Các nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp
Tăng huyết áp có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, chẳng hạn như nhồi máu cơ tim, suy tim, đột quỵ và bệnh thận. Phát hiện sớm tăng huyết áp và kiểm soát huyết áp chặt chẽ là điều rất quan trọng để ngăn ngừa các vấn đề này và những biến chứng khác. Mặc dù đôi khi, điều chỉnh chế độ ăn uống và lối sống có thể giúp kiểm soát huyết áp nhưng đa phần người bị tăng huyết áp cần phải dùng thuốc.
Có vô số loại thuốc điều trị tăng huyết áp khác nhau. Tốt nhất bạn nên đi khám để được bác sĩ kê loại thuốc phù hợp. Tùy vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng tăng huyết áp mà có thể bạn sẽ phải dùng kết hợp nhiều loại thuốc cùng lúc.
Các nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp
Bảng dưới đây là các nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp chính.
Nhóm thuốc |
Được dùng khi nào? |
Tác dụng phụ |
Thuốc lợi tiểu |
Thường được kê đầu tiên để điều trị tăng huyết áp, đặc biệt là thuốc lợi tiểu thiazid. |
Tùy thuộc vào từng loại thuốc lợi tiểu, nhưng một số tác dụng phụ thường gặp là hạ kali máu, tăng kali máu và mất cân bằng các chất điện giải khác |
Thuốc chẹn alpha |
Có thể được dùng kèm các loại thuốc khác. |
Đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, run tay… |
Thuốc chủ vận thụ thể alpha-2 |
Chủ yếu được dùng để điều trị các bệnh lý khác, chẳng hạn như rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) nhưng có thể được dùng để điều trị tăng huyết áp trong những trường hợp đặc biệt. Ví dụ, methyldopa có thể được dùng để trị tăng huyết áp cho phụ nữ mang thai vì an toàn hơn các loại thuốc khác. |
Buồn ngủ, chóng mặt |
Thuốc chẹn beta |
Được sử dụng khi các loại thuốc khác như thuốc lợi tiểu không có tác dụng. |
Nhịp tim chậm, chân tay lạnh, mất ngủ, tăng cân và các tác dụng phụ khác |
Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE) |
Có thể được dùng để điều trị suy tim hoặc dùng sau cơn nhồi máu cơ tim. |
Ho khan, phát ban, mất vị giác và tổn thương thận (hiếm gặp) |
Thuốc ức chế thụ thể angiotensin II (ARB) |
Có thể được dùng để điều trị suy tim hoặc dùng sau cơn nhồi máu cơ tim. |
Chóng mặt, nhức đầu, mệt mỏi và các tác dụng phụ khác |
Thuốc chẹn kênh canxi |
Có thể được dùng kết hợp với các loại thuốc khác. |
Tùy thuộc vào loại, nhưng các tác dụng phụ thường gặp là sưng mắt cá chân, đỏ bừng mặt, táo bón, nhịp tim chậm và hồi hộp |
Thuốc giãn mạch |
Thường được dùng khi huyết áp tâm thu trên 180 (mmHg) và/hoặc huyết áp tâm trương trên 120 mmHg hoặc dùng để điều trị tiền sản giật. |
Đau đầu, sưng mắt, đau khớp, hồi hộp, tăng cân |
Thuốc đối kháng thụ thể aldosterone |
Chủ yếu được dùng cho người bị suy tim hoặc có nguy cơ cao bị suy tim. |
Tăng kali máu và suy giảm chức năng thận. |
Thuốc ức chế renin trực tiếp |
Chỉ có duy nhất một loại thuốc được phê duyệt để điều trị tăng huyết áp là aliskiren nhưng loại thuốc này thường không phải là lựa chọn đầu tiên. |
Tiêu chảy, ho, phát ban, đau đầu, chóng mặt và mất cân bằng chuyển hóa |
Thuốc ức chế adrenergic ngoại biên |
Chỉ được dùng khi các loại thuốc khác không có tác dụng. |
Tiêu chảy, ợ nóng, chóng mặt, mệt mỏi |
1. Thuốc lợi tiểu
Thuốc lợi tiểu (diuretic) là nhóm thuốc được sử dụng phổ biến nhất để điều trị tăng huyết áp. Các loại thuốc này giúp thận loại bỏ lượng nước và natri (muối) dư thừa ra khỏi cơ thể. Điều này làm giảm thể tích máu chảy qua các mạch máu và nhờ đó giảm huyết áp.
Có ba nhóm thuốc lợi tiểu chính là:
- Thuốc lợi tiểu thiazid
- Thuốc lợi tiểu giữ kali
- Thuốc lợi tiểu quai
2. Thuốc chẹn alpha
Trong một số trường hợp, cơ thể tạo ra một loại hormone tên là catecholamine. Hormone này liên kết với một phần của tế bào gọi là thụ thể alpha. Điều này khiến cho các mạch máu hẹp lại và tim co bóp nhanh hơn, mạnh hơn. Những thay đổi này làm tăng huyết áp.
Thuốc chẹn alpha (alpha-blocker) ngăn catecholamine liên kết với thụ thể alpha. Kết quả là máu chảy qua các mạch máu dễ dàng hơn và tim co bóp bình thường, dẫn đến hạ huyết áp.
Ví dụ về các loại thuốc chẹn alpha là doxazosin, prazosin và terazosin.
3. Thuốc chủ vận thụ thể alpha
Thuốc chủ vận thụ thể alpha (alpha receptor agonist) có cơ chế hoạt động trái ngược với thuốc chẹn alpha. Thuốc chẹn (thuốc đối kháng) là những thuốc liên kết với thụ thể và ngăn không cho thụ thể kích hoạt bất kỳ phản ứng nào.
Thuốc chủ vận cũng liên kết với thụ thể nhưng lại bắt chước hoạt động của những hóa chất tự nhiên trong cơ thể để kích hoạt thụ thể tạo ra phản ứng. Hóa chất mà thuốc chủ vận thụ thể alpha bắt chước là protein alpha-1 hoặc alpha-2. Điều này làm dịu hệ thần kinh giao cảm, dẫn đến giảm sản xuất adrenaline và hạ huyết áp.
Ví dụ về thuốc chủ vận alpha-2 là methyldopa. Ví dụ về thuốc chủ vận alpha-1 là phenylephrine và pseudoephedrine.
Thuốc chủ vận trung ương cũng là một nhóm thuốc chủ vận thụ thể alpha.
Thuốc chủ vận trung ương tác động đến não, ngăn não gửi tín hiệu giải phóng catecholamine đến hệ thần kinh. Điều này làm giảm lực co bóp của tim và giúp máu chảy qua mạch máu dễ dàng hơn, nhờ đó làm giảm huyết áp.
Methyldopa cũng là một loại thuốc chủ vận trung ương. Các loại thuốc khác trong nhóm này còn có clonidine và guanfacine.
4. Thuốc chẹn beta
Thuốc chẹn beta (beta-blocker) ngăn cản hoạt động của các hormone kích thích tim trong cơ thể. Điều này làm giảm tốc độ và lực co bóp của tim, dẫn đến giảm huyết áp.
Thuốc chẹn beta được chia thành hai nhóm là:
- Thuốc chẹn beta có chọn lọc: những loại thuốc này chỉ chặn các thụ thể beta-1 trong cơ tim.
- Thuốc chẹn beta không chọn lọc: những loại thuốc này chặn cả thụ thể beta-1 và beta-2 (có trong phổi và các cơ trơn khác).
Ngoài ra, một số thuốc chẹn beta có tác dụng kết hợp. Thuốc chẹn alpha và beta kết hợp ngăn cản sự liên kết của hormone catecholamine với cả thụ thể alpha và thụ thể beta
5. Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE)
Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (angiotensin converting enzyme – ACE) ngăn cơ thể sản xuất angiotensin II - loại hormone thu hẹp mạch máu. Những loại thuốc này giúp làm giãn các mạch máu bị thu hẹp, nhờ đó máu có thể chảy ra dễ hơn và giảm huyết áp. Không dùng thuốc ức chế ACE trong thời kỳ mang thai.
6. Thuốc ức chế thụ thể angiotensin II
Thuốc ức chế thụ thể angiotensin II (angiotensin II receptor blocker – ARB) cũng bảo vệ mạch máu khỏi angiotensin II. Angiotensin II liên kết với thụ thể angiotensin và khiến cho mạch máu bị hẹp lại. ARB ngăn điều này diễn ra và kết quả giảm huyết áp.
Phụ nữ mang thai không nên dùng ARB.
7. Thuốc chẹn kênh canxi
Canxi liên tục di chuyển vào và ra khỏi các tế bào cơ. Đây là điều cần thiết để các cơ có thể cử động. Thuốc chẹn kênh canxi (calcium channel blocker) ngăn canxi đi vào các tế bào cơ trơn của tim và mạch máu. Điều này làm giảm lực co bóp của tim và giúp các mạch máu giãn ra. Kết quả là huyết áp giảm.
Có hai nhóm thuốc chẹn kênh canxi:
- Non-dihydropyridine (non-DHP): tác động trực tiếp đến các tín hiệu điện đến cơ tim.
- Dihydropyridine (DHP): tác động lên các mạch máu khác (mạch máu ngoại biên) trong cơ thể.
8. Thuốc giãn mạch
Thuốc giãn mạch (vasodilator) làm giãn các cơ ở thành mạch máu, đặc biệt là ở các tiểu động mạch (động mạch nhỏ). Điều này giúp mở rộng mạch máu và cho phép máu chảy qua dễ dàng hơn, dẫn đến giảm huyết áp.
9. Thuốc đối kháng thụ thể aldosterone
Thuốc đối kháng thụ thể aldosterone (aldosterone receptor antagonist) ngăn chặn một chất hóa học trong cơ thể tên là aldosterone. Điều này làm giảm lượng nước mà cơ thể giữ lại, nhờ đó làm giảm thế tích máu và hạ huyết áp.
Các loại thuốc trong nhóm này gồm có eplerenone và spironolactone.
10. Thuốc ức chế renin trực tiếp
Thuốc ức chế renin trực tiếp (direct renin inhibitor) cũng là một nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp. Các loại thuốc này ngăn cản hoạt động của một chất hóa học trong cơ thể tên là renin. Điều này giúp mở rộng mạch máu và hạ huyết áp.
11. Thuốc ức chế adrenergic ngoại biên
Thuốc ức chế adrenergic ngoại biên (peripheral adrenergic inhibitor) ngăn các chất dẫn truyền thần kinh trong não truyền tín hiệu làm co cơ tim. Điều này giúp hạ huyết áp.
Một số loại thuốc trong nhóm này là guanadrel, guanethidine monosulfate và reserpine.
Khi nào cần dùng kết hợp nhiều loại thuốc điều trị tăng huyết áp?
Đôi khi cần phải dùng kết hợp nhiều loại thuốc điều trị tăng huyết áp cùng lúc, chẳng hạn như khi:
- Phương pháp điều trị ban đầu (thường là thuốc lợi tiểu) không hiệu quả
- Mắc bệnh lý khác kèm theo tăng huyết áp, chẳng hạn như bệnh động mạch vành hoặc bệnh tiểu đường, hoặc từng bị nhồi máu cơ tim
- Bị tăng huyết áp độ 2 (huyết áp tâm thu từ 140 mmHg trở lên hoặc huyết áp tâm trương 90 mmHg trở lên)
Tóm tắt bài viết
Tăng huyết áp mặc dù thường xảy ra âm thầm không có triệu chứng nhưng có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị. Phương pháp điều trị chính cho bệnh tăng huyết áp là dùng thuốc. Có nhiều nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp và mỗi nhóm làm giảm huyết áp thông qua cơ chế khác nhau.
Nếu nghi ngờ bản thân bị tăng huyết áp, hãy đi khám để bác sĩ kê thuốc phù hợp giúp kiểm soát huyết áp. Có thể sẽ phải dùng thử nhiều loại thuốc để tìm ra loại hiệu quả nhất.

Khi đo huyết áp, nếu kết quả dưới 120/80mmHg thì huyết áp ở mức bình thường còn nếu cao hơn mức này thì được coi là tăng huyết áp, hay còn được gọi là cao huyết áp và cần đến các phương pháp điều trị.

Tăng huyết áp ẩn giấu là khi huyết áp đo tại bệnh viện ở mức bình thường nhưng lại ở mức cao khi đo tại nhà. Theo dõi huyết áp tại nhà sẽ giúp phát hiện tình trạng này.

Tăng huyết áp làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Có nhiều phương pháp điều trị có thể giúp kiểm soát huyết áp, gồm có thay đổi lối sống và dùng thuốc. Phác đồ điều trị tăng huyết áp thường gồm có sự kết hợp giữa dùng thuốc và thay đổi lối sống. Mục tiêu là đưa huyết áp về mức khỏe mạnh.

Nếu tăng huyết áp không được điều trị trong thời kỳ mang thai, cả mẹ và thai nhi đều có thể gặp phải các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn. Nhìn chung, theo dõi huyết áp và thực hiện một số thay đổi về lối sống có thể làm giảm nguy cơ gặp phải biến chứng do tăng huyết áp.

Huyết áp là áp lực máu tác động lên thành trong của động mạch. Huyết áp có thể thay đổi trong suốt cả ngày và thay đổi theo các giai đoạn trong cuộc đời. Khi huyết áp cao hơn nhiều so với mức bình thường thì được gọi là tăng huyết áp hay cao huyết áp.