Những loại đồ uống giúp hạ huyết áp nhanh chóng

Tăng huyết áp là gì?
Tăng huyết áp là tình trạng áp lực máu tác động lên thành động mạch quá cao.
Điều này khiến tim phải co bóp mạnh hơn để đẩy máu qua mạch máu. Theo thời gian, cơ tim sẽ trở nên suy yếu. Huyết áp cao còn khiến thành động mạch có những vết nứt nhỏ và tạo điều kiện cho mảng xơ vữa tích tụ.
Bệnh tăng huyết áp thường xảy ra từ từ theo thời gian và có thể do nhiều nguyên nhân gây ra như chế độ ăn không lành mạnh, lối sống ít vận động và một số bệnh lý nhất định, gồm có bệnh tiểu đường và béo phì.
Tăng huyết áp thường không biểu hiện triệu chứng trong suốt một thời gian dài nhưng bệnh cần được phát hiện và điều trị sớm vì huyết áp cao kéo dài có thể dẫn đến nhiều vấn đề khác, gồm có bệnh tim mạch, đột quỵ và suy thận.
Phác đồ điều trị tăng huyết áp thường gồm có sự kết hợp giữa dùng thuốc và điều chỉnh chế độ ăn uống cũng như lối sống.
Thực hiện chế độ ăn tốt cho tim mạch có thể giúp duy trì huyết áp trong phạm vi khỏe mạnh.
Bên cạnh những loại thực phẩm vẫn được biết đến là có lợi cho sức khỏe tim mạch như rau củ quả, ngũ cốc nguyên cám, protein nạc hay axit béo omega 3, một số loại đồ uống cũng có tác dụng làm giảm huyết áp.
1. Nước ép củ dền
Củ dền là một loại thực phẩm ít calo nhưng lại cung cấp nhiều vitamin, khoáng chất và hợp chất thực vật có lợi, trong đó có những chất có tác dụng hạ huyết áp.
Một nghiên cứu ngẫu nhiên từ năm 2016 cho thấy nước ép củ dền sống và nấu chín đều giúp cải thiện huyết áp. Nhưng nước ép củ dền sống có hiệu quả cao hơn.
Củ dền giàu nitrat, một hợp chất có khả năng làm giảm huyết áp. Trong một tổng quan tài liệu vào năm 2017, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng uống nước ép củ dền mang lại nhiều lợi ích hơn so với bổ sung mình nitrat.
Điều này là do củ dền còn chứa nhiều hợp chất có lợi cho tim mạch khác ngoài nitrat.
2. Nước ép cà chua
Nhiều bằng chứng cho thấy rằng uống một cốc nước ép cà chua mỗi ngày giúp tăng cường sức khỏe tim mạch.
Trong một nghiên cứu tại Nhật Bản vào năm 2019, các nhà nghiên cứu đã đánh giá tác động của việc uống trung bình một cốc nước ép cà chua mỗi ngày ở những người có yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Các nhà nghiên cứu kết luận rằng uống nước ép cà chua giúp cải thiện cả huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương cũng như nồng độ LDL cholesterol (cholesterol xấu). Các nghiên cứu khác gần đây cũng cho kết quả tương tự ở những người bị tăng huyết áp độ 1 và phụ nữ mang thai. Tốt nhất bạn nên mua cà chua tươi và tự ép nước. Nếu mua nước ép cà chua đóng chai, hay chọn loại nguyên chất không chứa muối. Tiêu thụ nhiều muối sẽ làm tăng huyết áp.
3. Nước ép lựu
Lựu chứa hàm lượng các vitamin như vitamin C và folate (vitamin B9). Loại quả này có tác dụng chống viêm mạnh mẽ. Vì thế nên thường xuyên uống nước ép lựu rất tốt cho sức khỏe tim mạch.
Một tổng quan nghiên cứu vào năm 2023 gồm 14 thử nghiệm lâm sàng cho thấy uống nước ép lựu giúp làm giảm cả huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương.
Tốt nhất nên uống nước ép lựu tươi và không thêm đường. Nếu mua nước ép lựu đóng chai, hãy chọn loại nguyên chất 100% không có đường.
4. Nước ép quả mọng
Giống như lựu, các loại quả mọng, nhất là việt quất, cũng có đặc tính chống oxy hóa.
Một tổng quan nghiên cứu năm 2020 cho thấy uống nước ép nam việt quất hoặc anh đào có thể cải thiện huyết áp.
Một tổng quan nghiên cứu khác được công bố trên tạp chí Nature vào năm 2016 chỉ ra rằng ăn hoặc uống nước ép quả mọng có thể làm giảm cả huyết áp tâm thu và nồng độ LDL cholesterol trong máu.
Nếu bạn chọn nước ép quả mọng đóng chai, hãy chọn loại không đường.
5. Sữa gầy/sữa tách béo
Các sản phẩm từ sữa ít béo hoặc tách béo như sữa chua, sữa tươi là nhóm thực phẩm quan trọng trong chế độ ăn DASH, một chế độ ăn được thiết kế để ngăn ngừa và điều trị tăng huyết áp.
Theo một nghiên cứu vào năm 2022, thường xuyên uống sữa ít béo có thể làm giảm huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương.
Các nhà nghiên cứu cho biết rằng chưa thể xác định được thành phần nào trong sữa mang lại lợi ích này nhưng một phần có thể là nhờ phốt pho và canxi.
Các chuyên gia y tế khuyến nghị uống ba cốc sữa ít béo mỗi ngày. Nếu không thích uống sữa không, bạn có thể thêm sữa vào sinh tố, ngũ cốc hoặc các món ăn, đồ uống khác.
Nếu hoàn toàn không thích uống sữa hoặc không dung nạp lactose, hãy lựa chọn các loại thực phẩm giàu kali và canxi khác.
6. Trà
Một tổng quan tài liệu vào năm 2020 đã so sánh tác động của trà đen và trà xanh đến huyết áp.
Các nhà nghiên cứu báo cáo rằng cả hai loại trà đều giúp làm giảm huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương khi uống thường xuyên trong thời gian nhưng trà xanh giúp giảm huyết áp nhiều hơn.
Một nghiên cứu khác vào năm 2019 cũng cho thấy điều tương tự.
Bị tăng huyết áp có được uống cà phê và rượu bia không?
Cà phê
Tác động của cà phê đến huyết áp từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi trong cộng đồng khoa học.
Caffeine có thể khiến huyết áp tạm thời tăng lên nhưng mức tăng không đáng kể. Theo một nghiên cứu từ năm 2017, những người bị tăng huyết áp vẫn có thể uống cà phê. Nhưng nghiên cứu này cũng khuyến cáo mọi người nên thận trọng khi uống cà phê.
Một số nghiên cứu trước đây cho thấy rằng những người uống cà phê trong thời gian dài có nguy cơ bị tăng huyết áp cao hơn.
Nhưng theo nghiên cứu vào năm 2017 nói trên, uống cà phê ở mức độ vừa phải không gây hại gì và thậm chí còn có lợi cho cả người khỏe mạnh lẫn những người mắc bệnh tăng huyết áp.
Cà phê không chỉ chứa caffeine mà còn có cả các chất chống oxy hóa, chất dinh dưỡng và hợp chất thực vật có tác dụng chống viêm và thực sự có lợi cho sức khỏe tim mạch.
Rượu bia
Cũng giống như cà phê, tác động của rượu bia đến huyết áp rất phức tạp. Các chuyên gia y tế thường khuyến cáo chỉ nên uống rượu bia ở mức độ vừa phải nhưng nhiều nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng cho dù chỉ uống vừa phải thì cũng có hại.
Tiêu thụ rượu bia ở mức độ vừa phải – tức là 10g cồn nguyên chất mỗi ngày đối với phụ nữ và 20g mỗi ngày đối với nam giới – từng được cho là có thể làm giảm huyết áp. Tuy nhiên, các nghiên cứu mới đây cho thấy rằng lượng cồn này cũng gây tổn hại sức khỏe tim mạch.
Ngoài ra, cồn còn ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc điều trị tăng huyết áp. Theo nghiên cứu, tác động của cồn đến huyết áp phụ thuộc vào lượng cồn tiêu thụ và khoảng thời gian đã trôi qua kể từ khi uống rượu bia.
Mức tiêu thụ rượu bia an toàn đối với mỗi người là khác nhau vì còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi tác, giới tính và tình trạng sức khỏe. Nếu bạn bị tăng huyết áp thì hãy hỏi bác sĩ xem có thể uống rượu bia hay không và nếu có thì được uống bao nhiêu.
Những loại đồ uống cần tránh khi bị tăng huyết áp
Trong khi một số loại đồ uống có thể giúp hạ huyết áp thì một số lại khiến cho huyết áp tăng cao.
Dưới đây là những loại đồ uống mà bạn nên hạn chế hoặc tránh hoàn toàn nếu bị tăng huyết áp:
- Nước ngọt có ga. Hầu hết các loại nước ngọt có ga đều chứa lượng đường lớn. Tiêu thụ nhiều đường làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tăng huyết áp.
- Đồ uống có đường. Giống như nước ngọt có ga, các loại đồ uống có đường khác như trà sữa, nước ép trái cây hay trà đóng chai cũng chứa nhiều đường và gây hại cho sức khỏe tim mạch. Hãy thay đồ uống có đường bằng nước lọc hoặc các loại nước uống không đường khác.
- Nước tăng lực. Nước tăng lực chứa lượng caffeine và đường lớn, cả hai đều tác động tiêu cực đến huyết áp. Nghiên cứu cho thấy uống nước tăng lực có thể làm tăng đáng kể cả huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương.
- Rượu bia. Như đã nói ở trên, một số nghiên cứu cho thấy ngay cả tiêu thụ rượu bia ở mức độ vừa phải cũng có thể làm tăng huyết áp. Nếu bạn bị tăng huyết áp, hãy hỏi bác sĩ xem nên giảm hay kiêng hoàn toàn rượu bia.
Các cách hạ huyết áp khác
Bên cạnh thêm những loại đồ uống trên vào chế độ ăn, bạn có thể thực hiện các biện pháp dưới đây để hạ huyết áp và bảo vệ sức khỏe tim mạch:
- Giảm lượng natri tiêu thụ: Tiêu thụ nhiều natri sẽ làm tăng huyết áp. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyến cáo không nên tiêu thụ quá 1.500 miligam natri mỗi ngày. Để giảm lượng natri trong chế độ ăn, hãy hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm muối chua và sử dụng thật ít muối khi nấu ăn.
- Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng. Ăn nhiều trái cây, rau củ và ngũ cốc nguyên hạt giúp tăng lượng chất xơ và cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết để duy trì mức huyết áp khỏe mạnh.
- Tập thể dục thường xuyên. Hoạt động thể chất giúp tăng cường sức khỏe tim mạch và kiểm soát cân nặng, nhờ đó giúp hạ huyết áp. Cố gắng tập cardio cường độ vừa phải ít nhất 150 phút mỗi tuần. Ví dụ về các hình thức tập cardio là chạy bộ, leo cầu thang, đạp xe, nhảy dây,…
- Bỏ thuốc lá. Hút thuốc sẽ làm tăng huyết áp tạm thời. Các chất độc hại trong thuốc lá còn khiến động mạch hẹp lại và làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Nguy cơ sẽ càng cao khi đã bị tăng huyết áp.
Tóm tắt bài viết
Theo nghiên cứu, một số loại nước ép trái cây, rau củ, trà xanh và sữa tách béo có thể giúp kiểm soát huyết áp. Hiệu quả sẽ càng cao hơn khi kết hợp các loại đồ uống này với chế độ ăn tốt cho tim mạch. Bên cạnh việc uống những loại đồ uống có lợi, bạn cũng cần tránh những loại đồ uống làm tăng huyết áp như đồ uống có đường và rượu bia.

Một chế độ ăn uống lành mạnh là cách hữu hiệu để hạ huyết áp và kiểm soát huyết áp luôn ở mức ổn định.

Nhiều người sợ đi máy bay do sợ độ cao, sợ không gian hẹp hoặc lo sợ xảy ra tai nạn. Đối với những người mắc các bệnh mạn tính như bệnh tim mạch hoặc tăng huyết áp, mỗi chuyến bay lại đi kèm những nỗi lo khác.

Tăng huyết áp nhịp tim chậm có nghĩa là áp lực máu tác động lên thành mạch cao hơn bình thường trong khi tim đập chậm. Điều này thường là do một số loại thuốc gây ra nhưng cũng có thể là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng hơn.

Cà phê là một trong những loại thức uống được yêu thích nhất trên thế giới. Tổng lượng cà phê được tiêu thụ mỗi năm trên toàn thế giới là khoảng 8,6 triệu tấn. Đối với nhiều người, uống một tách cà phê là một thói quen không thể thiếu vào mỗi sáng. Cà phê giúp tinh thần tỉnh táo và cải thiện khả năng tập trung. Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến tranh cãi về việc liệu rằng uống cà phê thường xuyên có thực sự tốt cho sức khỏe hay không và thức uống này có tác động như thế nào đến huyết áp cũng như sức khỏe tim mạch.

Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát bệnh tăng huyết áp bởi những gì mà chúng ta ăn hàng ngày có ảnh hưởng trực tiếp đến mức huyết áp cũng như sức khỏe tim mạch nói chung.