Gãy mắt cá chân điều trị bằng cách nào?

Mức độ nghiêm trọng của tình trạng gãy mắt cá chân tùy thuộc vào lực tác động đến mắt cá chân. Va đập nhẹ có thể chỉ gây ra một vài vết nứt nhỏ ở xương mắt cá chân nhưng va đập mạnh có thể tạo thành các mảnh xương gãy đâm vào gân, cơ và da.
Việc điều trị gãy mắt cá chân phụ thuộc vào vị trí xương bị gãy và mức độ nghiêm trọng của tình trạng. Gãy mắt cá chân nghiêm trọng có thể phải phẫu thuật cố định phần xương bị gãy bằng vít, nẹp hay đĩa đệm để giữ cho xương ở đúng vị trí trong quá trình liền lại.
Dấu hiệu gãy mắt cá chân
Một số dấu hiệu thường gặp khi bị gãy mắt cá chân gồm có:
- Đau nhói ngay sau khi xương bị gãy
- Sưng tấy
- Bầm tím
- Đau khi chạm
- Biến dạng khớp
- Đau đớn khi đứng và đi lại
Cần đi khám ngay nếu thấy mắt cá chân bị biến dạng rõ rệt, tình trạng đau đớn và sưng tấy không thuyên giảm sau khi tự điều trị hoặc nếu tình trạng đau và sưng ngày càng nặng, đặc biệt là khi chấn thương gây ảnh hưởng khả năng đi lại.
Nguyên nhân gây gãy mắt cá chân
Những nguyên nhân phổ biến nhất gây gãy mắt cá chân gồm có:
- Tai nạn giao thông: Mức độ va đập xảy ra trong các vụ tai nạn giao thông thường gây gãy xương nghiêm trọng và cần phải can thiệp bằng phẫu thuật.
- Ngã: Té ngã có thể làm gãy xương mắt cá chân
- Nhảy xuống từ độ cao lớn: Việc tiếp đất bằng chân sau khi nhảy xuống từ độ cao lớn cũng có thể gây gãy mắt cá chân
- Rơi vật nặng vào chân: Các vật nặng rơi vào chân như ổ khóa hay tạ có thể gây gãy xương mắt cá chân.
- Bước hụt: Đôi khi, bước hụt có thể gây trẹo chân và gãy xương mắt cá chân.
- Gãy xương do áp lực: Dạng gãy xương mắt cá chân này thường xảy ra ở những người thường xuyên đi đứng sai tư thế trong thời gian dài. Điều này khiến xương mắt cá chân phải chịu áp lực lớn hơn bình thường, dần dần hình thành những vết nứt nhỏ và dễ bị gãy khi có lực tác động, dù chỉ tác động nhẹ. Những người bị loãng xương có nguy cơ gãy xương do áp lực càng cao.
Các yếu tố nguy cơ
Nguy cơ bị gãy mắt cá chân sẽ cao hơn nếu như:
- Tham gia các môn thể thao gây áp lực lớn lên khớp xương: Các môn thể thao như bóng rổ, bóng đá, thể dục dụng cụ hay tennis khiến cho các khớp xương ở chân phải chịu tác động mạnh trong quá trình hoạt động và điều này làm tăng nguy cơ gãy xương mắt cá chân. Các môn thể thao này còn có nguy cơ va đập hay chấn thương cao và dễ dẫn đến gãy mắt cá chân.
- Sử dụng dụng cụ không phù hợp hoặc sai kỹ thuật khi chơi thể thao: Những dụng cụ không đảm bảo như giày quá mòn hoặc loại giày không dành cho chơi thể thao có thể góp phần gây té ngã, chấn thương và gãy xương. Tập luyện không đúng kỹ thuật, chẳng hạn như không khởi động và giãn cơ cũng có thể gây ra chấn thương mắt cá chân.
- Đột ngột tăng cường độ vận động: Cho dù là vận động viên chuyên nghiệp hay người mới bắt đầu chơi thể thao, việc đột ngột tăng tần suất, cường độ hay thời lượng các buổi tập có thể làm tăng nguy cơ gãy xương do áp lực.
- Vật dụng trong nhà để lộn xộn hoặc thiếu ánh sáng: Vật dụng để lộn xộn hoặc nhà thiếu ánh sáng có thể gây té ngã khi đi lại và dẫn đến chấn thương mắt cá chân.
- Mắc một số bệnh lý: Giảm mật độ xương (loãng xương) sẽ làm tăng nguy cơ gãy xương mắt cá chân.
- Hút thuốc lá: Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ loãng xương. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng hút thuốc khiến xương lâu liền lại hơn sau khi gãy.
Biến chứng của gãy mắt cá chân
Xương mắt cá chân thường liền lại sau khi gãy và hiếm khi để lại biến chứng nhưng đôi khi có thể phát sinh một số biến chứng sau đây:
- Viêm khớp: Đường gãy kéo dài vào khớp có thể gây viêm khớp. Điều này có thể xảy ra sau nhiều năm kể từ thời điểm bị gãy xương. Nếu mắt cá chân bị đau kéo dài cả khi nghỉ ngơi thì hãy đi khám.
- Nhiễm trùng xương (viêm tủy xương): Khi bị gãy xương hở, có nghĩa là đầu xương gãy đâm xuyên qua da, xương có thể tiếp xúc với vi khuẩn và bị nhiễm trùng.
- Hội chứng chèn ép khoang (compartment syndrome): Tình trạng này đôi khi xảy ra sau khi bị gãy xương mắt cá chân. Hội chứng chèn ép khoang gây đau đớn, sưng tấy và có thể ảnh hưởng đến chức năng ở các cơ bị ảnh hưởng.
- Tổn thương dây thần kinh hoặc mạch máu: Chấn thương ở mắt cá chân có thể gây tổn thương hoặc thậm chí làm đứt dây thần kinh và mạch máu. Đến bệnh viện khám ngay lập tức nếu khu vực chấn thương bị tê, bầm tím nặng hoặc tái nhợt. Đây là những dấu hiệu cho thấy dây thần kinh và mạch máu đã bị tổn thương. Khi không được cung cấp máu, xương sẽ bị hoại tử và có thể phải phẫu thuật cắt xương.
Phòng ngừa gãy mắt cá chân
Dưới đây là một số cách để ngăn ngừa gãy mắt cá chân khi chơi thể thao và trong các hoạt động hàng ngày:
- Mang giày phù hợp: Chọn loại giày phù hợp cho từng môn thể thao.
- Thay giày thể thao thường xuyên: Nên thay giày mới khi gai hoặc gót giày bị mòn. Những người chạy bộ thường xuyên nên thay giày thể thao sau mỗi 500 đến 800km.
- Bắt đầu tập luyện từ từ vào mỗi buổi tập và khi chuyển sang một chương trình thể luyện mới. Nhớ khởi động kỹ trước khi tập.
- Tập xen kẽ các bài tập khác nhau vào các ngày trong tuần: Việc này giúp giảm nguy cơ gãy xương do áp lực.
- Tăng cường sức khỏe xương: Bổ sung đủ canxi và vitamin D là điều rất quan trọng đối với sức khỏe xương. Một số loại thực phẩm giàu canxi là sữa tươi, sữa chua và phô mai. Vitamin D chỉ có trong một số rất ít thực phẩm tự nhiên như các loại cá béo, gan, lòng đỏ trứng. Ánh nắng mặt trời là nguồn cung cấp vitamin D chính. Nếu kết quả xét nghiệm máu cho thấy sự thiếu hụt hai chất này thì có thể dùng thực phẩm chức năng để bổ sung.
- Sắp xếp đồ đạc trong nhà gọn gàng: Không để đồ bừa bãi trên sàn nhà để tránh bị vấp ngã.
- Tăng cường cơ mắt cá chân: Nếu bạn dễ bị trẹo mắt cá chân, hãy thử tập các bài tập giúp tăng cường các cơ hỗ trợ của mắt cá chân.
Chẩn đoán gãy mắt cá chân
Trong quá trình thăm khám, bác sĩ sẽ ấn lên mắt cá chân của bệnh nhân để kiểm tra các điểm đau, từ đó xác định nguyên nhân gây đau.
Sau đó bác sĩ di chuyển bàn chân để kiểm tra phạm vi chuyển động. Bệnh nhân có thể được yêu cầu đi lại một đoạn ngắn để bác sĩ đánh giá dáng đi.
Nếu có các dấu hiệu của gãy xương, bác sĩ sẽ đề nghị thực hiện các phương pháp chẩn đoán hình ảnh sau đây để xác nhận:
- Chụp X-quang: Hầu hết các trường hợp gãy mắt cá chân đều được phát hiện qua ảnh chụp X-quang. Có thể phải chụp X-quang ở nhiều góc độ khác nhau để hình ảnh xương không bị trùng lặp. Gãy xương do áp lực thường không hiện trên ảnh chụp X-quang cho đến khi vết gãy bắt đầu liền lại.
- Xạ hình xương: Phương pháp này giúp bác sĩ chẩn đoán gãy xương nếu ảnh chụp X-quang không cho thấy điều bất thường. Kỹ thuật viên sẽ tiêm một lượng nhỏ chất phóng xạ vào tĩnh mạch của bệnh nhân. Chất phóng xạ sẽ hấp thụ vào xương, đặc biệt là những phần xương bị nứt gãy. Các khu vực bị hư hại, bao gồm có gãy xương do áp lực, sẽ hiển thị dưới dạng các điểm sáng trên ảnh chụp.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT): CT sử dụng tia X tạo ra hình ảnh ở nhiều góc độ khác nhau và kết hợp các hình ảnh lại để tạo ra hình ảnh mặt cắt chi tiết của các cấu trúc bên trong cơ thể. Hình ảnh thu được cung cấp thông tin chi tiết hơn về vị trí xương bị gãy và mô mềm xung quanh. Ảnh chụp CT giúp bác sĩ xác định phương pháp điều trị gãy mắt cá chân phù hợp nhất.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): MRI sử dụng sóng vô tuyến và từ trường mạnh để tạo ra hình ảnh rất chi tiết của các dây chằng mắt cá chân. Hình ảnh MRI cho thấy tình trạng của dây chằng cũng như là xương và giúp phát hiện các vết gãy không hiện trên ảnh chụp X-quang.
Điều trị gãy mắt cá chân
Có nhiều phương pháp điều trị gãy mắt cá chân. Việc điều trị sẽ tùy thuộc vào vị trí xương bị gãy và mức độ nghiêm trọng của chấn thương.
Điều trị bằng thuốc
Bệnh nhân thường chỉ cần dùng các loại thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn như acetaminophen nhưng nếu bị đau nhức nghiêm trọng thì sẽ phải dùng thuốc giảm đau kê đơn.
Trị liệu
Sau khi xương liền lại, bệnh nhân nên cân nhắc vật lý trị liệu để thả lỏng, tăng cường sức mạnh và sự linh hoạt của các cơ và dây chằng bị căng cứng ở mắt cá chân và bàn chân.
Thủ thuật và phẫu thuật
- Nắn xương: Nếu hai đầu xương gãy bị di lệch, bác sĩ sẽ phải nắn xương trở lại đúng vị trí. Quá trình này được gọi là nắn xương. Tùy thuộc vào mức độ đau đớn và sưng tấy mà bác sĩ sẽ cho bệnh nhân dùng thuốc giãn cơ, thuốc an thần hoặc thuốc gây tê tại chỗ trước khi tiến hành nắn xương.
- Giữ cố định xương: Xương phải được giữ cố định để các đầu xương gãy liền lại với nhau. Trong hầu hết các trường hợp, bệnh nhân sẽ phải bó bột hoặc sử dụng nẹp cố định mắt cá chân.
- Phẫu thuật: Trong một số trường hợp, bác sĩ phải sử dụng nẹp vít để giữ cho các đầu xương gãy ở đúng vị trí trong quá trình liền lại. Nẹp vít sẽ được lấy ra sau khi xương lành lại hoàn toàn.

Thiếu xương có nghĩa là mật độ xương thấp hơn mức bình thường. Tuy rằng chưa phải là vấn đề nghiêm trọng nhưng nếu không được phát hiện và điều trị, thiếu xương sẽ dẫn đến loãng xương.

Xương đùi là xương lớn nhất và khỏe nhất trong cơ thể. Gãy thân xương đùi sẽ lâu liền hơn so với các xương khác. Gãy thân xương đùi sẽ gây ảnh hưởng lớn đến các hoạt động hàng ngày vì đây là một trong những xương chính giúp chúng ta đi lại.

Mắt cá chân là phần xương nhô lên ở vị trí giao cẳng chân với bàn chân. Phần xương nhô lên ở mặt trong của cẳng chân gọi là mắt cá chân trong. Đó thực ra không phải là một xương riêng biệt mà là phần cuối của xương xương chày hay xương ống chân.

Gãy lồi cầu chẩm là tình trạng gãy xương xảy ra ở đáy hộp sọ (nền sọ), thường là sau khi có lực tác động mạnh lên khu vực này. Mặc dù xảy ra ở hộp sọ nhưng hầu hết các trường hợp gãy lồi cầu chẩm đều không nghiêm trọng và chỉ cần điều trị ở mức độ tối thiểu.

Quá trình chẩn đoán viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis) thường mất nhiều thời gian. Ở giai đoạn đầu, các triệu chứng viêm khớp dạng thấp thường giống như triệu chứng của các bệnh khác như bệnh lupus hoặc các bệnh mô liên kết khác.