Gãy xương chân điều trị bằng cách nào?

Việc điều trị gãy xương chân phụ thuộc vào vị trí bị gãy xương và mức độ nghiêm trọng của chấn thương. Những trường hợp gãy xương chân nghiêm trọng có thể phải phẫu thuật đặt nẹp vít để cố định xương cho đến khi liền lại. Những trường hợp gãy xương chân đơn giản hơn có thể chỉ cần bó bột hoặc đeo nẹp bên ngoài. Dù nguyên nhân là gì và mức độ nghiêm trọng ra sao thì gãy xương chân cũng cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời để xương liền lại bình thường và tránh xảy ra biến chứng.
Dấu hiệu gãy xương chân
Gãy xương đùi (xương khỏe nhất trong cơ thể) thường dễ phát hiện vì lực tác động phải rất lớn mới có thể làm gãy xương đùi. Tuy nhiên, gãy xương chày (xương chịu trọng lực lớn ở cẳng chân) và gãy xương mác (xương nhỏ hơn xương chày, nằm ở bên ngoài của cẳng chân) lại khó phát hiện hơn.
Các dấu hiệu của gãy xương chân gồm có:
- Đau dữ dội, đau tăng khi cử động chân
- Sưng tấy
- Đau khi chạm tay lên khu vực bị gãy xương
- Bầm tím
- Chân bị biến dạng, chẳng hạn như bị ngắn đi
- Không thể đi lại
Các dấu hiệu gãy xương chân ở trẻ em là khóc dữ dội, ôm chân, sưng tấy, bầm tím, biến dạng chân.
Khi nào cần đi khám?
Nếu xảy ra tai nạn và nghi ngờ bản thân hoặc trẻ nhỏ bị gãy xương chân thì phải đến ngay cơ sở y tế. Sự chậm trễ trong chẩn đoán và điều trị có thể dẫn đến các vấn đề về sau này, chẳng hạn như biến dạng chân vĩnh viễn và mất khả năng đi lại bình thường.
Gọi cấp cứu hoặc đến bệnh viện khẩn cấp nếu gãy xương chân xảy ra do chân bị tác động mạnh, chẳng hạn như do tai nạn giao thông. Gãy xương đùi là chấn thương nghiêm trọng, có thể đe dọa đến tính mạng nên cần can thiệp khẩn cấp để tránh cho đùi tổn thương thêm và đảm bảo an toàn trong quá trình di chuyển đến bệnh viện.
Nguyên nhân gây gãy xương chân
Gãy xương chân có thể xảy ra do một số nguyên nhân như:
- Ngã: Vấp ngã bình thường cũng có thể làm gãy một hoặc cả hai xương cẳng chân. Tuy nhiên, xương đùi hiếm khi bị gãy do té ngã.
- Tai nạn giao thông: Cả xương đùi, xương mác và xương chày đều có thể bị gãy do tai nạn giao thông.
- Chấn thương trong thể thao: Các môn thể thao dễ xảy ra va đập như bóng đá, thể dục dụng cụ hay khúc côn cồn có thể gây gãy xương chân.
- Trẻ em bị bạo hành: Ở trẻ em, nguyên nhân gây gãy xương chân có thể là do bị bạo hành, đặc biệt là ở những trẻ chưa biết đi.
- Gãy xương do áp lực: Theo thời gian, các xương chịu trọng lực của cơ thể, bao gồm cả xương chày có thể hình thành các vết nứt nhỏ. Khi phải chịu áp lực lặp đi lặp lại hoặc sử dụng liên tục, chẳng hạn như khi chạy đường dài, nhữngg vết nứt này có thể dẫn đến gãy xương. Gãy xương do áp lực cũng có thể xảy ra khi sử dụng bình thường một xương đã bị suy yếu do loãng xương.
Các yếu tố nguy cơ
Gãy xương do áp lực thường là kết quả do áp lực lặp đi lặp lại lên xương chân trong các hoạt động thể chất, chẳng hạn như chạy bộ, múa ba lê, chơi thể thao,…
Chơi các môn thể thao dễ xảy ra va đập, chẳng hạn như khúc côn cầu và bóng đá, làm tăng nguy cơ gãy xương chân.
Gãy xương do áp lực xảy ra phổ biến hơn ở những người:
- Có mật độ xương thấp (loãng xương)
- Mắc bệnh tiểu đường
- Mắc bệnh viêm khớp dạng thấp
Biến chứng của gãy xương chân
Gãy xương chân có thể dẫn đến các biến chứng như:
- Đau đầu gối hoặc mắt cá chân: Gãy xương chân có thể dẫn đến đau ở đầu gối hoặc mắt cá chân.
- Liền xương kém: Xương chân bị gãy nghiêm trọng có thể bị chậm liền, liền lại không hoàn toàn hoặc biến dạng. Điều này đặc biệt phổ biến trong những trường hợp gãy xương chày hở vì lưu lượng máu đến xương chày thấp hơn so với các xương khác.
