Thuốc tiêu sợi huyết được sử dụng khi nào?

Đông máu là một cơ chế sinh lý giúp bảo vệ cơ thể khỏi bị mất máu quá nhiều khi bị thương. Nhưng đôi khi, cục máu đông hình thành trong các mạch máu dù không bị thương và dẫn đến các vấn đề nguy hiểm như nhồi máu cơ tim hoặc suy thận.
Thuốc tiêu sợi huyết được sử dụng để phá vỡ hoặc ngăn ngừa cục máu đông.
Thuốc tiêu sợi huyết là gì?
Thuốc tiêu sợi huyết là những loại thuốc có tác dụng làm tan cục máu đông. Thuốc tiêu sợi huyết còn được dùng để ngăn ngừa sự hình thành cục máu đông ở những người có nguy cơ cao.
Thuốc tiêu sợi huyết có thể được đưa vào cơ thể thông qua hai con đường:
- Tiêm truyền qua tĩnh mạch ở cánh tay hoặc một bộ phận khác trên cơ thể
- Đưa trực tiếp vào cục máu đông hoặc gần cục máu đông qua ống thông
Khi nào cần dùng thuốc tiêu sợi huyết?
Thuốc tiêu sợi huyết thường được sử dụng trong những tình huống khẩn cấp. Ví dụ, trong những trường hợp nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ, bác sĩ dùng thuốc tiêu sợi huyết để nhanh chóng khôi phục sự lưu thông máu và oxy đến tim hoặc não. Thuốc tiêu sợi huyết cũng là phương pháp điều trị khẩn cấp cho tình trạng thuyên tắc phổi cấp tính.
Trong những trường hợp mà thuốc chống đông máu không có hiệu quả phòng ngừa hoặc thu nhỏ cục máu đông, bác sĩ có thể sẽ kê thuốc tiêu sợi huyết. Thuốc tiêu sợi huyết còn được dùng để điều trị cục máu đông và từ đó phòng ngừa biến chứng do một số bệnh lý như:
- Huyết khối tĩnh mạch sâu
- Xơ vữa động mạch
- Bệnh động mạch ngoại biên
- Huyết khối trong tim
- Huyết khối trong ống thông
Các hình thức sử dụng thuốc tiêu sợi huyết
Có hai hình thức sử dụng thuốc tiêu sợi huyết là tiêu sợi huyết toàn thân và tiêu sợi huyết trực tiếp qua ống thông. Việc lựa chọn hình thức sử dụng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:
- Vấn đề cần điều trị
- Tuổi tác của người bệnh
- Tình trạng sức khỏe tổng thể
- Nguy cơ biến chứng, ví dụ như chảy máu trong nghiêm trọng
Tiêu sợi huyết toàn thân
Tiêu sợi huyết toàn thân có nghĩa là thuốc tiêu sợi huyết được truyền qua tĩnh mạch ở cánh tay. Thuốc sẽ theo máu đi khắp cơ thể và làm tan cục máu đông.
Liệu pháp tiêu sợi huyết toàn thân thường được sử dụng trong trường hợp khẩn cấp, chẳng hạn như đột quỵ, nhồi máu cơ tim hoặc thuyên tắc phổi.
Tiêu sợi huyết trực tiếp qua ống thông
Tiêu sợi huyết trực tiếp qua ống thông là một thủ thuật ít xâm lấn, thường được sử dụng để điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu và bệnh động mạch ngoại biên.
Trong thủ thuật này, một ống rỗng hẹp gọi là ống thông được đưa vào mạch máu của người bệnh qua một đường rạch nhỏ.
Ống thông có camera nhỏ ở đầu. Bác sĩ sẽ dựa trên hình ảnh X-quang để dẫn ống thông đến vị trí có cục máu đông. Khi ống thông đến đúng vị trí, thuốc tiêu sợi huyết được đưa qua ống thông vào cục máu đông.
Đôi khi, cục máu đông được phá vỡ hoặc hút ra ngoài bằng dụng cụ ở đầu ống thông. Thủ thuật này gọi là lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học.
Nếu không thể lấy huyết khối, ống thông sẽ được để nguyên trong mạch máu và liên tục truyền thuốc tiêu sợi huyết cho đến khi cục máu đông tan. Quá trình này có thể kéo dài từ vài giờ đến vài ngày.
Các loại thuốc tiêu sợi huyết
Thuốc tiêu sợi huyết chứa các emzyme thuộc nhóm serine protease. Thuốc tiêu sợi huyết còn được gọi là thuốc tiêu fibrin.
Thuốc tiêu sợi huyết làm tan cục máu đông bằng cách tách và phá hủy các protein (fibrin) kết dính tiểu cầu.
Có nhiều loại thuốc tiêu sợi huyết. Hiệu quả và tác dụng phụ của mỗi loại là khác nhau.
Một số loại thuốc tiêu sợi huyết được dùng phổ biến là:
- alteplase
- anistreplase
- reteplase
- Streptokinase
- tenecteplase
- urokinase
Tác dụng phụ của thuốc tiêu sợi huyết
Thuốc tiêu sợi huyết có thể gây chảy máu trong, bao gồm chảy máu não. Những loại thuốc này còn có thể gây tổn thương thận. Những người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ gặp phải tác dụng phụ này cao hơn.
Các rủi ro và tác dụng phụ khác của thuốc tiêu sợi huyết còn có:
- Phản ứng dị ứng
- Đại tiện hoặc tiểu tiện ra máu
- Chảy máu mũi
- Bầm tím tại vị trí đặt ống thông hoặc kim truyền
- Huyết áp thấp
- Cục máu đông di chuyển đến vị trí khác trongcơ thể
- Phù mạch
- Rối koạn nhịp thất (một loại rối loạn nhịp tim)
Những ai không nên dùng thuốc tiêu sợi huyết?
Những người có nguy cơ chảy máu nhiều không nên dùng thuốc tiêu sợi huyết. Phụ nữ đang mang thai và người lớn tuổi cũng có nguy cơ gặp tác dụng phụ cao hơn khi dùng thuốc tiêu sợi huyết.
Ngoài ra, không dùng thuốc tiêu sợi huyết cho những người:
- mắc bệnh thận nặng
- tiền sử xuất huyết não hoặc chấn thương sọ não
- mới phẫu thuật não hoặc cột sống gần đây
Thuốc tiêu sợi huyết và thuốc chống đông máu
Không giống như thuốc tiêu sợi huyết, thuốc chống đông máu hay thuốc làm loãng máu không có tác dụng làm tan cục máu đông. Những loại thuốc ngăn hình thành cục máu đông và ngăn cục máu đông hiện có phát triển to thêm.
Hiệu quả của thuốc tiêu sợi huyết
Thuốc tiêu sợi huyết là một phương pháp loại bỏ cục máu đông hiệu quả nhưng cục máu đông mới có thể hình thành sau khi dùng thuốc tiêu sợi huyết.
Người bệnh thường sẽ phải tái khám định kỳ sau điều trị để xem có cục máu đông mới hay không và có thể cần tiếp tục sử dụng thuốc tiêu sợi huyết đường uống hoặc thuốc chống đông máu để giảm nguy cơ hình thành cục máu đông.
Hãy đi khám ngay khi nhận thấy các triệu chứng cục máu đông sau đây:
- Đau ngực dữ dội
- Hụt hơi
- Ho ra máu
- Da đỏ, tái nhợt hoặc xanh tím, có cảm giác nóng, chuột rút, đau hoặc sưng ở cánh tay hoặc chân
Tóm tắt bài viết
Thuốc tiêu sợi huyết là những loại thuốc có tác dụng làm tan cục máu đông. Những loại thuốc này thường được dùng để ngăn ngừa hoặc điều trị nhồi máu cơ tim, đột quỵ hoặc thuyên tắc phổi.
Rủi ro lớn nhất khi dùng thuốc tiêu sợi huyết là chảy máu và cục máu đông di chuyển đến một vị trí khác trong cơ thể. Thuốc tiêu sợi huyết không phù hợp với những người có nguy cơ chảy máu cao và người có tiền sử bệnh thận.

Giải đáp một số thắc mắc thường gặp về suy thận mạn cũng như mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường, cao huyết áp và suy thận mạn.

Nước cam, thực phẩm bổ sung kali và đồ uống chứa caffein có thể ảnh hưởng đến một số loại thuốc chẹn beta. Bác sĩ sẽ tư vấn những thực phẩm an toàn tùy theo loại thuốc và tình trạng sức khỏe của bạn.

Có một số loại thuốc có thể giúp làm giảm mức triglyceride trong máu nhưng cần kết hợp với các biện pháp thay đổi lối sống, chẳng hạn như duy trì chế độ ăn uống cân bằng và đầy đủ dinh dưỡng để phát huy hiệu quả của những thuốc này.

Nếu tình trạng cholesterol cao chỉ ở mức nhẹ hoặc trung bình, bạn có thể áp dụng các biện pháp tại nhà, chưa cần dùng đến thuốc để kiểm soát và hạ cholesterol hiệu quả.

Thuốc ức chế PCSK9 là nhóm thuốc điều trị cholesterol cao bằng cách can thiệp vào hoạt động của gen PCSK9, giúp làm giảm lượng LDL trong máu. Có hai loại thuốc ức chế PCSK9 được sử dụng phổ biến là Evolocumab (tên thương mại: Repatha) và Alirocumab (tên thương mại: Praluent).