Chlorthalidone: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ
Chlorthalidone là thuốc gì?
Chlorthalidone là một loại thuốc kê đơn dạng viên nén được dùng để điều trị tăng huyết áp và phù nề do tích nước. Phù nề có thể là do các bệnh lý như bệnh tim mạch, bệnh gan hoặc bệnh thận gây ra.
Chlorthalidone chỉ có dạng thuốc gốc (generic) và không có phiên bản biệt dược.
Chlorthalidone có thể được dùng kết hợp với các loại thuốc điều trị tăng huyết áp khác.
Nhóm thuốc và cơ chế tác dụng
Chlorthalidone thuộc nhóm thuốc lợi tiểu (Nhóm thuốc là tập hợp các loại thuốc có công dụng và cơ chế tác dụng giống nhau).
Chlorthalidone giúp cơ thể đào thải nước và muối dư thừa qua nước tiểu. Điều này làm giảm huyết áp và giảm tình trạng tích nước, nhờ đó giúp giảm phù nề.
Tác dụng phụ
Chlorthalidone có thể gây buồn ngủ và ngoài ra còn có các tác dụng phụ khác.
Tác dụng phụ phổ biến
Các tác dụng phụ thường gặp của chlorthalidone gồm có:
- Buồn nôn
- Nôn mửa
- Đau quặn bụng
- Tiêu chảy
- Táo bón
- Ăn không ngon miệng
- Chóng mặt
- Đau đầu
- Khát nước
Nếu những tác dụng phụ này chỉ ở mức độ nhẹ thì thường sẽ tự hết trong vòng vài ngày đến vài tuần. Nhưng nếu các tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc kéo dài thì bạn cần báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ.
Tác dụng phụ nghiêm trọng
Báo ngay cho bác sĩ nếu bạn gặp tác dụng phụ nghiêm trọng trong thời gian dùng chlorthalidone. Gọi cấp cứu hoặc đến ngay cơ sở y tế nếu các triệu chứng có vẻ nguy hiểm. Một số tác dụng phụ nghiêm trọng của chlorthalidone và các triệu chứng gồm có:
- Đau họng và sốt
- Chảy máu hoặc bầm tím bất thường
- Phát ban da nghiêm trọng kèm bong tróc da
- Khó thở hoặc khó nuốt
- Hạ kali máu (nồng độ kali trong máu thấp) với các triệu chứng như:
- Khát nước cực độ
- Mệt mỏi
- Buồn ngủ
- Bồn chồn
- Đau nhức cơ hoặc chuột rút
- Buồn nôn hoặc nôn mửa
- Tim đập nhanh
Tương tác thuốc
Chlorthalidone có thể tương tác với một số loại thuốc khác, vitamin, thực phẩm chức năng và thảo dược. Tương tác thuốc có thể làm thay đổi tác dụng của thuốc trong cơ thể, dẫn đến giảm hiệu quả của thuốc hoặc làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng bất lợi.
Bạn cần cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc đang dùng, bao gồm cả thuốc kê đơn lẫn thuốc không kê đơn cũng như thực phẩm chức năng và thảo dược. Điều này sẽ giúp bác sĩ kê loại thuốc phù hợp và tránh xảy ra tương tác thuốc.
Dưới đây là một số loại thuốc có thể tương tác với chlorthalidone.
Thuốc điều trị tăng huyết áp
Khi dùng chlorthalidone cùng với các loại thuốc điều trị tăng huyết áp khác, huyết áp có thể giảm xuống mức thấp nguy hiểm. Ví dụ về các loại thuốc này gồm có:
- Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE), chẳng hạn như:
- benazepril
- captopril
- enalapril
- fosinoprin
- moexipril
- perindopril
- quinapril
- ramipril
- trandolapril
- Thuốc ức chế thụ thể angiotensin II (ARB), chẳng hạn như:
- irbesartan
- losartan
- olmesartan
- telmisartan
- valsartan
- Thuốc chẹn beta, chẳng hạn như:
- acebutolol
- atenolol
- betaxolol
- bisoprolol
- metoprolol
- nadolol
- nebivolol
- penbutolol
- pindolol
- propranolol
- timolol
- Thuốc chẹn kênh canxi, chẳng hạn như:
- amlodipine
- felodipine
- nicardipine
- nifedipine
- Thuốc lợi tiểu quai, chẳng hạn như:
- bumetanide
- furosemide
- indapamide
- torsemide
- Thuốc lợi tiểu giữ kali, chẳng hạn như:
- eplerenone
- spironolactone
- triamteren
Thuốc điều trị tiểu đường
Chlorthalidone có thể làm giảm tác dụng của một số loại thuốc điều trị tiểu đường. Trong trường hợp cần dùng các loại thuốc này cùng nhau, bác sĩ sẽ tăng liều thuốc điều trị tiểu đường. Ví dụ về các loại thuốc này gồm có:
- pramlintide
- metformin
- exenatide
- liraglutide
- lixisenatide
- saxagliptin
- sitagliptin
- insulin
- nateglinide
- repaglinide
- glimepiride
- glipizide
- glyburide
- canagliflozin
- dapagliflozin
- empagliflozin
- pioglitazone
- rosiglitazone
Digoxin
Digoxin là một loại thuốc được dùng để điều trị một số bệnh tim mạch, chẳng hạn như rối loạn nhịp tiọ và suy tim. Dùng digoxin cùng với chlorthalidone có thể làm thay đổi nồng độ chất điện giải trong máu. Nếu cần dùng các loại thuốc cùng nhau, người bệnh sẽ phải làm xét nghiệm máu định kỳ để theo dõi mức chất điện giải và bác sĩ sẽ điều chỉnh liều dùng thuốc nếu cần.
Lithium
Lithium là thuốc được dùng để điều trị một số bệnh lý tâm thần, chẳng hạn như rối loạn lưỡng cực. Khi dùng chung với chlorthalidone, nồng độ lithium trong máu sẽ tăng cao hơn bình thường. Do đó, nếu phải dùng hai loại thuốc này cùng nhau, bác sĩ có thể sẽ giảm liều lithium.
Cảnh báo
Nguy cơ dị ứng
Chlorthalidone có thể gây ra phản ứng dị ứng nghiêm trọng. Các triệu chứng gồm có:
- Khó thở
- Sưng cổ họng hoặc lưỡi
- Nổi mề đay
Nếu có dấu hiệu dị ứng khi dùng thuốc, hãy báo ngay cho bác sĩ. Nếu có các triệu chứng nghiêm trọng, hãy gọi cấp cứu hoặc đến ngay bệnh viện gần nhất.
Không dùng chlorthalidone nếu từng bị dị ứng với loại thuốc này hoặc thuốc sulfonamide. Tiếp tục dùng thuốc khi có tiền sử dị ứng có thể gây tử vong.
Tương tác với đồ uống có cồn
Uống đồ uống có cồn trong khi dùng chlorthalidone sẽ làm tăng nguy cơ chóng mặt.
Cảnh báo cho những người có một số vấn đề sức khỏe nhất định
Đối với người bị bệnh thận: Chlorthalidone có thể làm cho vấn đề về thận trở nên trầm trọng hơn. Những người mắc bệnh thận cần cho bác sĩ biết để bác sĩ kê loại thuốc điều trị tăng huyết áp hoặc phù nề phù hợp.
Đối với người bị bệnh gan: Chlorthalidone có thể làm thay đổi về lượng nước và chất điện giải trong cơ thể. Điều này có thể dẫn đến bệnh não gan. Những người mắc bệnh gan cần cho bác sĩ biết để bác sĩ kê loại thuốc điều trị tăng huyết áp hoặc phù nề phù hợp.
Đối với người bị bệnh gout: Chlorthalidone có thể gây ra cơn gout cấp. Những người mắc bệnh gout cần cho bác sĩ biết để bác sĩ kê loại thuốc điều trị tăng huyết áp hoặc phù nề phù hợp.
Đối với người bị bệnh lupus: Chlorthalidone có thể làm cho tình trạng bệnh lupus trở nên trầm trọng hơn. Những người mắc bệnh lupus cần cho bác sĩ biết để bác sĩ kê loại thuốc điều trị tăng huyết áp hoặc phù nề phù hợp.
Đối với những người bị dị ứng hoặc hen suyễn: Chlorthalidone có thể gây dị ứng hoặc phản ứng quá mẫn. Nếu bạn có tiền sử dị ứng với bất cứ loại thuốc nào hoặc mắc bệnh hen suyễn thì cần cho bác sĩ biết để bác sĩ kê loại thuốc điều trị tăng huyết áp hoặc phù nề phù hợp.
Đối với người bị thiếu kali: Chlorthalidone có thể làm giảm nồng độ kali trong máu. Ở những người bị thiếu kali, dùng loại thuốc này có thể khiến tình trạng càng trở nên trầm trọng hơn.
Đối với người bị bệnh tiểu đường: Chlorthalidone có thể làm giảm hiệu quả của thuốc điều trị tiểu đường. Điều này sẽ làm tăng lượng đường trong máu. Nếu phải dùng các loại thuốc này cùng nhau, bác sĩ có thể sẽ tăng liều thuốc điều trị tiểu đường.
Cảnh báo cho các nhóm đối tượng khác
Đối với phụ nữ mang thai: Cục kiểm soát Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã đưa ra một hệ thống phân loại thuốc dựa trên mức độ nguy hiểm khi dùng trong thai kỳ. Theo đó, chlorthalidone được xếp vào nhóm B, có nghĩa là các nghiên cứu trên động vật không cho thấy tác hại của thuốc đối với bào thai nhưng chưa có đủ nghiên cứu trên người để kết luận tính an toàn của thuốc khi sử dụng trong thai kỳ.
Hãy cho bác sĩ biết nếu bạn đang mang thai hoặc có ý định mang thai. Chỉ nên sử dụng chlorthalidone trong thời kỳ mang thai khi lợi ích lớn hơn rủi ro.
Đối với phụ nữ đang cho con bú: Chlorthalidone có thể đi vào sữa mẹ và gây ra vấn đề nghiêm trọng ở trẻ bú mẹ. Hãy cho bác sĩ biết nếu bạn đang cho con bú để bác sĩ kê loại thuốc phù hợp.
Đối với người cao tuổi: Khi có tuổi, cơ thể xử lý thuốc chậm hơn. Nếu dùng liều thông thường, nồng độ thuốc trong máu sẽ ở mức quá cao và điều này làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ. Do đó, đối với người cao tuổi, bác sĩ thường kê liều thấp hoặc điều chỉnh lịch dùng thuốc.
Đối với trẻ em: Chlorthalidone chưa được nghiên cứu ở trẻ em. Không nên dùng thuốc này cho người dưới 18 tuổi.
Cách dùng thuốc
Liều dùng, dạng thuốc và tần suất dùng thuốc sẽ phụ thuộc vào:
- Tuổi tác
- Mục đích sử dụng thuốc
- Mức độ nghiêm trọng của tình trạng cần điều trị
- Các bệnh lý khác đang mắc
- Phản ứng sau khi dùng liều đầu tiên
Dạng bào chế và hàm lượng
Thuốc gốc: Chlorthalidone
- Dạng bào chế: viên nén
- Các mức hàm lượng: 25mg và 50mg
Có thể bẻ hoặc nghiền viên thuốc.
Thời điểm dùng thuốc
Uống chlorthalidone trong hoặc sau khi ăn vào buổi sáng. Uống thuốc vào cùng một thời điểm mỗi ngày.
Liều dùng để điều trị tăng huyết áp
Liều dùng cho người lớn (từ 18 – 64 tuổi)
- Liều khởi đầu thông thường: 25mg uống một lần mỗi ngày.
- Tăng liều: Bác sĩ có thể tăng liều lên 50mg/ngày và sau đó lên 100mg/ngày nếu huyết áp vẫn cao khi dùng liều 25mg
- Liều duy trì: Liều duy trì có thể thấp hơn liều khởi đầu. Bác sĩ sẽ điều chỉnh liều dùng dựa trên phản ứng của cơ thể người bệnh với thuốc.
- Liều tối đa: 100mg uống một lần mỗi ngày.
Liều dùng cho trẻ em (0 – 17 tuổi)
Chlorthalidone chưa được nghiên cứu ở trẻ em. Không nên dùng loại thuốc này cho người dưới 18 tuổi.
Liều dùng cho người cao tuổi (65 tuổi trở lên)
Khi có tuổi, cơ thể xử lý thuốc chậm hơn. Nếu dùng liều thông thường, nồng độ thuốc trong máu sẽ ở mức quá cao và điều này làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ. Do đó, đối với người cao tuổi, bác sĩ thường kê liều thấp hoặc điều chỉnh lịch dùng thuốc.
Liều dùng để giảm phù nề (tích nước)
Liều dùng cho người lớn (từ 18 – 64 tuổi)
- Liều khởi đầu thông thường: 50 – 100mg uống một lần mỗi ngày hoặc 100mg uống cách ngày. Một số người cần dùng liều 150 – 200mg uống một lần mỗi ngày hoặc cách ngày.
- Liều tối đa: 200mg mỗi ngày.
Liều dùng cho trẻ em (0 – 17 tuổi)
Chlorthalidone chưa được nghiên cứu ở trẻ em. Không nên dùng loại thuốc này cho người dưới 18 tuổi.
Liều dùng cho người cao tuổi (65 tuổi trở lên)
Khi có tuổi, cơ thể xử lý thuốc chậm hơn. Nếu dùng liều thông thường, nồng độ thuốc trong máu sẽ ở mức quá cao và điều này làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ. Do đó, đối với người cao tuổi, bác sĩ thường kê liều thấp hoặc điều chỉnh lịch dùng thuốc.
Dùng thuốc đúng cách
Nếu dùng để điều trị tăng huyết áp, chlorthalidone sẽ được dùng lâu dài. Nếu dùng để giảm phù nề, loại thuốc này có thể được dùng trong thời gian ngắn hoặc lâu dài. Cho dù dùng lâu dài hay ngắn hạn thì bạn cũng cần dùng thuốc đúng cách để tránh gặp phải những vấn đề không mong muốn.
Nếu hoàn toàn không dùng thuốc hoặc ngừng dùng thuốc đột ngột:
- Nếu dùng thuốc để điều trị tăng huyết áp: Huyết áp sẽ vẫn cao. Điều này làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.
- Nếu dùng thuốc để điều trị phù nề: Tình trạng tích nước và sưng phù sẽ không giảm. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng như đau, nhiễm trùng, loét chân hoặc cục máu đông.
Nếu uống thuốc không đều hoặc không đúng giờ hàng ngày: Thuốc sẽ giảm tác dụng hoặc hoàn toàn không có tác dụng. Để thuốc có hiệu quả tốt, bạn cần uống thuốc đều đặn, đúng giờ hàng ngày để duy trì lượng thuốc ổn định trong cơ thể.
Nếu dùng thuốc quá liều: Dùng chlorthalidone quá liều có thể gây ra những triệu chứng như:
- Buồn nôn
- Mệt mỏi, thiếu năng lượng
- Chóng mặt
- Khát nước cực độ
- Lú lẫn
- Co giật
Nếu lỡ uống thuốc quá liều, hãy báo cho bác sĩ. Nếu gặp các triệu chứng nghiêm trọng, hãy gọi cấp cứu hoặc đến bệnh viện gần nhất ngay lập tức
Phải làm gì nếu quên uống thuốc? Nếu quên uống thuốc, hãy uống ngay khi nhớ ra. Nhưng nếu chỉ còn vài giờ nữa là đến giờ uống liều tiếp theo, hãy bỏ qua liều đã quên và uống liều tiếp theo như bình thường. Không uống gộp hai liều cùng một lúc để bù cho liều đã quên. Điều này có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng.
Làm sao để biết thuốc có hiệu quả hay không?
- Nếu dùng chlorthalidone để điều trị tăng huyết áp: Đánh giá hiệu quả của thuốc bằng cách đo huyết áp. Nếu huyết áp hạ thì chứng tỏ thuốc có hiệu quả.
- Nếu dùng chlorthalidone để điều trị phù nề: Nếu tình trạng phù nề giảm thì có nghĩa là thuốc có hiệu quả.
Lưu ý quan trọng khi dùng thuốc
Bảo quản
- Bảo quản thuốc ở nhiệt độ từ 20°C đến 25°C (68°F đến 77°F).
- Không được đông lạnh thuốc.
- Tránh nơi có ánh sáng.
- Không để thuốc ở những nơi ẩm ướt như phòng tắm.
- Không để thuốc ngoài trời khi thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh.
Theo dõi huyết áp
Nếu có thể, bạn nên mua máy đo huyết áp và tự đo tại nhà thường xuyên. Ghi lại ngày, giờ đo và kết quả mỗi lần đo vào một cuốn sổ và mang theo khi đi khám.
Theo dõi lâm sàng
Trong thời gian dùng chlorthalidone, người bệnh có thể sẽ phải tái khám để bác sĩ theo dõi huyết áp và cân nặng. Ngoài ra cần làm xét nghiệm máu để theo dõi nồng độ kali trong máu.
Chế độ ăn uống
Để điều trị tăng huyết áp hoặc phù nề, người bệnh sẽ phải kết hợp dùng thuốc với điều chỉnh chế độ ăn uống, ví dụ như giảm lượng muối và tăng lượng kali.
Tăng nhạy cảm với ánh nắng
Chlorthalidone có thể khiến da trở nên nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời. Do đó, hãy hạn chế ra ngoài nắng trong thời gian dùng thuốc. Nếu cần ra ngoài thì phải mặc quần áo dài và thoa kem chống nắng để bảo vệ da.

Nebivolol được dùng để điều trị tăng huyết áp (cao huyết áp). Thuốc có thể được dùng một mình hoặc kết hợp với các loại thuốc điều trị tăng huyết áp khác.

Spironolactone là thuốc kê đơn thuộc nhóm thuốc lợi tiểu, được dùng để điều trị một số bệnh lý, chẳng hạn như tăng huyết áp. Spironolactone có dạng viên nén và dạng hỗn dịch.

Nadolol là loại thuốc được dùng để điều trị tăng huyết áp (huyết áp cao) và đau thắt ngực.

Minoxidil là một loại thuốc đường uống được dùng để điều trị tăng huyết áp.