1

Sarcoma xương là bện gì? Điều trị bằng cách nào?

Sarcoma xương là một loại ung thư xương bắt đầu trong các tế bào tạo ra xương. Sarcoma xương chủ yếu xảy ra ở các xương dài, thường là xương cẳng chân và đôi khi ở xương cánh tay nhưng cũng có thể xảy ra ở cả các xương khác trong cơ thể. Trong một số trường hợp hiếm gặp, sarcoma xương xảy ra ở mô mềm bên ngoài xương.

Nhóm tuổi có tỷ lệ mắc sarcoma xương cao nhất là thanh thiếu niên và người trưởng thành trẻ tuổi nhưng bệnh này cũng có thể xảy ra ở cả trẻ nhỏ và người cao tuổi.

Phương pháp điều trị sarcoma xương thường là hóa trị, phẫu thuật và đôi khi kết hợp cả xạ trị. Phác đồ điều trị cụ thể của mỗi một ca bệnh là khác nhau, tùy thuộc vào vị trí mà sarcoma xương bắt đầu phát sinh, kích thước khối u, loại, giai đoạn bệnh và ung thư đã di căn ra ngoài xương hay chưa.

Những bước tiến mới trong y học nói chung và trong điều trị bệnh sarcoma xương nói riêng đã giúp cải thiện đáng kể tiên lượng của bệnh ung thư này trong vài năm trở lại đây. Sau khi hoàn thành điều trị, bệnh nhân phải tái khám định kỳ suốt đời để theo dõi các tác dụng phụ khởi phát muộn của các phương pháp điều trị cường độ cao.

Triệu chứng sarcoma xương

Các dấu hiệu và triệu chứng của sarcoma xương gồm có:

  • Sưng tấy xung quanh xương bị bệnh
  • Đau xương hoặc khớp
  • Chấn thương xương hoặc gãy xương không rõ nguyên nhân

Khi nào cần đi khám?

Cần đi khám ngay khi nhận thấy các dấu hiệu đáng ngờ. Các triệu chứng của bệnh sarcoma xương cũng tương tự như nhiều bệnh lý và tình trạng phổ biến, chẳng hạn như chấn thương khi chơi thể thao nên điều quan trọng là phải đi khám để tìm ra nguyên nhân chính xác gây ra các triệu chứng và điều trị ngay từ sớm.

Nguyên nhân gây sarcoma xương

Bệnh sarcoma xương xảy ra khi có sự cố ở một trong những tế bào có nhiệm vụ tạo xương mới (tế bào tạo xương) nhưng vẫn chưa rõ nguyên nhân nào gây ra những sự cố này.

Sarcoma xương bắt đầu khi DNA của một tế bào xương khỏe mạnh có những thay đổi bất thường. DNA chứa các thông tin chỉ dẫn hoạt động của tế bào. Những thay đổi trong DNA khiến cho tế bào tạo xương hình thành xương mới khi không cần thiết. Những tế bào xương được hình thành bất thường sẽ tích tụ lại, tạo thành khối u xâm lấn và phá hủy mô khỏe mạnh trong cơ thể. Các tế bào này có thể tách ra khỏi khối u và lây lan (di căn) khắp cơ thể.

Ai có nguy cơ bị sarcoma xương?

Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh sarcoma xương gồm có:

  • Tiền sử điều trị bằng xạ trị
  • Mắc các bệnh về xương khác, chẳng hạn như bệnh Paget xương hay loạn sản xơ xương
  • Một số bệnh di truyền, gồm có u nguyên bào võng mạc di truyền, hội chứng Bloom, hội chứng Li-Fraumeni, hội chứng Rothmund-Thomson và hội chứng Werner

Biến chứng của sarcoma xương

Bệnh sarcoma xương và các phương pháp điều trị sarcoma xương có thể dẫn đến các biến chứng như:

  • Ung thư di căn: Sarcoma xương có thể lây lan từ vị trí ban đầu sang các vị trí khác trong cơ thể, điều này gây khó khăn cho việc điều trị và phục hồi. Sarcoma xương thường di căn đến phổi và các xương khác.
  • Cắt cụt chi: Trong các trường hợp mắc sarcoma xương, bác sĩ sẽ cố gắng chỉ phải cắt bỏ khối u và bảo toàn nguyên vẹn các chi cho bệnh nhân nhưng đôi khi cần phải cắt bỏ một phần chi có khối u xương để loại bỏ sạch tế bào ung thư. Sau đó bệnh nhân sẽ được lắp chân hoặc tay giả. Việc làm quen với chân tay giả cần có thời gian, đòi hỏi bệnh nhân phải kiên nhẫn và luyện tập tích cực.
  • Tác dụng phụ của các phương pháp điều trị khác: Đôi khi hóa trị tích cực là biện pháp cần thiết để kiểm soát sarcoma xương nhưng hóa trị có thể gây ra nhiều tác dụng phụ, cả tác dụng phụ tạm thời và các tác dụng phụ về lâu dài.

Phương pháp chẩn đoán sarcoma xương

Để chẩn đoán bệnh sarcoma xương, bác sĩ sẽ bắt đầu bằng bước khám lâm sàng để hiểu rõ hơn về các triệu chứng. Sau đó sẽ phải thực hiện các phương pháp chẩn đoán hình ảnh và sinh thiết.

Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh

Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh giúp bác sĩ đánh giá tình trạng xương, tìm khối u và tìm phát hiện các dấu hiệu ung thư di căn.

Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh thường được sử dụng gồm có:

  • Chụp X-quang
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT)
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI)
  • Chụp cắt lớp phát xạ positron (PET)
  • Xạ hình xương

Sinh thiết

Sinh thiết là thủ thuật được thực hiện để lấy mẫu tế bào ở khu vực nghi ngờ và phân tích trong phòng xét nghiệm để kiểm tra xem các tế bào có phải là ung thư hay không. Kết quả sinh thiết còn cho biết loại ung thư và mức độ nguy hiểm.

Các kỹ thuật sinh thiết được sử dụng để chẩn đoán sarcoma xương gồm có:

  • Sinh thiết kim: Bác sĩ đưa một cây kim dài mảnh qua da vào vị trí có khối u dưới hướng dẫn của các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như X-quang và sau đó lấy một mẫu tế bào nhỏ từ khối u.
  • Sinh thiết mở: Bác sĩ rạch một đường trên da và cắt bỏ toàn bộ khối u hoặc một phần khối u. Sau đó khối u được đem đi phân tích.

Việc xác định loại sinh thiết cần thực hiện và các bước thực hiện cụ thể đòi hỏi đội ngũ y tế phải lên kế hoạch cẩn thận. Bác sĩ cần tiến hành sinh thiết sao cho không ảnh hưởng đến việc phẫu thuật điều trị ung thư xương sau này.

Điều trị sarcoma xương

Phác đồ điều trị sarcoma xương thường gồm có phẫu thuật và hóa trị. Một số trường hợp còn phải xạ trị.

Phẫu thuật

Mục đích của ca phẫu thuật là loại bỏ toàn bộ tế bào ung thư. Một điều rất quan trọng cần cân nhắc cẩn thận trong quá trình lập kế hoạch phẫu thuật là ảnh hưởng của ca phẫu thuật đến sinh hoạt hàng ngày về sau này. Mức độ phẫu thuật tùy thuộc vào một số yếu tố, chẳng hạn như kích thước và vị trí của khối u.

Các phương pháp phẫu thuật được sử dụng để điều trị sarcoma xương gồm có:

  • Phẫu thuật cắt bỏ khối u (bảo tồn chi): Hầu hết các trường hợp sarcoma xương đều chỉ cần phẫu thuật cắt bỏ khối u và giữ lại các chi. Tuy nhiên, giải pháp này có khả thi hay không còn phụ thuộc vào mức độ lan rộng của ung thư và lượng mô cần phải cắt bỏ.

Sau khi cắt một phần xương, bác sĩ sẽ tái tạo xương. Các lựa chọn tái tạo gồm có thay xương nhân tạo hoặc ghép xương tự thân.

  • Phẫu thuật cắt bỏ chi có khối u (cắt cụt chi): Nhờ những tiến bộ trong phẫu thuật bảo tồn chi mà số người phải phẫu thuật cắt cụt chi (cắt bỏ một chi hoặc một phần của chi) đã giảm đáng kể trong những năm qua. Kể cả trong những trường hợp phải cắt cụt chi, những bước tiến mới trong kỹ thuật thay khớp giả sẽ giúp cải thiện đáng kể khả năng vận động của bệnh nhân sau phẫu thuật.
  • Phẫu thuật cắt bỏ phần dưới của chân (phẫu thuật tạo hình xoay): Giải pháp này thường dành cho trẻ em vẫn đang phát triển. Trong ca phẫu thuật tạo hình xoay, bác sĩ cắt bỏ khối u và phần xương xung quanh, bao gồm cả khớp gối. Sau đó, bàn chân và mắt cá chân được xoay 180 độ về phía sau rồi gắn vào xương đùi. Mắt cá chân có chức năng như khớp gối. Sau ca phẫu thuật, bệnh nhân sẽ đeo chân giả và vẫn có thể thực hiện tốt các hoạt động thường ngày, thậm chí là chơi thể thao.

Hóa trị liệu

Hóa trị là phương pháp sử dụng các loại thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư. Bệnh nhân thường phải dùng hai loại thuốc hóa trị trở lên cùng lúc. Thuốc hóa trị có cả dạng truyền tĩnh mạch và dạng uống. Đôi khi cần sử dụng kết hợp cả hai dạng.

Đối với bệnh sarcoma xương, hóa trị thường được thực hiện trước khi phẫu thuật (hóa trị tân bổ trợ). Bác sĩ sẽ theo dõi đáp ứng của tế bào ung thư với thuốc hóa trị để lập kế hoạch điều trị thêm.

Nếu khối u teo nhỏ lại sau khi điều trị bằng hóa trị thì có thể phẫu thuật bảo tồn chi.

Nếu khối u không đáp ứng với điều trị thì chứng tỏ ung thư đang phát triển rất nhanh. Trong những trường hợp này, bác sĩ sẽ đổi loại thuốc hóa trị hoặc chỉ định phẫu thuật cắt cụt chi để đảm bảo loại bỏ sạch tế bào ung thư.

Hóa trị cũng có thể được thực hiện sau phẫu thuật để tiêu diệt những tế bào ung thư còn sót lại.

Nếu sarcoma xương tái phát sau phẫu thuật hoặc lan sang các vùng khác của cơ thể thì hóa trị là một giải pháp để làm chậm sự tiến triển của bệnh.

Xạ trị

Xạ trị là phương pháp sử dụng chùm tia phóng xạ năng lượng cao chẳng hạn như tia X và proton để tiêu diệt tế bào ung thư. Xạ trị là lựa chọn điều trị trong một số trường hợp nhất định, chẳng hạn như khi không thể phẫu thuật hoặc phẫu thuật không thể loại bỏ toàn bộ tế bào ung thư.

Trong quá trình điều trị, bệnh nhân nằm bên dưới máy xạ trị và thiết bị sẽ phát ra các chùm tia phóng xạ đến khu vực bị sarcoma xương trong cơ thể. Hiện nay còn có loại máy xạ trị di chuyển xung quanh cơ thể bệnh nhân, hướng chùm tia phóng xạ chính xác đến vị trí có khối u để giảm nguy cơ tổn thương các tế bào khỏe mạnh xung quanh.

Thử nghiệm lâm sàng

Thử nghiệm lâm sàng là các nghiên cứu được thực hiện nhằm kiểm chứng các phương pháp điều trị mới. Tham gia thử nghiệm lâm sàng giúp cho bệnh nhân có cơ hội được thử các phương pháp điều trị mới nhất. Tuy nhiên, vì là thử nghiệm nên không có gì đảm bảo các phương pháp này có thể chữa khỏi bệnh và bệnh nhân phải chấp nhận rủi ro vì các phương pháp điều trị mới có thể gây ra các tác dụng phụ không lường trước.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Gãy thân xương đùi điều trị bằng cách nào?
Gãy thân xương đùi điều trị bằng cách nào?

Xương đùi là xương lớn nhất và khỏe nhất trong cơ thể. Gãy thân xương đùi sẽ lâu liền hơn so với các xương khác. Gãy thân xương đùi sẽ gây ảnh hưởng lớn đến các hoạt động hàng ngày vì đây là một trong những xương chính giúp chúng ta đi lại.

Gãy xương chân điều trị bằng cách nào?
Gãy xương chân điều trị bằng cách nào?

Gãy xương chân là tình trạng gãy hoặc nứt ở một trong các xương ở đùi và cẳng chân (ống chân). Các nguyên nhân phổ biến gây gãy xương chân gồm có té ngã, tai nạn giao thông và chấn thương trong thể thao.

Ung thư di căn xương điều trị bằng cách nào?

Ung thư di căn xương xảy ra khi các tế bào ung thư di chuyển từ vị trí ban đầu đến xương.

Điều trị loãng xương bằng vật lý trị liệu
Điều trị loãng xương bằng vật lý trị liệu

Loãng xương là một tình trạng mạn tính có đặc trưng là sự giảm khối lượng và mật độ xương, điều này làm tăng nguy cơ gãy xương. Bất cứ ai cũng có thể bị loãng xương và nguy cơ sẽ tăng theo độ tuổi. Theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH), những người có tiền sử gia đình bị loãng xương có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Phương pháp điều trị loãng xương thường gồm có dùng thuốc, thay đổi chế độ ăn uống và lối sống cũng như vật lý trị liệu.

Điều trị bệnh loãng xương bằng tế bào gốc
Điều trị bệnh loãng xương bằng tế bào gốc

Bệnh loãng xương hiện được điều trị bằng thuốc và thay đổi lối sống. Ngoài ra còn các phương pháp điều trị khác hiện đang được nghiên cứu, một trong số đó là liệu pháp tế bào gốc. Mặc dù các nghiên cứu trên động vật cho kết quả đầy hứa hẹn về hiệu quả của tế bào gốc trong điều trị chứng loãng xương nhưng dữ liệu nghiên cứu trên người lại rất hạn chế.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây