Acebutolol: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ

Cảnh báo quan trọng
- Cảnh báo về các vấn đề sức khỏe khác: Trước khi dùng acebutolol, người bệnh cần cho bác sĩ biết về tất cả các vấn đề sức khỏe đang mắc, đặc biệt là:
- Bệnh hen suyễn
- Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)
- Bệnh tiểu đường
- Lưu thông máu kém
- Suy tim hoặc các vấn đề về tim khác
- Cường giáp
- Rủi ro khi ngừng thuốc đột ngột: Người bệnh nên trao đổi với bác sĩ trước khi ngừng dùng thuốc. Ở những người đang mắc một số bệnh lý nhất định, ngừng dùng acebutolol đột ngột có thể gây vấn đề về tuyến giáp hoặc khiến tình trạng đau ngực trở nên trầm trọng hơn, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Nếu muốn ngừng thuốc thì cần phải giảm liều dùng dần dần.
Acebutolol là thuốc gì?
Acebutolol là một loại thuốc kê đơn dạng viên nang được dùng để điều trị tăng huyết áp và ngoại tâm thu thất (một loại rối loạn nhịp tim, trong đó xuất hiện nhịp đập quá sớm bắt nguồn từ tâm thất – hai buồng dưới của tim).
Acebutolol là tên thuốc gốc và cũng là tên hoạt chất trong biệt dược Sectral. Thuốc gốc thường có giá thấp hơn biệt dược nhưng đôi khi không đa dạng về hàm lượng và dạng bào chế như biệt dược.
Acebutolol có thể được sử dụng kết hợp với các loại thuốc khác.
Nhóm thuốc và cơ chế tác dụng
Acebutolol thuộc nhóm thuốc chẹn beta. Nhóm thuốc là tập hợp các loại thuốc có công dụng và cơ chế tác dụng giống nhau.
Thuốc chẹn beta ngăn cản hormone epinephrine (adrenaline) kích hoạt một số thụ thể (beta) có trong mạch máu và tim. Điều này giúp làm giãn mạch máu, giảm tốc độ và lực co bóp của tim, nhờ đó làm giảm huyết áp và nhịp tim.
Tăng huyết áp thường xảy ra khi mạch máu bị co lại. Huyết áp cao cản trở sự lưu thông máu trong cơ thể và khiến tim phải làm việc nhiều hơn. Các loại thuốc chẹn beta như acebutolol mở rộng mạch máu, giúp máu chảy qua dễ dàng hơn, dẫn đến giảm huyết áp cũng như nhịp tim.
Tác dụng phụ
Acebutolol không gây buồn ngủ nhưng có thể gây ra các tác dụng phụ khác.
Tác dụng phụ phổ biến
Các tác dụng phụ phổ biến của acebutolol gồm có:
- Nhịp tim chậm
- Chóng mặt
- Mệt mỏi
- Đau đầu
- Táo bón
- Tiêu chảy
- Khó tiêu
- Đau nhức cơ
Nếu những tác dụng phụ này chỉ ở mức độ nhẹ thì thường sẽ tự hết trong vòng vài ngày đến vài tuần. Nhưng nếu các tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc kéo dài thì bạn cần báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ.
Tác dụng phụ nghiêm trọng
Báo ngay cho bác sĩ nếu gặp tác dụng phụ nghiêm trọng trong thời gian dùng thuốc. Gọi cấp cứu hoặc đến ngay cơ sở y tế nếu các triệu chứng có vẻ nguy hiểm. Một số tác dụng phụ nghiêm trọng của acebutolol và các triệu chứng là:
- Huyết áp quá thấp. Các triệu chứng gồm có:
- Chóng mặt
- Choáng váng
- Hụt hơi
- Nhìn mờ
- Mệt mỏi
- Buồn nôn
- Ngất xỉu
- Nhịp tim quá chậm. Các triệu chứng gồm có:
- Mệt mỏi
- Chóng mặt
- Choáng váng
- Hụt hơi
- Ngất xỉu
- Lưu thông máu kém. Các triệu chứng gồm có:
- Ngón tay hoặc ngón chân lạnh hoặc tái nhợt
- Rối loạn cương dương (không thể đạt được hoặc duy trì sự cương cứng)
- Trầm cảm
- Đau khi đi tiểu
- Tổn thương gan. Các triệu chứng gồm có:
- Buồn nôn
- Ăn không ngon miệng
- Nước tiểu sẫm màu
- Mệt mỏi
- Ngứa
- Bệnh lupus ban đỏ hệ thống (SLE), một bệnh tự miễn xảy ra do hệ miễn dịch tấn công các bộ phận của cơ thể. Các triệu chứng gồm có:
- Phát ban hình con bướm trên má và mũi
- Loét miệng
- Mệt mỏi
- Sưng đau khớp
- Đau cơ
- Sốt không rõ nguyên nhân
- Sưng mắt cá chân
- Đau ngực khi thở sâu
Tương tác thuốc
Acebutolol có thể tương tác với một số loại thuốc khác, vitamin, thực phẩm chức năng và thảo dược. Tương tác thuốc có thể làm thay đổi tác dụng của thuốc trong cơ thể, dẫn đến giảm hiệu quả của thuốc hoặc làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng bất lợi.
Người bệnh cần cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc đang dùng, bao gồm cả thuốc kê đơn lẫn thuốc không kê đơn cũng như thực phẩm chức năng và thảo dược. Điều này sẽ giúp bác sĩ kê loại thuốc phù hợp và tránh xảy ra tương tác thuốc.
Dưới đây là một số loại thuốc có thể tương tác với acebutolol.
Thuốc giảm đau
Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) có thể làm giảm tác dụng hạ huyết áp của acebutolol. Ví dụ về những loại thuốc này gồm có:
- diclofenac
- etodolac
- ibuprofen
- indomethacin
- ketorolac
- nabumetone
- naproxen
Thuốc thông mũi
Một số loại thuốc thông mũi có thể cạnh tranh với acebutolol trong việc ngăn cản thụ thể trong mạch máu và tim. Điều này có thể làm giảm hiệu quả của cả hai loại thuốc. Ví dụ về thuốc thông mũi gồm có:
- phenylephrine
- pseudoephedrine
Reserpin
Sử dụng acebutolol cùng với reserpine, một loại thuốc điều trị tăng huyết áp khác, có thể gây ra tác dụng phụ như chóng mặt, nhịp tim chậm và tụt huyết áp.
Các cảnh báo khác
Nguy cơ dị ứng
Acebutolol có thể gây ra phản ứng dị ứng nghiêm trọng với các triệu chứng như:
- Khó thở
- Sưng cổ họng hoặc lưỡi
- Phát ban
- Nổi mề đay
Nếu có những triệu chứng này, hãy gọi cấp cứu hoặc đến ngay bệnh viện gần nhất. Không được tiếp tục dùng thuốc khi đã bị dị ứng. Tiếp tục dùng thuốc có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Cảnh báo cho những người có vấn đề sức khỏe nhất định
Đối với người bị hen suyễn hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD): Một số người bị hen suyễn hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) không nên dùng acebutolol. Tùy vào tình trạng bệnh cụ thể mà có thể bác sĩ vẫn sẽ kê acebutolol nhưng với liều thấp hơn bình thường và người bệnh sẽ được theo dõi cẩn thận trong thời gian dùng thuốc. Dùng acebutolol liều cao hơn có thể chặn các thụ thể trên đường thở. Điều này thu hẹp đường thở và khiến cho bệnh hen suyễn hoặc COPD trở nên trầm trọng hơn. Điều này còn có thể làm giảm hiệu quả của các loại thuốc làm giãn phế quản.
Đối với người bị tiểu đường: Acebutolol có thể che giấu các triệu chứng của hạ đường huyết (lượng đường trong máu thấp), chẳng hạn như run tay và nhịp tim nhanh. Điều này khiến cho tình trạng hạ đường huyết không được điều trị kịp thời.
Đối với người có tuần hoàn máu kém: Acebutolol có thể làm cho tình trạng tuần hoàn kém ở bàn chân và bàn tay trở nên trầm trọng hơn. Acebutolol làm giảm huyết áp, có nghĩa là giảm lưu lượng máu đến các chi.
Đối với người bị suy tim: Những người bị suy tim không được kiểm không nên dùng acebutolol vì loại thuốc này có thể làm cho tình trạng suy tim trở nên trầm trọng hơn. Nếu bệnh suy tim được kiểm soát thì người bệnh có thể sử dụng acebutolol nhưng cần thận trọng. Người bệnh sẽ phải làm xét nghệm chức năng tim thường xuyên trong thời gian dùng thuốc.
Đối với người có vấn đề về tim: Nếu có bất kỳ vấn đề nào về tim thì người bệnh cần phải cho bác sĩ biết. Dùng acebutolol có thể làm giảm hoạt động của tim hoặc dẫn đến suy tim. Ở những người bị bệnh tim, ngừng dùng acebutolol đột ngột có thể gây đau ngực hoặc nhồi máu cơ tim, thậm chí dẫn đến tử vong. Nếu muốn ngừng thuốc thì người bệnh cần trao đổi với bác sĩ. Cần giảm liều dùng dần dần chứ không được ngừng thuốc đột ngột.
Đối với người bị cường giáp: Ở những người bị cường giáp (tuyến giáp hoạt động quá mức), ngừng dùng acebutolol đột ngột có thể gây cơn bão giáp trạng (cường giáp kịch phát). Đây là một tình trạng có thể đe dọa đến tính mạng. Các triệu chứng gồm có lú lẫn, tim đập rất nhanh, run tay, đổ mồ hôi và kích động. Nếu muốn ngừng thuốc thì người bệnh cần trao đổi với bác sĩ. Cần giảm liều dùng dần dần chứ không được ngừng thuốc đột ngột.
Đối với người có vấn đề về thận: Acebutolol được đào thải khỏi cơ thể bởi thận. Nếu thận không hoạt động tốt, acebutolol sẽ tồn tại trong cơ thể lâu hơn và điều này làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ. Đối với những người có vấn đề nghiêm trọng về thận, bác sĩ sẽ kê acebutolol liều thấp hơn hoặc kê một loại thuốc khác.
Đối với người có vấn đề về gan: Acebutolol được xử lý bởi gan. Nếu gan không hoạt động tốt, acebutolol sẽ tồn tại trong máu lâu hơn và điều này làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ. Đối với những người có vấn đề gan, bác sĩ sẽ kê acebutolol liều thấp hơn hoặc kê một loại thuốc khác.
Cảnh báo cho các nhóm đối tượng khác
Đối với phụ nữ mang thai: Cục kiểm soát Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã đưa ra một hệ thống phân loại thuốc dựa trên mức độ nguy hiểm khi dùng trong thai kỳ. Theo đó, acebutolol được xếp vào nhóm B, có nghĩa là các nghiên cứu trên động vật không cho thấy rủi ro đối với bào thai khi mẹ dùng thuốc nhưng chưa có đủ nghiên cứu trên người để kết luận tính an toàn của thuốc khi sử dụng trong thai kỳ.
Hãy cho bác sĩ biết nếu người bệnh đang mang thai hoặc có ý định mang thai. Chỉ nên sử dụng acebutolol trong thời gian mang thai nếu lợi ích lớn hơn rủi ro.
Đối với phụ nữ đang cho con bú: Acebutolol có thể đi vào sữa mẹ và gây ra những vấn đề nghiêm trọng ở trẻ bú mẹ. Nếu người bệnh đang cho con bú thì cần cho bác sĩ biết để bác sĩ kê loại thuốc phù hợp.
Đối với người cao tuổi: Khi có tuổi, cơ thể xử lý thuốc chậm hơn. Nếu dùng liều thông thường, thuốc sẽ tích tụ trong máu và và điều này làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ. Do đó, đối với người cao tuổi, bác sĩ thường kê liều thấp hoặc điều chỉnh lịch dùng thuốc.
Đối với trẻ em: Acebutolol chưa được nghiên cứu ở trẻ em và không nên dùng loại thuốc này cho người dưới 18 tuổi.
Cách dùng thuốc
Liều dùng, dạng thuốc và tần suất dùng thuốc sẽ phụ thuộc vào:
- Tuổi tác
- Mục đích sử dụng thuốc
- Mức độ nghiêm trọng của tình trạng cần điều trị
- Các bệnh lý khác đang mắc
- Phản ứng sau khi dùng liều đầu tiên
Dạng bào chế và hàm lượng
Thuốc gốc: acebutolol
- Dạng bào chế: viên nang
- Các mức hàm lượng: 200mg và 400mg
Biệt dược: Sectral
- Dạng bào chế: viên nang
- Các mức hàm lượng: 200mg và 400mg
Liều dùng để điều trị tăng huyết áp
Liều dùng cho người lớn (từ 18 – 64 tuổi)
- Liều khởi đầu thông thường: 400mg × một lần mỗi ngày hoặc 200mg × hai lần mỗi ngày.
- Tăng liều: Bác sĩ có thể tăng liều lên đến 600mg × hai lần mỗi ngày nếu cần. Liều duy trì khuyến nghị là từ 400 – 800mg mỗi ngày.
Liều dùng cho trẻ em (0 – 17 tuổi)
Acebutolol chưa được nghiên cứu ở trẻ em và không nên dùng loại thuốc này cho người dưới 18 tuổi.
Liều dùng cho người cao tuổi (65 tuổi trở lên)
Khi có tuổi, cơ thể xử lý thuốc chậm hơn. Nếu dùng liều thông thường, thuốc sẽ tích tụ trong máu và và điều này làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ. Do đó, đối với người cao tuổi, bác sĩ thường kê liều thấp hoặc điều chỉnh lịch dùng thuốc. Tổng liều hàng ngày không được vượt quá 800mg.
Liều dùng để điều trị ngoại tâm thu thất
Liều dùng cho người lớn (từ 18 – 64 tuổi)
- Liều khởi đầu thông thường: 200mg × hai lần mỗi ngày.
- Tăng liều: Bác sĩ có thể từ từ tăng liều lên đến 600mg × hai lần mỗi ngày. Liều duy trì khuyến nghị là từ 600 – 1200mg mỗi ngày.
Liều dùng cho trẻ em (0 – 17 tuổi)
Acebutolol chưa được nghiên cứu ở trẻ em và không nên dùng loại thuốc này cho người dưới 18 tuổi.
Liều dùng cho người cao tuổi (65 tuổi trở lên)
Khi có tuổi, cơ thể xử lý thuốc chậm hơn. Nếu dùng liều thông thường, thuốc sẽ tích tụ trong máu và và điều này làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ. Do đó, đối với người cao tuổi, bác sĩ thường kê liều thấp hoặc điều chỉnh lịch dùng thuốc. Tổng liều hàng ngày không được vượt quá 800mg.
Cảnh báo về việc ngừng thuốc
Nếu muốn ngừng dùng acebutolol, người bệnh cần trao đổi với bác sĩ trước. Cần giảm liều từ từ trong vòng 2 tuần theo hướng dẫn của bác sĩ. Điều này nhằm tránh các vấn đề về tim trở nên trầm trọng thêm.
Thời điểm dùng thuốc
Uống acebutolol vào cùng một thời điểm hàng ngày.
Dùng thuốc đúng cách
Acebutolol được sử dụng lâu dài. Người bệnh cần phải dùng thuốc đúng cách để tránh gặp phải những vấn đề không mong muốn.
Nếu không dùng thuốc: Tình trạng tăng huyết áp hoặc rối loạn nhịp tim sẽ không cải thiện. Điều này làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim hoặc gây tổn hại các mạch máu của phổi, tim hoặc gan.
Nếu ngừng thuốc đột ngột: Huyết áp sẽ tăng cao trở lại và tình trạng rối loạn nhịp tim tái phát. Điều này làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim. Nếu muốn ngừng dùng acebutolol, người bệnh cần trao đổi với bác sĩ trước. Cần giảm liều từ từ chứ không được ngừng đột ngột.
Nếu uống thuốc không đều hoặc không đúng giờ hàng ngày: Tình trạng tăng huyết áp và rối loạn nhịp tim sẽ không được kiểm soát tốt. Điều này làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim.
Nếu dùng thuốc quá liều: Dùng thuốc quá liều sẽ làm tăng nguy cơ tụt huyết áp và nhịp tim chậm nghiêm trọng. Dùng thuốc quá liều còn có thể khiến đường trong máu giảm xuống mức quá thấp, khó thở, suy tim hoặc co giật. Người bệnh có thể sẽ gặp phải các triệu chứng sau:
- Chóng mặt
- Yếu cơ
- Mệt mỏi
- Lú lẫn
- Hụt hơi
- Đau ngực
Nếu uống thuốc quá liều, hãy báo ngay cho bác sĩ. Nếu gặp các triệu chứng nghiêm trọng, hãy gọi cấp cứu hoặc đến bệnh viện gần nhất ngay lập tức.
Cần làm gì nếu quên uống thuốc: Hãy uống ngay khi nhớ ra. Nhưng nếu chỉ còn vài giờ nữa là đến giờ uống liều tiếp theo, hãy bỏ qua liều đã quên và uống liều tiếp theo như bình thường. Không uống gộp hai liều cùng một lúc để bù lại liều đã quên. Điều này có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng.
Làm sao để biết thuốc có hiệu quả hay không? Nếu dùng acebutolol để điều trị tăng huyết áp thì có thể kiểm tra hiệu quả của thuốc bằng cách đo huyết áp. Nếu huyết áp giảm so với trước thì có nghĩa là thuốc có hiệu quả. Nếu dùng acebutolol để điều trị ngoại tâm thu thì đánh giá hiệu quả của thuốc bằng cách theo dõi nhịp tim. Nếu tim đập đều đặn thì chứng tỏ thuốc có hiệu quả. Bác sĩ cũng sẽ đánh giá hiệu quả của thuốc vào các buổi tái khám.
Lưu ý khi dùng thuốc
Bảo quản
- Bảo quản acebutolol ở nhiệt độ từ 20°C (68°F) đến 25°C (77°F).
- Tránh xa ánh sáng.
- Không để thuốc ở những nơi ẩm ướt.
Theo dõi lâm sàng
Trước khi bắt đầu dùng acebutolol, người bệnh có thể sẽ phải làm xét nghiệm chức năng gan và thận để xem có dùng được acebutolol hay không và nên dùng liều bao nhiêu.
Trong thời gian dùng acebutolol, người bệnh sẽ phải tái khám định kỳ.
- Nếu dùng acebutolol để điều trị tăng huyết áp, người bệnh sẽ được đo huyết áp.
- Nếu dùng acebutolol để điều trị ngoại tâm thu thất, người bệnh sẽ được kiểm tra nhịp tim và đo điện tâm đồ.

Nebivolol được dùng để điều trị tăng huyết áp (cao huyết áp). Thuốc có thể được dùng một mình hoặc kết hợp với các loại thuốc điều trị tăng huyết áp khác.

Spironolactone là thuốc kê đơn thuộc nhóm thuốc lợi tiểu, được dùng để điều trị một số bệnh lý, chẳng hạn như tăng huyết áp. Spironolactone có dạng viên nén và dạng hỗn dịch.

Nadolol là loại thuốc được dùng để điều trị tăng huyết áp (huyết áp cao) và đau thắt ngực.

Minoxidil là một loại thuốc đường uống được dùng để điều trị tăng huyết áp.