Kiểm soát cholesterol bằng statin và niacin có hiệu quả như thế nào?

Tổng quan
Cholesterol thường bị xem là có hại, tuy nhiên trên thực tế, không phải tất cả cholesterol đều gây hại. Ngoài loại cholesterol “xấu”, cơ thể cũng cần cholesterol “tốt” để duy trì sức khỏe tim mạch. Cũng như nhiều yếu tố sức khỏe khác, cân bằng cholesterol là rất quan trọng.
Cholesterol “xấu” còn được gọi là lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL) còn cholesterol “tốt” là lipoprotein tỷ trọng cao (HDL).
Khi mức LDL trong máu tăng cao, bạn có thể cần điều trị bằng thuốc statin. Tuy nhiên, do các tác dụng phụ có thể gặp phải nên nhiều người có thể cân nhắc các phương pháp thay thế chẳng hạn như sử dụng niacin (vitamin B3).
Nguyên nhân gây tăng cholesterol
Nhiều yếu tố có thể dẫn đến tăng cholesterol trong máu. Một số là do di truyền, không thể kiểm soát được, nhưng một số khác lại đến từ lối sống và có thể thay đổi.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ cholesterol cao bao gồm:
- Tiền sử gia đình có người bị tăng cholesterol
- Hút thuốc lá
- Chế độ ăn không lành mạnh, nhiều chất béo bão hòa và cholesterol
- Ít vận động
- Mắc các bệnh lý khác như tiểu đường
- Sử dụng một số loại thuốc như corticosteroid hoặc progestin
- Béo phì
- Tuổi tác (càng lớn tuổi, cholesterol càng có xu hướng tăng)
Giới tính (phụ nữ thường có mức LDL thấp hơn nam giới trước tuổi 55, nhưng sau đó LDL có thể tăng nhanh hơn)
Ý nghĩa của các chỉ số cholesterol
Quá nhiều LDL sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Đồng thời, mức HDL quá thấp cũng có thể dẫn đến kết quả tương tự. Điều này là do HDL có vai trò loại bỏ LDL khỏi máu và vận chuyển về gan để thải ra ngoài, từ đó ngăn ngừa hình thành mảng xơ vữa trong động mạch.
Theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH), mức cholesterol lý tưởng là:
- Cholesterol toàn phần: dưới 200 mg/dL
- LDL (cholesterol “xấu”): dưới 100 mg/dL
- HDL (cholesterol “tốt”): từ 60 mg/dL trở lên
Kiểm soát LDL bằng statin
Nhiều người nhầm tưởng rằng cholesterol cao chỉ xảy ra do chế độ ăn uống kém lành mạnh. Tuy nhiên, cholesterol được sản xuất tại gan, sau đó được vận chuyển đi khắp cơ thể. Nếu gan tạo ra quá nhiều cholesterol, chế độ ăn và luyện tập có thể không đủ để kiểm soát tình trạng này.
Khi đó, bạn có thể cần dùng đến statin (thuốc ức chế enzym HMG-CoA reductase). Statin giúp ức chế enzym mà gan dùng để sản sinh cholesterol, từ đó làm giảm LDL trong máu. Tuy nhiên, statin không làm tăng HDL.
Một lợi ích khác của statin là giúp làm giảm tích tụ cholesterol trong thành mạch, từ đó giúp giảm nguy cơ đau tim. Vì vậy, statin thường được kê cho những người có nguy cơ bị bệnh tim mạch cao.
Một số loại statin phổ biến gồm:
- Atorvastatin (Lipitor)
- Simvastatin (Zocor)
- Fluvastatin (Lescol, Lescol XL)
- Lovastatin (Mevacor, Altoprev)
Phụ nữ thường ít khi được kê statin hơn so với đàn ông. Những nhóm người thường được kê statin bao gồm:
- Người đã được chẩn đoán mắc bệnh tim
- Người từ 40–75 tuổi bị tiểu đường tuýp 2
- Người từ 40–75 tuổi có nguy cơ mắc bệnh tim trong 10 năm tới
- Người có mức LDL rất cao
Statin thường được kê để dùng lâu dài. Trong nhiều trường hợp, bạn phải thay đổi lối sống một cách đáng kể mới có thể ngừng thuốc. Nếu ngừng đột ngột, mức cholesterol sẽ tăng trở lại, khiến bạn phải dùng statin liên tục để duy trì hiệu quả kiểm soát.
Tăng HDL bằng niacin
Niacin thường được cơ thể hấp thụ từ thực phẩm như thịt gà và cá ngừ. Chất này giúp cơ thể chuyển hóa năng lượng từ thức ăn, đồng thời hỗ trợ tăng cường sức khỏe của mắt, tóc, da, hệ tiêu hóa và thần kinh.
Niacin thường được sử dụng cho những người bị cholesterol cao nhưng không thể dùng statin. Tuy nhiên, niacin không được khuyến nghị cho người mắc bệnh gan, loét dạ dày hoặc đang chảy máu. Đôi khi, niacin được dùng cho những người từng bị nhồi máu cơ tim. Hiện nay, giới chuyên môn vẫn đang tranh luận về việc liệu có nên dùng niacin cho người có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch hay không.
Ngoài ra, niacin còn có tác dụng tăng cholesterol “tốt” (HDL) và giảm triglyceride – một loại chất béo làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Theo Mayo Clinic, niacin có thể làm tăng HDL đến hơn 30%. Tuy nhiên, hiệu quả này chỉ đạt được khi dùng liều cao – cao hơn nhiều so với lượng niacin có trong thực phẩm hằng ngày. Việc dùng liều cao có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn, vì vậy cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
Niacin có thể dễ dàng mua ở các cửa hàng thực phẩm chức năng hoặc quầy thực phẩm bổ sung tại nhà thuốc. Một số trường hợp cần liều cao thì bác sĩ có thể kê toa niacin dạng thuốc.
Kết hợp nhiều loại thuốc
Đôi khi bác sĩ sẽ kê nhiều loại thuốc cùng lúc để kiểm soát cholesterol. Ví dụ, statin có thể được dùng kết hợp với nhựa gắn axit mật để làm giảm triglyceride.
Hiện nay, niacin là thực phẩm bổ sung duy nhất có hiệu quả rõ rệt trong việc giúp cải thiện cholesterol, tuy nhiên không có khả năng làm giảm LDL như statin. Vì vậy, niacin chỉ phù hợp khi người bệnh không dung nạp tốt với thuốc tây thông thường.
Hiện chưa có kết luận chắc chắn về việc kết hợp statin với niacin. Ngoài nguy cơ gây hại, Mayo Clinic cho biết không có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy sự kết hợp này mang lại lợi ích thiết thực. Tháng 4 năm 2016, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã thu hồi phê duyệt đối với hai loại thuốc kết hợp statin và niacin là Advicor và Simcor.
Rủi ro và tác dụng phụ
Mặc dù statin có thể giúp kiểm soát cholesterol hiệu quả nhưng cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ như:
- Khó chịu vùng bụng
- Táo bón hoặc tiêu chảy
- Chóng mặt
- Buồn ngủ
- Đau đầu
- Mất ngủ
- Buồn nôn hoặc nôn
- Ứng đỏ da
- Yếu cơ
- Suy giảm trí nhớ
Những triệu chứng này thường xuất hiện khi mới bắt đầu dùng thuốc và có xu hướng giảm dần theo thời gian. Những người có nguy cơ cao gặp phải các tác dụng phụ gồm có: người lớn tuổi (trên 65 tuổi), người có vóc dáng nhỏ, phụ nữ, người đang dùng nhiều loại thuốc khác, người mắc bệnh thận hoặc gan và người uống nhiều rượu.
Niacin nếu được sử dụng không đúng cách, dẫn đến quá liều sẽ có thể gây ra các biến chứng như:
- Tăng đường huyết
- Nhiễm trùng
- Chảy máu trong
- Tổn thương gan
- Đột quỵ
- Rối loạn tiêu hóa
Một vấn đề khác là một số loại thực phẩm bổ sung chứa niacin có thể bị pha trộn với thành phần không rõ nguồn gốc, làm tăng nguy cơ gặp tương tác thuốc – đặc biệt nếu bạn đang dùng các loại thuốc điều trị cholesterol khác.
Kết luận
Thay đổi lối sống vẫn là phương pháp kiểm soát cholesterol được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, đối với nhiều người, việc thay đổi lối sống là chưa đủ hiệu quả để giảm cholesterol về mức an toàn.
Việc lựa chọn giữa statin hay niacin phụ thuộc vào mức cholesterol hiện tại và phương pháp điều trị bạn đã thử. Thông thường, kết quả có thể thấy được sau 2–4 tuần dùng statin hoặc niacin.
Có một số lựa chọn thay thế nếu bạn không thể hoặc không muốn dùng statin hay niacin, bao gồm:
- Thuốc ức chế PCSK9:
Thuốc này có tác dụng chặn một loại protein gọi là PCSK9, từ đó giúp tăng khả năng loại bỏ cholesterol của gan. Khi protein này bị ức chế, lượng cholesterol trong máu sẽ giảm. Thuốc đã chứng minh hiệu quả trong nhiều nghiên cứu. Tuy nhiên, có các tác dụng phụ có thể gặp phải là sưng, phát ban ở chỗ tiêm, đau cơ, hoặc hiếm gặp là rối loạn thị giác và suy giảm trí nhớ.
- Men gạo đỏ:
Đây là bài thuốc dân gian trong y học cổ truyền Trung Quốc, chứa monacolin K – một hợp chất tương tự lovastatin. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu dài hạn nào khẳng định tính an toàn của men gạo đỏ. Sản phẩm này cũng chưa được FDA phê duyệt.
Không nên tự ý ngừng statin để chuyển sang áp dụng phương pháp "tự nhiên" như dùng men gạo đỏ. Hãy luôn tìm hiểu kỹ và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thay đổi bất kỳ phương pháp điều trị nào, dù là thuốc kê toa hay sản phẩm bổ sung.

Dầu cá có thể mang lại một số lợi ích cho sức khỏe, nhưng không giúp làm giảm mức cholesterol. Trong khi đó, chế độ ăn lành mạnh hoặc sử dụng statin thường mang lại hiệu quả rõ rệt hơn.

Cholesterol có thể được kiểm soát bằng cách thay đổi lối sống hoặc sử dụng đến các loại thuốc hạ cholesterol như statin nếu bạn có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch.

Uống bia có thể làm tăng mức triglyceride, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến chỉ số cholesterol toàn phần.

Bơ không chứa cholesterol. Loại quả này có thể giúp giảm mức lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL) – thường được gọi là cholesterol “xấu”. Bài viết dưới đây sẽ giải thích tác động của bơ đối với cholesterol và gợi ý một số món ăn từ bơ dễ thực hiện.

Mặc dù phương pháp chính để điều trị bệnh động mạch ngoại biên là dùng thuốc nhưng chế độ ăn uống cũng đóng vai trò quan trọng trong việc làm chậm tốc độ tiến triển của bệnh.