Những loại thực phẩm gây viêm cần tránh

Viêm là phản ứng tự nhiên của cơ thể với chấn thương và nhiễm trùng. Tuy nhiên, chế độ ăn nhiều một số loại thực phẩm nhất định sẽ gây viêm kéo dài và điều này làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh mạn tính.
Thực phẩm và đồ uống có đường
Tiêu thụ nhiều thực phẩm và đồ uống chứa đường bổ sung sẽ làm suy giảm chức năng miễn dịch và dẫn đến tình trạng viêm mạn tính. Đường bổ sung là đường được thêm vào đồ ăn, đồ uống để tạo vị ngọt, khác với đường tự nhiên trong trái cây.
Thường xuyên tiêu thụ nhiều đường bổ sung còn dẫn đến các vấn đề như béo phì và hội chứng chuyển hóa.
Một nghiên cứu vào năm 2024 đã chỉ ra mối liên hệ hai chiều giữa tình trạng viêm và rối loạn chuyển hóa. Các vấn đề sức khỏe như béo phì và kháng insulin cũng có thể góp phần gây viêm.
Một số loại thực phẩm và đồ uống có hàm lượng đường bổ sung cao là:
- Nước ngọt
- Nước trái cây đóng chai
- Nước tăng lực
- Bánh ngọt
- Kẹo
- Chè
- Mứt, siro
Carbohydrate tinh chế
Carbohydrate tinh chế là những thực phẩm đã bị loại bỏ phần lớn lượng chất xơ.
Chất xơ giúp duy trì cảm giác no lâu, cải thiện khả năng kiểm soát đường huyết và nuôi dưỡng vi khuẩn có lợi trong đường ruột.
Carbohydrate tinh chế được tiêu hóa nhanh hơn và dễ ăn quá nhiều. Do đó, carbohydrate tinh chế góp phần gây tích mỡ thừa cũng như các vấn đề về chuyển hóa và những điều này sẽ gây viêm.
Một số loại thực phẩm chứa nhiều carbohydrate tinh chế:
- Bánh mì trắng
- Cơm trắng
- Mì làm từ bột mì và mì gạo
- Ngũ cốc ăn sáng
- Bánh ngọt
Thịt đỏ và thịt chế biến sẵn
Thịt đỏ và thịt chế biến sẵn có hàm lượng chất béo bão hòa cao hơn so với các loại thực phẩm có nguồn gốc động vật khác. Một số ví dụ về thịt đỏ và thịt chế biến sẵn:
- Thịt bò
- Thịt trâu
- Thịt lợn
- Thịt dê
- Xúc xích
- Thịt xông khói
- Dăm bông
- Thịt muối
Do những loại thịt này chứa hàm lượng chất béo cao nên ăn nhiều sẽ gây tăng cân.
Các nghiên cứu trước đây cho thấy rằng những hợp chất được tạo ra khi nấu thịt ở nhiệt độ cao là nguyên nhân gây tình trạng viêm. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây lại phát hiện ra rằng ăn nhiều thịt chế biến sẵn góp phần gây tăng cân và đó mới là nguyên nhân làm tăng tình trạng viêm trong cơ thể.
Thực phẩm chiên rán
Trong quá trình chiên, một phần nước trong thực phẩm được thay thế bằng chất béo. Điều này làm tăng hàm lượng calo của thực phẩm và nạp quá nhiều calo sẽ góp phần gây viêm.
Nhiều loại dầu thực vật được dùng để chiên rán có chứa axit béo omega-6, ví dụ như dầu hạt cải, dầu ngô và dầu đậu nành.
Axit béo omega-6 là một loại axit béo thiết yếu mà cơ thể con người không thể tự tạo ra mà chỉ có thể hấp thụ từ thức ăn. Axit béo omega-6 khác với axit béo omega-3, một nhóm chất béo tốt mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Chế độ ăn có quá nhiều axit béo omega-6 và quá ít axit béo omega-3 sẽ góp phần gây viêm.
Tuy nhiên, một nghiên cứu vào năm 2021 chỉ ra rằng axit béo omega-6 cũng mang lại những lợi ích nhất định khi tiêu thụ ở mức độ vừa phải.
Ăn nhiều đồ chiên rán, nhất là thịt chiên, còn gây mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột và điều này cũng có thể gây viêm.
Ăn đồ chiên có nguồn gốc từ thực vật gây hình thành acrylamide, một hóa chất làm tăng nguy cơ ung thư.
Tuy nhiên, vẫn cần nghiên cứu thêm để làm rõ tác động của acrylamide trong chế độ ăn uống đến nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Rượu bia
Uống quá nhiều rượu bia sẽ gây tổn thương tế bào và ảnh hưởng đến phản ứng miễn dịch của cơ thể, dẫn đến tình trạng viêm mạn tính.
Nam giới chỉ nên uống tối đa 2 đơn vị cồn/ngày và nữ giới chỉ uống tối đa 1 đơn vị cồn/ngày. Một đơn vị cồn tương đương 10g cồn (ethanol) nguyên chất, là lượng cồn có trong:
- 355ml bia, hoặc
- 120ml rượu vang, hoặc
- 45ml rượu mạnh
Tóm tắt bài viết
Chế độ ăn có nhiều đường bổ sung, carbonhydrate tinh chế, thịt đỏ và thịt chế biến sẵn, đồ chiên rán và rượu bia sẽ gây ra tình trạng viêm mạn tính. Viêm là phản ứng bảo vệ bình thường của cơ thể khi bị thương hoặc nhiễm trùng nhưng viêm mạn tính sẽ dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe như hội chứng chuyển hóa và bệnh tim mạch.

Sức khỏe tim mạch là điều vô cùng quan trọng bởi bệnh tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới và một trong những loại bệnh tim mạch phổ biến nhất là bệnh động mạch vành. Bệnh động mạch vành xảy ra khi mảng bám tích tụ và làm hẹp lòng động mạch vành, gây cản trở lưu thông máu đến tim. Điều này có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim hoặc thậm chí tử vong. Mặc dù nguy hiểm như vậy nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa và điều trị được căn bệnh này bằng cách thay đổi một số thói quen trong lối sống, mà một thay đổi rất quan trọng là chế độ ăn uống hàng ngày.

Một số thực phẩm như dầu ô liu, ngũ cốc nguyên hạt, bơ và các loại hạt có thể giúp giảm cholesterol LDL (xấu), từ đó cải thiện tỷ lệ HDL (tốt) trong máu.
Một số loại thực phẩm, gồm có rau lá xanh, ngũ cốc nguyên hạt và cá béo, có lợi cho sức khỏe tim mạch và giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Một số loại thực phẩm như dầu ô liu, ngũ cốc nguyên hạt, quả bơ, các loại hạt và quả hạch có thể làm giảm mức LDL cholesterol (cholesterol xấu), nhờ đó cải thiện mức HDL cholesterol (cholesterol tốt).

Thay thế chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa bằng chất béo tốt và ăn nhiều trái cây, rau củ là cách hiệu quả để kiểm soát mức cholesterol và bảo vệ sức khỏe tim mạch.