Những loại thực phẩm giúp kiểm soát bệnh động mạch ngoại biên

Bệnh động mạch ngoại biên xảy ra khi chất béo, ví dụ như cholesterol và các chất khác tích tụ ở thành bên trong của động mạch. Điều này dẫn đến tình trạng viêm và giảm lưu lượng máu đến các bộ phận khác của cơ thể như tay và chân.
Theo thời gian, tình trạng giảm lưu lượng máu này sẽ gây tổn thương nghiêm trọng đến các mô. Nếu không được điều trị, mô sẽ bị chết và cần phải phẫu thuật cắt cụt chi.
Bệnh động mạch ngoại biên thường xảy ra ở người trên 65 tuổi, đặc biệt là những người hút thuốc hoặc bị tăng huyết áp, béo phì, tiểu đường hoặc bệnh tim mạch.
Mục tiêu điều trị bệnh động mạch ngoại biên là cải thiện sự lưu thông máu và ngăn ngừa hình thành cục máu đông trong mạch máu.
Bài viết này sẽ nêu ra một số loại thực phẩm có lợi, chế độ ăn nên thực hiện và những thực phẩm cần tránh khi mắc bệnh động mạch ngoại biên.
Những thực phẩm có lợi cho người mắc bệnh động mạch ngoại biên
Để ngăn ngừa biến chứng khi mắc bệnh động mạch ngoại biên, điều quan trọng là phải kiểm soát các yếu tố nguy cơ, gồm có bệnh tiểu đường, tăng huyết áp và cholesterol cao.
Chế độ ăn uống đóng vai trò rất quan trọng. Những loại thực phẩm sau đây có thể giúp làm chậm tốc độ tiến triểncủa bệnh động mạch ngoại biên.
Thực phẩm giàu chất xơ
Chất xơ có trong các loại thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật. Những thực phẩm có nguồn gốc từ động vật như thịt, trứng và sữa không chứa chất xơ. Thường xuyên ăn thực phẩm giàu chất xơ có thể giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tiểu đường và một số loại ung thư.
Trong một nghiên cứu vào năm 2019 với sự tham gia của 26.010 người và thời gian theo dõi là 20 năm, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng những người ăn nhiều chất xơ có nguy cơ mắc bệnh động mạch ngoại biên thấp hơn.
Ví dụ về những thực phẩm giàu chất xơ gồm có:
- Các loại đậu, như đậu Hà Lan, đậu lăng, đậu đũa, đậu đen, đậu trắng…
- Các loại rau củ
- Các loại trái cây
- Các loại hạt và quả hạch như hạnh nhân và hạt chia
Trái cây và rau củ tươi
Trái cây và rau củ tươi chứa nhiều chất xơ và chất chống oxy hóa, có thể giúp cải thiện tuần hoàn máu và giảm viêm trong cơ thể.
Một nghiên cứu lớn vào năm 2017 với sự tham gia của hơn 3 triệu người độ tuổi trung bình là 64 đã cho thấy rằng càng ăn nhiều trái cây và rau củ thì nguy cơ mắc bệnh động mạch ngoại biên càng thấp.
Dữ liệu thu thập từ bảng câu hỏi tự đánh giá cho thấy những người ăn nhiều hơn 3 khẩu phần trái cây và rau củ mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh động mạch ngoại biên thấp hơn 18% so với những người ăn ít hơn.
Protein nạc
Khi lựa chọn nguồn protein, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyến cáo nên chọn protein nạc (ít chất béo) và tránh các loại thịt chứa nhiều chất béo bão hòa vì chất béo bão hòa làm tăng nồng độ cholesterol trong máu.
Ví dụ về các nguồn protein nạc gồm có:
- Cá
- Các loại đậu
- Thịt gia cầm trắng
- Đậu phụ
- Thịt bò nạc
- Các loại quả hạch như hạt dẻ
- Lòng trắng trứng
- Phô mai tươi có hàm lượng chất béo thấp
- Sữa chua Hy Lạp
Chất béo không bão hòa đơn, chất béo không bão hòa đa và axit béo omega-3
Thực phẩm nhiều chất béo thường được cho là không tốt cho sức khỏe tim mạch nhưng điều này không có nghĩa là cần phải tránh tất cả các loại chất béo.
Không giống như chất béo bão hòa, chất béo không bão hòa đơn và chất béo không bão hòa đa giúp cải thiện nồng độ cholesterol trong máu và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Axit béo omega-3, một loại chất béo không bão hòa đa, đã được chứng minh là có thể thúc đẩy sự giải phóng oxit nitric trong cơ thể. Oxit nitric kích thích sự giãn nở mạch máu, nhờ đó giúp cải thiện lưu thông máu và giảm huyết áp.
Những loại thực phẩm giàu chất béo không bão hòa đơn và chất béo không bão hòa đa gồm có:
- Quả bơ
- Các loại quả hạch như óc chó và hạnh nhân
- Các loại hạt như hạt lanh và hạt chia
- Các loại cá béo như cá hồi và cá trích
- Dầu cá
- Đậu nành và đậu phụ
- Dầu thực vật như dầu ô liu, dầu hạt cải, dầu mè và dầu đậu phộng
Những chế độ ăn tốt cho người mắc bệnh động mạch ngoại biên
Những chế độ ăn uống có lợi cho mắc bệnh động mạch ngoại biên có điểm chung là nhiều trái cây, rau củ, các loại đậu và ngũ cốc nguyên hạt.
Nếu bạn đang bị bệnh động mạch ngoại biên thì dưới đây là một số chế độ ăn mà bạn có thể áp dụng.
Chế độ ăn kiểu Địa Trung Hải
Chế độ ăn kiểu Địa Trung Hải gồm có các loại thực phẩm được tiêu thụ nhiều ở các quốc gia giáp Biển Địa Trung Hải như Pháp, Tây Ban Nha và Ý.
Nghiên cứu cho thấy những người sống ở khu vực này có nguy cơ mắc nhiều bệnh mạn tính thấp hơn, gồm có bệnh tiểu đường và bệnh tim mạch.
Những loại thực phẩm chính trong chế độ ăn kiểu Địa Trung Hải là:
- Trái cây
- Rau củ
- Ngũ cốc nguyên hạt
- Các loại đậu
- Các loại hạt và qủa hạch
- Các nguồn chất béo tốt cho tim mạch, đặc biệt là dầu ô liu
Chế độ ăn kiểu Địa Trung Hải thường có ít thịt và sản phẩm từ động vật nhưng lại có khá nhiều cá và các loại thủy hải sản khác.
Chế độ ăn DASH
DASH là viết tắt của Dietary Approaches to Stop Hypertension), có nghĩa là chế độ ăn được phát triển để phòng ngừa và kiểm soát bệnh tăng huyết áp. Chế độ ăn này gồm có nhiều trái cây, rau và thịt nạc trong khi hạn chế natri, chất béo và đồ uống có cồn.
Nhìn chung, các chuyên gia khuyến nghị không nên tiêu thụ quá 2.300 miligam natri mỗi ngày.
Chế độ ăn ít carb
Chế độ ăn ít carb (low carb) hạn chế các loại thực phẩm chứa nhiều carb như cơm, mì, bánh mì, bánh ngọt, bánh quy, kẹo…
Một tổng quan tài liệu tổng hợp 12 nghiên cứu đã phát hiện ra rằng chế độ ăn ít carb giúp giảm một số yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch, gồm có huyết áp, cholesterol và triglyceride.
Có nhiều loại chế độ ăn ít carb nhưng tất cả đều hạn chế lượng carb tiêu thụ trong ngày và đồng thời ăn nhiều protein nạc và chất béo tốt.
Chế độ ăn chống viêm
Chế độ ăn chống viêm gồm có các loại thực phẩm có tác dụng làm giảm tình trạng viêm trong cơ thể, ví dụ như:
- Trái cây và rau củ
- Cà phê và trà
- Ngũ cốc nguyên hạt
- Sữa ít béo
- Các loại cá béo
- Dầu ô liu
- Các loại quả hạch
- Sô cô la đen
- Các loại đậu
- Rượu vang đỏ
Đồng thời cần tránh những thực phẩm làm gia tăng tình trạng viêm như thịt chế biến sẵn, khoai tây chiên và đồ uống có đường.
Một nghiên cứu vào năm 2022 thực hiện trên 82.000 người trong độ tuổi 45 – 83 tại Thụy Điển cho thấy chế độ ăn chống viêm có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh động mạch ngoại biên, đặc biệt là ở những người hút thuốc.
Những thực phẩm cần tránh khi mắc bệnh động mạch ngoại biên
Thực phẩm cần tránh khi mắc bệnh động mạch ngoại biên là những thực phẩm góp phần gây ra bệnh tim mạch, tiểu đường, béo phì và các yếu tố nguy cơ khác.
Nếu bạn mắc bệnh động mạch ngoại biên, hãy cố gắng tránh hoặc hạn chế tối đa các loại thực phẩm và đồ uống dưới đây:
- Thực phẩm chứa chất béo bão hòa, ví dụ như bơ, dầu cọ, dầu dừa, phô mai và thịt đỏ
- Thực phẩm chứa chất béo chuyển hóa như thực phẩm chế biến sẵn
- Thực phẩm chứa nhiều muối
- Thực phẩm và đồ uống chứa đường bổ sung như bánh kẹo, nước ngọt, nước tăng lực,
- Đồ uống có cồn
Hút thuốc sẽ dần dần làm hỏng mạch máu và gây tăng huyết áp. Bên cạnh chế độ ăn uống lành mạnh, bỏ thuốc lá cũng là điều rất quan trọng để giảm nguy cơ mắc bệnh động mạch ngoại biên.
Tóm tắt bài viết
Mặc dù điều chỉnh chế độ ăn uống không thể chữa khỏi được bệnh động mạch ngoại biên nhưng có thể làm chậm tốc độ tiến triển của bệnh. Những thực phẩm có lợi cho người mắc bệnh động mạch ngoại biên là thực phẩm giàu chất xơ, rau củ quả, protein nạc, chất béo không bão hòa đơn, chất béo không bão hòa đa và axit béo omega-3. Bên cạnh đó, cần tránh hoặc hạn chế những thực phẩm chứa chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, thực phẩm nhiều muối, đường bổ sung và đồ uống có cồn.

Điều chỉnh chế độ ăn uống và lối sống có thể giúp kiểm soát bệnh động mạch ngoại biên. Các phương pháp điều trị khác còn có dùng thuốc và phẫu thuật.

Duy trì lối sống lành mạnh có thể làm giảm huyết áp trong phổi và làm giảm các triệu chứng tăng áp phổi. Ví dụ, người bệnh cần điều chỉnh chế độ ăn uống, tập thể dục nhiều hơn và tránh các chất kích thích.

Sức khỏe tim mạch là điều vô cùng quan trọng bởi bệnh tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới và một trong những loại bệnh tim mạch phổ biến nhất là bệnh động mạch vành. Bệnh động mạch vành xảy ra khi mảng bám tích tụ và làm hẹp lòng động mạch vành, gây cản trở lưu thông máu đến tim. Điều này có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim hoặc thậm chí tử vong. Mặc dù nguy hiểm như vậy nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa và điều trị được căn bệnh này bằng cách thay đổi một số thói quen trong lối sống, mà một thay đổi rất quan trọng là chế độ ăn uống hàng ngày.

Đau là một triệu chứng thường gặp của viêm động mạch tế bào khổng lồ (GCA). Điều trị bằng thuốc có thể làm giảm tình trạng viêm trong cơ thể, đồng thời giúp giảm đau và các triệu chứng khác một cách nhanh chóng.

Hệ tuần hoàn gồm ba loại mạch máu: động mạch, tĩnh mạch và mao mạch. Động mạch mang máu từ tim trong khi tĩnh mạch mang máu đến tim.