Những ai có nguy cơ bị huyết khối tĩnh mạch sâu?

Huyết khối tĩnh mạch sâu rất nguy hiểm vì cục máu đông có thể vỡ ra, sau đó di chuyển đến phổi và làm tắc mạch máu của phổi. Tình trạng này được gọi là thuyên tắc phổi.
Cùng tìm hiểu xem có những yếu tố nào làm tăng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu và cần làm những gì để giảm thiểu nguy cơ.
Các yếu tố nguy cơ gây huyết khối tĩnh mạch sâu
Tuổi tác là một trong những yếu tố nguy cơ chính gây huyết khối tĩnh mạch sâu. Tình trạng này đa phần xảy ra nhất ở người từ 50 tuổi trở lên. Các yếu tố nguy cơ khác còn có:
- Thừa cân hoặc béo phì
- Đang mang thai hoặc trong vòng 6 tuần sau sinh
- Tiền sử gia đình bị huyết khối tĩnh mạch sâu
- Đặt ống thông tĩnh mạch
- Tĩnh mạch sâu bị tổn thương
- Mới phẫu thuật gần đây
- Dùng thuốc tránh thai đường uống hoặc liệu pháp hormone thay thế
- Hút thuốc
- Ngồi trong thời gian dài, chẳng hạn như đi khi tàu xe đường dài
- Mới bị gãy vùng chậu, xương hông hoặc xương chân
Phòng ngừa huyết khối tĩnh mạch sâu
Biết được nguy cơ của bản thân và thực hiện các biện pháp phòng ngừa sẽ giúp giảm nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu.
- Khám sức khỏe định kỳ
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh
- Vận động tích cực
- Duy trì huyết áp khỏe mạnh
- Không hút thuốc
- Không ngồi trong thời gian dài
- Uống đủ nước hàng ngày
Phòng ngừa huyết khối tĩnh mạch sâu khi đi xe đường dài
Nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu sẽ tăng cao khi ngồi một chỗ trong thời gian dài, ví dụ như khi ngồi tàu xe đường dài. Dưới đây là một số cách để giảm nguy cơ hình thành cục máu đông khi phải di chuyển đường dài:
- Thường xuyên đứng lên và đi bộ dọc lối đi nếu có thể.
- Không ngồi bắt chéo chân.
- Mặc quần ống rộng để tránh gây cản trở lưu thông máu.
- Uống đủ nước và không uống các loại đồ uống gây mất nước như rượu, cà phê trước chuyến đi.
- Cử động chân liên tục khi ngồi.
Phòng ngừa huyết khối tĩnh mạch sâu sau phẫu thuật
Những người đang phải nằm viện có nguy cơ bị huyết khối tĩnh mạch sâu cao hơn do phải nằm một chỗ trong thời gian dài. Để giảm nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu sau phẫu thuật, bạn nên:
- Đứng lên đi lại càng sớm càng tốt
- Uống đủ nước
- Mang vớ y khoa khi nằm
- Uống thuốc chống đông máu
Phòng ngừa huyết khối tĩnh mạch sâu khi mang thai
Phụ nữ đang mang thai hoặc mới sinh con có nguy cơ bị huyết khối tĩnh mạch sâu cao hơn. Nguyên nhân là do những thay đổi về hormone khiến máu dễ đông hơn và tử cung chèn ép lên mạch máu gây cản trở sự lưu thông máu. Mặc dù không thể phòng ngừa huyết khối tĩnh mạch sâu một cách hoàn toàn nhưng có thể giảm thiểu nguy cơ bằng các cách sau đây:
- Vận động tích cực
- Không ngồi hoặc nằm lâu
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh
- Uống đủ nước
- Mang vớ y khoa nếu bác sĩ khuyến nghị
- Tập thể dục. Các hình thức tập luyện tác động thấp như bơi lội và yoga an toàn với phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, tốt hơn hết vẫn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu chế độ tập luyện nào trong thời gian mang thai.
Triệu chứng của huyết khối tĩnh mạch sâu
Huyết khối tĩnh mạch sâu thường không biểu hiện triệu chứng nhưng một số người gặp phải những triệu chứng như:
- Sưng ở bàn chân, mắt cá chân hoặc cẳng chân, thường ở một bên
- Đau giống như chuột rút, thường bắt đầu ở bắp chân
- Đau dữ dội ở bàn chân hoặc mắt cá chân
- Cảm giác nóng ở một vùng da
- Một vùng da trở nên nhợt nhạt, đỏ hoặc thâm tím
Triệu chứng của thuyên tắc phổi
Nhiều trường hợp thuyên tắc phổi cũng không có triệu chứng. Trên thực tế, ở khoảng 25% số ca bệnh, đột tử là triệu chứng đầu tiên của thuyên tắc phổi.
Tuy nhiên, thuyên tắc phổi cũng có thể gây ra các triệu chứng như:
- Chóng mặt
- Đổ mồ hôi
- Đau ngực tăng nặng khi ho hoặc hít thở sâu
- Thở gấp
- Ho ra máu
- Tim đập nhanh
Phương pháp chẩn đoán huyết khối tĩnh mạch sâu
Hãy đi khám càng sớm càng tốt khi có những dấu hiệu của huyết khối tĩnh mạch sâu hoặc thuyên tắc phổi. Bác sĩ sẽ xem xét bệnh sử và khám lâm sàng, sau đó tiến hành các phương pháp chẩn đoán sau:
- Siêu âm
- Chụp tĩnh mạch
- Xét nghiệm D-dimer
Điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu
Phương pháp chính để điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu là thuốc chống đông máu hay thuốc làm loãng máu, chẳng hạn như heparin và warfarin. Các loại thuốc này hỗ trợ cơ thể làm tan cục máu đông và ngăn ngừa hình thành cục máu đông mới. Ngoài ra, người bệnh nên mang vớ y khoa và thực hiện những thay đổi lối sống sau đây:
- Tăng cường hoạt động thể chất
- Bỏ thuốc lá
- Giảm cân nếu thừa cân và duy trì cân nặng khỏe mạnh
Nếu thuốc chống đông máu không hiệu quả thì có thể sẽ phải đặt lưới lọc tĩnh mạch chủ để ngăn cục máu đông di chuyển đến phổi.
Tiên lượng khi bị huyết khối tĩnh mạch sâu
Huyết khối tĩnh mạch sâu là một tình trạng nghiêm trọng có thể đe dọa đến tính mạng. Tuy nhiên, đây là một vấn đề có thể phòng ngừa và điều trị được. Phát hiện và điều trị kịp thời sẽ giúp ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm như thuyên tắc phổi.

Huyết khối tĩnh mạch cảnh là cục máu đông hình thành ở một trong các tĩnh mạch cảnh trong. Đây là một vấn đề rất hiếm gặp nhưng có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị.

Tăng áp động mạch phổi do thuyên tắc huyết khối mạn tính (chronic thromboembolic pulmonary hypertension) là một dạng tăng huyết áp hiếm gặp xảy ra ở phổi. Đây là biến chứng của tình trạng thuyên tắc phổi kéo dài (cục máu đông hình thành ở nơi khác trong cơ thể di chuyển đến một động mạch trong phổi và gây tắc nghẽn). Cục máu đông làm tăng huyết áp trong mạch máu, dẫn đến tình trạng tăng áp động mạch phổi hay tăng áp phổi.

Huyết khối động mạch có nghĩa là cục máu đông hình thành trong động mạch. Nếu cục máu đông chặn dòng máu đến một cơ quan quan trọng như tim hoặc não, tình trạng này có thể gây tử vong.

Chụp cắt lớp vi tính đánh giá vôi hóa mạch vành (Coronary Calcium Test) máu kiểm tra cholesterol là một phương pháp giúp đánh giá nguy cơ mắc bệnh tim mạch.