Huyết khối tĩnh mạch gan bàn chân điều trị bằng cách nào?

Tĩnh mạch gan bàn chân là những mạch máu mang máu từ lòng bàn chân trở về tim. Huyết khối tĩnh mạch gan bàn chân là khi một trong những tĩnh mạch này có cục máu đông. Đây là một tình trạng hiếm gặp nhưng gây đau đớn và ảnh hưởng đến khả năng đi lại, vận động.
Huyết khối tĩnh mạch gan bàn chân có thể được điều trị bằng thuốc làm tan cục máu đông và vớ y khoa để hỗ trợ máu lưu thông từ chân lên tim.
Huyết khối tĩnh mạch gan bàn chân là gì?
Theo một báo cáo vào năm 2021, huyết khối tĩnh mạch gan bàn chân là một rối loạn tuần hoàn hiếm gặp với chưa đến 50 trường hợp được báo cáo trong tài liệu y khoa quốc tế.
Tuy nhiên, báo cáo này và các nghiên cứu khác cho thấy số trường hợp mắc huyết khối tĩnh mạch gan bàn chân trên thực tế có thể cao hơn nhiều vì tình trạng này có thể bị chẩn đoán nhầm là viêm cân gan bàn chân.
Huyết khối tĩnh mạch gan bàn chân có nghĩa là cục máu đông hình thành ở một trong các tĩnh mạch sâu ở lòng bàn chân. Cục máu đông cản trở máu chảy từ lòng bàn chân về tim, gây đau và khó chịu ở bàn chân.
Triệu chứng của huyết khối tĩnh mạch gan bàn chân
Hai triệu chứng chính của huyết khối tĩnh mạch gan bàn chân là đau gót chân và đau dọc theo vùng bên trong của lòng bàn chân. Người bệnh có thể bị đau nghiêm trọng đến mức không thể di lại hoặc đứng lâu.
Huyết khối tĩnh mạch gan bàn chân còn gây sưng và cảm giác “nặng” ở bàn chân.
Nguyên nhân gây huyết khối tĩnh mạch gan bàn chân
Giống như các loại huyết khối tĩnh mạch sâu khác, huyết khối tĩnh mạch gan bàn chân có thể do nhiều nguyên nhân gây ra như:
- Bệnh ung thư
- Nhiễm trùng
- Bị thương ở cẳng chân hoặc bàn chân
- Phẫu thuật ảnh hưởng đến tĩnh mạch hoặc động mạch ở bàn chân hoặc cẳng chân
Yếu tố nguy cơ gây huyết khối tĩnh mạch gan bàn chân
Tất cả những rối loạn di truyền khiến máu dễ đông hơn bình thường đều làm tăng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch gan bàn chân, chẳng hạn như:
- Yếu tố V Leiden (gây hội chứng tăng đông máu)
- Tăng homocystein máu
- Đột biến gen prothrombin 20210
- Hội chứng tiểu cầu dính
Sự thiếu hụt các protein đông máu, gồm protein C, protein S và antithrombin cũng làm tăng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch gan bàn chân.
Các yếu tố nguy cơ khác gồm có lối sống ít vận động, béo phì và ngồi trong thời gian dài, chẳng hạn như khi tàu xe đường dài. Liệu pháp hormone thay thế cũng có thể làm tăng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch gan bàn chân và huyết khối tĩnh mạch sâu..
Phương pháp điều trị huyết khối tĩnh mạch gan bàn chân
Phương pháp điều trị đầu tiên thường là dùng thuốc chống đông máu hay còn được gọi là thuốc làm loãng máu. Các loại thuốc này có thể được dùng qua đường uống hoặc truyền tĩnh mạch.
Hai loại thuốc chống đông máu được dùng phổ biến là heparin và warfarin. Người bệnh cũng có thể được kê thuốc chống viêm không steroid (NSAID) để giảm sưng và viêm ở bàn chân.
Bên cạnh đó nên mang vớ y khoa, loại vớ đặc biệt tạo áp lực nhẹ lên cẳng chân để hỗ trợ máu lưu thông trở về tim.
Nếu cục máu đông có kích thước lớn và có nguy cơ gây thuyên tắc phổi (cục máu đông di chuyển từ tĩnh mạch sâu ở chân đến phổi và làm tắc nghẽn mạch máu của phổi) thì cần sử dụng thuốc tiêu sợi huyết để làm tan cục máu đông.
Tiên lượng của người bị huyết khối tĩnh mạch gan bàn chân
Do mới chỉ có rất ít trường hợp huyết khối tĩnh mạch gan bàn chân được ghi nhận trong tài liệu y khoa nên chưa có nhiều thông tin về tiên lượng của những người mắc bệnh này. Tuy nhiên, nếu được điều trị kịp thời và hiệu quả, huyết khối tĩnh mạch gan bàn chân sẽ không gây ra bất kỳ biến chứng lâu dài nào.
Trong những trường hợp bị huyết khối tĩnh mạch gan bàn chân nhưng không xác định được nguyên nhân rõ ràng, người bệnh sẽ phải làm xét nghiệm kiểm tra xem có mắc hội chứng tăng đông máu hay không. Hội chứng này xảy ra do sự mất cân bằng các yếu tố đông máu hoặc protein đông máu, thường là do di truyền. Hội chứng tăng đông máu thường được điều trị bằng thuốc chống đông máu.
Tóm tắt bài viết
Huyết khối tĩnh mạch gan bàn chân là cục máu đông ở một trong những tĩnh mạch chạy qua lòng bàn chân. tình trạng này có thể bị chẩn đoán nhầm thành viêm cân gan bàn chân. Huyết khối tĩnh mạch gan bàn chân gây đau ở gót chân, vùng bên trong của lòng bàn chân, sưng và nặng bàn chân. Cục máu đông ở tĩnh mạch gan bàn chân có thể di chuyển đến phổi và gây thuyên tắc phổi. Do đó, hãy đi khám khi thấy các biểu hiện bất thường để điều trị kịp thời và ngăn ngừa biến chứng.

Viêm tĩnh mạch huyết khối là tình trạng tĩnh mạch bị viêm do cục máu đông. Tình trạng này thường xảy ra ở chân. Cục máu đông hình thành do các tế bào máu kết tụ lại với nhau và gây cản trở sự lưu thông máu. Đây là một tình trạng nguy hiểm .Viêm tĩnh mạch huyết khối có thể xảy ra ở các tĩnh mạch gần bề mặt da hoặc tĩnh mạch nằm giữa các lớp cơ.

Huyết khối tĩnh mạch não là một vấn đề nghiêm trọng xảy ra khi cục máu đông hình thành trong tĩnh mạch ở não. Nếu không được điều trị, tình trạng này sẽ dẫn đến chảy máu não và đột quỵ.

Tăng huyết áp tĩnh mạch là tình trạng huyết áp bên trong các tĩnh mạch chân ở mức cao hơn bình thường. Tình trạng này gây cản trở sự lưu thông máu giàu oxy đến phần thân dưới và gây ra các vấn đề như sưng phù và loét chân.

Dị dạng động tĩnh mạch là sự nối thông bất thường giữa tĩnh mạch và động mạch. Những mạch máu bất thường này có thể bị vỡ và gây nguy hiểm đến tính mạng.

Huyết khối tĩnh mạch sâu là tình trạng cục máu đông hình thành trong tĩnh mạch sâu bên trong cơ thể. Cục máu đông được tạo nên từ tiểu cầu và mạng lưới các sợi protein gọi là fibrin. Cục máu đông gây cản trở dòng máu trong tĩnh mạch. Cục máu đông có thể vỡ ra và di chuyển đến những vị trí khác trong cơ thể.