Ngưng sử dụng statin sao cho an toàn?

Statin rất hiệu quả trong việc phòng ngừa các vấn đề về tim mạch như đau tim và đột quỵ. Theo một đánh giá nghiên cứu năm 2016, statin có thể làm giảm nguy cơ mắc các vấn đề liên quan đến cholesterol và tim mạch tới 50%.
Tuy nhiên, đánh giá này cũng cho biết rằng việc ngừng sử dụng các loại thuốc hiệu quả này có thể khiến nguy cơ gặp các vấn đề sức khỏe đó tăng gấp đôi.
Bài viết này sẽ cho biết cách ngừng dùng statin sao cho an toàn cũng như những lựa chọn thay thế khả thi nếu bạn đang cân nhắc việc dừng thuốc.
Statin là gì?
Statin là nhóm thuốc kê đơn có tác dụng làm giảm nồng độ cholesterol trong máu. Một số loại statin phổ biến bao gồm atorvastatin (tên biệt dược: Lipitor), rosuvastatin (Crestor), và simvastatin (Zocor).
Statin hoạt động theo hai cơ chế: thứ nhất, chúng ức chế quá trình sản xuất cholesterol trong cơ thể; thứ hai, chúng giúp cơ thể tái hấp thu lượng cholesterol đã hình thành mảng bám trên thành động mạch. Nhờ đó, nguy cơ tắc nghẽn mạch máu và đau tim được giảm đáng kể.
Statin thường rất hiệu quả trong việc hạ cholesterol nhưng thuốc chỉ phát huy tác dụng khi được duy trì đều đặn. Do đó, hầu hết những người bắt đầu dùng statin sẽ phải sử dụng suốt đời.
Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi ngừng thuốc
Một số người có thể ngừng dùng statin mà vẫn an toàn nhưng điều này lại có thể rất nguy hiểm đối với những người khác.
Ví dụ, nếu bạn từng bị đau tim hoặc đột quỵ, việc ngừng statin là điều không được khuyến nghị do có nguy cơ cao tái phát các biến cố tim mạch nếu ngưng thuốc.
Tuy nhiên, nếu bạn chưa từng có tiền sử đau tim hay đột quỵ và đang cân nhắc dừng statin, việc đầu tiên bạn nên làm là trao đổi với bác sĩ. Bác sĩ sẽ đánh giá các yếu tố nguy cơ và xác định xem liệu việc ngừng statin có an toàn cho bạn hay không.
Nếu cho rằng bạn có thể ngừng statin một cách an toàn, bác sĩ sẽ đề xuất một kế hoạch phù hợp với tình trạng sức khỏe của bạn. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể khuyên bạn thử các lựa chọn sau trước khi ngừng hẳn thuốc:
- chuyển sang loại thuốc hạ cholesterol khác
- áp dụng chế độ ăn và luyện tập tốt cho tim mạch
- giảm liều statin và kết hợp với các thuốc hỗ trợ hạ cholesterol khác
- tiếp tục dùng statin nhưng bổ sung thêm thuốc giúp giảm tác dụng phụ, chẳng hạn như CoQ10
Cân nhắc chuyển sang thuốc khác
Trước khi ngừng statin, bác sĩ có thể khuyên bạn đổi sang một loại thuốc hạ cholesterol khác. Việc thay đổi thuốc có thể giúp giảm bớt các tác dụng phụ.
Một số thuốc hạ cholesterol khác bao gồm:
- Ezetimibe (Zetia)
- Fibrat, chẳng hạn như fenofibrate (Fenoglide, Tricor, Triglide), giúp giảm LDL và tăng HDL
- Niacin dạng viên nén giải phóng chậm (Niacor, Niaspan), có thể làm giảm LDL, tăng HDL và giảm triglyceride
- Chất ức chế PCSK9, giúp giảm đáng kể LDL cholesterol
- Axit bempedoic, làm giảm LDL cholesterol mà không gây đau cơ
Áp dụng chế độ ăn uống và tập luyện
Bác sĩ có thể khuyến nghị bạn thay đổi lối sống trước khi ngừng statin hoặc áp dụng thay đổi lối sống thay cho thuốc. Cụ thể, bạn có thể cần bắt đầu một chương trình tập luyện hoặc điều chỉnh chế độ ăn cân bằng.
Ví dụ, các hướng dẫn từ Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) và nhiều tổ chức có chuyên môn khác khuyến khích áp dụng chế độ ăn Địa Trung Hải hoặc chế độ ăn thuần chay (vegan).
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng những thay đổi này thường không đem lại hiệu quả nhanh chóng hoặc mạnh mẽ như statin trong việc hạ cholesterol. Mặc dù chế độ ăn lành mạnh và luyện tập đều đặn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe tổng thể nhưng có thể không đủ để thay thế hoàn toàn tác dụng hạ cholesterol của statin.
Bạn cần phối hợp với bác sĩ để theo dõi chặt chẽ chỉ số cholesterol và đảm bảo các thay đổi này có hiệu quả như mong đợi.
Giảm liều statin và bổ sung thuốc khác
Thay vì ngừng hoàn toàn việc dùng statin, bác sĩ có thể đề xuất giảm liều thuốc. Việc dùng liều thấp hơn có thể giúp giảm tác dụng phụ mà vẫn đủ để kiểm soát mức cholesterol.
Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể đề xuất kết hợp việc giảm liều statin với bổ sung thêm thuốc hoặc thực phẩm chức năng khác. Cách này có thể giải quyết các vấn đề liên quan đến tác dụng phụ mà bạn đang gặp phải.
Các thuốc hỗ trợ hạ cholesterol khác
Một số loại thuốc bác sĩ có thể thêm vào phác đồ điều trị khi bạn giảm liều statin bao gồm:
- Ezetimibe
- Nhóm thuốc gắn axit mật (bile acid sequestrants)
- Niacin
Những loại thuốc này có thể giúp kiểm soát cholesterol trong khi bạn dùng liều statin thấp hơn.
Thực phẩm chức năng L-carnitine
L-carnitine cũng là một lựa chọn bổ sung, đặc biệt đối với người bị tiểu đường. Đây là một dẫn xuất của axit amin do cơ thể tự tổng hợp.
Một số nghiên cứu cho thấy L-carnitine có thể giúp cải thiện chỉ số cholesterol ở người có yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim mạch và ngăn ngừa tình trạng tăng đường huyết ở người thừa cân, béo phì hoặc mắc tiểu đường.
Thực phẩm chức năng CoQ10
Một lựa chọn khác là bổ sung CoQ10 – một enzyme mà cơ thể sản sinh tự nhiên – khi bạn giảm liều statin.
Một báo cáo ca bệnh năm 2016 cho biết một người đàn ông đã ngừng dùng statin vì gặp tác dụng phụ. Khi mức mảng bám trong mạch máu của ông bắt đầu tăng lên, ông quay lại dùng statin liều thấp cách ngày, kết hợp với CoQ10 hàng ngày. Kết quả, mức mảng bám đã giảm xuống mức an toàn theo phác đồ này.
Tuy nhiên, trước khi dùng CoQ10, bạn nên trao đổi với bác sĩ để đảm bảo đây là lựa chọn an toàn cho tình trạng của mình.
Bổ sung CoQ10 khi vẫn duy trì dùng statin
Nếu bạn chủ yếu lo ngại về tác dụng phụ khi dùng statin, bác sĩ có thể khuyên bạn tiếp tục duy trì liều statin hiện tại nhưng bổ sung thêm CoQ10.
Một số nghiên cứu cho thấy việc bổ sung CoQ10 có thể giúp giảm tác dụng phụ, có thể do statin làm giảm lượng CoQ10 trong cơ thể – nguyên nhân gây ra các vấn đề về cơ bắp.
Bổ sung CoQ10 có thể giúp giảm nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ này. Tuy nhiên, các dữ liệu gần đây lại cho thấy kết quả chưa thống nhất về hiệu quả thật sự của CoQ10 trong việc giảm tình trạng đau nhức cơ (myopathy).
Nguyên nhân khiến một số người muốn ngừng dùng statin
Không phải ai cũng cần ngừng sử dụng statin. Nhiều người có thể dùng statin suốt nhiều thập kỷ mà không gặp tác dụng phụ hay vấn đề gì. Với những người này, statin là phương pháp điều trị và phòng ngừa rối loạn mỡ máu rất hiệu quả.
Tuy nhiên, một số người muốn ngừng dùng statin vì nhiều lý do khác nhau. Dưới đây là những lý do phổ biến nhất:
Tác dụng phụ từ mức độ nhẹ đến nghiêm trọng
Statin có thể gây ra một số tác dụng phụ. Nhiều tác dụng phụ ở mức nhẹ, chẳng hạn như đau và chuột rút cơ. Nhưng cũng có trường hợp gặp tác dụng phụ rất nghiêm trọng như tổn thương gan, tiêu cơ, hoặc suy thận.
Tác dụng phụ nhẹ có thể kiểm soát được nhưng những tác dụng phụ từ mức trung bình đến nặng có thể gây nguy hiểm.
Nếu nguy cơ hoặc tổn hại do tác dụng phụ của statin lớn hơn lợi ích mà thuốc mang lại, bạn có thể cần ngừng dùng thuốc.
Chi phí điều trị
Hiện nay có nhiều loại statin khác nhau và hầu hết được bảo hiểm y tế chi trả. Tuy nhiên, nếu bạn không đủ khả năng chi trả để tiếp tục điều trị theo đơn thuốc, hãy trao đổi với bác sĩ. Bác sĩ có thể giúp bạn xây dựng một kế hoạch điều trị thay thế phù hợp.
Giảm nhu cầu sử dụng thuốc
Nếu có thể giảm cholesterol nhờ thay đổi chế độ ăn, luyện tập hoặc giảm cân, bạn có thể không còn cần dùng statin hoặc các thuốc điều trị mỡ máu khác nữa. Giảm cholesterol bằng phương pháp tự nhiên sẽ giúp giảm nguy cơ đau tim, đột quỵ hoặc tắc nghẽn mạch máu – đồng thời bạn có thể bớt được một loại thuốc phải dùng lâu dài.
Tuy nhiên, đừng ngừng dùng statin chỉ vì cho rằng bản thân đã áp dụng được lối sống lành mạnh giúp cải thiện tình trạng cholesterol.
Chỉ có xét nghiệm máu mới xác định chính xác mức cholesterol có đang ở mức an toàn hay không. Bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm này và cho bạn biết liệu có thể ngừng dùng statin hay chưa.
Kết luận
Nếu bạn muốn ngừng dùng statin vì bất kỳ lý do nào, hãy trao đổi với bác sĩ trước khi đưa ra quyết định.
Nếu đánh giá việc thay đổi cách sử dụng statin là an toàn, bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể về các biện pháp như giảm liều, bổ sung thực phẩm chức năng hoặc ngừng thuốc tùy theo tình trạng sức khỏe.
Điều quan trọng nhất là bạn phải kiểm soát tốt mức cholesterol.
Tự ý ngừng thuốc không chỉ không mang lại hiệu quả mà thậm chí còn gây ra nguy cơ về sức khỏe nghiêm trọng. Hãy phối hợp cùng bác sĩ để xây dựng một kế hoạch điều trị phù hợp, vừa kiểm soát mỡ máu hiệu quả, vừa đảm bảo an toàn cho sức khỏe tổng thể.

Hiện vẫn chưa có kết luận rõ ràng từ các nghiên cứu về việc bổ sung CoQ10 có thực sự giúp cải thiện sức khỏe tim mạch hoặc giảm đau cơ do thuốc statin gây ra hay không. Bác sĩ có thể đánh giá chính xác xem liệu bạn có nên dùng đồng thời CoQ10 và statin hay không.

Statin là nhóm thuốc có hiệu quả cao trong việc hạ cholesterol và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Tuy nhiên, statin cũng có thể gây ra tác dụng phụ, như tổn thương gan hoặc vấn đề về trí nhớ. Bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ để cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro trước khi quyết định sử dụng.

Có lẽ bạn đã được bác sĩ thông báo cần kiểm soát mức cholesterol. Nhưng liệu bạn có nhầm lẫn về những thức ăn tốt nên ăn và những món không nên ăn? Bạn có tự hỏi xem liệu mình đã vận động đủ chưa và liệu đã ở mức cân nặng phù hợp hay chưa.

Nhiều người vẫn chưa nắm rõ các thay đổi trong hướng dẫn về việc sử dụng aspirin để dự phòng ban đầu bệnh tim mạch. Vì thế mà aspirin vẫn tiếp tục được sử dụng rộng rãi, đặc biệt đối với những người từ 60 tuổi trở lên, họ thường uống lượng nhỏ aspirin mỗi ngày. Việc dùng aspirin không phù hợp có thể làm tăng nguy cơ chảy máu quá nhiều và thiếu máu.

Đặt stent động mạch cảnh là một trong hai thủ thuật được sử dụng để điều trị hẹp động mạch cảnh. Thủ thuật này là một lựa chọn ít xâm lấn hơn và thời gian phục hồi nhanh hơn. Tuy nhiên, đặt stent động mạch cảnh vẫn có những rủi ro nhất định.