1

Triệu chứng huyết áp thấp/hạ huyết áp và cách kiểm soát

Huyết áp thấp là khi huyết áp thấp hơn mức bình thường. Mặt khác, huyết áp cao hơn mức bình thường được gọi là tăng huyết áp.

Tim liên tục co bóp để bơm máu đi khắp cơ thể. Trong quá trình lưu thông, dòng máu tác động một lực nhất định lên thành mạch máu. Lực này gọi là huyết áp.

Huyết áp được đo bằng đơn vị milimét thủy ngân (mmHg) và được biểu thị bằng con số.

Số thứ nhất trong kết quả đo huyết áp là huyết áp tâm thu, là áp lực trong mạch máu khi tim co bóp. Số thứ hai là huyết áp tâm trương, là áp lực trong mạch máu khi cơ tim giãn ra giữa các lần co bóp. Huyết áp tâm trương thường thấp hơn huyết áp tâm thu.

Huyết áp bình thường là từ 90/60 mmHg đến 120/80 mmHg. Huyết áp trên 120/80 mmHg được coi là cao và dưới 90/60 mmHg được coi là thấp. Tuy nhiên, huyết áp thay đổi trong ngày là điều bình thường. Điều này xảy ra ở cả những người có sức khỏe tốt.

Cơ thể liên tục điều chỉnh huyết áp để mọi bộ phận, bao gồm não, tim và phổi, nhận được đủ máu và oxy. Tư thế cơ thể có ảnh hưởng đến huyết áp. Ví dụ, khi đang ngồi và đột ngột đứng dậy, huyết áp sẽ giảm trong giây lát. Huyết áp cũng giảm trong khi ngủ. Huyết áp tăng lên khi hoạt động thể chất và khi căng thẳng, sợ hãi hoặc tức giận.

Như vậy, huyết áp thi thoảng giảm xuống mức không quá thấp không phải vấn đề đáng lo ngại, nhất là khi không gây ra bất kỳ triệu chứng nào.

Tuy nhiên, huyết áp thường xuyên ở mức thấp có thể là dấu hiệu của vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Huyết áp thấp khiến cho một số bộ phận của cơ thể bị thiếu máu, oxy và không thể hoạt động bình thường, thậm chí còn bị tổn thương. Điều trị nguyên nhân gốc rễ gây huyết áp thấp sẽ có thể làm tăng huyết áp.

Triệu chứng của huyết áp thấp

Các triệu chứng thường gặp của tình trạng huyết áp thấp:

  • Nhìn mờ
  • Lú lẫn
  • Tâm trạng chán nản
  • Chóng mặt
  • Ngất xỉu
  • Mệt mỏi
  • Cảm thấy lạnh
  • Khát nước
  • Tập trung kém
  • Buồn nôn
  • Thở gấp , nông
  • Đổ mồ hôi

Huyết áp thấp do thuốc, sốc hoặc đột quỵ

Huyết áp thấp do thuốc

Tình trạng huyết áp thấp có thể là do một số loại thuốc gây ra, ví dụ như:

  • Thuốc điều trị tăng huyết áp
    • Thuốc chẹn alpha
    • Thuốc ức chế thụ thể angiotensin ii
    • Thuốc ức chế men chuyển angiotensin
    • Thuốc chẹn beta
    • Thuốc chẹn kênh canxi
    • Thuốc lợi tiểu
  • Thuốc điều trị rối loạn cương dương
  • Nitrat
  • Thuốc điều trị bệnh Parkinson
  • Thuốc chống trầm cảm ba vòng

Huyết áp thấp do sốc

Sốc là một tình trạng vô cùng nguy hiểm, có thể gây tử vong. Sốc xảy ra do phản ứng của cơ thể với một số tình trạng nghiêm trọng như:

  • Nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ
  • Chấn thương hoặc bỏng nặng
  • Nhiễm trùng nghiêm trọng
  • Phản ứng dị ứng
  • Cục máu đông

Sốc gây tụt huyết áp, nhưng huyết áp quá thấp cũng có thể khiến cơ thể bị sốc. Các cách để tăng huyết áp là truyền dịch tĩnh mạch hoặc truyền máu. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải điều trị nguyên nhân gây sốc. Điều này sẽ giúp làm tăng huyết áp.

Ví dụ, trong trường hợp sốc phản vệ (một dạng phản ứng dị ứng nghiêm trọng), tiêm epinephrine sẽ giúp huyết áp tăng lên nhanh chóng. Sốc phản vệ có thể xảy ra ở những người bị dị ứng với đậu phộng, ong đốt hoặc các chất gây dị ứng khác.

Khi phát hiện một ai đó có những biểu hiện sốc, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức. Giữ ấm và theo dõi sát sao bệnh nhân cho đến khi xe cấp cứu đến. Kê cao chân của bệnh nhân lên khoảng 15 – 30cm.

Huyết áp thấp do đột quỵ

Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu và là nguyên nhân chính gây ra tình trạng tàn tật nghiêm trọng ở người lớn.

Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ chính gây đột quỵ. Những người bị tăng huyết áp cần cố gắng duy trì huyết áp ổn định trong phạm vi khỏe mạnh để ngăn ngừa đột quỵ. Nếu đã từng bị đột quỵ thì càng phải cẩn thận để trành bị đột quỵ tái phát.

Tuy nhiên, một số nghiên cứu y khoa khuyến cáo không nên hạ huyết áp quá nhanh sau cơn đột quỵ để phòng ngừa tổn thương não. Điều này giúp giảm nguy cơ tử vong và tàn tật.

Hiệp hội Đột quỵ Hoa Kỳ (The American Stroke Association) khuyến nghị nên duy trì huyết áp ở mức cao hơn bình thường trong vòng 72 giờ sau đột quỵ. Điều này giữ cho máu lưu thông lên não tốt hơn và giúp não phục hồi sau cơn đột quỵ.

Tuy nhiên, về lâu dài thì vẫn cần phải làm giảm huyết áp. Hiệp hội Đột quỵ Hoa Kỳ khuyến nghị giảm 15% mỗi ngày.

Các cách tăng huyết áp

Có nhiều cách để làm tăng huyết áp, gồm có thay đổi lối sống và dùng thuốc.

Nếu đang dùng một loại thuốc kê đơn nào đó và bị huyết áp thấp thì cũng không được tự ý ngừng thuốc hay thay đổi liều dùng mà cần phải trao đổi với bác sĩ.

1. Uống nhiều nước

Mất nước có thể gây huyết áp thấp. Một số người bị tụt huyết áp ngay cả khi chỉ bị mất nước nhẹ.

Mất nước thường là do cơ thể bị mất nhiều nước hơn lượng nước uống vào. Điều này có thể xảy ra khi bị nôn mửa, tiêu chảy nghiêm trọng, sốt và đổ mồ hôi quá nhiều.

Một số loại thuốc như thuốc lợi tiểu cũng có thể gây mất nước. Khi bị mất nước, hãy uống nhiều nước hơn nhưng không nên uống một lượng nước lớn cùng một lúc mà chia ra uống nhiều lần.

2. Ăn uống đủ chất

Thiếu hụt chất dinh dưỡng có thể gây huyết áp thấp và nhiều vấn đề khác.

Thiếu vitamin B12, folate (vitamin B9) và sắt có thể gây thiếu máu – tình trạng cơ thể không có đủ hồng cầu để vận chuyển oxy. Thiếu máu sẽ gây huyết áp thấp.

Cách khắc phục tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng là điều chỉnh chế độ ăn uống và uống bổ sung chất bị thiếu nếu cần thiết.

3. Ăn nhiều bữa nhỏ

Tình trạng tụt huyết áp có thể xảy ra sau một bữa ăn lớn, nhất là ở người lớn tuổi. Nguyên nhân là do máu chảy đến đường tiêu hóa sau khi ăn. Lưu lượng máu đến đường tiêu hóa tăng đồng nghĩa với việc giảm lưu lượng máu ở những nơi khác trong cơ thể. Bình thường, tim sẽ đập nhanh hơn để giữ ổn định huyết áp. Tuy nhiên, đôi khi, cơ chế này không đủ để bù đắp sự thay đổi lưu lượng máu và kết quả là tụt huyết áp.

Một cách để khắc phục tình trạng tụt huyết áp sau khi ăn là ăn nhiều bữa nhỏ thay vì ba bữa lớn. Ngoài ra, hạn chế carbohydrate sẽ giúp huyết áp ổn định hơn sau khi ăn.

4. Hạn chế hoặc bỏ rượu bia

Uống rượu bia có thể gây mất nước. Đồ uống có cồn còn có thể tương tác với thuốc và gây ra tình trạng huyết áp thấp.

5. Ăn nhiều muối hơn

Thành phần chính trong muối ăn là natri. Natri làm tăng huyết áp.

Do đó, nếu bị huyết áp thấp, hãy thử tăng lượng muối trong chế độ ăn bằng cách nêm thêm nhiều muối hơn khi nấu ăn. Bằng cách này, bạn sẽ kiểm soát được lượng muối tiêu thụ. Tránh ăn thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều muối như snack, hạt tẩm vị, thịt khô,… Tiêu thụ quá nhiều natri sẽ khiến huyết áp tăng quá cao và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

6. Kiểm soát đường huyết

Bệnh tiểu đường và lượng đường trong máu cao có thể dẫn đến huyết áp thấp. Lượng đường trong máu cao gây tiểu nhiều, điều này làm giảm thể tích chất lỏng trong cơ thể và làm giảm huyết áp.

Nếu mắc bệnh tiểu đường, bạn nên cân nhắc mua máy đo đường huyết và đo thường xuyên. Dùng thuốc kết hợp ăn uống lành mạnh và tập thể dục đều đặn để kiểm soát lượng đường trong máu.

7. Điều trị suy giáp

Suy giáp là khi tuyến giáp hoạt động kém và không sản xuất đủ hormone tuyến giáp. Điều này có thể dẫn đến huyết áp thấp.

Bệnh suy giáp có thể được phát hiện qua xét nghiệm máu (xét nghiệm chức năng tuyến giáp). Nếu bị suy giáp, bạn sẽ phải dùng thuốc kết hợp điều chỉnh chế độ dinh dưỡng để tăng cường chức năng tuyến giáp.

8. Mang vớ y khoa

Vớ y khoa là một loại vớ đặc biệt có tác dụng ngăn máu ứ đọng ở chân. Điều này giúp ngăn ngừa tình trạng hạ huyết áp tư thế đứng (huyết áp giảm đột ngột khi đứng dậy sau khi ngồi hoặc nằm).

Những người phải nằm một chỗ lâu nên mang đai bó gối để thúc đẩy máu lưu thông từ chân. Tình trạng hạ huyết áp tư thế đứng xảy ra phổ biến hơn ở người lớn tuổi.

9. Dùng thuốc

Đôi khi, tình trạng huyết áp thấp cần điều trị bằng thuốc. Những loại thuốc thường được dùng để điều trị hạ huyết áp tư thế đứng:

  • fludrocortisone (làm tăng thể tích máu)
  • midodrine (thu hẹp mạch máu để làm tăng huyết áp)

Trong những trường hợp tụt huyết áp do nhiễm trùng máu, người bệnh sẽ phải dùng các loại thuốc khác để làm tăng huyết áp:

  • Thuốc chủ vận thụ thể alpha-adreno
  • Epinephrin
  • Norepinephrin
  • Phenylephrin
  • Thuốc tổng hợp tương tự vasopressin

Đôi khi dopamin cũng được sử dụng để điều trị huyết áp thấp.

10. Điều trị nhiễm trùng

Một số bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, virus và nấm nghiêm trọng có thể gây huyết áp thấp. Xét nghiệm máu sẽ giúp phát hiện các bệnh này. Việc điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Nếu là do vi khuẩn thì cần dùng thuốc kháng sinh còn nếu do virus thì cần dùng thuốc kháng virus.

Nguyên nhân gây huyết áp thấp

Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng huyết áp thấp. Một số chỉ là vấn đề tạm thời và có thể dễ dàng khắc phục nhưng huyết áp thấp cũng có thể là do các bệnh mạn tính hoặc vấn đề nguy hiểm cần phải điều trị khẩn cấp.

Một số nguyên nhân gây huyết áp thấp:

  • Bệnh Addison (suy tuyến thượng thận nguyên phát)
  • Sốc phản vệ (một dạng phản ứng dị ứng nghiêm trọng)
  • Thiếu máu
  • Mất máu
  • Nhịp tim chậm
  • Mất nước
  • Bệnh tiểu đường hoặc lượng đường trong máu cao
  • Nhồi máu cơ tim hoặc suy tim
  • Vấn đề về van tim
  • Suy giáp
  • Suy gan
  • Bệnh tuyến cận giáp
  • Mang thai
  • Sốc nhiễm trùng (hậu quả của nhiễm trùng nghiêm trọng)
  • Hạ huyết áp tư thế đứng
  • Chấn thương vùng đầu

Điều trị các vấn đề này sẽ giúp cải thiện huyết áp.

Tóm tắt bài viết

Huyết áp sẽ thay đổi trong suốt cả ngày để mọi bộ phận trong cơ thể, bao gồm não, tim và phổi, đều nhận được đủ máu và oxy. Huyết áp có thể giảm khi đột ngột đứng dậy và thường giảm trong thời gian ngủ.

Huyết áp thấp không phải vấn đề đáng lo ngại nếu chỉ thi thoảng mới xảy ra và huyết áp không giảm quá thấp. Tuy nhiên, huyết áp liên tục ở mức thấp có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Trong những trường hợp này, điều trị nguyên nhân gốc rễ sẽ có thể đưa huyết áp trở về mức bình thường.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Huyết khối tĩnh mạch cảnh: Triệu chứng và cách điều trị
Huyết khối tĩnh mạch cảnh: Triệu chứng và cách điều trị

Huyết khối tĩnh mạch cảnh là cục máu đông hình thành ở một trong các tĩnh mạch cảnh trong. Đây là một vấn đề rất hiếm gặp nhưng có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị.

Viêm tĩnh mạch huyết khối: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Viêm tĩnh mạch huyết khối: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Viêm tĩnh mạch huyết khối là tình trạng tĩnh mạch bị viêm do cục máu đông. Tình trạng này thường xảy ra ở chân. Cục máu đông hình thành do các tế bào máu kết tụ lại với nhau và gây cản trở sự lưu thông máu. Đây là một tình trạng nguy hiểm .Viêm tĩnh mạch huyết khối có thể xảy ra ở các tĩnh mạch gần bề mặt da hoặc tĩnh mạch nằm giữa các lớp cơ.

Triệu chứng và cách điều trị huyết khối tĩnh mạch não
Triệu chứng và cách điều trị huyết khối tĩnh mạch não

Huyết khối tĩnh mạch não là một vấn đề nghiêm trọng xảy ra khi cục máu đông hình thành trong tĩnh mạch ở não. Nếu không được điều trị, tình trạng này sẽ dẫn đến chảy máu não và đột quỵ.

Huyết khối (cục máu đông) trong tim: Triệu chứng, biến chứng và phương pháp điều trị
Huyết khối (cục máu đông) trong tim: Triệu chứng, biến chứng và phương pháp điều trị

Huyết khối trong tim là thuật ngữ y khoa chỉ cục máu đông trong tim. Hãy gọi cấp cứu hoặc đến bệnh viện ngay lập tức khi gặp các triệu chứng như đau ngực, khó thở hoặc ho ra máu. Huyết khối hay cục máu đông có thể hình thành ở bất cứ đâu trong cơ thể, bao gồm cả tim. Cục máu đông trong tim là một tình trạng vô cùng nguy hiểm, thậm chí có thể gây đột tử (tử vong đột ngột).

Huyết khối động mạch: Triệu chứng và phương pháp điều trị
Huyết khối động mạch: Triệu chứng và phương pháp điều trị

Huyết khối động mạch có nghĩa là cục máu đông hình thành trong động mạch. Nếu cục máu đông chặn dòng máu đến một cơ quan quan trọng như tim hoặc não, tình trạng này có thể gây tử vong.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây