1

Ung thư di căn xương điều trị bằng cách nào?

Ung thư di căn xương xảy ra khi các tế bào ung thư di chuyển từ vị trí ban đầu đến xương.

Gần như tất cả các loại ung thư đều có thể di căn đến xương nhưng một số loại ung thư có nguy cơ di căn đến xương đặc biệt cao, chẳng hạn như ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt.

Ung thư di căn xương có thể xảy ra ở bất kỳ xương nào trong cơ thể nhưng thường là ở cột sống, xương chậu và đùi. Trong nhiều trường hợp, ung thư được phát hiện sau khi đã di căn đến xương và ung thư di căn xương cũng có thể xảy ra nhiều năm sau khi điều trị ung thư.

Ung thư di căn xương gây đau nhức và yếu xương. Đa số các trường hợp ung thư di căn xương đều không thể chữa khỏi. Các phương pháp điều trị chỉ có thể giúp giảm đau và các triệu chứng khác của ung thư di căn xương.

Triệu chứng ung thư di căn xương

Đôi khi, ung thư di căn xương không biểu hiện triệu chứng.

Nhưng nếu có thì các dấu hiệu và triệu chứng thường là:

  • Đau xương
  • Xương yếu, dễ gãy
  • Tiểu không tự chủ
  • Đại tiện không tự chủ
  • Chân hoặc tay yếu
  • Nồng độ canxi trong máu cao (tăng canxi máu), có thể gây buồn nôn, nôn, táo bón và đầu óc mơ hồ

Khi nào cần đi khám?

Nếu gặp các dấu hiệu và triệu chứng kéo dài dai dẳng và nghi là có vấn đề ở xương thì hãy đi khám càng sớm càng tốt.

Nếu đã từng điều trị ung thư trước đây thì hãy cho bác sĩ biết về tiền sử bệnh.

Nguyên nhân gây ung thư di căn xương

Ung thư di căn xương xảy ra khi các tế bào ung thư tách khỏi khối u ban đầu và di chuyển đến xương, tại đây các tế bào ung thư bắt đầu nhân lên.

Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân khiến một số bệnh ung thư di căn và tại sao trong một số trường hợp, tế bào ung thư lại di chuyển đến xương thay vì đến các vị trí phổ biến khác, chẳng hạn như gan.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư di căn xương

Hầu như bất kỳ loại ung thư nào cũng có thể di căn đến xương nhưng những loại ung thư có nguy cơ di căn xương cao nhất gồm có:

  • Ung thư vú
  • Ung thư thận
  • Ung thư phổi
  • U lympho
  • Đa u tủy xương
  • Ung thư tuyến tiền liệt
  • Ung thư tuyến giáp

Phương pháp chẩn đoán ung thư di căn xương

Ung thư di căn xương được phát hiện bằng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh:

  • Chụp X-quang
  • Xạ hình xương
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT)
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI)
  • Chụp cắt lớp phát xạ positron (PET)

Ngoài ra có thể phải tiến hành sinh thiết để phát hiện tế bào ung thư trong xương.

Điều trị ung thư di căn xương

Các phương pháp điều trị ung thư di căn xương phổ biến gồm có dùng thuốc, xạ trị và phẫu thuật. Phác đồ điều trị cụ thể sẽ phụ thuộc vào tình hình cụ thể của từng ca bệnh.

Điều trị bằng thuốc

Các loại thuốc được dùng để điều trị ung thư di căn xương gồm có:

  • Thuốc tái tạo xương: Các loại thuốc này thường được sử dụng để điều trị loãng xương nhưng cũng có thể dùng cho người bị ung thư di căn xương. Thuốc tái tạo xương giúp làm chắc xương và giảm đau do ung thư di căn xương, nhờ đó giảm nhu cầu dùng đến các loại thuốc giảm đau mạnh. Thuốc tái tạo xương còn giúp làm giảm nguy cơ ung thư tiếp tục di căn đến xương mới. Bệnh nhân thường được truyền thuốc tái tạo xương qua tĩnh mạch hoặc tiêm vài tuần một lần. Các dạng thuốc này có cả dạng uống nhưng thường không hiệu quả bằng dạng tiêm và dạng truyền tĩnh mạch, hơn nữa còn có thể gây ra các tác dụng phụ về tiêu hóa. Thuốc tái tạo xương có thể gây đau xương tạm thời và các vấn đề về thận. Mặc dù hiếm khi xảy ra nhưng thuốc tái tạo xương còn có thể làm tăng nguy cơ hoại tử xương hàm.
  • Xạ trị qua đường tĩnh mạch: Trong những trường hợp ung thư di căn đến nhiều xương, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng phương pháp xạ trị qua đường tĩnh mạch, trong đó dược chất phóng xạ được đưa qua tĩnh mạch vào cơ thể. Dược chất phóng xạ có chứa một lượng nhỏ chất phóng xạ có sức hút mạnh với xương. Khi vào trong cơ thể, các hạt sẽ di chuyển đến các khu vực xương có tế bào ung thư và giải phóng năng lượng phóng xạ.

Xạ trị qua đường tĩnh mạch giúp kiểm soát cơn đau do ung thư di căn xương. Các tác dụng phụ của phương pháp điều trị này gồm có tổn thương tủy xương và dẫn đến số lượng tế bào máu thấp.

  • Hóa trị liệu: Nếu ung thư đã di căn đến nhiều xương, bác sĩ sẽ chỉ định hóa trị. Thuốc hóa trị có thể được đưa vào cơ thể qua đường uống, truyền qua tĩnh mạch hoặc kết hợp cả hai. Thuốc sẽ đi khắp cơ thể để tiêu diệt các tế bào ung thư. Phương pháp hóa trị có thể gây ra nhiều tác dụng phụ, tùy thuộc vào loại thuốc được sử dụng. Đối với các bệnh ung thư nhạy cảm với hóa trị thì đây là cách hiệu quả nhất để giảm đau do ung thư di căn xương.
  • Liệu pháp hormone: Đối với những bệnh ung thư nhạy cảm với hormone trong cơ thể thì giải pháp điều trị là ngăn chặn những hormone này. Ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt là hai bệnh ung thư nhạy cảm với liệu pháp hormone.

Liệu pháp hormone là phương pháp dùng thuốc để làm giảm nồng độ hormone hoặc ngăn chặn sự tương tác giữa hormone và tế bào ung thư. Một lựa chọn khác là phẫu thuật để loại bỏ các cơ quan sản xuất hormone là buồng trứng và tinh hoàn.

  • Thuốc giảm đau: Thuốc giảm đau giúp kiểm soát cơn đau do ung thư di căn xương. Tùy vào mức độ đau đớn mà người bệnh có thể chỉ cần dùng thuốc giảm đau không kê đơn hoặc phải dùng các loại thuốc giảm đau kê đơn có tác dụng mạnh.

Có thể sẽ phải thử nhiều loại thuốc khác nhau để tìm ra loại thuốc giảm đau phù hợp nhất. Nếu đã dùng thuốc nhưng vẫn bị đau thì hãy báo cho bác sĩ để được tư vấn các biện pháp giảm đau khác.

  • Thuốc steroid: Thuốc steroid có tác dụng giảm đau do ung thư di căn xương bằng cách giảm sưng và viêm xung quanh các vị trí ung thư. Các loại thuốc steroid này khác với loại steroid mà các vận động viên thể hình thường sử dụng để tăng khối lượng cơ.

Steroid có hiệu quả giảm đau khá nhanh và còn giúp ngăn ngừa một số biến chứng của ung thư nhưng phải sử dụng hết sức thận trọng vì các loại thuốc này đi kèm nhiều tác dụng phụ, đặc biệt là khi sử dụng trong thời gian dài.

  • Liệu pháp nhắm trúng đích: Phương pháp điều trị này sử dụng các loại thuốc nhắm đến những bất thường trong tế bào ung thư. Bằng cách ngăn chặn những bất thường này, liệu pháp nhắm trúng đích sẽ khiến tế bào ung thư chết đi. Một số bệnh ung thư đáp ứng rất tốt với liệu pháp nhắm trúng đích, ví dụ như ung thư vú HER2 dương tính.

Xạ trị chùm tia bên ngoài

Xạ trị là phương pháp sử dụng chùm tia phóng xạ năng lượng cao, chẳng hạn như tia X và proton để tiêu diệt tế bào ung thư. Xạ trị là một lựa chọn điều trị trong những trường hợp ung thư di căn xương gây đau đớn dữ dội, không kiểm soát được bằng thuốc giảm đau hoặc cơn đau chỉ giới hạn ở một số vùng nhỏ.

Tùy thuộc vào tình trạng của mỗi ca bệnh mà phương pháp xạ trị có thể được thực hiện với phóng xạ liều cao hoặc liều thấp và điều trị trong thời gian dài hơn. Tác dụng phụ của phương pháp xạ trị phụ thuộc vào vị trí và phạm vi điều trị.

Phẫu thuật

Phẫu thuật có thể giúp ổn định những xương có nguy cơ bị gãy hoặc phục hồi xương gãy:

  • Phẫu thuật ổn định xương: Nếu xương có nguy cơ bị gãy do ung thư di căn xương, bác sĩ sẽ ổn định xương bằng cách sử dụng nẹp vít hoặc đinh. Phương pháp này giúp giảm đau và cải thiện chức năng xương. Thông thường, bệnh nhân sẽ tiếp tục phải xạ trị khi đã hồi phục hoàn toàn sau ca phẫu thuật.
  • Bơm xi măng sinh học vào xương: Trong những trường hợp không thể gia cố xương bằng nẹp vít, chẳng hạn như ung thư di căn xương chậu hay cột sống, một giải pháp điều trị là bơm xi măng sinh học vào xương. Bác sĩ bơm xi măng sinh học vào xương bị gãy hoặc suy yếu do ung thư di căn xương. Phương pháp điều trị này giúp giảm đau.
  • Phẫu thuật phục hồi xương gãy: Nếu ung thư di căn xương khiến xương bị gãy, bác sĩ sẽ lắp nẹp vít hoặc đinh để giữ cố định các đầu xương gãy trong quá trình xương liền lại.

Một lựa chọn khác là thay khớp, chẳng hạn như thay khớp háng. Nói chung, gãy xương do ung thư di căn xương không thể điều trị bằng cách bó bột.

Nhiệt trị và áp lạnh

Nhiệt trị là phương pháp sử dụng nhiệt độ cao để tiêu diệt tế bào ung thư. Trái ngược với nhiệt trị, áp lạnh sử dụng nguyên lý đông lạnh để phá hủy tế bào ung thư. Cả hai phương pháp này đều giúp kiểm soát cơn đau do ung thư di căn xương. Nhiệt trị và áp lạnh là lựa chọn dành cho những trường hợp có một hoặc hai khu vực ung thư di căn xương và không thể điều trị bằng các phương pháp khác.

Đốt sóng cao tần (radiofrequency ablation) là một dạng nhiệt trị, trong đó sử dụng một cây kim có chứa đầu dò điện đưa vào khối u trong xương. Đầu dò truyền điện và làm nóng các mô xung quanh. Sau đó đầu dò dừng truyền điện để các mô trở về nhiệt độ bình thường và quá trình được lặp lại nhiều lần cho đến khi tiêu diệt tế bào ung thư.

Trong phương pháp áp lạnh, khối u được đông lạnh và sau đó để tự rã đông. Quá trình này cũng được lặp lại nhiều lần cho đến khi tiêu diệt tế bào ung thư.

Phương pháp nhiệt trị và áp lạnh có thể gây ra các tác dụng phụ như tổn thương các cấu trúc lân cận, chẳng hạn như dây thần kinh và làm suy yếu xương, tăng nguy cơ gãy xương.

Thử nghiệm lâm sàng

Thử nghiệm lâm sàng là các nghiên cứu được thực hiện nhằm kiểm chứng tính an toàn và hiệu quả của các phương pháp điều trị mới. Đăng ký tham gia thử nghiệm lâm sàng giúp cho người bệnh có cơ hội được thử các phương pháp điều trị mới nhất. Tuy nhiên, vì là thử nghiệm nên không có gì đảm bảo các phương pháp này có thể chữa khỏi bệnh và người bệnh cần chấp nhận rủi ro vì phương pháp điều trị mới có thể gây ra các tác dụng phụ không lường trước.

Vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu giúp tăng cường sức mạnh của cơ, xương và cải thiện khả năng vận động.

Người bệnh sẽ được hướng dẫn các bài tập để củng cố sức mạnh và giảm đau.

Ngoài ra, người bệnh có thể sẽ cần sử dụng một số dụng cụ hỗ trợ như nạng hoặc khung tập đi để giảm trọng lực tác động lên phần xương bị bệnh trong khi đi lại, gậy để tăng khả năng giữ thăng bằng hoặc nẹp để ổn định cột sống.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Gãy thân xương đùi điều trị bằng cách nào?
Gãy thân xương đùi điều trị bằng cách nào?

Xương đùi là xương lớn nhất và khỏe nhất trong cơ thể. Gãy thân xương đùi sẽ lâu liền hơn so với các xương khác. Gãy thân xương đùi sẽ gây ảnh hưởng lớn đến các hoạt động hàng ngày vì đây là một trong những xương chính giúp chúng ta đi lại.

Gãy xương chân điều trị bằng cách nào?
Gãy xương chân điều trị bằng cách nào?

Gãy xương chân là tình trạng gãy hoặc nứt ở một trong các xương ở đùi và cẳng chân (ống chân). Các nguyên nhân phổ biến gây gãy xương chân gồm có té ngã, tai nạn giao thông và chấn thương trong thể thao.

Sarcoma xương là bện gì? Điều trị bằng cách nào?

Sarcoma xương là một loại ung thư xương bắt đầu trong các tế bào tạo ra xương. Sarcoma xương chủ yếu xảy ra ở các xương dài, thường là xương cẳng chân và đôi khi ở xương cánh tay nhưng cũng có thể xảy ra ở cả các xương khác trong cơ thể. Trong một số trường hợp hiếm gặp, sarcoma xương xảy ra ở mô mềm bên ngoài xương.

Điều trị loãng xương bằng vật lý trị liệu
Điều trị loãng xương bằng vật lý trị liệu

Loãng xương là một tình trạng mạn tính có đặc trưng là sự giảm khối lượng và mật độ xương, điều này làm tăng nguy cơ gãy xương. Bất cứ ai cũng có thể bị loãng xương và nguy cơ sẽ tăng theo độ tuổi. Theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH), những người có tiền sử gia đình bị loãng xương có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Phương pháp điều trị loãng xương thường gồm có dùng thuốc, thay đổi chế độ ăn uống và lối sống cũng như vật lý trị liệu.

Điều trị bệnh loãng xương bằng tế bào gốc
Điều trị bệnh loãng xương bằng tế bào gốc

Bệnh loãng xương hiện được điều trị bằng thuốc và thay đổi lối sống. Ngoài ra còn các phương pháp điều trị khác hiện đang được nghiên cứu, một trong số đó là liệu pháp tế bào gốc. Mặc dù các nghiên cứu trên động vật cho kết quả đầy hứa hẹn về hiệu quả của tế bào gốc trong điều trị chứng loãng xương nhưng dữ liệu nghiên cứu trên người lại rất hạn chế.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây