Tìm hiểu về xét nghiệm cholesterol (Lipid Panel)

Cholesterol là một chất dạng sáp cần thiết cho cơ thể để sản xuất một số hormone và tạo màng ngoài của tế bào. Tuy nhiên, nếu có quá nhiều cholesterol trong máu, chúng có thể tích tụ trong mạch máu và làm tăng nguy cơ mắc phải các vấn đề:
- Bệnh tim
- Đột quỵ
- Xơ vữa động mạch (tắc nghẽn hoặc xơ cứng động mạch)
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến nghị nên bắt đầu kiểm tra cholesterol từ thời thơ ấu hoặc tuổi vị thành niên và tiếp tục xét nghiệm định kỳ ít nhất 5 năm một lần sau tuổi 20.
Xét nghiệm cholesterol đo những chỉ số gì?
Xét nghiệm cholesterol toàn phần (lipid panel hoặc lipid profile) giúp đo lượng lipid (chất béo) trong máu, bao gồm:
- Cholesterol lipoprotein tỷ trọng cao (HDL): HDL còn gọi là "cholesterol tốt" vì giúp loại bỏ LDL (cholesterol xấu) khỏi máu.
- Cholesterol lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL): LDL là "cholesterol xấu" vì nếu quá nhiều, chúng có thể tích tụ trên thành động mạch, làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ và xơ vữa động mạch.
- Triglyceride: Khi ăn, cơ thể phân hủy chất béo trong thực phẩm thành các phân tử nhỏ hơn gọi là triglyceride. Lượng triglyceride cao có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Béo phì, tiểu đường không kiểm soát, uống rượu quá mức và chế độ ăn nhiều calo có thể làm tăng mức triglyceride.
- Cholesterol lipoprotein tỷ trọng rất thấp (VLDL): Đây là một loại cholesterol có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Xét nghiệm cholesterol thường không đo trực tiếp VLDL mà tính toán gián tiếp bằng cách giả định VLDL chiếm khoảng 20% lượng triglyceride. Bác sĩ không dựa vào VLDL để quyết định phương pháp điều trị cholesterol cao.
- Tổng cholesterol: Là tổng lượng cholesterol trong máu, bao gồm LDL, HDL và VLDL. Trong xét nghiệm, chỉ số tổng cholesterol, triglyceride và HDL được đo trực tiếp còn LDL và VLDL được tính toán dựa trên các giá trị này.
Chỉ số cholesterol bình thường là bao nhiêu?
Ở Hoa Kỳ, cholesterol và triglyceride được đo bằng đơn vị mg/dL (miligrams trên decilit máu).
Kết quả xét nghiệm cholesterol
Mức cholesterol lý tưởng đối với hầu hết người trưởng thành là:
- LDL: Dưới 100 mg/dL
- HDL: 40–60 mg/dL (càng cao càng tốt)
- Tổng cholesterol: Dưới 200 mg/dL
- Triglyceride: Dưới 150 mg/dL
- VLDL: Dưới 30 mg/dL
Nếu chỉ số cholesterol nằm ngoài phạm vi bình thường, nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và xơ vữa động mạch có thể sẽ tăng lên. Bác sĩ sẽ xem xét các yếu tố khác như tiền sử gia đình, cân nặng và mức độ vận động để đánh giá nguy cơ một cách toàn diện.
Nếu kết quả xét nghiệm bất thường, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm đường huyết để kiểm tra tiểu đường hoặc xét nghiệm chức năng tuyến giáp để xem tuyến giáp có hoạt động kém không.
Kết quả xét nghiệm có thể bị sai sót không?
Trong một số trường hợp, kết quả xét nghiệm cholesterol có thể không chính xác. Ví dụ, một nghiên cứu gần đây cho thấy việc giả định VLDL chiếm 20% triglyceride có thể kém chính xác khi mức triglyceride vượt quá 400 mg/dL.
Ngoài ra, nhiều yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm, bao gồm:
- Không nhịn ăn đúng cách trước xét nghiệm
- Tác động của một số loại thuốc
- Sai sót trong quá trình lấy mẫu hoặc xét nghiệm
- Sai số do yếu tố con người
Xét nghiệm cả HDL và LDL thường cho kết quả chính xác hơn so với việc chỉ kiểm tra mỗi chỉ số LDL.
Ai cần xét nghiệm cholesterol?
Xét nghiệm cholesterol đặc biệt quan trọng đối với những người:
- Có tiền sử gia đình bị cholesterol cao hoặc bệnh tim
- Bị thừa cân hoặc béo phì
- Uống rượu thường xuyên
- Hút thuốc lá
- Ít vận động
- Mắc bệnh tiểu đường, bệnh thận, hội chứng buồng trứng đa nang hoặc suy giáp
CDC khuyến nghị hầu hết người trưởng thành nên xét nghiệm cholesterol 4–6 năm một lần. Những người có tiền sử gia đình bị cholesterol cao hoặc các yếu tố nguy cơ khác có thể cần kiểm tra thường xuyên hơn.
CDC cũng khuyến cáo trẻ em, thanh thiếu niên và người trẻ nên xét nghiệm cholesterol ít nhất một lần trong độ tuổi từ 9–11 và lần nữa từ 17–21 tuổi.
Chuẩn bị trước khi xét nghiệm cholesterol
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu bạn nhịn ăn trước khi thực hiện xét nghiệm cholesterol. Tuy nhiên, theo hướng dẫn năm 2018 được công bố trên Journal of the American College of Cardiology, xét nghiệm không cần nhịn ăn vẫn có thể giúp phát hiện chính xác mức cholesterol cao ở người từ trên 20 tuổi không dùng thuốc hạ lipid máu.
Nếu cần nhịn ăn, bạn không nên ăn hoặc uống bất cứ thứ gì ngoài nước lọc trong 9–12 giờ trước khi xét nghiệm.
Trước khi xét nghiệm, bạn cũng nên thông báo với bác sĩ về:
- Các triệu chứng hoặc vấn đề sức khỏe đang gặp phải
- Tiền sử bệnh tim trong gia đình
- Tất cả các loại thuốc và thực phẩm chức năng đang sử dụng
Nếu đang dùng thuốc có thể làm tăng cholesterol, chẳng hạn như thuốc tránh thai, bác sĩ có thể yêu cầu bạn tạm ngừng sử dụng vài ngày trước khi xét nghiệm.
Xét nghiệm cholesterol được thực hiện như thế nào?
Để kiểm tra mức cholesterol, bác sĩ sẽ cần lấy một mẫu máu của bạn. Thông thường, máu được lấy vào buổi sáng, đôi khi là sau khi đã nhịn ăn từ tối hôm trước.
Xét nghiệm máu là một thủ thuật ngoại trú, chỉ mất vài phút và hầu như không gây đau. Xét nghiệm có thể được thực hiện tại:
- Phòng xét nghiệm chẩn đoán
- Phòng khám bác sĩ
- Hiệu thuốc địa phương
- Ngay tại nhà (với bộ xét nghiệm tự làm)
Chi phí xét nghiệm cholesterol
- Phòng khám không cần đặt lịch trước: 50–100 USD
- Xét nghiệm tại hiệu thuốc: 5–25 USD
- Bộ xét nghiệm tại nhà: 15–25 USD
- Xét nghiệm cần gửi mẫu đến phòng thí nghiệm: 75–200 USD
Nếu có bảo hiểm y tế, xét nghiệm cholesterol theo chỉ định của bác sĩ thường sẽ được bảo hiểm chi trả toàn bộ hoặc một phần.
Xét nghiệm cholesterol hầu như không có rủi ro . Bạn có thể cảm thấy hơi choáng hoặc có chút đau tại vị trí lấy máu. Nguy cơ nhiễm trùng tại chỗ chích kim là rất thấp.
Xét nghiệm cholesterol tại nhà có đáng tin cậy không?
Độ chính xác của xét nghiệm cholesterol tại nhà có thể khác nhau giữa các thương hiệu và còn phụ thuộc vào cách bạn thực hiện theo hướng dẫn.
Một nghiên cứu năm 2017 cho thấy hai thiết bị xét nghiệm lipid tại chỗ cho kết quả tương đối chính xác và nằm trong tiêu chuẩn:
- HDL sai số khoảng 12% so với xét nghiệm tại phòng thí nghiệm
- Tổng cholesterol sai số khoảng 10%
- Triglyceride sai số khoảng 15%
Một nghiên cứu năm 2021 phân tích 5 loại xét nghiệm cholesterol tại nhà phổ biến và nhận thấy thiết bị Roche Accutrend Plus cho kết quả rất tốt, tuy nhiên một số sản phẩm khác lại có độ chính xác kém.
Nghiên cứu kết luận rằng các xét nghiệm cholesterol tại nhà cần được quản lý và tiêu chuẩn hóa tốt hơn.
Để có kết quả đáng tin cậy nhất, xét nghiệm tại phòng thí nghiệm vẫn là lựa chọn tốt nhất, đặc biệt là nếu có các yếu tố nguy cơ gây cholesterol cao.
Thay đổi lối sống và điều trị
Cholesterol cao có thể được kiểm soát bằng cách thay đổi lối sống và sử dụng thuốc. Giảm LDL (cholesterol xấu) có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và các vấn đề liên quan khác.
Cách giảm cholesterol xấu:
- Bỏ hút thuốc: Nếu bạn hút thuốc, hãy cân nhắc bỏ thuốc, có thể nhờ bác sĩ hỗ trợ lập kế hoạch cai thuốc phù hợp.
- Ăn uống cân bằng:
- Ưu tiên thực phẩm tươi, ít chế biến
- Ăn nhiều rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, sữa ít béo và protein nạc
- Bổ sung chất xơ hòa tan
- Hạn chế thực phẩm giàu chất béo bão hòa như bơ, kem, thịt mỡ, dầu cọ
- Tránh chất béo chuyển hóa: Chất béo chuyển hóa nhân tạo rất có hại cho tim mạch. Hãy đọc kỹ nhãn thực phẩm và tránh các sản phẩm chứa dầu hydro hóa một phần.
- Tập thể dục thường xuyên: Nên đặt mục tiêu đạt 150 phút hoạt động thể chất cường độ trung bình mỗi tuần (~ 22 phút/ngày)
- Duy trì cân nặng hợp lý: Thừa cân là một trong những yếu tố nguy cơ lớn gây cholesterol cao. Bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để xác định mức cân nặng phù hợp với mình
- Hạn chế uống rượu: Uống nhiều rượu sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, cholesterol cao, bệnh gan và ung thư
- Chế độ ăn TLC (Therapeutic Lifestyle Changes): Bác sĩ có thể đề xuất áp dụng chế độ ăn TLC, cụ thể:
- Dưới 7% tổng calo hàng ngày từ chất béo bão hòa
- Dưới 200 mg cholesterol từ thực phẩm mỗi ngày
Ngoài ra, có một số thực phẩm có thể giúp hệ tiêu hóa hạn chế hấp thu cholesterol, bao gồm:
- Ngũ cốc nguyên hạt: yến mạch, lúa mạch
- Trái cây: táo, lê, chuối, cam
- Rau củ: cà tím, đậu bắp
- Đậu và các loại hạt: đậu đỏ, đậu gà, đậu lăng
Nếu thay đổi lối sống chưa giúp làm giảm đáng kể cholesterol, bác sĩ có thể kê đơn thuốc statin hoặc các loại thuốc khác để hạ LDL.
Kết luận
Xét nghiệm cholesterol giúp đánh giá nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Người trưởng thành khỏe mạnh nên kiểm tra cholesterol ít nhất 5 năm một lần. Nếu có tiền sử gia đình hoặc nguy cơ cao, bạn nên xét nghiệm thường xuyên hơn.
Nếu xác định cholesterol cao, bác sĩ sẽ giúp bạn lên kế hoạch điều trị phù hợp. Phương pháp điều trị thường bao gồm thay đổi chế độ ăn uống, tăng cường vận động, bỏ thuốc lá và dùng thuốc nếu cần thiết.

Cholesterol di chuyển trong máu dưới hai dạng: LDL (lipoprotein tỷ trọng thấp) – hay còn gọi là cholesterol xấu và HDL (lipoprotein tỷ trọng cao) – còn gọi là cholesterol tốt. Khi LDL dư thừa, chúng có thể tạo thành mảng bám trên thành mạch máu, làm hẹp lòng mạch, cản trở máu đến các cơ quan quan trọng như tim.

Xét nghiệm lipoprotein tỷ trọng cao (HDL) là một trong những xét nghiệm được sử dụng để kiểm tra mức cholesterol trong cơ thể. Những người có nguy cơ thấp mắc bệnh tim mạch nên kiểm tra 4–6 năm một lần, còn những người có nguy cơ cao cần được xét nghiệm thường xuyên hơn.

Nếu bạn chưa sử dụng thuốc hạ cholesterol (như statin) hoặc các loại thuốc điều trị cholesterol khác thì thông thường không bắt buộc phải nhịn ăn trước khi xét nghiệm mỡ máu (xét nghiệm cholesterol).

Nếu thay đổi lối sống chưa đủ hiệu quả để giảm cholesterol về mức an toàn, nhiều người có thể phải dùng thuốc như statin hoặc niacin. Việc lựa chọn loại thuốc sẽ phụ thuộc vào mức cholesterol hiện tại và phương pháp điều trị đã thử, kết quả thường có thể thấy được sau 2–4 tuần.

Nếu có mức LDL - hay còn gọi là cholesterol “xấu” - cao, bạn sẽ có nguy cơ bị đau tim và đột quỵ. Có hai phương pháp chính để hạ mức LDL là thay đổi lối sống và sử dụng thuốc.