Mối liên hệ giữa viêm và cholesterol là gì?

Cholesterol cao không phải là tình trạng hiếm gặp. Các chuyên gia ước tính có khoảng 2 trong 5 người trưởng thành ở Hoa Kỳ có cholesterol toàn phần trong máu tăng cao.
Cholesterol là một chất béo do cơ thể tạo ra, cơ thể cần một lượng cholesterol nhất định để tái tạo tế bào, sản xuất hormone và tạo vitamin D.
Tuy nhiên, quá nhiều cholesterol có thể gây hại. Nó có thể tích tụ thành các mảng bám trong thành động mạch, khiến lòng mạch hẹp lại và cản trở lưu thông máu, làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.
Viêm là phản ứng của cơ thể trước những yếu tố mà cơ thể cho là có hại. Viêm cũng có thể làm thay đổi cấu trúc động mạch, khiến cholesterol dễ gây tổn thương hơn.
Một số nghiên cứu còn cho rằng viêm góp phần gây nguy cơ bị bệnh tim mạch lớn hơn cholesterol. Dưới đây là thông tin về mối liên hệ giữa viêm và cholesterol.
Cholesterol có ảnh hưởng đến viêm không?
Cholesterol có nhiều ảnh hưởng khác nhau đến tình trạng viêm.
Cholesterol tồn tại trong tất cả tế bào của cơ thể. Khi lượng cholesterol trong máu tăng cao, nhiều cholesterol hơn sẽ đi vào trong tế bào.
Một nghiên cứu năm 2015 cho thấy việc cholesterol xâm nhập vào tế bào có thể khiến hệ miễn dịch tiết ra nhiều protein gây viêm hơn.
Ngoài ra, khi mảng bám tích tụ trong động mạch, cơ thể sẽ phản ứng bằng cách kích hoạt quá trình viêm, gây tổn thương nhiều hơn và góp phần làm tiến triển bệnh tim.
Viêm có ảnh hưởng đến mức cholesterol không?
Tình trạng viêm trong cơ thể có thể gây ra nhiều thay đổi đối với mức cholesterol.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng viêm có thể làm giảm mức HDL cholesterol (cholesterol “tốt”). HDL có vai trò giảm lượng cholesterol dư thừa trong máu, từ đó hỗ trợ bảo vệ tim mạch. Khi HDL thấp, cholesterol dư thừa dễ hình thành mảng bám hơn, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
Viêm cũng khiến LDL cholesterol (cholesterol “xấu”) trở nên đậm đặc hơn, dễ tích tụ và tạo thành mảng bám.
Ngoài ra, viêm còn làm tăng nồng độ triglyceride – một loại chất béo khác trong máu. Triglyceride cao cũng là yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch.
Trước đây, người ta thường tập trung vào việc hạ cholesterol để làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim nhưng hiện nay, kiểm soát viêm có thể được xem là còn quan trọng hơn.
Bệnh tự miễn và cholesterol cao
Bệnh tự miễn là nhóm bệnh xảy ra khi hệ miễn dịch hoạt động bất thường, gây phản ứng viêm kéo dài và không hết, dẫn đến tổn thương mô và cơ quan.
Viêm trong các bệnh tự miễn như lupus thường là viêm hệ thống, tức là ảnh hưởng đến nhiều hệ cơ quan khác nhau, bao gồm cả cơ quan chuyển hóa và hệ tuần hoàn. Điều này khiến mảng bám cholesterol dễ hình thành hơn trong động mạch.
Do đó, người mắc bệnh tự miễn sẽ có nguy cơ bị bệnh tim mạch cao hơn.
Một nghiên cứu năm 2019 cũng cho thấy mức HDL thấp có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tự miễn.
Làm thế nào để giảm cholesterol và viêm?
Các chuyên gia thường khuyến nghị áp dụng chế độ ăn Địa Trung Hải cho những người mắc hoặc có nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Đây là chế độ ăn giàu chất chống oxy hóa, chất béo lành mạnh và chất xơ, có thể giúp giảm viêm trong cơ thể và giảm mức LDL (cholesterol xấu).
Chế độ ăn Địa Trung Hải bao gồm:
- Nhiều loại trái cây và rau củ
- Các loại đậu (đậu xanh, đậu đỏ...) và đậu lăng
- Ngũ cốc nguyên hạt
- Chất béo lành mạnh từ dầu ô liu, quả bơ, cá, các loại hạt và hạt giống
- Ăn vừa phải các loại thịt gia cầm, trứng và sản phẩm từ sữa
Ngoài ra, thuốc men cũng đóng vai trò quan trọng trong phòng ngừa và điều trị bệnh tim mạch, đặc biệt với những người có tiền sử cá nhân hoặc tiền sử gia đình bị cholesterol cao hoặc bệnh tim.
Kiểm soát hoặc phòng ngừa bệnh tim mạch cũng đòi hỏi phải quản lý các yếu tố nguy cơ khác, bao gồm:
- Kiểm soát đường huyết nếu bị mắc tiểu đường hoặc tiền tiểu đường
- Theo dõi và kiểm soát huyết áp
- Duy trì hoạt động thể chất nếu có thể
- Ngủ đủ giấc
- Giảm căng thẳng
- Dùng thuốc hoặc các biện pháp khác để kiểm soát các bệnh viêm mạn tính
Câu hỏi thường gặp
Cholesterol có phải là một yếu tố góp phần gây phản ứng viêm không?
Cholesterol không trực tiếp tham gia vào phản ứng viêm. Mặc dù hệ miễn dịch tiết ra các protein gây viêm nhưng cholesterol được sản xuất bởi gan, không phải bởi hệ miễn dịch.
Tuy nhiên, mức cholesterol cao có thể kích hoạt phản ứng miễn dịch, từ đó làm tăng tình trạng viêm trong cơ thể.
Cholesterol cao có gây đau khớp và viêm không?
Mặc dù nghe có vẻ không liên quan đến nhau nhưng cholesterol cao có thể ảnh hưởng đến tình trạng đau khớp. Đau khớp thường là do viêm gây ra, mà viêm lại có liên quan đến cholesterol cao.
Một nghiên cứu năm 2021 về đau đầu gối ở người lớn tuổi bị thoái hóa khớp cho thấy những người có cholesterol cao thường bị đau đầu gối nhiều hơn.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là cholesterol gây ra đau khớp mà hai yếu tố này chỉ là có mối liên hệ với nhau.
Cholesterol cao có gây sưng không?
Cholesterol cao không trực tiếp gây ra tình trạng sưng. Tuy nhiên, trong phản ứng viêm, cơ thể sẽ tăng lưu lượng máu và chất lỏng đến vùng bị ảnh hưởng. Các chất lỏng này tích tụ trong mô, gây ra tình trạng sưng.
Ngoài ra, cholesterol cao cũng có thể góp phần gây ra các vấn đề khác, như hình thành cục máu đông, và đây là yếu tố có thể gây sưng.
Kết luận
Cả viêm và cholesterol đều là yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tim mạch. Nhiều nghiên cứu cho thấy viêm có thể là yếu tố chính góp phần gây bệnh tim mạch.
Cholesterol cao có thể dẫn đến sự hình thành mảng bám trong động mạch, quá trình này dễ xảy ra hơn khi có tình trạng viêm.
Vì vậy, việc phòng ngừa và kiểm soát bệnh tim mạch không chỉ dừng lại ở việc kiểm soát mức cholesterol mà còn phải quản lý tình trạng viêm và các yếu tố nguy cơ khác đi kèm.

Giải đáp một số thắc mắc thường gặp về suy thận mạn cũng như mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường, cao huyết áp và suy thận mạn.

Rung nhĩ làm tăng nguy cơ đột quỵ. Những người bị rung nhĩ có thể cần dùng thuốc làm loãng máu để giảm nguy cơ.

Bạn có thể gặp tình trạng khó thở nếu mắc các vấn đề về van tim. Điều này là do các van tim đóng vai trò quan trọng trong việc giúp máu di chuyển qua bốn buồng tim và ra khắp cơ thể.

Lupus là một trong nhiều bệnh lý có thể gây ra hội chứng Raynaud thứ phát – một tình trạng làm giảm lưu lượng máu đến ngón tay và ngón chân do mạch máu bị co thắt.

Mất nước có thể gây mất cân bằng điện giải, dẫn đến đánh trống ngực. Ngoài ra, tình trạng này còn buộc tim phải làm việc nhiều hơn, làm tăng nhịp tim và tăng nguy cơ bị đánh trống ngực.