- Nhiễm trùng xương (viêm tủy xương): Khi bị gãy xương hở, xương có thể tiếp xúc với nấm và vi khuẩn trong không khí hoặc trên da và bị nhiễm trùng.
- Tổn thương dây thần kinh hoặc mạch máu: Gãy xương chân có thể làm tổn thương các dây thần kinh và mạch máu xung quanh. Đến ngay cơ sở y tế nếu bị tê bì mất cảm giác hoặc có các dấu hiệu cho thấy mạch máu bị tổn thương như bầm tím nghiêm trọng.
- Hội chứng chèn ép khoang: Hội chứng chèn ép khoang xảy ra khi áp lực trong một khoang kín trong cơ thể tăng lên, gây cản trở lưu thông máu đến khu vực đó, dẫn đến tổn thương cơ và các dây thần kinh lân cận. Tình trạng này có thể xảy ra sau khi bị gãy xương chân và có thể dẫn đến tàn tật. Đây là một biến chứng hiếm gặp của gãy xương chân, thường xảy ra khi bị chấn thương do lực tác động mạnh, chẳng hạn như tai nạn giao thông.
- Viêm khớp: Đường gãy xương kéo dài đến khớp và xương không được nắn chính thẳng sau khi gãy có thể dẫn đến viêm xương khớp trong tương lai. Nếu bị đau nhức chân dai dẳng khi nghỉ ngơi thì hãy đi khám.
- Chân thấp chân cao: Các xương dài của trẻ em hình thành từ đĩa tăng trưởng nằm ở đầu xương. Đường gãy xương cắt qua đĩa tăng trưởng có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển xương và khiến cho chi bị gãy trở nên ngắn hơn hoặc dài hơn chi bên kia.
Phòng ngừa gãy xương chân
Gãy xương chân xảy ra do những tai nạn ngoài ý muốn nên rất khó phòng ngừa. Tuy nhiên, các cách dưới đây có thể giúp giảm thiểu nguy cơ gãy xương chân:
- Tăng cường sức khỏe xương bằng cách ăn nhiều thực phẩm giàu canxi, chẳng hạn như sữa tươi, sữa chua và phô mai. Uống bổ sung canxi hoặc vitamin D nếu bị thiếu hụt. Tuy nhiên, nên làm xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ canxi, vitamin D và hỏi ý kiến bác sĩ trước khi uống bổ sung các chất này.
- Mang giày thể thao phù hợp: Chọn giày chất lượng tốt, vừa chân và phù hợp với môn thể thao định chơi.
- Thay giày thể thao thường xuyên: Thay giày khi gai hoặc gót giày bị mòn hoặc khi cảm thấy giày ở hai chân không đều nhau. Những người chạy bộ đường dài nên thay giày thể thao mới sau khi chạy 500 đến 700km.
- Bắt đầu từ từ: Khởi động kỹ và tăng dần cường độ vào mỗi buổi tập và khi chuyển sang chương trình tập luyện mới.
- Tập xen kẽ các bài tập khác nhau: Việc tập xen kẽ các bài tập khác nhau vào các ngày trong tuần (chẳng hạn như chạy bộ vào thứ 2, 4, 6 và bơi vào thứ 3, 5) giúp giảm nguy cơ gãy xương do áp lực.
Chẩn đoán gãy xương chân
Trong quá trình khám lâm sàng, bác sĩ sẽ kiểm tra vùng nghi ngờ gãy xương xem có bị đau, sưng tấy, biến dạng hoặc vết thương hở hay không.
Sau đó cần chụp X-quang để xác định chính xác vị trí gãy xương và mức độ tổn thương khớp lân cận. Đôi khi cần thực hiện thêm các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác như chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) để đánh giá tình trạng gãy xương một cách chi tiết hơn.
Điều trị gãy xương chân
Việc điều trị gãy xương chân tùy thuộc vào loại xương bị gãy và vị trí đường gãy. Gãy xương do áp lực có thể chỉ cần nghỉ ngơi và giữ bất động cho đến khi xương liền lại. Gãy xương được chia thành các loại như sau:
- Gãy xương hở: Đầu xương gãy đâm xuyên qua da, tạo thành vết thương hở trên da. Đây là một dạng gãy xương nghiêm trọng cần được điều trị tích cực khẩn cấp để giảm nguy cơ nhiễm trùng.
- Gãy xương kín: Đầu xương gãy không đâm qua da.
- Gãy xương không hoàn toàn: Đường gãy không làm mất tính liên tục của xương.
- Gãy xương hoàn toàn: Xương bị mất tính liên tục, gãy rời thành hai hoặc nhiều phần.
- Gãy xương di lệch: Các đầu xương gãy bị lệch khỏi vị trí ban đầu. Gãy xương di lệch có thể phải phẫu thuật để nắn xương về đúng vị trí.
- Gãy xương cành tươi: Xương nứt hoặc cong nhưng không gãy hoàn toàn, giống như khi bẻ một cành cây tươi (hai nửa cành cây thường không bị đứt lìa). Hầu hết các trường hợp gãy xương ở trẻ em là gãy xương cành tươi vì xương của trẻ mềm và linh hoạt hơn xương của người lớn.
Nắn chỉnh xương
Đầu tiên, bác sĩ sẽ đánh giá chấn thương và cố định xương gãy bằng một thanh nẹp. Đối với những trường hợp bị gãy xương di lệch, bác sĩ phải nắn các đầu xương gãy trở lại đúng vị trí trước khi đặt nẹp. Bệnh nhân có thể phải đeo nẹp trong một ngày để giảm sưng trước khi bó bột.
Cố định xương
Hạn chế cử động của xương là điều rất quan trọng trong quá trình liền lại sau khi gãy. Để cố định xương gãy, bác sĩ thường sử dụng nẹp vít hoặc bó bột. Bệnh nhân có thể phải sử dụng nạng hoặc gậy chống để bên chân bị gãy không phải chịu trọng lực trong 6 đến 8 tuần hoặc lâu hơn.
Dùng thuốc
Bệnh nhân thường cần dùng các loại thuốc giảm đau không kê đơn như acetaminophen hoặc ibuprofen hoặc kết hợp cả hai để giảm đau và viêm. Nếu bị đau nhức dữ dội thì sẽ phải dùng các loại thuốc giảm đau mạnh hơn.
Trị liệu phục hồi chức năng
Sau khi tháo bột hoặc nẹp, bệnh nhân nên tập các bài tập phục hồi chức năng hoặc vật lý trị liệu để giảm độ cứng cơ và khôi phục khả năng cử động ở chân bị gãy. Do chi bị gãy xương không cử động trong một thời gian nên cơ sẽ trở nên cứng và yếu. Phục hồi chức năng giúp ích rất nhiều cho những người bị gãy xương nhưng có thể phải mất đến vài tháng hoặc thậm chí lâu hơn để chân có thể đi lại bình thường sau khi bị gãy xương.
Phẫu thuật
Trong hầu hết các trường hợp gãy xương, xương sẽ tự liền lại sau một thời gian giữ bất động. Tuy nhiên, nếu gãy xương nghiêm trọng thì bệnh nhân có thể sẽ phải phẫu thuật. Trong ca phẫu thuật, bác sĩ đặt các dụng cụ cố định xương bên trong như nẹp vít để giữ cố định các đầu xương gãy cho đến khi liền lại. Phẫu thuật thường được chỉ định trong những trường hợp:
- Nhiều gãy xương cùng lúc
- Gãy xương di lệch
- Các mảnh xương rời có thể xâm nhập vào khớp
- Gãy xương gây tổn thương các dây chằng xung quanh
- Đường gãy kéo dài đến khớp
- Xương bị gãy thành nhiều mảnh
- Gãy xương ở các vị trí nguy hiểm, chẳng hạn như xương đùi
Một số trường hợp gãy xương chân cần sử dụng đến dụng cụ cố định xương bên ngoài, gồm có một khung kim loại đặt bên ngoài chi gãy và gắn vào xương bằng đinh hoặc kim. Dụng cụ này giúp giữ cố định các đầu xương gãy trong quá trình liền xương và thường được tháo ra sau khoảng 6 đến 8 tuần. Phương pháp cố định xương bên ngoài có nhược điểm là có thể xảy ra nhiễm trùng ở những vị trí đặt đinh hoặc kim.

Xương đùi là xương lớn nhất và khỏe nhất trong cơ thể. Gãy thân xương đùi sẽ lâu liền hơn so với các xương khác. Gãy thân xương đùi sẽ gây ảnh hưởng lớn đến các hoạt động hàng ngày vì đây là một trong những xương chính giúp chúng ta đi lại.

Gãy mắt cá chân là một loại chấn thương ở xương. Gãy mắt cá chân có thể xảy ra khi bị bước hụt, té ngã hoặc do va đập trực tiếp ở mắt cá chân, chẳng hạn như tai nạn giao thông.
Ung thư di căn xương xảy ra khi các tế bào ung thư di chuyển từ vị trí ban đầu đến xương.
Sarcoma xương là một loại ung thư xương bắt đầu trong các tế bào tạo ra xương. Sarcoma xương chủ yếu xảy ra ở các xương dài, thường là xương cẳng chân và đôi khi ở xương cánh tay nhưng cũng có thể xảy ra ở cả các xương khác trong cơ thể. Trong một số trường hợp hiếm gặp, sarcoma xương xảy ra ở mô mềm bên ngoài xương.