Statin: lợi ích, rủi ro và tác dụng phụ

Statin là nhóm thuốc có hiệu quả cao trong việc hạ cholesterol và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Tuy nhiên, statin cũng có thể gây ra tác dụng phụ, như tổn thương gan hoặc vấn đề về trí nhớ. Bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ để cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro trước khi quyết định sử dụng.
Hình ảnh 71 Statin: lợi ích, rủi ro và tác dụng phụ

Statin là một nhóm thuốc có tác dụng giảm nồng độ LDL (cholesterol "xấu") trong máu – loại cholesterol có thể làm tắc nghẽn động mạch. Việc giảm LDL sẽ giúp làm giảm nguy cơ bị nhồi máu cơ tim và đột quỵ, đặc biệt ở những người có yếu tố nguy cơ khác.

Bác sĩ có thể chỉ định dùng statin nếu bạn bị tăng cholesterol mà không thể kiểm soát bằng chế độ ăn, tập thể dục hoặc giảm cân. Ngoài ra, nếu bạn đã từng bị nhồi máu cơ tim hoặc mắc các bệnh do tắc nghẽn động mạch, bác sĩ cũng có thể kê đơn statin.

Theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), thuốc hạ cholesterol là một trong những nhóm thuốc được kê đơn phổ biến nhất ở Mỹ. Khoảng 92 triệu người Mỹ trưởng thành đang dùng statin, gần gấp ba lần so với một thập kỷ trước.

Statin giúp cải thiện cholesterol như thế nào?

Cholesterol là một loại steroid dạng sáp, béo, có nguồn gốc từ thực phẩm và được cơ thể tự sản xuất, chủ yếu ở gan.

Cholesterol di chuyển trong máu, trong đó LDL có thể tạo thành mảng bám – những khối chất béo dày, cứng bám vào thành động mạch, gây tắc nghẽn lưu thông máu. Khi mảng bám vỡ ra, chúng có thể hình thành cục máu đông, dẫn đến đột quỵ hoặc các biến chứng nghiêm trọng khác.

Statin hoạt động bằng cách ức chế một loại enzym trong gan – enzym cần thiết để sản xuất LDL cholesterol. Bên cạnh đó, statin cũng làm tăng nhẹ HDL (cholesterol “tốt”), giúp vận chuyển LDL ra khỏi động mạch và trở lại gan để xử lý.

Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyến nghị sử dụng thuốc hạ cholesterol như statin cho các đối tượng sau:

  • Người có tiền sử bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch (mảng bám tích tụ trong thành mạch máu)
  • Người có LDL cao (trên 190 mg/dL)
  • Người từ 40 đến 75 tuổi mắc bệnh tiểu đường
  • Người từ 40 đến 75 tuổi có mức LDL từ 70 đến 189 mg/dL và có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch trong vòng 10 năm tới.

Tác dụng phụ của statin

Cũng như các loại thuốc khác, statin có thể gây ra tác dụng phụ. Mức độ và loại tác dụng phụ có thể khác nhau tuỳ loại statin bạn đang dùng.

Thông thường, các tác dụng phụ sẽ giảm dần theo thời gian hoặc có thể cải thiện khi chuyển sang một loại statin khác.

Dưới đây là một số tác dụng phụ đáng lưu ý của statin:

1. Ảnh hưởng đến cơ

Tác dụng phụ phổ biến nhất của statin là gây ra triệu chứng liên quan đến cơ, thường là đau cơ và đôi khi là yếu cơ.

Các triệu chứng này thường phụ thuộc vào liều dùng – càng dùng liều cao, nguy cơ càng tăng. Vì vậy, giảm liều statin thường sẽ làm giảm hoặc hết triệu chứng.

Bạn sẽ có nguy cơ cao bị đau cơ do statin tại một số thời điểm, bao gồm:

  • Khi mới bắt đầu dùng statin
  • Khi tăng liều statin
  • Khi dùng kèm thuốc khác có tương tác với statin

Tiêu cơ vân (rhabdomyolysis) là tình trạng nghiêm trọng khi tế bào cơ bị tổn thương nghiêm trọng, tuy nhiên rất hiếm gặp, chỉ xảy ra ở dưới 0,1% trường hợp.

Nguy cơ sẽ cao hơn nếu bạn dùng statin kèm các thuốc có nguy cơ tương tự, khoảng 50% các ca tiêu cơ vân liên quan đến statin là do tương tác thuốc.

2. Ảnh hưởng đến gan

Statin có thể làm tăng enzym gan - những enzym giúp tiêu hoá. Đây là hiện tượng tạm thời, ít khi có triệu chứng và thường tự hết.

Tuy nhiên, theo một bài đánh giá năm 2022, mặc dù rất hiếm gặp nhưng tổn thương gan nghiêm trọng vẫn có thể xảy ra, chỉ gặp ở khoảng 19 trên 100.000 người dùng statin.

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) từng khuyến nghị xét nghiệm men gan định kỳ khi dùng statin, tuy nhiên hiện nay yêu cầu này không còn nữa vì tổn thương gan nặng rất hiếm và xét nghiệm thường không giúp ngăn ngừa hay điều trị sớm. Thay vào đó, bác sĩ thường sẽ kiểm tra men gan trước khi bắt đầu dùng statin.

3. Ảnh hưởng đến đường huyết

Statin có thể làm tăng đường huyết và tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

Một nghiên cứu năm 2019 cho thấy statin làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2 lên 38%. Tuy nhiên, theo một đánh giá năm 2023, đa số người bị tiểu đường khi dùng statin đã có sẵn yếu tố nguy cơ từ trước.

Ngoài ra, nghiên cứu năm 2021 cũng chỉ ra rằng statin có thể làm bệnh tiểu đường tiến triển nhanh hơn ở người đã mắc bệnh, bao gồm:

  • Tăng nguy cơ phải dùng insulin
  • Tăng đường huyết rõ rệt
  • Tăng biến chứng liên quan đến tăng đường huyết

4. Tác dụng phụ ảnh hưởng đến thần kinh

Một số người lo ngại statin có thể ảnh hưởng đến trí nhớ. Trên thực tế, FDA yêu cầu ghi rõ trên nhãn thuốc về khả năng gây mất trí nhớ hoặc lú lẫn của statin.

Tuy nhiên, theo tuyên bố khoa học năm 2018 của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), chưa có bằng chứng rõ ràng cho thấy statin có thể gây suy giảm nhận thức.

5. Những điều cần lưu ý khác

Không dùng statin nếu bạn đang mang thai, cho con bú, hoặc có bệnh gan đang tiến triển

Tránh dùng một số loại thuốc có tương tác với statin – hãy tham khảo ý kiến bác sĩ

Không ăn bưởi hoặc uống nước ép bưởi khi dùng statin. Bưởi ức chế enzym chuyển hoá statin, dẫn đến nồng độ thuốc trong máu tăng cao, làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ nghiêm trọng.

Statin có lợi hay có hại?

Theo một tuyên bố khoa học năm 2018 của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), lợi ích của statin "vượt trội đáng kể" so với rủi ro đối với những người được khuyến nghị sử dụng thuốc. Nhận định này được đưa ra dựa trên tổng hợp từ nhiều thử nghiệm lâm sàng, các bài đánh giá nghiên cứu và nghiên cứu quan sát.

Lực lượng Đặc nhiệm Dịch vụ Phòng ngừa Hoa Kỳ (USPSTF) cũng đồng tình rằng statin mang lại nhiều lợi ích hơn rủi ro cho các nhóm người được khuyến nghị sử dụng.

Statin có phù hợp hay không sẽ phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe và yếu tố nguy cơ của từng người.

Hãy trao đổi với bác sĩ về mức cholesterol và nguy cơ mắc bệnh tim mạch để biết liệu statin có phù hợp với tình trạng của bạn hay không.

Câu hỏi thường gặp

Tác dụng phụ phổ biến nhất của statin là gì?

Tùy thuộc vào loại statin, bạn có thể gặp các tác dụng phụ khác nhau. Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS), một số tác dụng phụ phổ biến bao gồm:

  • Đau cơ
  • Mệt mỏi hoặc yếu người
  • Chóng mặt
  • Đau đầu
  • Triệu chứng tiêu hoá như buồn nôn, tiêu chảy hoặc táo bón

Theo một bài đánh giá nghiên cứu năm 2019, đau cơ là lý do hàng đầu khiến người bệnh ngừng dùng statin.

Có nên uống statin không?

Với những người bị cholesterol cao hoặc có bệnh tim mạch, statin giúp giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Nhìn chung, lợi ích của statin lớn hơn rủi ro ở nhóm đối tượng này.

Bác sĩ có thể giúp bạn đánh giá cụ thể hơn để biết statin có phù hợp với bạn không.

Có thể tự ý ngưng dùng statin không?

Không nên tự ý ngưng dùng statin vì cholesterol sẽ tăng trở lại, kéo theo nguy cơ tái phát các biến cố tim mạch nghiêm trọng hoặc tử vong.

Theo Viện Tim, Phổi và Máu Quốc gia Hoa Kỳ, việc ngừng thuốc đột ngột sẽ làm tăng nguy cơ đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim.

Nếu bạn cảm thấy khó chịu do tác dụng phụ của statin, hãy trao đổi với bác sĩ. Bác sĩ có thể chuyển sang một loại statin khác phù hợp hơn hoặc điều chỉnh liều thuốc để giúp giảm tác dụng phụ mà vẫn đảm bảo hiệu quả kiểm soát cholesterol.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Uống rượu khi đang dùng statin có an toàn không?
Uống rượu khi đang dùng statin có an toàn không?

Statin là nhóm thuốc được sử dụng phổ biến nhất để làm giảm cholesterol. Tuy nhiên, việc uống rượu có thể làm trầm trọng thêm một số tác dụng phụ ở những người mắc các bệnh lý nhất định, đặc biệt là các vấn đề về gan.

Ngưng sử dụng statin sao cho an toàn?
Ngưng sử dụng statin sao cho an toàn?

Nếu bạn đang dùng statin và muốn ngừng sử dụng, hãy hỏi ý kiến và làm theo hướng dẫn của bác sĩ. Một số người có thể ngừng thuốc một cách an toàn nhưng điều này có thể đặc biệt nguy hiểm đối với những người khác.

Giảm cholesterol cao: Tác dụng của chương trình thay đổi lối sống TLC
Giảm cholesterol cao: Tác dụng của chương trình thay đổi lối sống TLC

Có lẽ bạn đã được bác sĩ thông báo cần kiểm soát mức cholesterol. Nhưng liệu bạn có nhầm lẫn về những thức ăn tốt nên ăn và những món không nên ăn? Bạn có tự hỏi xem liệu mình đã vận động đủ chưa và liệu đã ở mức cân nặng phù hợp hay chưa.

Nhiều người cao tuổi vẫn dùng aspirin hàng ngày để phòng bệnh tim mạch dù tiềm ẩn những rủi ro
Nhiều người cao tuổi vẫn dùng aspirin hàng ngày để phòng bệnh tim mạch dù tiềm ẩn những rủi ro

Nhiều người vẫn chưa nắm rõ các thay đổi trong hướng dẫn về việc sử dụng aspirin để dự phòng ban đầu bệnh tim mạch. Vì thế mà aspirin vẫn tiếp tục được sử dụng rộng rãi, đặc biệt đối với những người từ 60 tuổi trở lên, họ thường uống lượng nhỏ aspirin mỗi ngày. Việc dùng aspirin không phù hợp có thể làm tăng nguy cơ chảy máu quá nhiều và thiếu máu.

Đặt stent động mạch cảnh có tác dụng gì? Cần thực hiện khi nào?
Đặt stent động mạch cảnh có tác dụng gì? Cần thực hiện khi nào?

Đặt stent động mạch cảnh là một trong hai thủ thuật được sử dụng để điều trị hẹp động mạch cảnh. Thủ thuật này là một lựa chọn ít xâm lấn hơn và thời gian phục hồi nhanh hơn. Tuy nhiên, đặt stent động mạch cảnh vẫn có những rủi ro nhất định.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây