Lupus và mức cholesterol có mối liên hệ như thế nào?

Lupus thường không được xem là một bệnh lý liên quan đến tim mạch. Tình trạng rối loạn tự miễn này chủ yếu được biết đến với các triệu chứng như mệt mỏi, đau khớp và phát ban đặc trưng.
Tuy nhiên, người mắc lupus sẽ có nguy cơ cao bị tăng huyết áp, tăng cholesterol máu và các biến chứng liên quan đến hai tình trạng này. Trên thực tế, mối liên hệ giữa lupus và cholesterol là một vấn đề đáng lo ngại và kiểm soát cholesterol được xem là một phần quan trọng trong điều trị lupus.
Lupus ảnh hưởng đến cholesterol như thế nào?
Lupus là bệnh tự miễn, xảy ra khi hệ miễn dịch tấn công nhầm các mô, xương và cơ quan của chính cơ thể. Bệnh có thể ảnh hưởng toàn thân, bao gồm da, tế bào máu, khớp, não và tim.
Khi lupus ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch, nó có thể làm tăng huyết áp và cholesterol máu, từ đó tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
Người mắc lupus không chỉ có nguy cơ cao bị tăng cholesterol mà còn dễ gặp biến chứng của tình trạng này hơn người không mắc lupus.
Nguyên nhân là do tình trạng viêm mạn tính. Viêm kéo dài gây tổn thương thành mạch máu, dẫn đến mảng bám tích tụ nhanh hơn, làm hẹp mạch và cản trở lưu thông máu. Điều này làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch nghiêm trọng.
Viêm còn ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa chất béo, làm chậm trao đổi chất và khiến cơ thể tích trữ chất béo nhiều hơn. Điều này làm tăng cholesterol, đặc biệt là cholesterol xấu (LDL).
Một số thuốc điều trị lupus, đặc biệt là corticosteroid liều cao, cũng được biết là có thể làm tăng cholesterol máu. Ngoài ra, tình trạng mệt mỏi kéo dài do lupus khiến người bệnh thường ít vận động, trong khi thiếu vận động thể chất là lại yếu tố làm tăng cholesterol toàn phần, tăng LDL và giảm HDL (cholesterol tốt).
Tăng cholesterol có phải là triệu chứng của lupus?
Lupus gây ra nhiều triệu chứng khác nhau ở mỗi người và các triệu chứng có thể thay đổi theo từng đợt bùng phát. Các triệu chứng thường gặp bao gồm:
- Phát ban hình “cánh bướm” ở má
- Phát ban ngoài da
- Sốt
- Mệt mỏi
- Đau khớp
- Tổn thương da nặng hơn khi tiếp xúc với ánh nắng
- Khô mắt
- Đau ngực
- Khó thở
- Nhức đầu
- Mất trí nhớ, lú lẫn
- Ngón tay/ngón chân đổi màu xanh hoặc trắng khi bị lạnh hoặc căng thẳng
Tuy nhiên, lupus cũng ảnh hưởng đến tim và hệ tim mạch, dẫn đến các triệu chứng ít được chú ý hơn, chẳng hạn như tăng cholesterol, cùng với:
- Tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành
- Rối loạn nhịp tim
- Huyết khối
- Viêm nội tâm mạc
- Viêm màng ngoài tim
- Viêm cơ tim
- Tăng huyết áp
- Viêm mạch máu
- Thiếu máu
- Dễ chảy máu và bầm tím (giảm tiểu cầu)
- Giảm khả năng chống nhiễm trùng (giảm bạch cầu)
Nếu bạn hoặc người thân mắc lupus, việc theo dõi mức cholesterol máu là vô cùng quan trọng nhằm phòng ngừa các biến chứng tim mạch nguy hiểm.
Người mắc lupus có thể dùng statin để điều trị cholesterol không?
Statin là nhóm thuốc được ưu tiên sử dụng để điều trị tăng cholesterol và các bệnh tim mạch. Thuốc thường được kê đơn cho người mắc lupus khi có cholesterol cao hoặc có nguy cơ cao bị tăng cholesterol.
Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây cho thấy hướng tiếp cận này có thể không hoàn toàn phù hợp. Một nghiên cứu vào năm 2019 cho thấy bản thân statin không hiệu quả khi dùng trong điều trị cholesterol ở người mắc lupus. Nguyên nhân chủ yếu là do cơ chế gây tăng cholesterol ở người lupus khác với người không mắc lupus.
Tuy vậy, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng statin vẫn có thể kết hợp với các biện pháp điều trị khác để giúp hạ cholesterol.
Hiện nay, nhiều người mắc lupus vẫn đang sử dụng statin như một phần trong kế hoạch điều trị toàn diện. Bác sĩ cũng sẽ khuyến nghị các phương pháp hỗ trợ khác như thay đổi lối sống. Khi dùng statin, người bệnh cần được xét nghiệm cholesterol định kỳ để theo dõi hiệu quả điều trị và điều chỉnh kịp thời.
Làm thế nào để giảm cholesterol nếu bị mắc lupus?
Người mắc lupus vẫn có thể chủ động cải thiện chỉ số cholesterol qua các biện pháp thay đổi lối sống. Những biện pháp này có thể giúp tăng cholesterol tốt (HDL) và giảm cholesterol xấu (LDL).
Bác sĩ cũng có thể đề nghị giảm liều corticosteroid hoặc thay thế bằng thuốc chống viêm khác để giảm tác động làm tăng cholesterol.
Các biện pháp thường được khuyến nghị gồm:
- Tập thể dục đều đặn: Nên chọn các hoạt động nhẹ nhàng cho khớp như bơi lội, đạp xe, yoga.
- Ăn thực phẩm ít chất béo: Hạn chế chất béo giúp kiểm soát cả cholesterol lẫn tình trạng viêm.
- Ăn theo chế độ tốt cho tim mạch: Chế độ ăn kiểu Địa Trung Hải giúp tăng cường sức khỏe tim mạch, giảm viêm và cải thiện sức khỏe tổng thể.
- Bỏ thuốc lá: Hút thuốc gây hại cho tim mạch; do đó, bỏ thuốc lá sẽ giúp giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ và các biến chứng khác.
- Duy trì cân nặng hợp lý: Giảm cân nếu thừa cân sẽ giúp giảm mỡ cơ thể và tổng lượng cholesterol.
- Giảm tiêu thụ rượu bia: Uống ít rượu sẽ có lợi cho tim và gan.
Kết luận
Người mắc lupus sẽ có nguy cơ cao bị tăng cholesterol và các biến chứng liên quan. Viêm mạn tính do lupus gây ra có thể làm chậm quá trình trao đổi chất và làm tổn thương mạch máu, dẫn đến tích tụ cholesterol và mảng bám trong động mạch. Ngoài ra, thuốc điều trị lupus và các tác dụng phụ do thuốc gây ra như mệt mỏi cũng góp phần làm tăng cholesterol.
Dù statin là thuốc thường được dùng để điều trị tăng cholesterol nhưng nghiên cứu gần đây cho thấy đây có thể không phải lựa chọn hiệu quả nhất với người lupus nếu chỉ dùng mỗi statin. Tuy nhiên, statin vẫn được sử dụng kết hợp với thay đổi lối sống và các phương pháp điều trị khác để kiểm soát cholesterol ở người mắc lupus.

Sự tích tụ cholesterol trong động mạch có thể kích hoạt tình trạng viêm. Ngược lại, viêm cũng ảnh hưởng đến cơ chế phân giải các chất béo như cholesterol của cơ thể. Mối liên hệ này có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Không chỉ người lớn mới bị ảnh hưởng bởi cholesterol cao. Trẻ em cũng có thể có mức cholesterol cao, có thể gây ra các vấn đề về sức khoẻ, đặc biệt là các vấn đề về bệnh tim, khi trẻ lớn hơn.
Khi bạn có quá nhiều cholesterol, nó sẽ tích tụ trong các động mạch của bạn. Sự tích tụ này làm cho động mạch xơ cứng lại - một quá trình được gọi là xơ vữa động mạch.