So sánh thuốc statin và sterol thực vật trong kiểm soát cholesterol

Cholesterol có hai loại chính:
- Cholesterol lipoprotein tỷ trọng cao (HDL) – thường gọi là “cholesterol tốt” vì giúp loại bỏ cholesterol xấu khỏi cơ thể.
- Cholesterol lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL) – được xem là “cholesterol xấu” vì nồng độ cao có thể tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim.
Việc duy trì lối sống lành mạnh, bao gồm chế độ ăn uống cân bằng và tập luyện hợp lý giúp làm tăng HDL và giảm LDL là rất quan trọng. Tuy nhiên, đối với một số người, những biện pháp này là chưa đủ hiệu quả để kiểm soát cholesterol LDL.
Nếu đã thay đổi lối sống nhưng LDL vẫn ở mức cao, bạn có thể cần dùng thêm:
- Thuốc statin – được kê đơn bởi bác sĩ
- Sterol thực vật – hợp chất tự nhiên có trong một số loại thực phẩm
Dưới đây là bài phân tích so sánh hai phương pháp này trong việc giảm cholesterol.
Cơ chế tác động của statin
Statin hoạt động có tác dụng làm giảm lượng cholesterol LDL do gan sản xuất, đồng thời hỗ trợ tái hấp thu lượng cholesterol đã tích tụ trong thành mạch máu.
Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyến nghị sử dụng statin trong các trường hợp sau:
- Có mức LDL từ 190 mg/dL trở lên
- Đã mắc bệnh tim mạch
- Người từ 40–75 tuổi có bệnh tiểu đường
- Người từ 40–75 tuổi có LDL trong khoảng 70–189 mg/dL và nguy cơ cao bị xơ vữa động mạch trong 10 năm tới
Một số loại statin phổ biến hiện nay:
- Atorvastatin (Lipitor)
- Fluvastatin (Lescol)
- Lovastatin (Altoprev)
- Pitavastatin (Livalo)
- Pravastatin (Pravachol)
- Rosuvastatin (Crestor)
- Simvastatin (Zocor)
Cơ chế tác động của sterol thực vật
Sterol thực vật (phytosterol) là hợp chất có thể ức chế quá trình hấp thu cholesterol tại ruột non. Mặc dù có tác dụng giảm LDL nhưng sterol thực vật không làm thay đổi mức HDL hay triglyceride trong máu.
Sterol thực vật có trong:
- trái cây
- rau củ
- dầu thực vật
- cám lúa mì, mầm lúa mì
- ngũ cốc
- các loại đậu
- các loại hạt
Tuy nhiên, hàm lượng sterol trong thực phẩm tự nhiên khá thấp, vì thế nếu chỉ ăn các thực phẩm này thì tác động lên cholesterol là rất nhỏ.
Cách hiệu quả hơn để hấp thụ đủ sterol là dùng thực phẩm tăng cường sterol (fortified foods). Một nghiên cứu năm 2022 trên người bị rối loạn mỡ máu ở mức nhẹ đến trung bình đã cho thấy, việc tiêu thụ thực phẩm bổ sung sterol kết hợp với lối sống lành mạnh có thể giúp giảm đáng kể LDL.
Sterol thực vật thường được bổ sung vào nước cam, sữa chua, bơ thực vật...
Theo các nhà nghiên cứu:
- Cần ít nhất 1 gram sterol mỗi ngày để thấy hiệu quả
- 2–3 gram mỗi ngày mang lại hiệu quả tối đa trong việc giảm cholesterol
So sánh statin và sterol thực vật
Cả statin và sterol thực vật đều có tác dụng giảm cholesterol LDL. Statin là liệu pháp điều trị bằng thuốc tiêu chuẩn, trong khi sterol thực vật được xem là một trong những lựa chọn tự nhiên hiệu quả nhất để kiểm soát cholesterol cao.
Dưới đây là so sánh chi tiết giữa hai phương pháp này:
Hiệu quả
Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), statin là nhóm thuốc hiệu quả hàng đầu trong việc giảm LDL cholesterol, từ đó góp phần giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
Sterol thực vật không được chứng minh có tác dụng làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch như statin, nhưng đã được xác nhận có thể giúp hạ LDL cholesterol.
Tác dụng phụ
Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS), statin có thể gây các tác dụng phụ sau ở một số người:
- đau đầu
- đau cơ
- buồn nôn
Trong khi đó, sterol thực vật không gây tác dụng phụ khi sử dụng ngắn hạn. Tuy nhiên, hiện chưa có đủ thông tin về tác dụng phụ khi dùng dài hạn.
Tương tác thuốc
Sterol thực vật chưa được báo cáo về việc có xảy ra tương tác thuốc.
Statin có thể tương tác với một số loại thuốc khác (theo AHA). Một số thuốc có thể gây tương tác gồm:
- thuốc kháng sinh như erythromycin
- thuốc kháng nấm như ketoconazole
- thuốc điều trị HIV như nhóm ức chế protease
- thuốc huyết áp như diltiazem và verapamil
Thai kỳ
Sterol thực vật có thể an toàn hơn khi sử dụng cho phụ nữ mang thai. Ngược lại, thông tin về tác động của statin trong thai kỳ còn gây tranh cãi.
Ví dụ, một nghiên cứu năm 2021 cho thấy việc tiếp xúc với statin có thể kèm theo nguy cơ sinh non và trẻ sinh ra bị nhẹ cân. Tuy nhiên, nghiên cứu này không tìm thấy mối liên hệ giữa việc dùng statin để điều trị rối loạn lipid máu với các biến chứng chu sinh nghiêm trọng.
Nghiên cứu cũng cho rằng phụ nữ đã dùng statin lâu dài trước đó có thể tiếp tục sử dụng khi mang thai, với điều kiện phải được theo dõi y tế.
Nếu bạn đang mang thai hoặc dự định mang thai, hãy trao đổi với bác sĩ về việc sử dụng statin.
Chi phí
Chi phí sẽ phụ thuộc vào việc bảo hiểm có chi trả cho thuốc statin hay không.
Nếu statin được bảo hiểm chi trả, chi phí có thể sẽ thấp.
Trong khi đó, các thực phẩm bổ sung sterol có thể đắt hơn, tùy thuộc loại sản phẩm bạn chọn.
Tuy nhiên, nếu statin không được bảo hiểm hỗ trợ thì việc bổ sung sterol thực vật qua thực phẩm có thể là giải pháp kinh tế hơn.
Kết luận
Cả statin và sterol thực vật đều có thể giúp giảm cholesterol LDL.
- Statin là thuốc kê đơn
- Sterol thực vật là hợp chất tự nhiên có trong thực phẩm hoặc được bổ sung vào thực phẩm chế biến
Quan trọng nhất là bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng. Nếu được bác sĩ kê statin để điều trị, hãy tuân thủ hướng dẫn điều trị. Nếu bạn muốn chuyển sang phương pháp tự nhiên hơn, hãy trao đổi rõ với bác sĩ để tìm ra giải pháp phù hợp và an toàn với tình trạng cholesterol của mình.
Ngoài ra, trước khi ngừng statin hoặc chuyển sang dùng sterol thực vật, bạn cũng nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Bạn có thể hỏi bác sĩ những câu hỏi sau để hiểu rõ hơn:
- Liệu sterol thực vật có đủ mạnh để giảm cholesterol xuống mức an toàn không?
- Có thể kết hợp statin và sterol thực vật cùng lúc được không?
- Tôi có đang dùng thuốc nào có thể tương tác với statin không?
- Thực đơn như thế nào là phù hợp để giảm cholesterol?
- Khi nào nên kiểm tra lại mỡ máu để biết liệu phương pháp điều trị có hiệu quả không?

Dầu cá có thể mang lại một số lợi ích cho sức khỏe, nhưng không giúp làm giảm mức cholesterol. Trong khi đó, chế độ ăn lành mạnh hoặc sử dụng statin thường mang lại hiệu quả rõ rệt hơn.

Bơ không chứa cholesterol. Loại quả này có thể giúp giảm mức lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL) – thường được gọi là cholesterol “xấu”. Bài viết dưới đây sẽ giải thích tác động của bơ đối với cholesterol và gợi ý một số món ăn từ bơ dễ thực hiện.

Mặc dù phương pháp chính để điều trị bệnh động mạch ngoại biên là dùng thuốc nhưng chế độ ăn uống cũng đóng vai trò quan trọng trong việc làm chậm tốc độ tiến triển của bệnh.

Đánh trống ngực có thể chỉ kéo dài vài giây và có khả năng xảy ra khi bạn đang di chuyển, ngồi, nằm hoặc đứng yên. Có một số thay đổi lối sống hoặc biện pháp tại nhà có thể giúp làm tình trạng này ngừng lại hoặc giảm đi.

Cholesterol có thể được kiểm soát bằng cách thay đổi lối sống hoặc sử dụng đến các loại thuốc hạ cholesterol như statin nếu bạn có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch.