gì?

Huyết áp là áp lực mà máu tác động lên thành động mạch. Tăng huyết áp là khi áp lực máu cao hơn mức bình thường.

Huyết áp được thể hiện qua hai chỉ số là huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương. Huyết áp tâm thu là huyết áp khi tim co bóp còn huyết áp tâm trương là huyết áp khi tim nghỉ ngơi giữa các lần co bóp.

Dưới đây là các mức huyết áp theo hướng dẫn lâm sàng hiện tại.

Mức huyết áp Phạm vi huyết áp
Huyết áp bình thường Huyết áp tâm thu dưới 120 mmHg và huyết áp tâm trương dưới 80 mmHg (120/80 mmHg)
Tiền tăng huyết áp Huyết áp tâm thu 120 – 129 mmHg và huyết áp tâm trương dưới 80 mmHg (120/80 – 129/80 mmHg)
Tăng huyết áp độ 1 Huyết áp tâm thu 130 – 139 mmHg hoặc huyết áp tâm trương 80 – 89 mmHg (130–139/80–89 mmHg)
Tăng huyết áp độ 2 Huyết áp tâm thu 140 mmHg trở lên hoặc huyết áp tâm trương 90 mmHg trở lên (140/90 mmHg)

Ai có nguy cơ bị tăng huyết áp?

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp gồm có:

  • Vấn đề sức khỏe, như tiền tăng huyết áp và bệnh tiểu đường
  • Chế độ ăn uống và lối sống, chẳng hạn như chế độ ăn nhiều muối và lối sống ít vận động
  • Một số hành vi, chẳng hạn như uống nhiều rượu và hút thuốc lá
  • Tiền sử gia đình bị tăng huyết áp
  • Tuổi cao

Tăng huyết áp được chẩn đoán như thế nào?

Để chẩn đoán tăng huyết áp, bác sĩ sẽ tiến hành đo huyết áp. Bác sĩ sẽ đo từ hai lần trở lên và lấy kết quả trung bình.

Để có kết quả chính xác, quá trình đo huyết áp cần được thực hiện đúng. Bạn cần tránh tiêu thụ caffeine, đồ uống có cồn, tập thể dục và hút thuốc ít nhất 30 phút trước khi đo huyết áp. Bác sĩ sẽ đo huyết áp ở cả hai tay để đảm bảo kết quả chính xác.

Phương pháp điều trị tăng huyết áp

Cho dù bạn bị tăng huyết áp hay mới chỉ bị tiền tăng huyết áp thì cũng đều phải thực hiện các biện pháp giảm huyết áp để ngăn ngừa biến chứng. Hai phương pháp điều trị tăng huyết áp chính là thay đổi lối sống và dùng thuốc.

Thay đổi lối sống

Điều đầu tiên cần làm để kiểm soát tăng huyết áp là thay đổi lối sống. Một số thay đổi lối sống cần thực hiện gồm có:

  • Tăng cường hoạt động thể chất
  • Ăn ít natri
  • Cố gắng giảm căng thẳng
  • Hạn chế đồ uống có cồn
  • Hạn chế tiêu thụ caffeine
  • Bỏ thuốc lá nếu hút

Dùng thuốc

Trong nhiều trường hợp, thay đổi lối sống là chưa đủ mà còn phải dùng thuốc để làm giảm huyết áp. Có nhiều loại thuốc được dùng để điều trị tăng huyết áp. Mỗi loại thuốc có cơ chế tác dụng khác nhau.

Các nhóm thuốc trị tăng huyết áp chính là:

  • Thuốc lợi tiểu
  • Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE)
  • Thuốc chẹn thụ thể angiotensin ii (ARB)
  • Thuốc chẹn kênh canxi
  • Thuốc chẹn beta
  • Thuốc chẹn alpha-beta
  • Thuốc chủ vận thụ thể alpha-2 (thuốc chủ vận trung ương)
  • Thuốc giãn mạch

Làm thế nào để giữ huyết áp ở mức khỏe mạnh?

Bất kể bạn có bị tăng huyết áp hay không, thực hiện các thay đổi sau đây cũng sẽ giúp duy trì huyết áp ở mức khỏe mạnh.

  • Ăn uống lành mạnh: Thực hiện chế độ ăn tốt cho tim mạch với nhiều chất xơ và kali, hạn chế natri và chất béo bão hòa. Bữa ăn hàng ngày nên có nhiều rau củ quả, protein nạc và chất béo tốt. Hạn chế tối đa đồ ăn và đồ uống chứa nhiều đường.
  • Tập thể dục đều đặn: Tập thể dục thường xuyên rất tốt cho sức khỏe tim mạch. Tim khỏe hơn sẽ bơm máu hiệu quả hơn, đồng nghĩa với việc giảm bớt áp lực lên động mạch.
  • Hạn chế bia rượu và không hút thuốc. Cả uống nhiều rượu bia và hút thuốc lá đều làm tăng huyết áp. Phụ nữ không nên tiêu thụ quá 01 đơn vị cồn (10g cồn nguyên chất) mỗi ngày và nam giới không tiêu thụ quá 02 đơn vị cồn (20g cồn nguyên chất). Nếu bạn đang hút thuốc, hãy cố gắng cai càng sớm càng tốt.
  • Đo huyết áp thường xuyên: Vì tăng huyết áp thường không biểu hiện triệu chứng nên đo huyết áp thường xuyên là cách tốt nhất để phát hiện sớm tình trạng tăng huyết áp.

