1

Thuốc ức chế PCSK9 có tác dụng như thế nào?

Thuốc ức chế PCSK9 là nhóm thuốc điều trị cholesterol cao bằng cách can thiệp vào hoạt động của gen PCSK9, giúp làm giảm lượng LDL trong máu. Có hai loại thuốc ức chế PCSK9 được sử dụng phổ biến là Evolocumab (tên thương mại: Repatha) và Alirocumab (tên thương mại: Praluent).
Hình ảnh 51 Thuốc ức chế PCSK9 có tác dụng như thế nào?

Thuốc ức chế PCSK9 là gì?

Lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL), còn gọi là “cholesterol xấu”, nếu ở mức cao trong máu sẽ là yếu tố chính góp phần gây bệnh tim mạch. Cơ thể điều hòa lượng cholesterol LDL nhờ các thụ thể LDL – loại protein giúp gan nhận và loại bỏ LDL khỏi máu.

Mỗi người đều có một gen tên là PCSK9 (proprotein convertase subtilisin/kexin type 9), ảnh hưởng trực tiếp đến số lượng thụ thể LDL. Một số đột biến của gen này có thể làm giảm số lượng thụ thể LDL, từ đó khiến cholesterol tăng cao và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.

Thuốc ức chế PCSK9 là nhóm thuốc điều trị cholesterol cao bằng cách can thiệp vào hoạt động của gen PCSK9, giúp làm giảm lượng LDL trong máu.

Dưới đây là thông tin chi tiết về gen PCSK9, cơ chế hoạt động của các thuốc ức chế PCSK9 và đánh giá liệu thuốc có phù hợp hay không nếu bạn đang lo ngại về mức cholesterol LDL.

Các loại thuốc ức chế PCSK9 và cơ chế tác động

Thuốc ức chế PCSK9 có tác dụng ức chế enzym PCSK9 được tạo ra bởi gen này. Dưới đây là một số loại thuốc phổ biến và hiệu quả được ghi nhận qua nghiên cứu:

Evolocumab (Repatha)

Evolocumab (tên thương mại: Repatha) được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt năm 2015.

Evolocumab là một loại kháng thể đơn dòng - loại protein được tạo ra trong phòng thí nghiệm để gắn vào và ức chế hoạt động của PCSK9. Nhờ đó, PCSK9 không còn gây cản trở đến các thụ thể LDL, cho phép nhiều thụ thể LDL hơn hoạt động hiệu quả, từ đó làm giảm lượng cholesterol xấu trong máu.

Một thử nghiệm lâm sàng năm 2015 cho thấy những người dùng evolocumab trong 1 năm giảm được khoảng 60% LDL so với nhóm không dùng thuốc. Trong năm tiếp theo, chưa đến 1% người dùng evolocumab gặp biến cố tim mạch, trong khi tỷ lệ ở nhóm không dùng thuốc là hơn 2%.

Alirocumab (Praluent)

Alirocumab (tên thương mại: Praluent) là một thuốc ức chế PCSK9 khác cũng được FDA phê duyệt vào tháng 7 năm 2015.

Tương tự evolocumab, alirocumab cũng là một kháng thể đơn dòng, hoạt động bằng cách gắn vào PCSK9 và ngăn enzym này làm giảm số lượng thụ thể LDL. Nhờ đó, gan có thể hấp thu LDL hiệu quả hơn, giúp giảm lượng cholesterol trong máu.

Trong một thử nghiệm lâm sàng năm 2015, alirocumab cho thấy hiệu quả rõ rệt: chỉ 1,7% người tham gia gặp biến cố tim mạch trong suốt 78 tuần theo dõi.

Tác dụng phụ

Tác dụng phụ ghi nhận trong các thử nghiệm lâm sàng có sự khác biệt nhỏ giữa evolocumab và alirocumab. Hiện các tác dụng phụ dài hạn và nguy cơ lâu dài của nhóm thuốc này vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu.

Evolocumab (Repatha)

69% người tham gia thử nghiệm cho biết có gặp phải tác dụng phụ, bao gồm:

  • Sưng hoặc nổi mẩn tại chỗ tiêm
  • Đau chân tay
  • Mệt mỏi
  • Dưới 1% trường hợp gặp phải các vấn đề:
  • Lú lẫn
  • Khó tập trung
  • Một số vấn đề thần kinh nhận thức khác

Alirocumab (Praluent)

81% người dùng alirocumab ghi nhận có tác dụng phụ như:

  • Phản ứng tại chỗ tiêm
  • Đau cơ
  • Hơn 1% người dùng ghi nhận gặp vấn đề thần kinh như:
  • Suy giảm trí nhớ
  • Lú lẫn

So sánh giữa thuốc ức chế PCSK9 và statin

Cả thuốc ức chế PCSK9 và statin đều được sử dụng để giảm cholesterol LDL, đặc biệt khi thay đổi lối sống hoặc chỉ dùng statin không mang lại hiệu quả như mong muốn.

Một bài đánh giá nghiên cứu năm 2017 đăng trên World Journal of Cardiology cho thấy, thuốc ức chế PCSK9 có thể giúp giảm thêm 50% hoặc hơn lượng LDL cholesterol trong máu so với khi chỉ dùng statin.

Thuốc ức chế PCSK9 được sử dụng dưới dạng tiêm, tác động trực tiếp đến hoạt động của gen PCSK9. Trong khi đó, statin là thuốc dạng viên uống, tác động bằng cách:

  • Ức chế enzym HMG-CoA reductase - enzym gan sử dụng để tạo cholesterol
  • Giúp cơ thể tái hấp thu lượng cholesterol đã tích tụ trong thành động mạch

Statin hiện có nhiều loại biệt dược và generic với giá cả phải chăng. Ngược lại, thuốc ức chế PCSK9 phải tiêm định kỳ 2–4 tuần/lần tại cơ sở y tế và chi phí cao hơn do chưa có phiên bản generic.

Hầu hết mọi người có thể dùng statin, nhưng một số người gặp tác dụng phụ như rối loạn tiêu hoá hoặc đau cơ nên không dung nạp được thuốc. Trong trường hợp đó, thuốc ức chế PCSK9 là một lựa chọn thay thế an toàn hơn cho người có cholesterol LDL cao và nguy cơ tim mạch cao nhưng không thể dùng statin.

Bạn nên trao đổi với bác sĩ để hiểu rõ về hiệu quả lâu dài của statin cũng như tác động của chúng lên sức khỏe tim mạch. Hiện vẫn chưa có đủ nghiên cứu kết luận chắc chắn về ảnh hưởng lâu dài của thuốc ức chế PCSK9 đến nguy cơ gây ra biến cố tim mạch.

Ai nên dùng thuốc ức chế PCSK9?

Thuốc ức chế PCSK9 thường không phải là lựa chọn điều trị đầu tiên để giảm LDL cholesterol. Thường thì thuốc này được dùng kết hợp với các phương pháp khác như statin, hoặc được kê khi các thuốc khác không hiệu quả.

Bác sĩ có thể kê thuốc ức chế PCSK9 nếu bạn đã dùng ít nhất hai loại thuốc điều trị giảm LDL nhưng mức cholesterol vẫn cao, thông thường bao gồm statin hoặc nhựa gắn acid mật (bile acid resins).

Bạn cũng có thể được chỉ định dùng thuốc ức chế PCSK9 nếu mắc chứng tăng cholesterol máu có tính gia đình (familial hypercholesterolemia) - một rối loạn di truyền khiến cholesterol tăng cao và cần điều trị bằng thuốc.

Kết luận

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) ước tính có khoảng 93 triệu người trưởng thành tại Mỹ bị tăng cholesterol LDL. Statin hiện là phương pháp điều trị ưu tiên nếu thay đổi lối sống (như ăn uống và tập luyện) không đủ hiệu quả để kiểm soát cholesterol.

Thuốc ức chế PCSK9 là phương pháp điều trị bằng hình thức tiêm, có thể là lựa chọn an toàn cho người không dung nạp statin hoặc mắc các rối loạn di truyền làm tăng nguy cơ cholesterol cao. Tuy nhiên, vẫn cần thêm nghiên cứu để xác định hiệu quả của thuốc trong việc làm giảm LDL thông qua cơ chế can thiệp vào quá trình di truyền liên quan đến thụ thể LDL.

Bạn nên trao đổi với bác sĩ để xem mình có phù hợp để sử dụng thuốc ức chế PCSK9 không và cần lưu ý điều gì trong quá trình điều trị lâu dài.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
6 cách giúp làm giảm cholesterol mà không cần dùng thuốc
6 cách giúp làm giảm cholesterol mà không cần dùng thuốc

Nếu tình trạng cholesterol cao chỉ ở mức nhẹ hoặc trung bình, bạn có thể áp dụng các biện pháp tại nhà, chưa cần dùng đến thuốc để kiểm soát và hạ cholesterol hiệu quả.

Có nên dùng CoQ10 cùng với thuốc statin hay không?
Có nên dùng CoQ10 cùng với thuốc statin hay không?

Hiện vẫn chưa có kết luận rõ ràng từ các nghiên cứu về việc bổ sung CoQ10 có thực sự giúp cải thiện sức khỏe tim mạch hoặc giảm đau cơ do thuốc statin gây ra hay không. Bác sĩ có thể đánh giá chính xác xem liệu bạn có nên dùng đồng thời CoQ10 và statin hay không.

Giảm cholesterol cao: Tác dụng của chương trình thay đổi lối sống TLC
Giảm cholesterol cao: Tác dụng của chương trình thay đổi lối sống TLC

Có lẽ bạn đã được bác sĩ thông báo cần kiểm soát mức cholesterol. Nhưng liệu bạn có nhầm lẫn về những thức ăn tốt nên ăn và những món không nên ăn? Bạn có tự hỏi xem liệu mình đã vận động đủ chưa và liệu đã ở mức cân nặng phù hợp hay chưa.

Statin: Các lợi ích và tác dụng phụ
Statin: Các lợi ích và tác dụng phụ

Statin là một nhóm thuốc được dùng để điều chỉnh mức cholesterol và điều trị một số vấn đề sức khỏe khác.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây