Sự khác biệt giữa bệnh võng mạc do tăng huyết áp và bệnh võng mạc đái tháo đường

Võng mạc là một phần của hệ thần kinh trung ương, có chức năng chuyển đổi ánh sáng thành tín hiệu điện được gửi đến não, từ đó tạo ra hình ảnh mà chúng ta nhìn thấy.
Cả hai loại bệnh võng mạc đều gây ra các vấn đề như nhìn đôi (song thị), đau đầu và cuối cùng là mất thị lực. Tuy nhiên, có thể phòng ngừa và kiểm soát các vấn đề này bằng cách điều trị bệnh lý gây ra bệnh võng mạc, đó là tăng huyết áp và đái tháo đường.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu sự khác biệt giữa bệnh võng mạc do tăng huyết áp và bệnh võng mạc đái tháo đường, gồm có nguyên nhân gây ra, các triệu chứng và phương pháp điều trị.
Bệnh võng mạc do tăng huyết áp
Bệnh võng mạc do tăng huyết áp là kết quả của tình trạng tăng huyết áp không được kiểm soát trong thời gian dài. Ngoài bệnh võng mạc, tăng huyết áp không được kiểm soát còn có thể dẫn đến nhiều bệnh về mắt khác.
Giống như các bộ phận khác của cơ thể, võng mạc cần được cung cấp máu ổn định để hoạt động tốt. Tăng huyết áp khiến cho các mạch máu của võng mạc thu hẹp lại, dày lên và cứng. Điều này ảnh hưởng đến chức năng của võng mạc, dẫn đến giảm thị lực nghiêm trọng và thậm chí mù lòa.
Không chỉ bị mất thị lực, những người bị bệnh võng mạc do tăng huyết áp còn có nguy cơ cao gặp phải vấn đề ở các cơ quan khác như thận, tim và não.
Bệnh võng mạc đái tháo đường
Bệnh võng mạc là một biến chứng của bệnh đái tháo đường. Nếu lượng đường trong máu không được kiểm soát, bệnh nhân đái tháo đường sẽ có nguy cơ mắc bệnh võng mạc.
Bệnh đái tháo đường có thể làm hỏng mạch máu khắp cơ thể, bao gồm cả mạch máu ở mắt. Lượng đường trong máu cao có thể gây tắc nghẽn trong các mạch máu cấp máu cho võng mạc, khiến các mạch máu này rò rỉ máu hoặc dịch.
Lúc này, cơ thể sẽ phát triển các mạch máu mới thay cho những mạch máu bị hỏng nhưng các mạch máu mới này yếu hơn và rất dễ bị rò rỉ.
Bệnh võng mạc đái tháo đường được chia thành ba giai đoạn:
- Bệnh võng mạc nền: Các mạch máu bắt đầu bị phình và có thể chảy máu nhẹ.
- Bệnh võng mạc tiền tăng sinh: Khi các mạch máu bị tổn thương nhiều hơn, tình trạng chảy máu ở mắt trở nên nặng hơn.
- Bệnh võng mạc tăng sinh: Mô sẹo và các mạch máu mới, yếu bắt đầu hình thành.
Triệu chứng
Bệnh võng mạc do tăng huyết áp và bệnh võng mạc đái tháo đường thường không biểu hiện triệu chứng ở giai đoạn đầu. Bệnh có thể tiến triển âm thầm trong suốt nhiều tháng hoặc nhiều năm mà người bệnh không nhận thấy bất kỳ sự thay đổi nào về thị lực.
Bệnh võng mạc do tăng huyết áp
Khi trở nên nặng hơn, bệnh võng mạc do tăng huyết áp gây ra các triệu chứng:
- Nhìn mờ
- Nhìn đôi (song thị) – tình trạng nhìn một vật thành hai
- Mất thị lực
- Đau đầu
Nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào trong số này mà không có dấu hiệu từ trước thì có nghĩa là huyết áp đột ngột tăng quá cao. Tình trạng này cần can thiệp điều trị khẩn cấp.
Bệnh võng mạc đái tháo đường
Một số người gặp phải các triệu chứng từ sớm nhưng không để ý, chẳng hạn khó nhìn những vật ở gần hoặc ở xa.
Thông thường, các triệu chứng bắt đầu xuất hiện khi bệnh võng mạch tiến triển sang giai đoạn sau, khi các mạch máu của võng mạc bị chảy máu nhiều. Điều này có thể gây ra:
- hiện tượng ruồi bay (các đốm đen hoặc đường ngoằn ngoèo xuất hiện trước mắt)
- Nhìn mờ hoặc tối
- Đau mắt
- Mắt đỏ
- Thị lực dần dần suy giảm
- Mất thị lực đột ngột
- Những đốm trắng nhỏ trên võng mạc
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Yếu tố nguy cơ chính gây bệnh võng mạc là bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường không được kiểm soát.
Các yếu tố nguy cơ khác gây bệnh võng mạc do tăng huyết áp là:
- Giới tính nữ
- Hút thuốc lá hoặc sử dụng các sản phẩm thuốc lá khác
- Tiền sử bệnh tim mạch
- Cholesterol máu cao
- Béo phì
Các yếu tố nguy cơ khác gây bệnh võng mạc đái tháo đường:
- Đang mang thai
- Mắc bệnh đái tháo đường type 1 hoặc type 2 trong thời gian dài
- Cholesterol máu cao
- Bị tăng huyết áp mạn tính
Phương pháp điều trị
Kiểm soát bệnh tăng huyết áp sẽ giúp điều trị bệnh võng mạc do tăng huyết áp.
Người bệnh có thể phải dùng thuốc làm giảm huyết áp. Đồng thời cần thay đổi thói quen sống để kiểm soát huyết áp:
- Giảm cân nếu thừa cân
- Ăn thực phẩm tốt cho tim mạch
- Tập thể dục đều đặn
- Giảm lượng muối trong chế độ ăn
- Bỏ thuốc lá
Những người mắc bệnh võng mạc đái tháo đường cần kiểm soát lượng đường trong máu. Nếu huyết áp và cholesterol trong máu cũng ở mức cao thì cần thực hiện các biện pháp giảm huyết áp và cholesterol.
Bên cạnh việc điều trị nguyên nhân gốc rễ, người bệnh sẽ cần thêm các phương pháp điều trị làm chậm tốc độ tiến triển của bệnh võng mạc, gồm có laser quang đông võng mạc để thu nhỏ hoặc đóng các mạch máu bị rò rỉ và tiêm nội nhãn để giảm sưng.
Phòng ngừa
Để phòng ngừa bệnh võng mạc và các biến chứng khác của bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường, người bệnh cần dùng thuốc đều đặn để kiểm soát tốt huyết áp hoặc lượng đường trong máu. Bên cạnh đó, hãy thực hiện theo khuyến nghị của bác sĩ về việc thay đổi lối sống lành mạnh, gồm có tập thể dục thường xuyên, giảm căng thẳng và không hút thuốc.
Khám sức khỏe định kỳ là điều rất quan trọng, ngay cả khi không nhận thấy bất kỳ triệu chứng bất thường nào. Bệnh võng mạc và các vấn đề về mắt nghiêm trọng khác có thể xảy ra âm thầm mà không có triệu chứng. Khám sức khỏe định kỳ sẽ giúp phát hiện sớm vấn đề. Nếu bệnh được phát hiện sớm, khả năng điều trị thành công sẽ cao hơn và tránh bị mất thị lực vĩnh viễn.
Tóm tắt bài viết
Bệnh võng mạc do tăng huyết áp là kết quả của tình trạng huyết áp cao không được kiểm soát trong thời gian dài, còn bệnh võng mạc đái tháo đường là do lượng đường trong máu cao không được kiểm soát. Cả hai loại bệnh võng mạc đều xảy ra do các mạch máu cấp máu cho võng mạc bị hỏng.
Kiểm soát nguyên nhân gốc rễ là cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa tổn thương võng mạc và mất thị lực.

Thận không hoạt động bình thường có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Tình trạng thận bị tổn thương và suy giảm chức năng được gọi là suy thận. Suy thận có thể dẫn đến rối loạn điện giải cũng như tích tụ độc tố và nước dư thừa trong máu. Ngoài ra, suy thận còn có thể làm gián đoạn quá trình sản xuất các hormone giúp ổn định huyết áp và sản sinh hồng cầu. Điều này sẽ dẫn đến tăng huyết áp và thiếu máu.

Tăng huyết áp là bệnh chỉ bộc lộ rất ít hoặc không có triệu chứng. Do vậy mà đa số mọi người đều không hề biết mình bị bệnh trong suốt nhiều năm trời.

Mặc dù người trên 65 tuổi có nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp cao hơn nhưng căn bệnh này có thể xảy ra ở độ tuổi trẻ hơn, thậm chí ở độ tuổi 20.

Tăng huyết áp có liên quan đến nhiều bệnh lý khác, bao gồm bệnh tim, thận và tuyến giáp. Tuy nhiên cũng có nhiều cách để giảm nguy cơ mắc những bệnh lý này khi bị tăng huyết áp.

Tăng huyết áp là một trong những yếu tố nguy cơ chính gây bệnh tim mạch, gồm có cơ tim phì đại và bệnh mạch vành.