1

Những điều cần biết về tăng áp động mạch phổi

Tăng áp động mạch phổi là một loại tăng huyết áp hiếm gặp, xảy ra ở động mạch của phổi. Những mạch máu này mang máu từ tâm thất phải (buồng dưới bên phải của tim) vào phổi.
Những điều cần biết về tăng áp động mạch phổi Những điều cần biết về tăng áp động mạch phổi

Khi áp lực trong các động mạch của phổi tăng lên, tim sẽ phải làm việc nhiều hơn để bơm máu đến phổi. Theo thời gian, điều này sẽ làm suy yếu cơ tim và cuối cùng dẫn đến suy tim, thậm chí tử vong.

Hiện chưa có cách chữa trị khỏi bệnh tăng áp động mạch phổi nhưng vẫn có các phương pháp điều trị để kiểm soát các triệu chứng, giảm nguy cơ biến chứng và kéo dài tuổi thọ.

Triệu chứng tăng áp động mạch phổi

Trong giai đoạn đầu của tăng áp động mạch phổi, người bệnh thường không có bất kỳ triệu chứng rõ rệt nào. Nhưng khi tình trạng bệnh trở nên nặng hơn, các triệu chứng sẽ bộc lộ rõ, gồm có:

  • Khó thở
  • Mệt mỏi
  • Chóng mặt
  • Choáng, ngất xỉu
  • Đau, tức ngực
  • Tim đập nhanh
  • Da và môi chuyển màu tái
  • Sưng phù mắt cá chân hoặc chân
  • Trướng bụng

Người bệnh sẽ cảm thấy khó thở khi tập thể dục hoặc vận động. Cuối cùng, ngay cả khi nghi ngơi cũng cảm thấy khó thở, hụt hơi.

Nguyên nhân gây tăng áp động mạch phổi

Tăng áp động mạch phổi xảy ra khi các động mạch phổi – mạch máu mang máu từ tim đến phổi - bị tắc nghẽn hoặc bị tổn hại. Có nhiều vấn đề sức khỏe có thể làm khởi phát tình trạng này nhưng hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân gốc rễ gây tăng áp động mạch phổi.

15 - 20% số trường hợp tăng áp động mạch phổi là do di truyền mà cụ thể là liên quan đến đột biến gen BMPR2 hoặc các gen khác. Gen đột biến sẽ được di truyền qua các thế hệ trong gia đình, khiến cho người mang gen có nguy cơ mắc tăng áp động mạch phổi sau này.

Các bệnh lý và vấn đề sức khỏe có thể dẫn đến tăng áp động mạch phổi gồm có:

  • Bệnh gan mạn tính
  • Bệnh tim bẩm sinh
  • Một số bệnh mô liên kết
  • Một số bệnh nhiễm trùng, chẳng hạn như nhiễm HIV hoặc bệnh sán máng
  • Một số độc tố, thuốc ví dụ như thuốc ức chế cảm giác thèm ăn hoặc ma túy

Có nhiều trường hợp tăng áp động mạch phổi không xác định rõ nguyên nhân. Những trường hợp này được gọi là tăng áp động mạch phổi vô căn.

Các giai đoạn của tăng áp động mạch phổi

Theo tiêu chí do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra, tăng áp động mạch phổi được chia thành 4 giai đoạn dựa trên mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.

  • Độ 1: Khả năng hoạt động thể chất vẫn chưa bị ảnh hưởng. Người bệnh không gặp bất kỳ triệu chứng rõ ràng nào khi vận động và nghỉ ngơi.
  • Độ 2: Bệnh đã bắt đầu ảnh hưởng đến khả năng hoạt động thể chất. Người bệnh gặp các triệu chứng khi vận động.
  • Độ 3: Bệnh ảnh hưởng đáng kể đến khả năng vận động hàng ngày. Người bệnh gặp phải triệu chứng khi thực hiện các hoạt động thường ngày hoặc hơi gắng sức nhưng khi nghỉ ngơi thì lại bình thường.
  • Độ 4: Các triệu chứng xuất hiện cả khi vận động và khi nghỉ ngơi. Giai đoạn này thường bắt đầu có triệu chứng  của suy tim phải.

Mỗi giai đoạn của bệnh tăng áp động mạch phổi cần phương pháp điều trị khác nhau.

Chẩn đoán tăng áp động mạch phổi

Các phương pháp chẩn đoán tăng áp động mạch phổi:

  • Điện tâm đồ để kiểm tra các dấu hiệu gắng sức hoặc nhịp tim bất thường
  • Siêu âm tim để kiểm tra cấu trúc và chức năng của tim cũng như đo áp lực động mạch phổi
  • Chụp X-quang ngực để kiểm tra xem động mạch phổi hoặc tâm thất phải của tim có bị giãn hay không
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT scan) hoặc cộng hưởng từ (MRI) để phát hiện cục máu đông, những đoạn bị thu hẹp hoặc tổn thương trong động mạch phổi
  • Thông tim để đo huyết áp trong động mạch phổi và tâm thất phải của tim
  • Đo chức năng phổi để đánh giá khả năng cũng như lượng không khí vào và ra khỏi phổi
  • Xét nghiệm máu để đo nồng độ các chất có liên quan đến tăng áp động mạch phổi hoặc các vấn đề sức khỏe khác

Các phương pháp này được thực hiện để kiểm tra những dấu hiệu của tăng áp động mạch phổi hoặc các nguyên nhân khác gây ra triệu chứng. Thường bác sĩ sẽ loại trừ các nguyên nhân tiềm ẩn khác trước khi đưa ra chẩn đoán tăng áp động mạch phổi.

Điều trị tăng áp động mạch phổi

Hiện tại, chưa có cách chữa trị khỏi bệnh tăng áp động mạch phổi nhưng vẫn có các phương pháp điều trị để giảm nhẹ các triệu chứng, giảm nguy cơ biến chứng và kéo dài tuổi thọ cho người bệnh.

Thuốc

Các loại thuốc thường được dùng để kiểm soát bệnh tăng áp động mạch phổi:

  • Prostacyclin để làm giãn mạch máu
  • Thuốc kích thích guanylate cyclase hòa tan để làm giãn mạch máu
  • Thuốc đối kháng thụ thể endothelin để ngăn chặn hoạt động của endothelin - một chất gây hẹp mạch máu
  • Thuốc chống đông máu để ngăn hình thành cục máu đông

Trong trường hợp tăng áp động mạch phổi có liên quan đến một vấn đề sức khỏe khác thì sẽ phải dùng thuốc để điều trị vấn đề đó và có thể phải điều chỉnh các loại thuốc hiện đang dùng.

Phẫu thuật

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật để điều trị tăng áp động mạch phổi. Một số loại phẫu thuật là phá vách liên nhĩ để giảm áp lực cho nửa bên phải của tim, ghép phổi hoặc ghép tọaphổi để thay các cơ quan bị tổn thương.

Trong quá trình phẫu thuật phá vách liên nhĩ, bác sĩ sẽ đưa ống thông qua một trong các tĩnh mạch trung tâm đến tâm nhĩ phải và tạo một lỗ mở ở vách liên nhĩ (dải mô ở giữa tâm nhĩ phải và trái của tim). Tiếp theo, bác sĩ sẽ làm phồng quả bóng nhỏ gắn ở đầu ống thông để làm giãn lỗ mở và giúp cho máu có thể chảy giữa hai tâm nhĩ của tim, từ đó làm giảm áp lực ở nửa bên phải của tim.

Những trường hợp tăng áp động mạch phổi nghiêm trọng cần phẫu thuật ghép phổi. Bác sĩ sẽ cắt một hoặc cả hai lá phổi của người bệnh và thay bằng phổi của người hiến.

Những trường hợp bị bệnh tim nặng hoặc suy tim cần ghép cả tim và phổi.

Điều chỉnh lối sống

Người bị tăng áp động mạch phổi cần điều chỉnh lối sống, gồm có chế độ ăn uống, tập luyện và cả các thói quen hàng ngày khác để giảm nguy cơ biến chứng. Những điều chỉnh cần thực hiện gồm có:

  • Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh
  • Tập thể dục thường xuyên
  • Giảm cân nếu thừa cân và duy trì cân nặng khỏe mạnh
  • Bỏ thuốc lá

Bên cạnh đó, người bệnh cần tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ.

Tiên lượng của người bị tăng áp động mạch phổi

Trong những năm gần đây, các phương pháp điều trị bệnh tăng áp động mạch phổi đã có nhiều cải tiến lớn, đem lại hi vọng cho những người mắc bệnh. Tuy nhiên, vẫn chưa có cách chữa trị khỏi căn bệnh này.

Việc phát hiện và điều trị sớm sẽ giúp kiểm soát các triệu chứng tốt hơn, làm chậm sự tiến triển của bệnh, giảm nguy cơ biến chứng và kéo dài tuổi thọ.

Tuổi thọ của người bị tăng áp động mạch phổi

Tăng áp động mạch phổi là một bệnh tiến triển, có nghĩa là tình trạng sẽ ngày càng nặng theo thời gian. Tốc độ tiến triển của bệnh ở ca bệnh là khác nhau.

Một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2015 nhằm đánh giá tỷ lệ sống sót sau 5 năm của những người mắc tăng áp động mạch phổi ở các giai đoạn khác nhau đã chỉ ra rằng bệnh càng tiến triển nặng thì tỷ lệ sống sót sau 5 năm càng giảm.

Dưới đây là tỷ lệ sống sót sau 5 năm ở từng giai đoạn bệnh tăng áp động mạch phổi:

  • Độ 1: 72 - 88%
  • Độ 2: 72 - 76%
  • Độ 3: 57 - 60%
  • Độ 4: 27 - 44%

Mặc dù chưa có cách trị khỏi nhưng những tiến bộ gần đây trong điều trị đã giúp cải thiện đáng kể tiên lượng của những người mắc bệnh tăng áp động mạch phổi.

Tăng áp động mạch phổi ở trẻ sơ sinh

Đôi khi, tăng áp động mạch phổi xảy ra ở trẻ sơ sinh. Tình trạng này xảy ra khi các mạch máu đến phổi của trẻ không giãn nở bình thường sau khi sinh.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ở trẻ gồm có:

  • Nhiễm trùng khi còn trong bụng mẹ
  • Đau đớn dữ dội khi sinh
  • Có các vấn đề về phổi, chẳng hạn như phổi kém phát triển hoặc hội chứng suy hô hấp tiến triển

Nếu trẻ được chẩn đoán mắc tăng áp động mạch phổi thì bác sĩ sẽ tiến hành làm giãn các mạch máu trong phổi bằng liệu pháp oxy và có thể cần sử dụng máy thở để hỗ trợ trẻ hô hấp.

Điều trị đúng cách và kịp thời sẽ giúp giảm nguy cơ chậm phát triển và các vấn đề về chức năng sau này, đồng thời tăng khả năng sống sót.

Phòng ngừa tăng áp động mạch phổi

Không có cách nào để phòng ngừa tuyệt đối bệnh tăng áp động mạch phổi. Tuy nhiên, có thể phòng ngừa hoặc kiểm soát một số vấn đề, bệnh lý dẫn đến tăng áp động mạch phổi để giảm nguy cơ mắc bệnh. Những vấn đề, bệnh lý này gồm có bệnh động mạch vành, tăng huyết áp, bệnh gan mạn tính (thường là gan nhiễm mỡ, viêm gan do rượu và viêm gan siêu vi), HIV và bệnh phổi mạn tính, đặc biệt là bệnh phổi do hút thuốc và yếu tố gây hại từ môi trường.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tăng huyết áp dẫn đến những bệnh tim mạch nào?
Tăng huyết áp dẫn đến những bệnh tim mạch nào?

Tăng huyết áp là một trong những yếu tố nguy cơ chính gây bệnh tim mạch, gồm có cơ tim phì đại và bệnh mạch vành.

Điều trị tăng huyết áp bằng cách nào?
Điều trị tăng huyết áp bằng cách nào?

Khi đo huyết áp, nếu kết quả dưới 120/80mmHg thì huyết áp ở mức bình thường còn nếu cao hơn mức này thì được coi là tăng huyết áp, hay còn được gọi là cao huyết áp và cần đến các phương pháp điều trị.

Tăng huyết áp có phải bệnh tim mạch không?
Tăng huyết áp có phải bệnh tim mạch không?

Tăng huyết áp không được coi là một loại bệnh tim mạch nhưng có thể dẫn đến bệnh tim mạch.

Bị tăng huyết áp cần lưu ý những gì khi đi máy bay?
Bị tăng huyết áp cần lưu ý những gì khi đi máy bay?

Nhiều người sợ đi máy bay do sợ độ cao, sợ không gian hẹp hoặc lo sợ xảy ra tai nạn. Đối với những người mắc các bệnh mạn tính như bệnh tim mạch hoặc tăng huyết áp, mỗi chuyến bay lại đi kèm những nỗi lo khác.

Các phương pháp điều trị tăng huyết áp (cao huyết áp)
Các phương pháp điều trị tăng huyết áp (cao huyết áp)

Tăng huyết áp làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Có nhiều phương pháp điều trị có thể giúp kiểm soát huyết áp, gồm có thay đổi lối sống và dùng thuốc. Phác đồ điều trị tăng huyết áp thường gồm có sự kết hợp giữa dùng thuốc và thay đổi lối sống. Mục tiêu là đưa huyết áp về mức khỏe mạnh.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây