Cholesterol và glucose có mối liên hệ như thế nào?
Nếu đang sống chung với bệnh tiểu đường và có mức đường huyết cao, bạn cũng có thể bị tăng cholesterol.
Bài viết này sẽ phân tích mối liên hệ giữa chuyển hóa glucose và cholesterol, liệu bệnh tiểu đường và đường huyết cao có tác động đến cholesterol hay không và mức cholesterol ảnh hưởng như thế nào đến việc kiểm soát bệnh tiểu đường.
Cholesterol và chuyển hoá glucose là gì?
Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (American Heart Association), cholesterol là một chất dạng sáp có trong máu, đóng vai trò thiết yếu trong việc xây dựng tế bào và sản xuất vitamin cần thiết cho cơ thể hoạt động.
Cholesterol có thể đến từ hai nguồn: do gan sản xuất và được hấp thu từ thực phẩm. Hầu hết các sản phẩm có nguồn gốc động vật như thịt gia cầm, thịt đỏ, trứng và các sản phẩm từ sữa đều chứa cholesterol từ thực phẩm. Tuy nhiên, nếu tiêu thụ quá mức, cholesterol có thể gây hại cho sức khỏe.
3 thành phần chính của cholesterol
Khi xét nghiệm cholesterol, bác sĩ sẽ đo 3 thành phần sau:
- Lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL): được gọi là cholesterol “xấu”. Khi mức LDL quá cao, nó có thể gây hẹp hoặc tắc nghẽn động mạch, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim.
- Lipoprotein tỷ trọng cao (HDL): được gọi là cholesterol “tốt”. Nếu HDL thấp, đặc biệt khi đi kèm với LDL cao, nguy cơ mắc bệnh tim mạch và các vấn đề sức khỏe khác sẽ tăng lên.
- Triglyceride: là chất béo có nguồn gốc từ thực phẩm, được dự trữ trực tiếp trong các tế bào mỡ. Dù không phải là cholesterol nhưng triglyceride vẫn được đo cùng với LDL và HDL để đánh giá tổng thể tình trạng sức khỏe tim mạch. Mức triglyceride cao cũng là dấu hiệu cảnh báo xơ vữa động mạch — tình trạng tích tụ chất béo trong thành mạch máu làm tăng nguy cơ bệnh tim và đột quỵ.
Chuyển hoá glucose là gì?
Chuyển hoá glucose là quá trình sinh hóa liên quan đến việc phân giải và chuyển đổi glucose cũng như carbohydrate trong cơ thể người.
Carbohydrate là dưỡng chất thiết yếu và đóng vai trò trung tâm trong các con đường chuyển hoá để duy trì sự sống. Ở người mắc bệnh tiểu đường, cơ thể không thể chuyển hoá glucose một cách đầy đủ (trong bệnh tiểu đường tuýp 1) hoặc chuyển hoá không hiệu quả (trong tiền tiểu đường, tiểu đường thai kỳ hoặc tuýp 2).
Cholesterol và chuyển hoá glucose có mối liên hệ như thế nào?
Mức cholesterol và quá trình chuyển hoá glucose có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Khi đường huyết tăng cao (trong bất kỳ loại tiểu đường nào), nguy cơ rối loạn mỡ máu do tiểu đường cũng tăng lên.
Rối loạn mỡ máu do tiểu đường (diabetic dyslipidemia) là tình trạng người mắc tiểu đường đồng thời cũng có nồng độ triglyceride cao, HDL thấp và LDL cao. Khoảng 70% người mắc tiểu đường tuýp 2 gặp phải tình trạng này.
Ở chiều ngược lại, mức cholesterol cao cũng làm tăng nguy cơ tiền tiểu đường và tiểu đường tuýp 2. Nồng độ triglyceride cao và HDL thấp không chỉ là hậu quả của đường huyết cao mà còn là nguyên nhân góp phần gây ra tình trạng này.
Ngoài ra, khi người mắc tiểu đường dùng statin để hạ cholesterol, việc kiểm soát đường huyết có thể trở nên khó khăn hơn.
Mức đường huyết cao ảnh hưởng đến cholesterol như thế nào?
Đường huyết cao hoặc chuyển hoá glucose bị rối loạn sẽ làm tăng cholesterol.
Một nguyên nhân là do người mắc tiểu đường thường có các phân tử LDL nhỏ và đặc hơn so với người không mắc bệnh.
Những phân tử này dễ xâm nhập vào thành mạch máu, tạo mảng bám, gây tắc nghẽn động mạch và làm tăng cholesterol. Điều này làm tăng nguy cơ bị bệnh tim và đột quỵ do người mắc tiểu đường vốn đã có nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch cao hơn.
Béo phì cũng có liên quan đến cholesterol.
Dù không phải tất cả trường hợp bị tiểu đường tuýp 2 đều do béo phì gây ra nhưng nghiên cứu năm 2016 cho thấy có đến 85% người mắc tiểu đường tuýp 2 bị thừa cân hoặc béo phì. Thừa cân làm tăng nguy cơ rối loạn lipid máu và ngược lại, rối loạn lipid máu cũng làm tăng nguy cơ tiểu đường type 2.
Ngoài ra, người mắc tiểu đường type 1 cũng có nguy cơ cao bị tăng cholesterol.
Làm thế nào để giảm cholesterol và đường huyết?
Có nhiều cách giúp hạ mức cholesterol và đường huyết hiệu quả.
Tăng cường vận động thể chất
Tập thể dục dù chỉ từ 10 đến 30 phút mỗi ngày cũng có thể giúp giảm cholesterol “xấu” (LDL) và tăng cholesterol “tốt” (HDL). Vận động còn giúp giảm lượng đường trong máu. Nghiên cứu năm 2015 cho thấy việc tăng HDL mang lại lợi ích đáng kể trong việc giảm đường huyết ở người mắc tiểu đường type 2.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến nghị nên vận động thể chất mức độ vừa phải ít nhất 150 phút mỗi tuần, nghĩa là khoảng 30 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần.
Ngay cả khi không thể tập đủ như mức khuyến nghị, duy trì cân nặng hợp lý cũng sẽ giúp hạn chế tình trạng cholesterol cao và phòng ngừa tiền tiểu đường hoặc tiểu đường type 2. Theo Tổ chức Hành động vì Béo phì, chỉ cần giảm 5–10% cân nặng cũng có thể giúp mức cholesterol giảm đáng kể.
Thay đổi thói quen ăn uống
Một số thay đổi trong chế độ ăn có thể giúp hạ cholesterol:
- Hạn chế thực phẩm giàu chất béo bão hòa như phô mai, thịt nhiều mỡ, lòng đỏ trứng và các sản phẩm sữa nguyên kem. Ví dụ: hãy chọn sữa ít béo thay vì sữa nguyên kem. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyến cáo nên giới hạn chất béo bão hòa dưới 5–6% tổng lượng calo tiêu thụ mỗi ngày.
- Tăng cường chất béo lành mạnh từ các nguồn như hạt, cá, dầu ô liu nguyên chất.
- Ăn nhiều rau củ quả, các loại đậu và ngũ cốc nguyên hạt.
- Đậu nành edamame là một thực phẩm giàu isoflavone, có thể giúp hạ cholesterol.
- Lycopene trong cà chua là một dưỡng chất khác có khả năng ức chế cholesterol.
Chế độ ăn nhiều rau quả cũng giúp kiểm soát tiểu đường dễ dàng hơn và giảm đường huyết.
Tập thể dục kết hợp ăn uống lành mạnh sẽ hỗ trợ giảm cân, từ đó giảm nguy cơ mắc tiền tiểu đường, tiểu đường type 2 và rối loạn lipid máu.
Nếu bạn hút thuốc, hãy cân nhắc bỏ thuốc
Bỏ thuốc lá giúp làm giảm mức cholesterol. Hút thuốc là một yếu tố nguy cơ lớn làm tăng cholesterol và khiến việc kiểm soát tiểu đường trở nên khó khăn hơn.
Thuốc hạ cholesterol
Nếu thay đổi lối sống không đủ để kiểm soát cholesterol, bạn có thể cần dùng các loại thuốc như:
- Statin: Nhóm thuốc được ưu tiên dùng để hạ cholesterol ở người mắc tiểu đường type 1 và type 2.
- Thuốc ức chế hấp thu cholesterol: Dành cho người không thể dùng statin, giúp làm giảm tổng lượng cholesterol và LDL. Thuốc thường được dùng kết hợp với việc thay đổi lối sống như chế độ ăn và tập thể dục.
- Thuốc gắn acid mật (bile acid sequestrants): Ngăn không cho acid mật hấp thu vào máu, khi đó gan sẽ cần cholesterol trong máu để tạo acid mật mới, giúp giảm cholesterol.
- Axit fibric: Hiệu quả đặc biệt với triglyceride cao.
- Axit béo omega-3: Được chứng minh là có thể giảm cholesterol hiệu quả.
Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để chọn phương pháp phù hợp nếu đang bị cholesterol cao.
Nếu bạn có đường huyết cao và việc thay đổi lối sống vẫn chưa đủ hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định dùng các thuốc điều trị tiểu đường như:
- Metformin
- Insulin
- SGLT2 inhibitors
- GLP-1 inhibitors
Kết luận
Cholesterol và quá trình chuyển hóa đường huyết có mối liên hệ mật thiết và ảnh hưởng lẫn nhau. Cả hai đều đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát bệnh tiểu đường. Khi một trong hai chỉ số – đường huyết hoặc cholesterol – tăng cao, chỉ số còn lại cũng sẽ bị tác động tiêu cực.
Nếu đồng thời bị mắc cả tiểu đường và cholesterol cao, bạn cần phải điều trị cả hai tình trạng này để giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và các biến chứng khác khi tuổi tác tăng lên.

Không chỉ người lớn mới bị ảnh hưởng bởi cholesterol cao. Trẻ em cũng có thể có mức cholesterol cao, có thể gây ra các vấn đề về sức khoẻ, đặc biệt là các vấn đề về bệnh tim, khi trẻ lớn hơn.
Khi bạn có quá nhiều cholesterol, nó sẽ tích tụ trong các động mạch của bạn. Sự tích tụ này làm cho động mạch xơ cứng lại - một quá trình được gọi là xơ vữa động mạch.