Biến chứng của tăng huyết áp

Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), tăng huyết áp không được kiểm soát có thể dẫn đến nhiều biến chứng, gồm có:

  • Nhồi máu cơ tim
  • Suy tim
  • Đột quỵ
  • Bệnh thận, bao gồm suy thận
  • Bệnh mạch máu nhỏ
  • Bệnh động mạch ngoại biên
  • Mất thị lực
  • Rối loạn chức năng tình dục

Không bao giờ là quá muộn để điều trị tăng huyết áp. Thay đổi lối sống và dùng thuốc phù hợp sẽ giúp kiểm soát huyết áp và giảm nguy cơ biến chứng.

Những câu hỏi thường gặp

Làm thế nào để hạ huyết áp một cách nhanh chóng?

Nếu kiểm soát huyết áp bằng cách thay đổi lối sống thì sẽ phải mất một thời gian, có thể là vài tuần đến vài tháng để huyết áp có sự cải thiện rõ rệt. Còn nếu dùng thuốc thì huyết áp sẽ giảm nhanh hơn, có thể là ngay lập tức hoặc sau vài ngày.

Nên ăn những thực phẩm nào để kiểm soát tăng huyết áp?

Không có bất kỳ loại thực phẩm nào có thể làm giảm huyết áp nhưng có một số loại thực phẩm có thể giúp giữ huyết áp ở mức khỏe mạnh khi kết hợp với chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh. Một số loại thực phẩm có lợi cho người bị tăng huyết áp là trái cây họ cam quýt, các loại quả mọng, cá béo, hạt và quả hạch, rau lá xanh và thực phẩm giàu protein.

Ngoài ra, những người bị tăng huyết áp nên cắt giảm lượng muối tiêu thụ.

Huyết áp bao nhiêu thì phải cấp cứu?

Hầu hết người bị tăng huyết áp đều không có triệu chứng. Tuy nhiên, khi huyết áp tăng quá cao, người bệnh sẽ gặp các triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, đau ngực hay mờ mắt. Nếu bạn bị tăng huyết áp và gặp bất kỳ triệu chứng nào trong số này thì cần phải gọi cấp cứu hoặc đến bệnh viện ngay lập tức.

Tóm tắt bài viết

Giữ cho trái tim khỏe mạnh nghe có vẻ như là một nhiệm vụ phức tạp nhưng kiên trì thực hiện những thay đổi nhỏ là đủ để cải thiện sức khỏe tim mạch.

Những thay đổi về lối sống như ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên và hạn chế bia rượu đều có thể giúp giảm nguy cơ tăng huyết áp và thậm chí giúp kiểm soát tăng huyết áp. Nhưng nếu đã thực hiện những thay đổi này mà huyết áp vẫn cao thì bạn sẽ phải dùng thuốc để làm giảm huyết áp và duy trì huyết áp ổn định.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tăng huyết áp không được kiểm soát nghĩa là gì?
Tăng huyết áp không được kiểm soát nghĩa là gì?

Tăng huyết áp là khi huyết áp trên 140/90 mmHg. Tăng huyết áp không được kiểm soát có nghĩa là tình trạng tăng huyết áp không được điều trị hoặc các phương pháp điều trị không hiệu quả.

Hướng dẫn chế độ ăn uống dành cho người bị tăng huyết áp
Hướng dẫn chế độ ăn uống dành cho người bị tăng huyết áp

Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát bệnh tăng huyết áp bởi những gì mà chúng ta ăn hàng ngày có ảnh hưởng trực tiếp đến mức huyết áp cũng như sức khỏe tim mạch nói chung.

Những thực phẩm tốt cho người bị tăng huyết áp
Những thực phẩm tốt cho người bị tăng huyết áp

Thực hiện chế độ ăn uống tốt cho tim mạch có thể giúp làm giảm huyết áp. Một số chất dinh dưỡng như kali và magie đặc biệt có lợi cho người bị tăng huyết áp.

Lợi ích của tỏi đối với người bị tăng huyết áp
Lợi ích của tỏi đối với người bị tăng huyết áp

Nghiên cứu cho thấy tỏi mang lại nhiều lợi ích cho những người bị tăng huyết áp.

Biện pháp tránh thai an toàn cho người bị tăng huyết áp
Biện pháp tránh thai an toàn cho người bị tăng huyết áp

Nếu bạn bị tăng huyết áp hoặc có các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch khác thì nên tránh sử dụng các biện pháp tránh thai nội tiết kết hợp và tiêm thuốc tránh thai. Có nhiều biện pháp tránh thai khác an toàn hơn cho người bị tăng huyết áp.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây