Tại sao tăng huyết áp và bệnh tim làm tăng nguy cơ đột quỵ?

Bệnh tim là tất cả các vấn đề về cấu tạo và chức năng của tim. Đột quỵ là tình trạng xảy ra khi sự lưu thông máu đến não bị gián đoạn.
Một số loại bệnh tim có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ và ngược lại, đột quỵ cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tim.
Mối liên hệ giữa tăng huyết áp, bệnh tim và đột quỵ
Tăng huyết áp làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ.
Tăng huyết áp là tình trạng áp lực máu tác động lên thành động mạch quá cao. Điều này cản trở sự lưu thông máu đến tim và dẫn đến bệnh tim. Tăng huyết áp còn có thể làm hỏng các động mạch mang máu đến não. Điều này sẽ làm giảm sự lưu thông máu đến não và dẫn đến đột quỵ.
Bệnh tim và đột quỵ cũng có mối liên hệ với nhau.
Bệnh tim làm tăng nguy cơ đột quỵ. Một phần ba số người bị đột quỵ mắc bệnh tim. Bệnh tim khiến tim khó bơm máu đi khắp cơ thể và điều này làm giảm lưu lượng máu đến não.
Mặt khác, theo một nghiên cứu vào năm 2020, đột quỵ làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tim, gồm có nhồi máu cơ tim và suy tim.
Tại sao tăng huyết áp gây bệnh tim?
Áp lực máu cao sẽ làm hỏng các động mạch mang máu đến tim và làm hỏng cả tim.
Theo thời gian, áp lực máu cao sẽ làm cho động mạch cứng lại và còn khiến động mạch dễ bị xơ vữa hơn. Mảng xơ vữa sẽ làm cho động mạch hẹp lại.
Tăng huyết áp còn khiến cho tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu đi khắp cơ thể. Dần dần, cơ tim sẽ dày lên và độ đàn hồi của tim giảm.
Những thay đổi này ở động mạch và tim sẽ làm giảm sự lưu thông máu và dẫn đến các vấn đề như:
- Bệnh động mạch vành: tình trạng tích tụ mảng xơ vữa trong động mạch vành – các mạch máu cung cấp máu cho tim. Đây là loại bệnh tim phổ biến nhất.
- Nhồi máu cơ tim: xảy ra khi các động mạch bị tắc nghẽn và máu không đến được tim.
- Suy tim: Khi cơ tim dày lên do tăng huyết áp, tim sẽ suy yếu và không thể thực hiện chức năng một cách bình thường.
Tại sao tăng huyết áp gây đột quỵ?
Tăng huyết áp còn có thể dẫn đến đột quỵ. Điều này cũng là do tác động tiêu cực của tăng huyết áp đến động mạch.
Có hai loại đột quỵ chính là đột quỵ do thiếu máu cục bộ và đột quỵ xuất huyết não. Cả hai đều có thể là do tăng huyết áp gây ra.
Đột quỵ do thiếu máu cục bộ
Tăng huyết áp gây áp lực lên các động mạch mang máu đến não. Điều này khiến cho các động mạch hẹp lại và cuối cùng bị tắc nghẽn. Khi điều này xảy ra, sự lưu thông máu đến một phần não sẽ bị cắt đứt và dẫn đến đột quỵ do thiếu máu cục bộ.
Tăng huyết áp còn góp phần gây hình thành mảng xơ vữa. Mảng xơ vữa sẽ khiến cho động mạch càng hẹp lại và cản trở dòng máu chảy đến não.
Đột quỵ xuất huyết não
Tăng huyết áp sẽ dần làm suy yếu thành động mạch. Khi một động mạch ở gần hoặc trong não bị vỡ, máu sẽ chảy ra ngoài và dẫn đến đột quỵ xuất huyết não.
Huyết áp bao nhiêu là cao?
Kết quả đo huyết áp gồm hai chỉ số. Chỉ số bên trên là huyết áp tâm thu, là áp lực máu trong động mạch khi tim co bóp. Chỉ số bên dưới là huyết áp tâm trương, là áp lực máu tác động lên động mạch khi tim nghỉ giữa các lần co bóp.
Huyết áp được đo bằng đơn vị milimét thủy ngân (mmHg).
Huyết áp tâm thu (mmHg) | Huyết áp tâm trương (mmHg) | Ý nghĩa |
Dưới 120 | Dưới 80 | Bình thường |
120 – 129 | Dưới 80 | Tiền tăng huyết áp |
130 – 139 | 80 – 89 | Tăng huyết áp cấp độ 1 |
140 trở lên | 90 trở lên | Tăng huyết áp cấp độ 2 |
Trên 180 | Trên 120 | Tăng huyết áp cấp độ 3 |
Triệu chứng tăng huyết áp
Tăng huyết áp thường không biểu hiện triệu chứng rõ ràng. Các triệu chứng chỉ xuất hiện khi huyết áp tăng quá cao và thường phải sau nhiều năm thì điều này mới xảy ra.
Người bị tăng huyết áp có thể gặp phải các triệu chứng như:
- Đốm máu trong mắt
- Đỏ bừng mặt
- Chóng mặt
Tuy nhiên, những triệu chứng này không phải do tăng huyết áp trực tiếp gây ra. Cách duy nhất để phát hiện tăng huyết áp là đo huyết áp.
Phòng ngừa đột quỵ khi bị tăng huyết áp
Tăng huyết áp là vấn đề có thể điều trị được. Các phương pháp điều trị gồm có thay đổi thói quen sống và dùng thuốc làm giảm huyết áp.
Kiểm soát huyết áp ổn định khi bị tăng huyết áp là một trong những cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh tim và đột quỵ. Theo một nghiên cứu vào năm 2016, giảm 10mmHg huyết áp tâm thu sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh mạch vành, suy tim và đột quỵ.
Một tổng quan nghiên cứu vào năm 2016 cũng chỉ ra rằng việc hạ huyết áp tâm thu xuống dưới 130 mmHg có thể làm giảm nguy cơ gặp phải các vấn đề tình trạng này.
Dưới đây là các cách để giảm huyết áp:
- Duy trì cân nặng hợp lý: Thừa cân và béo phì sẽ làm tăng nguy cơ bị tăng huyết áp.
- Tập thể dục thường xuyên: Tập thể dục giúp tim hoạt động tốt hơn và giảm áp lực lên động mạch.
- Ăn ít muối: Ăn quá nhiều muối sẽ làm tăng huyết áp. Sử dụng ít muối khi nấu ăn và tránh các loại thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều muối.
- Hạn chế rượu bia: Uống quá nhiều rượu bia có thể làm tăng huyết áp.
- Bỏ thuốc lá: Những người hút thuốc nên cố gắng cai. Hút thuốc sẽ làm cứng động mạch và gây tăng huyết áp.
- Giảm stress: Stress có thể dẫn đến các thói quen sống không lành mạnh như uống nhiều rượu hoặc ăn thực phẩm chế biến sẵn.
- Dùng thuốc điều trị tăng huyết áp như thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE) và thuốc chẹn kênh canxi.
Những biện pháp này sẽ giúp làm giảm huyết áp, nhờ đó ngăn ngừa bệnh tim và đột quỵ. Giảm huyết áp còn giúp làm giảm các yếu tố nguy cơ khác, ví dụ như cholesterol cao và bệnh tiểu đường.
Khi nào cần đi khám?
Những người bị tăng huyết áp nên đi khám định kỳ và thực hiện theo khuyến nghị của bác sĩ để kiểm soát huyết áp.
Ngoài ra, nên đi khám khi:
- có tiền sử gia đình bị tăng huyết áp, bệnh tim hoặc đột quỵ
- mắc bệnh tiểu đường
- khó thở
- đau hoặc khó chịu ở chân tay, hàm, cổ hoặc lưng
- đau ngực không rõ nguyên nhân
- thay đổi thị lực
Dấu hiệu cần gọi cấp cứu
Huyết áp tăng cao kéo dài có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng. Gọi cấp cứu ngay khi có những triệu chứng dưới đây:
- Đau ngực
- Hụt hơi
- Đau ở một hoặc cả hai cánh tay
- Đau ở hàm, cổ hoặc lưng
- Yếu cơ ở một bên mặt hoặc cơ thể
- Khó khăn khi nói
- Không thể cử động
- Vấn đề về thị lực
- Chóng mặt
- Đau đầu dữ dội không rõ nguyên nhân
- Ngất xỉu
Tóm tắt bài viết
Tăng huyết áp thường không có triệu chứng. Cách duy nhất để biết bản thân có bị tăng huyết áp hay không là đo huyết áp. Nếu không điều trị, tình trạng tăng huyết áp có thể dẫn đến bệnh tim và đột quỵ.
Một số cách để kiểm soát huyết áp gồm có dùng thuốc, giảm lượng muối tiêu thụ, tập thể dục thường xuyên, hạn chế rượu bia và bỏ thuốc lá.

Mặc dù người trên 65 tuổi có nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp cao hơn nhưng căn bệnh này có thể xảy ra ở độ tuổi trẻ hơn, thậm chí ở độ tuổi 20.

Tăng huyết áp có liên quan đến nhiều bệnh lý khác, bao gồm bệnh tim, thận và tuyến giáp. Tuy nhiên cũng có nhiều cách để giảm nguy cơ mắc những bệnh lý này khi bị tăng huyết áp.

Tim và phổi tác động qua lại lẫn nhau và vấn đề ở một trong hai cơ quan có thể dẫn đến vấn đề ở cơ quan còn lại. Ví dụ, chứng ngưng thở khi ngủ và tăng huyết áp thường đi đôi với nhau, việc bị ngưng thở khi ngủ làm tăng nguy cơ tăng huyết áp và ngược lại, những người bị tăng huyết áp có nguy cơ mắc chứng ngưng thở khi ngủ cao hơn.

Tăng huyết áp là một trong những yếu tố nguy cơ chính gây bệnh tim mạch, gồm có cơ tim phì đại và bệnh mạch vành.

Bệnh võng mạc do tăng huyết áp xảy ra khi huyết áp cao làm hỏng các mạch máu của võng mạc. Bệnh lý này gây ra những thay đổi về thị lực, sưng mắt và cần phải điều trị.