1

Tại sao béo phì làm tăng nguy cơ tăng huyết áp?

Thừa cân và béo phì là những vấn đề rất phổ biến hiện nay. Theo số liệu thống kê vào năm 2022 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 2,5 tỷ (43%) người từ 18 tuổi trở lên trên thế giới bị thừa cân và số người bị béo phì là 890 triệu (16%). Thừa cân và béo phì làm tăng nguy cơ mắc nhiều vấn đề sức khỏe khác, trong đó có tăng huyết áp.
Tại sao béo phì làm tăng nguy cơ tăng huyết áp? Tại sao béo phì làm tăng nguy cơ tăng huyết áp?

Béo phì là tình trạng cơ thể có quá nhiều mỡ. Béo phì có thể là do nhiều nguyên nhân gây ra như:

  • Thói quen ăn uống không lành mạnh
  • Ít vận động
  • Di truyền
  • Vấn đề về giấc ngủ

Béo phì làm tăng nguy cơ mắc nhiều vấn đề về sức khỏe khác, gồm có bệnh tim mạch, tiểu đường và tăng huyết áp. Béo phì còn có thể dẫn đến những vấn đề về sức khỏe tâm lý.

Tăng huyết áp, hay cao huyết áp, là tình trạng dòng máu tác động lực quá lớn lên thành động mạch. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), tăng huyết áp có thể dẫn đến:

  • bệnh tim mạch
  • đột quỵ
  • bệnh thận
  • vấn đề về não và khả năng nhận thức
  • tăng nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ

Ước tính trên thế giới có 1,28 tỷ người từ 30 – 75 tuổi bị tăng huyết áp. Khoảng 46% người lớn bị tăng huyết áp không biết mình mắc bệnh. (2)

Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu xem tại sao béo phì làm tăng nguy cơ tăng huyết áp và làm thế nào để ngăn ngừa tình trạng này.

Mối liên hệ giữa béo phì và tăng huyết áp

Béo phì có thể gây tăng huyết áp hoặc làm cho tình trạng tăng huyết áp trở nên trầm trọng hơn ở những người đã mắc bệnh.

Một tổng quan nghiên cứu vào năm 2020 ước tính rằng 65 đến 78% số người mắc bệnh tăng huyết áp nguyên phát bị béo phì. Lượng mỡ quá lớn sẽ gây ra nhiều thay đổi phức tạp trong cơ thể, chẳng hạn như:

  • Hệ thần kinh giao cảm hoạt động quá mức
  • Kích thích hệ thống renin - angiotensin - aldosterone (RAAS)
  • Những thay đổi trong cytokine có nguồn gốc từ mô mỡ
  • Kháng insulin
  • Những thay đổi ở thận và chức năng của thận

Những thay đổi này sẽ gây ra hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng tăng huyết áp.

Thế nào là thừa cân và béo phì?

Sự khác biệt giữa thừa cân và béo phì là ở lượng tế bào mỡ trong cơ thể. Lượng tế bào mỡ được phản ánh qua Chỉ số khối cơ thể (body mass index - BMI). BMI là tỷ lệ giữa cân nặng và chiều cao. Cụ thể, công thức tính BMI là lấy cân nặng (kg) chia cho bình phương chiều cao (m).

Theo định nghĩa của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), BMI từ 18,5 – 24,9 là mức bình thường, từ 25 đến 29,9 được coi là thừa cân và từ 30 trở lên là béo phì.

Tuy nhiên, BMI không phải lúc nào cũng là chỉ số chính xác để đánh giá tình trạng béo phì vì BMI không tính đến sự phân bố mỡ trong cơ thể. Mỡ nội tạng hay mỡ vùng bụng là loại mỡ gây hại nhiều nhất. Theo nhiều chuyên gia, số đo vòng eo là chỉ số chính xác hơn để đánh giá tình trạng béo phì.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng béo phì hoặc thừa cân đều góp phần làm tăng nguy cơ tăng huyết áp. Và BMI càng lớn thì nguy cơ càng cao.

Trong một nghiên cứu của Châu Âu trên hơn 7.000 người vào năm 2018, tỷ lệ mắc bệnh tăng huyết áp tăng theo chỉ số BMI. Cụ thể, tăng huyết áp xảy ra ở:

  • 45% người có BMI bình thường
  • 67% người thừa cân
  • 79 đến 87% người bị béo phì

Tại sao béo phì gây tăng huyết áp?

Có nhiều lý do béo phì có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng tăng huyết áp. Béo phì còn khiến cho việc điều trị tăng huyết áp trở nên khó khăn hơn do các vấn đề sức khỏe liên quan đến béo phì.

Những lý do chính mà béo phì có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng tăng huyết áp:

  • Thay đổi tín hiệu hormone
  • Những thay đổi trong chức năng của hệ thần kinh giao cảm, một phần của hệ thần kinh tự chủ, có vai trò kiểm soát phản ứng “chống trả hay bỏ chạy” (fight-or-flight)
  • Những thay đổi trong cấu trúc và chức năng của thận

Những người béo phì thường có tỷ lệ mỡ nội tạng cao hơn (mỡ bao quanh các cơ quan nội tạng trong khoang bụng). Mỡ nội tạng chèn ép lên các cơ quan và gây áp lực lên hệ thống tim mạch.

Theo nghiên cứu vào năm 2015, tình trạng này thường dẫn đến tăng huyết áp kháng trị - huyết áp không được kiểm soát dù đã sử dụng ba loại thuốc điều trị tăng huyết áp trở lên.

Hệ thống renin - angiotensin - aldosterone

Một tổng quan nghiên cứu vào năm 2017 cho thấy một trong những tác nhân gây tăng huyết áp là hệ thống renin - angiotensin - aldosterone (RAAS). RAAS có vai trò điều hòa thể tích máu và áp suất trong toàn bộ cơ thể. Khi RAAS không hoạt động bình thường, huyết áp sẽ duy trì ở mức cao trong một thời gian dài.

Một tổng quan nghiên cứu khác vào năm 2017 cho thấy béo phì làm tăng nồng độ tất cả các hormone trong RAAS. Sự mất cân bằng này dẫn đến tăng huyết áp.

Hệ thần kinh giao cảm

Hệ thần kinh giao cảm là một phần của hệ thần kinh tự chủ. Hệ thần kinh này chỉ đạo phản ứng “chống trả hay bỏ chạy” (fight-or-flight response) và đóng vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất cũng như sức khỏe tim mạch.

Theo nghiên cứu vào năm 2015, lượng mỡ lớn trong cơ thể, đặc biệt là mỡ nội tạng, sẽ làm tăng sự sản xuất một số loại hormone nhất định. Những hormone này khiến hệ thần kinh giao cảm hoạt động quá mức, dẫn đến kháng insulin và thậm chí là tổn thương nội tạng.

Chèn ép thận

Lượng mỡ lớn trong cơ thể sẽ chèn ép lên thận. Thận là cơ quan có nhiệm vụ bài tiết nước dư thừa và điều hòa lượng muối trong cơ thể, nhờ đó giúp kiểm soát huyết áp. Khi bị chèn ép trong thời gian dài, thận sẽ không thể thực hiện tốt những chức năng này.

Theo một nghiên cứu vào năm 2019, ở những người bị béo phì, thận cần được cung cấp nhiều máu hơn để hoạt động bình thường. Điều này làm tăng huyết áp.

Kháng leptin

Leptin là một loại hormone được tiết ra bởi các tế bào mỡ, có nhiệm vụ báo cho não bộ biết khi bạn đã ăn no và não sẽ chỉ đạo ngừng ăn. Điều này giúp kiểm soát cân nặng.

Nhưng không phải khi nào hormone này cũng thực hiện chức năng một cách hiệu quả. Một số người, nhất là những người béo phì, gặp phải một tình trạng gọi là kháng leptin. Đây là khi cơ thể có nhiều leptin nhưng não bộ lại không thể tiếp nhận tín hiệu từ hormone này và do đó, không có cảm giác no dù đã ăn nhiều. Điều này dẫn đến tăng cân. Càng nhiều tế bào mỡ thì lượng leptin được tạo ra càng lớn và phản ứng của cơ thể với hormone này sẽ càng kém.

Một nghiên cứu từ năm 2016 cho thấy hormone leptin cũng có thể ảnh hưởng đến huyết áp. Leptin không hoạt động bình thường có thể dẫn đến tăng huyết áp.

Kháng insulin

Béo phì còn gây ra nhiều vấn đề khác, gồm có bệnh tiểu đường type 2 và tiền tiểu đường.

Tuyến tụy tạo ra một loại hormone tên là insulin. Hormone này giúp đường trong máu (glucose) đi vào các tế bào và được chuyển hóa thành năng lượng, nhờ đó giúp giữ cho lượng đường trong máu ở mức cân bằng. Kháng insulin là khi các tế bào không đáp ứng tốt với insulin và để bù đắp, tuyến tụy sẽ tạo ra nhiều insulin hơn.

Sau một thời gian phải làm việc quá sức, tuyến tụy sẽ suy yếu và không thể sản xuất đủ insulin để kiểm soát lượng đường trong máu. Điều này khiến cho đường trong máu tăng cao, dẫn đến tiền tiểu đường và tiểu đường type 2. Lượng đường trong máu ở mức cao trong thời gian dài sẽ làm hỏng hoặc cứng động mạch. Điều này sẽ gây ra hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng tăng huyết áp.

Điều trị tăng huyết áp ở người béo phì

Hoàn toàn có thể đảo ngược hoặc giảm thiểu những thay đổi này trong cơ thể và kiểm soát cân nặng cũng như huyết áp.

Ở những người bị thừa cân hoặc béo phì và tăng huyết áp, giảm cân sẽ giúp kiểm soát huyết áp. Có nhiều giải pháp để giảm cân, gồm có điều chỉnh chế độ ăn uống, lối sống và dùng thuốc. Những trường hợp không thể giảm cân bằng những biện pháp thông thường có thể sẽ phải phẫu thuật.

Người bệnh có thể sẽ phải kết hợp giảm cân với dùng thuốc điều trị tăng huyết áp.

Điều trị bằng thuốc

Ngoài giảm cân, người bệnh có thể cần dùng thuốc để hạ và kiểm soát huyết áp. Có 9 nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp, mỗi nhóm có cơ chế tác dụng khác nhau. Người bệnh có thể chỉ cần dùng một loại hoặc kết hợp nhiều loại thuốc với nhau.

Bác sĩ cũng có thể sẽ kê thuốc giảm cân nếu cần thiết.

Phẫu thuật

Mặc dù điều chỉnh chế độ ăn và tập thể dục vẫn là cách tốt nhất để giảm cân nhưng trong những trường hợp béo phì nghiêm trọng hoặc cần giảm cân nhanh chóng để phòng ngừa các biến chứng, bác sĩ có thể sẽ đề nghị phẫu thuật giảm cân.

Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), phẫu thuật giảm cân đôi khi là giải pháp cần thiết để điều trị tăng huyết áp do béo phì, đặc biệt là ở những người còn mắc các bệnh lý do béo phì khác hoặc BMI trên 40. Tổng quan nghiên cứu của AHA cho thấy tình trạng tăng huyết áp được giải quyết hoàn toàn ở 63% người đã phẫu thuật giảm cân. Rất nhiều người đã có thể giảm sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp sau phẫu thuật.

Một tổng quan tài liệu vào năm 2019 đã đánh giá 4 loại phẫu thuật giảm cân, gồm:

  • Thắt đai dạ dày
  • Cắt dạ dày hình ống
  • Nối tắt dạ dày
  • Chuyển dòng mật tụy

Cả 4 loại phẫu thuật giảm cân này đều làm giảm kích thước dạ dày và hạn chế lượng thức ăn mà người bệnh có thể ăn. Phương pháp nối tắt dạ dày và chuyển dòng mật tụy bỏ còn qua một phần ruột, do đó giảm bớt lượng calo hấp thụ từ thức ăn.

Thay đổi lối sống

Thay đổi lối sống là điều rất quan trọng để giảm cân và duy trì cân nặng khỏe mạnh. Mục tiêu là giảm lượng mỡ trong khi vẫn giữ được lượng cơ.

Những thay đổi mà người bị thừa cân hoặc béo phì cần thực hiện gồm có:

  • Ăn uống lành mạnh, giảm lượng calo
  • Hạn chế caffeine
  • Tập thể dục đều đặn và tăng cường vận động nói chung
  • Ngủ đủ giấc
  • Hạn chế rượu bia
  • Bỏ thuốc lá nếu hút và tránh hít phải khói thuốc lá
  • Kiểm soát căng thẳng
  • Theo dõi huyết áp

Điều chỉnh chế độ ăn uống

Những người bị béo phì và tăng huyết áp nên giảm lượng calo nạp vào hàng ngày. Theo nghiên cứu vào năm 2016, nam giới nên thực hiện chế độ ăn 500 đến 1.500 calo và nữ giới nên thực hiện chế độ ăn từ 500 đến 1.200 calo mỗi ngày. Ngoài ra, nghiên cứu cũng khuyến nghị:

  • giảm lượng muối, bao gồm cả muối dùng khi nấu ăn và muối trong thực phẩm chế biến sẵn
  • giảm lượng chất béo bão hòa và cholesterol
  • uống nhiều nước
  • ăn nhiều trái cây, rau tươi, cá, thịt nạc và ngũ cốc nguyên hạt

Tăng huyết áp ở trẻ em béo phì

Tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em đang ngày một tăng. Một tổng quan nghiên cứu vào năm 2017 cho thấy số trẻ em bị béo phì đã tăng gấp ba lần kể từ năm 1980 và ước tính rằng 17% dân số ttừ 2 đến 19 tuổi hiện đang bị béo phì.

Giống như người lớn, trẻ em bị béo phì cũng có nguy cơ cao mắc bệnh tăng huyết áp, bệnh tim mạch và kháng insulin. Những trẻ bị béo phì sẽ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn khi trưởng thành.

Định nghĩa béo phì ở trẻ em khác với người lớn. Ở độ tuổi dưới 20, béo phì là khi BMI bằng hoặc cao hơn bách phân vị 95 đối với những người cùng tuổi và giới tính. Một người được xác định là bị béo phì nghiêm trọng khi BMI bằng hoặc cao hơn 120% bách phân vị 95.

Những trẻ bị béo phì thường có huyết áp cao hơn so với trẻ có cân nặng bình thường. Những trẻ thừa cân hoặc béo phì có thể cần sử dụng vòng bít lớn hơn khi đo huyết áp vì mỡ thừa thường tập trung ở cánh tay.

Tóm tắt bài viết

Béo phì có mối liên hệ chặt chẽ với tăng huyết áp. Cả người lớn và trẻ em bị béo phì đều có nguy cơ bị tăng huyết áp cao hơn. Béo phì gây ra nhiều thay đổi trong cơ thể và những thay đổi này có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng tăng huyết áp.

Béo phì và tăng huyết áp là những tình trạng có thể kiểm soát được. Ở những người bị béo phì, giảm cân sẽ giúp cải thiện tình trạng tăng huyết áp. Các biện pháp giảm cân gồm có điều chỉnh chế độ ăn, tập thể dục, các thay đổi lối sống khác, dùng thuốc và phẫu thuật. Duy trì cân nặng khỏe mạnh và kiểm soát huyết áp có thể giúp bạn sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Các triệu chứng thường gặp của bệnh tăng huyết áp
Các triệu chứng thường gặp của bệnh tăng huyết áp

Tăng huyết áp là bệnh chỉ bộc lộ rất ít hoặc không có triệu chứng. Do vậy mà đa số mọi người đều không hề biết mình bị bệnh trong suốt nhiều năm trời.

Điều trị tăng huyết áp bằng cách nào?
Điều trị tăng huyết áp bằng cách nào?

Khi đo huyết áp, nếu kết quả dưới 120/80mmHg thì huyết áp ở mức bình thường còn nếu cao hơn mức này thì được coi là tăng huyết áp, hay còn được gọi là cao huyết áp và cần đến các phương pháp điều trị.

Tăng huyết áp có phải bệnh tim mạch không?
Tăng huyết áp có phải bệnh tim mạch không?

Tăng huyết áp không được coi là một loại bệnh tim mạch nhưng có thể dẫn đến bệnh tim mạch.

Bị tăng huyết áp cần lưu ý những gì khi đi máy bay?
Bị tăng huyết áp cần lưu ý những gì khi đi máy bay?

Nhiều người sợ đi máy bay do sợ độ cao, sợ không gian hẹp hoặc lo sợ xảy ra tai nạn. Đối với những người mắc các bệnh mạn tính như bệnh tim mạch hoặc tăng huyết áp, mỗi chuyến bay lại đi kèm những nỗi lo khác.

Tại sao tăng huyết áp gây khó thở?
Tại sao tăng huyết áp gây khó thở?

Khó thở có thể là do rất nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó có tăng huyết áp và tăng áp phổi.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây