Huyết áp cao nhưng nhịp tim chậm là do đâu?

Hiểu về huyết áp và nhịp tim
Huyết áp và nhịp tim là hai chỉ số được sử dụng để đánh giá sức khỏe tim mạch và sức khỏe tổng thể. Mặc dù có vẻ tương tự nhau nhưng huyết áp và nhịp tim cho biết những điều rất khác nhau về những gì đang xảy ra trong cơ thể.
Nhịp tim là số lần tim đập trong một phút. Nhịp tim bình thường khi nghỉ ngơi dao động từ 60 đến 100 lần/phút.
Huyết áp là áp lực mà máu tác động lên thành mạch máu. Huyết áp 120/80 mmHg được coi là bình thường. Khi huyết áp tâm thu (chỉ số bên trên) dao động trong khoảng từ 130 đến 139 mmHg và huyết áp tâm trương 80 đến 89 mmHg thì được coi là tiền tăng huyết áp, có nghĩa là huyết áp cao hơn bình thường nhưng chưa đến mức tăng huyết áp.
Tăng huyết áp nhịp tim chậm có nghĩa là dòng máu tạo áp lực lớn lên thành mạch trong khi tim đập ít hơn 60 lần/phút.
Mối liên hệ giữa tăng huyết áp và nhịp tim chậm
Để hiểu về mối liên hệ giữa nhịp tim và huyết áp, bạn có thể liên tưởng nhịp tim như một hệ thống điện và huyết áp như hệ thống ống nước.
Nhịp tim chủ yếu được điều khiển bởi các xung điện. Các xung điện này đi qua tim, báo cho các buồng tim co bóp đều đặn. Hoạt động thể chất, căng thẳng, sợ hãi và các yếu tố khác có thể làm tăng nhịp tim. Trong khi đó, nghỉ ngơi có thể làm giảm nhịp tim.
Hệ thống điện này kích thích chuyển động bơm hay co bóp của cơ tim, đẩy máu qua các mạch máu. Khi các mạch máu không bị tắc nghẽn, máu sẽ chảy qua dễ dàng.
Nếu mạch máu bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn, tim sẽ phải co bóp mạnh hơn hay đập nhanh hơn để bơm máu. Điều này dẫn đến tăng huyết áp.
Huyết áp và nhịp tim mất cân bằng sẽ gây áp lực lên tim. Điều ày dẫn đến một loạt các triệu chứng như:
- Lú lẫn
- Nhanh mệt khi vận động
- Chóng mặt, choáng váng
- Ngất xỉu
- Mệt mỏi
- Hụt hơi
Trong những trường hợp nghiêm trọng, tăng huyết áp và nhịp tim chậm có thể dẫn đến ngừng tim.
Nguyên nhân gây tăng huyết áp nhịp tim chậm
Tình trạng tăng huyết áp nhịp tim chậm có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân.
Cơ tim phì đại
Huyết áp cao kéo dài có thể dẫn đến nhịp tim chậm. Huyết áp cao khiến cho mô tim tái cấu trúc. Ví dụ, mô tim có thể trở nên dày hơn khi tim đập mạnh hơn. Mô tim dày sẽ khó dẫn truyền xung điện hơn. Kết quả là tim đập chậm lại do mất nhiều thời gian hơn để truyền xung điện.
Thuốc điều trị tăng huyết áp
Một số loại thuốc điều trị tăng huyết áp, đặc biệt là thuốc chẹn beta và thuốc chẹn kênh canxi, có thể gây nhịp tim chậm. Các loại thuốc này làm giảm nhịp tim để làm giảm huyết áp.
Chấn thương sọ não hoặc xuất huyết não
Chấn thương sọ não hoặc chảy máu quanh não cũng có thể gây ra tình trạng tăng huyết áp nhịp tim chậm. Cả chấn thương và chảy máu đều làm tăng áp lực lên não và dẫn đến phản xạ Cushing.
Các triệu chứng của phản xạ Cushing gồm có:
- Nhịp tim chậm
- Huyết áp cao
- Nhịp thở không đều hoặc rất chậm
Nếu bạn mới bị chấn thương vùng đầu và nhận thấy những triệu chứng này, hãy đến bệnh viện khám ngay lập tức.
Tăng huyết áp nhịp tim chậm có đáng ngại không?
Nếu bạn đang dùng thuốc điều trị tăng huyết áp và nhận thấy huyết áp hơi cao đi kèm nhịp tim chậm thì nhìn chung không có gì đáng lo ngại.
Nhưng nếu bạn không dùng bất kỳ loại thuốc nào mà lại gặp phải tình trạng tăng huyết áp nhịp tim chậm thì tốt hơn hết hãy đi khám để xác định nguyên nhân, nhất là khi có các triệu chứng của nhịp tim chậm, chẳng hạn như chóng mặt hoặc khó thở.
Nhịp tim bình thường khi nghỉ ngơi dao động từ 60 đến 100 lần/phút, đây là số lần mà tim của hầu hết mọi người cần đập trong một phút để bơm đủ máu đi khắp cơ thể.
Ở một số người, tim đập chậm hơn, ví dụ như vận động viên và những người có thể trạng rất tốt. Ở những người này, cơ tim đã được rèn luyện để trở nên khỏe hơn, nhờ đó vẫn có thể bơm máu hiệu quả dù không đập nhiều lần.
Tập thể dục cũng có thể tạm thời làm tăng huyết áp. Vì vậy, nếu tập thể dục thường xuyên thì có thể bạn sẽ có nhịp tim chậm tự nhiên và huyết áp cao hơn bình thường ngay sau khi tập.
Kết luận
Tăng huyết áp nhịp tim chậm thường xảy ra khi dùng thuốc điều trị tăng huyết áp nhưng đó cũng có thể là dấu hiệu của chấn thương nghiêm trọng hoặc tăng huyết áp không được điều trị.
Nếu có những dấu hiệu bất thường, tốt nhất bạn nên đi khám để kiểm tra xem liệu có vấn đề gì đáng lo ngại hay không.

Tăng huyết áp là một trong những yếu tố nguy cơ chính gây bệnh tim mạch, gồm có cơ tim phì đại và bệnh mạch vành.

Nghiên cứu cho thấy một số loại đồ uống có thể giúp làm giảm huyết áp và hỗ trợ sức khỏe tim mạch. Uống những loại đồ uống này kết hợp điều chỉnh chế độ ăn và dùng thuốc sẽ giúp kiểm soát bệnh tăng huyết áp hiệu quả. Nếu không được điều trị, tăng huyết áp có thể dẫn đến các biến chứng như bệnh tim mạch và đột quỵ. Một trong những bước quan trọng nhất để kiểm soát tăng huyết áp là điều chỉnh chế độ ăn uống.

Huyết áp cao có thể làm hỏng động mạch và các cơ quan khắp cơ thể, bao gồm cả thận. Mặt khác, khi chức năng lọc máu của thận bị suy giảm, nước dư thừa, chất thải và chất độc sẽ tích tụ trong cơ thể và điều này có dẫn đến tăng huyết áp.

Cao huyết áp, hay còn được gọi là tăng huyết áp, có thể góp phần gây rối loạn chức năng cương dương. Bên cạnh đó, một số loại thuốc dùng để điều trị cao huyết áp cũng có thể gây ra rối loạn cương dương.

Cao huyết áp hay tăng huyết áp được gọi là kẻ giết người thầm lặng vì lý do là thường không bộc lộ triệu chứng rõ rệt nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ bệnh tim và đột quỵ. Đây là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới.