Tăng huyết áp tĩnh mạch điều trị bằng cách nào?

Tăng huyết áp tĩnh mạch thường là do vấn đề về van bên trong tĩnh mạch, dẫn đến tình trạng máu chảy ngược và ứ đọng trong tĩnh mạch. Tăng huyết áp tĩnh mạch cũng có thể xảy ra do mang thai và một số rối loạn di truyền hiếm gặp.
Tăng huyết áp tĩnh mạch và suy tĩnh mạch
Tăng huyết áp tĩnh mạch là tình trạng huyết áp trong các tĩnh mạch ở chân tăng cao. Đây là một biến chứng của suy tĩnh mạch.
Suy tĩnh mạch là khi các tĩnh mạch không thể đưa máu từ chân trở về tim một cách hiệu quả. Điều này dẫn đến ứ đọng máu ở chân và làm tăng huyết áp trong tĩnh mạch.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp tĩnh mạch
Động mạch mang máu giàu oxy ra khỏi tim trong khi tĩnh mạch mang máu nghèo oxy trở về tim. Các tĩnh mạch ở phần dưới cơ thể mang máu trở về tim theo hướng ngược lại với trọng lực khi chúng ta đứng hoặc ngồi thẳng.
Các tĩnh mạch này có van một chiều ngăn máu chảy ngược trở lại. Tình trạng mà các tĩnh mạch khó đưa máu trở về tim được gọi là suy tĩnh mạch. Một trong những biểu hiện đầu tiên của suy tĩnh mạch là tăng huyết áp tĩnh mạch.
Tăng huyết áp tĩnh mạch đa phần là do tình trạng máu chảy ngược qua các van trong tĩnh mạch.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ suy tĩnh mạch mạn tính:
- Từ 55 tuổi trở lên
- Có tiền sử gia đình bị giãn tĩnh mạch hoặc các vấn đề về tĩnh mạch khác
- Béo phì
- Sử dụng thuốc tránh thai đường uống
- Sử dụng thuốc lá
- Đang mang thai
- Có tiền sử huyết khối tĩnh mạch sâu hoặc viêm tắc huyết khối tĩnh mạch
- Từng bị chấn thương chân
- Lối sống ít vận động
- Là phụ nữ
Tăng huyết áp tĩnh mạch cũng có thể là do một số rối loạn di truyền, ví dụ như hội chứng Klippel-Trenaunay (gây tăng huyết áp tĩnh mạch nghiêm trọng).
Khoảng 40% phụ nữ mang thai bị suy tĩnh mạch và tăng huyết áp tĩnh mạch.
Triệu chứng của tăng huyết áp tĩnh mạch
Những người bị suy tĩnh mạch sẽ gặp phải các dấu hiệu và triệu chứng do lưu thông máu kém ở phần thân dưới, gồm:
- Đau chân
- Giãn tĩnh mạch
- Sưng phù chân
- Xuất hiện những vùng thâm đen ở chân
- Các mảng da khô, bong tróc trên chân
- Loét chân
- Vết thương lâu lành
Biến chứng của tăng huyết áp tĩnh mạch
Suy tĩnh mạch và tăng huyết áp tĩnh mạch có thể dẫn đến các biến chứng như:
- Loét tĩnh mạch
- Huyết khối tĩnh mạch sâu
- Viêm tắc huyết khối tĩnh mạch nông (viêm tĩnh mạch ngay dưới da do cục máu đông)
- Thuyên tắc phổi – một tình trạng rất nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng
- Nhiễm trùng nghiêm trọng và hoại tử
Hoại tử nghiêm trọng có thể dẫn đến phải cắt cụt chi.
Khi nào cần đi khám?
Hãy đi khám càng sớm càng tốt khi gặp các triệu chứng lưu thông máu kém như sưng chân hoặc các mảng thâm đen ở chân. Bác sĩ sẽ thăm khám để tìm ra nguyên nhân gây ra các triệu chứng này và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
Gọi cấp cứu hoặc đến bệnh viện ngay lập tức khi có bất kỳ triệu chứng nào của thuyên tắc phổi, như:
- Khó thở, hụt hơi
- Đau ngực
- Ho
- Nhịp tim nhanh
- Chóng mặt, choáng váng
- Sưng ở một bàn chân, mắt cá chân hoặc cẳng chân
- Đau giống như bị chuột rút ở chân, thường là ở bắp chân
- Đau dữ dội ở bàn chân hoặc mắt cá chân
- Cảm giác nóng ở một vùng trên cẳng chân hoặc bàn chân
- Da trở nên nhợt nhạt, đỏ hoặc xanh tím
Phương pháp chẩn đoán tăng huyết áp tĩnh mạch
- Khai thác thông tin về bệnh sử và các triệu chứng
- Khám lâm sàng, trong đó bác sĩ sẽ kiểm tra chân của người bệnh để tìm các triệu chứng đặc trưng như loét hoặc sưng phù.
- Siêu âm Doppler để đo tốc độ máu chảy qua tĩnh mạch và đánh giá chức năng của các van trong tĩnh mạch.
Nếu phát hiện dấu hiệu tăng huyết áp tĩnh mạch hoặc suy tĩnh mạch, bác sĩ sẽ tiến hành thêm các xét nghiệm khác để tìm nguyên nhân gây ra vấn đề.
Phương pháp điều trị tăng huyết áp tĩnh mạch
Các phương pháp điều trị tăng huyết áp tĩnh mạch và suy tĩnh mạch:
- Vớ y khoa để cải thiện lưu thông máu ở chân
- Thay đổi lối sống, chẳng hạn như:
- Giảm cân nếu thừa cân
- Điều chỉnh chế độ ăn uống
- Tập thể dục đều đặn
- Laser nội mạch: sử dụng năng lượng nhiệt từ tia laser để đóng các tĩnh mạch
- Chích (tiêm) xơ tĩnh mạch: tiêm một chất gây xơ trực tiếp vào tĩnh mạch để đóng tĩnh mạch, sau đó tĩnh mạch sẽ dần dần biến mất
- Thắt và cắt bỏ tĩnh mạch
- Sửa van tĩnh mạch bị hỏng
Tăng huyết áp tĩnh mạch có nguy hiểm không?
Nếu không điều trị, tình trạng tăng huyết áp tĩnh mạch và suy tĩnh mạch sẽ trở nên nặng hơn theo thời gian và dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng như loét và huyết khối tĩnh mạch sâu. Huyết khối tĩnh mạch sâu có thể dẫn đến thuyên tắc phổi – một tình trạng nguy hiểm có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Phòng ngừa tăng huyết áp tĩnh mạch
Rất khó phòng ngừa tăng huyết áp tĩnh mạch một cách tuyệt đối nhưng thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe mạch máu có thể giảm nguy cơ gặp phải vấn đề này:
-
- Không sử dụng các sản phẩm thuốc lá
- Tránh ngồi liên tục trong thời gian dài
- Giảm lượng muối trong chế độ ăn
- Tập thể dục thường xuyên
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh
Tóm tắt bài viết
Tăng huyết áp tĩnh mạch là khi huyết áp tăng cao trong các tĩnh mạch ở phần thân dưới. Đây là một biến chứng của suy tĩnh mạch, tình trạng các tĩnh mạch khó đưa máu trở về tim.
Người bị tăng huyết áp tĩnh mạch thường gặp phải các triệu chứng do máu lưu thông kém ở chân như đau chân, sưng phù chân, vết thương chậm lành và các mảng da thâm tím. Những trường hợp bệnh nhẹ có thể điều trị bằng vớ y khoa và thay đổi thói quen sống nhưng những trường hợp nghiêm trọng có thể phải phẫu thuật để sửa hoặc thay van tĩnh mạch bị hỏng.

Dị dạng động tĩnh mạch là sự nối thông bất thường giữa tĩnh mạch và động mạch. Những mạch máu bất thường này có thể bị vỡ và gây nguy hiểm đến tính mạng.

Huyết khối tĩnh mạch cảnh là cục máu đông hình thành ở một trong các tĩnh mạch cảnh trong. Đây là một vấn đề rất hiếm gặp nhưng có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị.

Viêm tĩnh mạch huyết khối là tình trạng tĩnh mạch bị viêm do cục máu đông. Tình trạng này thường xảy ra ở chân. Cục máu đông hình thành do các tế bào máu kết tụ lại với nhau và gây cản trở sự lưu thông máu. Đây là một tình trạng nguy hiểm .Viêm tĩnh mạch huyết khối có thể xảy ra ở các tĩnh mạch gần bề mặt da hoặc tĩnh mạch nằm giữa các lớp cơ.

Huyết khối tĩnh mạch não là một vấn đề nghiêm trọng xảy ra khi cục máu đông hình thành trong tĩnh mạch ở não. Nếu không được điều trị, tình trạng này sẽ dẫn đến chảy máu não và đột quỵ.

Bệnh Buerger hay viêm thuyên tắc mạch máu là một bệnh hiếm gặp xảy ra ở động mạch và tĩnh mạch ở tay và chân. Ở những người mắc bệnh lý này, các mạch máu bị viêm, sưng và có thể bị tắc nghẽn do cục máu đông (huyết khối). Điều này làm gián đoạn sự lưu thông máu đến da, làm hỏng mô da và có thể dẫn đến nhiễm trùng hoặc hoại thư. Các triệu chứng đầu tiên của bệnh Buerger thường xuất hiện ở bàn tay và bàn chân rồi cuối cùng lan rộng ra trên cánh tay và cẳng chân.